S. Alexievich
Đó chính là tự do. Bà mang cảm tưởng mình là một người tự do. Không dễ gì hiểu được cái cảm giác ấy, chỉ những người đã từng tham dự vào một cuộc chiến tranh mới có thể thực sự hiểu cảm giác đó là gì. Tôi đã gặp được những người như thế. Những chàng trai trong cơn say, kể lể về nỗi nhớ nhung ấy. Nỗi nhớ nhung mình đã từng được tự do như thế nào, khi họ tìm cách đào thoát khỏi chiến trường. Nhưng lệnh của Stalin: không được quay lui, dù một bước. Lính của đơn vị đặc biệt không được quyền tháo chạy. Cứ bóp cò súng, thì hy vọng sẽ sống còn, và sau đó nhận được 100 gram thuốc lá loại rẻ tiền. Ngoài chiến trường có cả hàng ngàn cách khác nhau để chết. Chẳng hạn, đạn pháo nổ làm tung xác ra thành từng mảnh, nhưng nếu bà cố gắng hết sức mình, bà có thể đánh lừa được – thần chết, cấp trên, hòn tên mũi đạn, cả người chết nằm trong chiếc quan tài thương tích đầy mình, cả đấng thượng đế quyền năng – tất cả bà đều có thể lừa được. Và sống sót!
Có thứ cảm thức cô độc khi sống trong tự do. Tôi biết cái cảm thức ấy. Tất cả những người có mặt tại lò phản ứng đều trải nghiệm cái cảm thức ấy. Hãy tưởng tượng bà đang ở trong giao thông hào của vùng địa đầu giới tuyến. Sợ Hãi và Tự Do. Bà sống cho tất cả mọi thứ trên đời. Đó không phải là điều mà ai cũng có thể hiểu được, nhất là những người chỉ sống một cuộc sống bình thường. Bà còn nhớ người ta đã chuẩn bị chúng mình như thế nào trước khi chiến tranh nổ ra không? Bất kể họ tuyên truyền như thế nào, não trạng của chúng ta chưa bao giờ có thể sẵn sàng cho chiến tranh. Tôi cũng thế.
Có hai người lính đến nhà máy chỗ tôi làm việc và gọi tôi ra. Họ hỏi:
“Anh có thể phân biệt được xăng và dầu cặn không?”
Tôi hỏi lại.
“Thế mấy ông định đưa tôi đi đâu?”
“Anh hỏi đi đâu là sao? Tình nguyện viên cho Chernobyl thì đi đâu nào !”
Khả năng chuyên môn quân sự của tôi thuộc lãnh vực nhiên liệu tên lửa. Đó là một chuyên ngành bí mật. Từ nhà máy, họ dẫn tôi đi thẳng, với chỉ chiếc áo thun trên người. Họ thậm chí không cho tôi ghé qua nhà. Tôi bảo họ: “Tôi cần phải báo cho vợ tôi biết.” Họ trả lời: “Đừng lo! đích thân chúng tôi sẽ báo cho cô ấy biết.”
Trên xe bus có cả thẩy 15 người chúng tôi. Tất cả đều là sĩ quan trừ bị.
Tôi thấy mến họ ngay. Chúng tôi bảo nhau, nếu không còn lựa chọn nào khác thì chúng ta đã sẵn sàng lên đường. Có việc cần làm, thì chúng ta chẳng ngại xăn tay áo vào cuộc. Nếu được lệnh phải đến phục vụ ở trạm năng lượng hạt nhân, chúng ta sẽ leo lên mái để dọn dẹp.
Ở lối vào những ngôi làng đã được di tản, người ta lập những trạm gác cao nghệu, lính canh lúc nào cũng súng ống sẵn sàng. Chung quanh là những rào chắn kiên cố. Những tấm bảng cấm được dựng lên với nội dung: “Lề đường đã bị nhiễm xạ. Cấm không được ngừng lại hoặc đi trên lề đường”. Cây cối phủ một màu xám xịt vì được bơm lên đó một loại chất lỏng chống lại sự nhiễm xạ. Những thứ như thế làm chúng tôi muốn phát điên lên được. Thời gian đầu không ai dám ngồi trên cỏ, hay ngồi xuống đất. Không ai dám đi bộ, chỉ có chạy. Nếu có xe đi ngang, chúng tôi vội lấy mặt nạ ra đeo ngay để tránh hít phải bụi đất bay mù. Hết giờ làm việc chúng tôi chỉ ở quẩn quanh trong khu lều của mình. Vài tháng sau thì mọi chuyện chúng tôi xem như bình thường. Dẫu sao đó cũng là nơi chúng tôi đang sống. Chúng tôi hái trái cây, bắt cá ăn. Loại cá chó ở đó ngon không chê được. Còn cá tráp thì nhậu bia là tuyệt nhất. Hẳn là bà cũng đã nghe người ta kể về những điều này rồi chứ gì? Chúng tôi chơi đá banh. Chúng tôi đi bơi! Ha ha! {Cười lớn}. Chúng tôi tin mỗi người đều có số phận riêng của mình. Chúng tôi tin ở thuyết định mệnh, chứ không tin ở lý trí. Đó là cái não trạng của một nền văn hóa truyền thống. Tôi tin vào số phận! Ha Ha Ha! Bây giờ thì tôi là một thương binh bậc hai. Tôi bị bệnh ngay sau đó. Nhiễm độc phóng xạ. Lúc ấy tôi còn không có thẻ khám bệnh ở bệnh viện đa khoa. Tôi cũng chẳng thèm quan tâm tới việc ấy làm gì cho nhọc xác. Vả lại, tôi không phải là người duy nhất nhiễm bệnh. Thế thì không phải đó là số phận đã định cho bọn tôi thì là gì nào?
Tôi là một người lính. Tôi vào nhà dân chúng, những ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Một cảm giác nào đó . . . này là đất mà lại không thể trồng trọt được. Này là những con bò cái cứ húc sừng vào cổng vườn như muốn bước vào, nhưng cổng đã bị khóa chặt vì nhà đâu có còn ai ở đó, sữa từ bầu vú nó cứ chảy tong tỏng xuống đất. Nhìn thấy cảnh ấy tạo cho mình một cảm giác kỳ quái. Những ngôi làng có người còn ở lại thì họ nấu rượu Vodka đem bán cho chúng tôi. Chúng tôi có nhiều tiền mà. Lương làm việc được trả gấp ba lần ở ngoài, tiền trợ cấp từ quân đội cũng lớn gấp ba lần bình thường. Sau đó chúng tôi nghe có lệnh từ trên đưa xuống. Lệnh bảo ai uống được rượu Vodka có thể tình nguyện ở lại thêm một đợt nữa. Vậy thì hẳn rượu Vodka cũng có tác dụng tốt chăng? Ừ thì cũng có thể nói thế. Ít ra là về mặt tâm lý nó có tác dụng. Chúng tôi tin chuyện đó cũng như chúng tôi đã tin vào những chuyện khác.
Và đời sống người nông dân vẫn trôi đi êm đềm: họ gieo trồng một thứ gì đó, nó lớn lên, ra hoa kết trái, rồi hái đem về nhà. Nhưng giờ thì tình hình đã khác. Họ không còn vai trò gì trên những cánh đồng của mình nữa. Họ không cần biết đến những Sa hoàng, những chính quyền Xô Viết, những con tàu vũ trụ không gian, những trạm năng lượng phản ứng nguyên tử, những buổi họp đảng ở thủ đô. Vậy mà giờ đây họ không thể tin được rằng mình đang phải sống trong một thế giới kỳ quái, thế giới của Chernobyl. Dầu vậy, người nông dân vẫn bám trụ. Họ chỉ chết vì những chấn thương tâm lý. Họ cất giấu những hạt giống. Họ hái những trái cà chua còn xanh, gói chúng lại. Bà hiểu thế nào là phá hủy, chôn vùi, ném tất cả những gì bà thấy trước mặt vào thùng rác chứ? Đấy, đó là những gì chúng tôi đã làm ở đó. Chúng tôi đã thủ tiêu sức lao động của người nông dân, thứ tài sản duy nhất của họ vốn có từ ngàn xưa. Chúng tôi đã tự biến mình thành kẻ thù của họ.
Tôi từng ao ước được phục vụ ở lò phản ứng. Người ta bảo: “Không phải lo. Tháng cuối cùng trước khi cho về nhà họ sẽ phái anh đến đó. Được ở trên cả mái lò phản ứng nữa đấy.”. Quả đúng vậy. Sáu tháng ở đó thì sau 5 tháng làm nhiệm vụ di tản dân chúng, tháng thứ sáu chúng tôi được đưa đến lò phản ứng. Những câu chuyện nửa đùa nửa thật lại nhắc đến nhiệm vụ ưu tiên trên mái lò phản ứng. Và lời đồn đãi rằng đã lên đến mái lò rồi thì về nhà cũng chỉ còn sống được thêm 5 năm nữa. Nhiều lắm là 7 năm, hoặc may hơn nữa thì 10 năm. Nhưng phần lớn đều chỉ nói đến con số 5 năm. Hẳn phải có một lý do nào đó mà tôi không biết. Họ dựa vào đâu mà dám quả quyết như vậy. Lại ra vẻ như “chẳng có gì để hoảng sợ cả”.
“Người nào tình nguyện lên mái lò phục vụ, hãy bước về phía trước!”. Nghe thế, cả đội chúng tôi cùng tiến lên. Viên chỉ huy của chúng tôi có một cái máy phát quang cảnh trên mái lò: Những mẩu than chì nằm vương vãi, nhựa đen chảy lênh láng. Ông ta bảo: “các cậu thấy cái mớ xà bần ấy chứ? Nhiệm vụ của mình là dọn dẹp hết cái đống lộn xộn ấy. Cái chỗ góc này, các cậu phải đào một cái lỗ để chuyển mớ xà bần ấy xuống”. Trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ phải ở trên đó 45 hoặc 50 giây thôi. Nhưng trong thực tế, phải cần đến ít nhất là vài phút. Phải leo lên đó, một người đi lấy xe cút kít, những người khác ném than chì lên xe, rồi ném chúng xuống qua cái lỗ ở một góc. Mỗi người chỉ làm vài động tác như thế. Sau đó đi xuống. Dù vậy, không thể làm xong trong khoảng thời gian dưới một phút được.
Báo chí cứ huyên hoang: “Không khí ở khu vực chung quanh lò phản ứng trong lành, không bị ô nhiễm.”. Chúng tôi đọc báo, cười rồi chửi thề. Không khí trong lành ư? Vậy sao chúng tôi ai cũng thấy mình quả là bị nhiễm xạ nặng rồi. Họ đưa cho chúng tôi mấy cái máy đo độ nhiễm xạ để tự kiểm tra. Có anh vừa đặt vào, số đo chỉ 5 roentgen, nhưng ngay tức thì nó nhẩy lên quá con số cho phép. Anh khác thì vừa đặt vào nó cho ngay con số 200 roentgen, con số thực sự vượt quá bất kỳ giới hạn nào. Người ta bảo, chỉ sống được 5 năm thôi và không ai có thể có con được. Nếu không chết sau 5 năm thì sao nào? . . .{Cười} Thôi thì đủ lọai truyện tiếu lâm. Nhưng lại vô cùng lặng lẽ, không một chút hỏang lọan. 5 năm . . . từ đó đến nay đã 10 năm rồi, tôi vẫn sống. Thế đấy!{Cười} Họ tặng thưởng cho chúng tôi huy chương.Tôi có hai cái. Rồi còn những bức hình chân dung: Marx, Engels, Lenin. Cờ đỏ.
Một hôm, trong chúng tôi có một anh đột nhiên biến mất. Chúng tôi cho rằng anh ta đã đào ngũ. Hai ngày sau, người ta phát giác ra anh ta ở trong bụi cây, treo cổ tự tử. Thực ra, chúng tôi ai cũng mang cảm giác muốn chết phứt đi cho rồi, bà hiểu không? Thế rồi viên chính ủy đơn vị cho tập họp mọi người lại. Ông ta bảo anh chàng xấu số nhận được một bức thư cho biết chị vợ ở nhà ngọai tình. Chẳng ai biết câu chuyện có thực như vậy không. Một tuần lễ sau chúng tôi được cho về. Nhưng hình ảnh anh chàng treo cổ trong bụi rậm cứ ám ảnh tôi mãi.
Trong tóan chúng tôi có một anh đầu bếp. Anh ta vì sợ quá, không dám ngủ trong lều chung với chúng tôi, nên khăn gói quả mướp mùng mền chiếu gối vào nhà kho, kiếm một hốc dưới những cái thùng gỗ đựng bơ và thịt hộp ngủ ở đó. Bỗng nhiên có lệnh truyền xuống: tập họp ngay một toán đưa lên làm việc trên mái lò phản ứng. Mọi người ở đây ai cũng đã làm việc ở đó rồi. Nhưng mặc, họ cần người thì phải thi hành. Thế là tên anh ta được gọi đến. Anh chàng mới chỉ lên mái có một lần. Hiện giờ anh đầu bếp của chúng tôi là phế binh loại 2. Chúng tôi liên lạc với nhau rất thường để nhắc nhau những hồi ức về một thời kỳ đầy khốn khó ấy. Tôi nghĩ đó là điều mà bà nên viết đấy.
Báo chí của nhà nước toàn là nói láo cả. Không một tờ báo nào dám viết về việc chúng tôi đã phải tự chế lấy những trang phục bảo hộ cần thiết, về những chiếc áo nhựa có pha chì, về những thứ đồ lót được may bằng chì chúng tôi mặc vào người. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tại một ngôi làng, người ta chỉ cho chúng tôi chỗ có hai nhà chứa gái. Hãy nghĩ xem. Chúng tôi là một lũ đàn ông trai trẻ bị buộc phải xa nhà đã 6 tháng. Trong 6 tháng ấy chúng tôi không hề biết đến đàn bà. Đó là một tình hình không thể bảo là an toàn. Thế nên, chúng tôi ai cũng ghé đến khu nhà chứa. Các cô gái làng sẵn sàng ra đón tiếp, dù rằng các cô đều mũi lòng khóc lóc vì cho rằng mình sắp chết. Chúng tôi mặc những chiếc quần lót bằng chì ở bên ngoài quần dài. Bà hãy viết điều đó xuống nhé! lại còn những câu chuyện tiếu lâm rất thú vị nữa. Này nhé: một con robot do Mỹ chế tạo được cho lên mái lò làm việc. Sau 5 phút thì nó bị mất khả năng vận hành. Người ta lại đưa một con robot khác do Nhật chế tạo. Cũng chỉ được 5 phút, con robot này bị mất khiển dụng. Đến lượt con robot của Nga. Nó ở trên đó được cả hai tiếng đồng hồ. Qua hệ thống loa phóng thanh, có tiếng của vị chỉ huy: “Binh nhì Ivanov! Sau hai tiếng làm việc đồng chí có thế đi xuống nghỉ giải lao và hút thuốc.” Ha-ha! {Cười}
Trước khi leo lên mái lò, viên chỉ huy cho tập họp chúng tôi lại để nghe lệnh. Có vài anh lên tiếng phản đối: “Chúng tôi đã lên đó một lần rồi, lẽ ra giờ này chúng tôi phải được cho về nhà rồi chứ!”. Về phần tôi, dù là chuyên viên dầu khí, người ta vẫn đưa tôi lên mái lò phản ứng. Nhưng tôi không nói gì. Thực ra thì tôi muốn lên đó, nên không phản đối. Viên chỉ huy bảo: “Chúng ta chỉ cần những người nào tình nguyện lên mái. Số còn lại các anh đứng riêng ra một bên.Tòa án quân sự đặc biệt sẽ làm việc với các anh.”. Nghe thế, mấy người phản đối đứng túm tụm với nhau bàn tán, sau đó họ đồng ý tình nguyện lên mái lò. Họ hiểu ra rằng một khi đã có lời thề phục vụ tổ quốc thì mọi người phải thi hành lệnh trên ban xuống. Không một ai không tin rằng mình có thể bị bỏ tù vì tội không thi hành lệnh cấp trên. Thời gian ở tù có khi kéo dài hàng hai, ba năm. Mặt khác, nếu một người lính bị nhiễm hơn 25 roentgen, thì cấp chỉ huy của người này có thể bị đi tù về tội đầu độc thuộc cấp của mình. Thế nên sẽ không có ai bị nhiễm hơn 25 roentgen cả. Ai cũng phải bị nhiễm ít hơn con số 25. Bà hiểu chưa? Nhưng dù sao thì mấy thanh niên này rất đáng khen. Có hai người trong đội bị ốm. Một người khác tình nguyện đi thay. Mặc dù anh ta đã tình nguyện lên mái ngày hôm đó rồi. Ai cũng ngưỡng mộ sự hy sinh đó. Và anh ta được thưởng 500 rúp. Một anh khác làm việc trên mái. Nhiệm vụ của anh ta là tạo một lỗ hổng để người lên sau có thể ném những mảnh than chì xuống qua lỗ hổng đó. Thời gian ở trên đó đã đủ lâu để anh được đi xuống. Dưới này chúng tôi phất tay ra dấu cho anh biết đã hết giờ. Nhưng anh ta vẫn cứ tiếp tục quỳ gối làm nốt công việc đang dang dở. Cái lỗ hổng ấy phải được hoàn tất để những người lên sau làm việc. Thế nên, chỉ đến khi xong xuôi, anh ta mới chịu đứng dậy leo xuống. Người ta thưởng cho anh ta 1000 rúp. Hồi ấy, với số tiền đó, bà có thể mua hai chiếc xe gắn máy. Giờ thì anh ta trở thành phế binh loại 1.
Giải ngũ. Chúng tôi leo lên xe. Suốt đoạn đường đi ngang qua Khu Cấm xe chúng tôi để còi hụ inh ỏi. Tôi nhìn lại những ngày tháng ấy. Tôi có cảm tưởng mình là một thứ gì gần gần như lập dị kỳ quái rất khó tả. Một thứ gì đó không có thật trên cõi đời này. Tôi không có từ nào để nói về chính mình những năm tháng ấy. Bà có thể cho là tôi “phi thường”, “khác thường”. Bà sử dụng bất cứ tĩnh từ nào cũng chưa hẳn diễn tả được cái cảm tưởng của tôi khi ấy. Nó là gì tôi chưa bao giờ dám quả quyết. Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ tìm lại được cái cảm thức ấy, kể cả khi tôi đang yêu.
Aleksandr Kudryagin , Thanh Lý Viên
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC