S. Alexievich
Bỗng nhiên tôi lại băn khoăn tự hỏi: Nhớ hay Quên? điều nào thì tốt hơn? Tôi hỏi các bạn bè của mình. Có người đã quên. Người thì không muốn nhớ, bởi vì có nhớ thì chúng tôi cũng không thể thay đổi được gì. Chúng tôi không thể bỏ nơi đây mà đi.
Đây là những điều mà tôi có thể nhớ. Những ngày đầu sau khi vụ nổ xẩy ra, tất cả những quyển sách ở thư viện nói về chất phóng xạ, về hai quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki, cả về quang tuyến X, đều biến mất. Có người bảo đó là do lệnh từ bên trên, để tránh cho người dân bị hoảng loạn. Có những câu chuyện tiếu lâm đại loại như nếu lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl có xẩy ra gần vùng quần đảo Papua thì cả thế giới sẽ hoảng sợ chứ còn người dân sống ở Papua thì không. Chẳng có thông báo y tế, chẳng có thông tin nào được phổ biến. Những loại thuốc có thể uống để hạn chế ảnh hưởng của chất phóng xạ trên cơ thể thì rất khó mua, phải cần có người quen làm việc ở các hiệu thuốc. Người tìm được thuốc, thì lại uống quá liều với rượu mạnh, nên phải đến bệnh viện để trục nó ra khỏi ruột. Rồi chúng tôi phát hiện ra một điều là, hễ nơi nào có bóng dáng chim sẻ, bồ câu, thì nơi ấy an toàn để con người sinh sống. Có lần tôi ngồi trong xe tắc xi, người tài xế không hiểu tại sao mấy con chim cứ thi nhau lao vào cửa sổ xe của mình, giống như chúng bị mù, hay hoá điên rồ rồi tìm cách tự sát.
Tôi nhớ lần trở về sau một chuyến đi công tác. Đêm ấy trăng chiếu sáng cả một góc trời. Hai bên đường chạy dài tới tận chân trời là một cánh đồng phủ đầy một loại khoáng chất Dolomite. Lớp đất nhiễm xạ trên mặt cánh đồng đã bị lấy đi chôn ở nơi khác. Thay vào đó họ phủ lên một lớp bột khoáng có tác dụng chống xạ. Quang cảnh trông không giống mặt đất chút nào. Tôi bị ám ảnh bởi cảnh tượng này trong một thời gian dài nên đã cố viết nó thành một câu chuyện. Tôi tưởng tượng điều xẩy ra 100 năm sau: sẽ có con người, hay một sinh vật đại loại, di chuyển với bốn chân sải dài, khuỷu chân cong lại. Ban đêm, sinh vật ấy có thể nhìn thấy mọi vật bằng con mắt thứ ba. Và cái tai duy nhất của nó nằm trên đỉnh đầu có thể nghe được cả tiếng chân kiến chạy. Kiến là sinh vật duy nhất còn sống sót, mọi sinh vật khác đều ở trên trời và quả đất đã bị huỷ diệt.
Tôi gởi truyện ngắn nói trên đến một tờ tạp chí. Họ hồi âm với nhận xét truyện của tôi không phải là một tác phẩm văn chương mà là sự miêu tả một cơn ác mộng. Tất nhiên, tôi không có năng khiếu viết truyện, nhưng vẫn còn có một lý do khác khiến họ không cho đăng tải. Tôi nghĩ vậy.
Tôi thắc mắc tại sao người ta cứ im lặng về tai nạn xẩy ra ở Chernobyl, tại sao các nhà văn của chúng ta không viết nhiều về chủ đề này – trong khi họ thi nhau khai thác đề tài về chiến tranh, về các trại tập trung, nhưng ở đây thì họ cứ im như thóc.
Tại sao vậy? Bà có nghĩ rằng vụ nổ xẩy ra ở Chernobyl là một tai nạn? Giả sử chúng ta chế ngự được hậu quả của Chernobyl, hẳn người ta sẽ nói nhiều về nó. Hoặc chỉ cần người ta hiểu biết hơn về nó. Nhưng chúng ta không ai nắm bắt được ý nghĩa của sự việc. Chúng ta không có khả năng làm việc đó. Chúng ta không thể xếp những gì xẩy ra trong kho kinh nghiệm của nhân loại hay trong biên niên sử của con người.
Vậy thì, điều gì tốt hơn? Quên hay Nhớ?
Yevgeniy Aleksandrovich Brovkin – Giảng viên tại trường đại học Khu Gomel
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC