S. Alexievich
Phần II
Mảnh đất của người sống
Đứa con gái bé bỏng của tôi – nó rất khác thường. Không giống như bất cứ đứa trẻ nào. Rồi đây, nó sẽ lớn lên và hỏi tôi: “Mẹ à, tại sao con lại không giống như người khác vậy hả mẹ?”
Khi mới sinh, nó không có hình dạng của một hài nhi. Trông nó giống như cái túi nhỏ, vá chằng vá chịt, trên cơ thể không có một chỗ nào thông ra bên ngoài, ngoại trừ đôi mắt. Hồ sơ y tế của nó ghi: “Con gái, bẩm sinh với nhiều bệnh lý phức tạp: hậu môn không tạo hình, bộ phận sinh dục không tạo hình, thận trái không tạo hình.”. Đó là cách nói bằng thuật ngữ y khoa, nhưng có thể diễn tả đơn giản là con bé không có hậu môn, không có chỗ đi tiểu và chỉ có một quả thận. Khi nó mới được hai ngày tuổi, tôi đã chứng kiến cảnh nó bị phẫu thuật. Ngay trong ngày thứ hai được sinh ra. Lúc ấy, nó mở mắt và mỉm cười. Tôi tưởng nó sẽ bắt đầu khóc. Nhưng không, Chúa ơi, nó đã mỉm cười.
Những đứa trẻ khác bị tình trạng giống như nó không thể sống. Chúng chết ngay lúc vừa sinh ra. Nhưng con tôi không chết, nhờ tình thương của tôi dành cho nó.
Trong bốn năm nó phải trải qua 4 lần giải phẫu. Ở Belarus, nó là đứa duy nhất sống sót trong số những đứa trẻ cùng mang trên người nhiều chứng bệnh phức tạp bẩm sinh. Tôi thương con gái tôi quá đỗi {Ngưng}. Tôi không thể nào sinh con được nữa. Tôi không dám. Từ nhà hộ sinh trở về, đêm ấy, tôi được chồng ôm ấp vuốt ve. Tôi nằm đó mà run rẩy: Không được đâu, em sợ lắm. Tôi nghe các bác sĩ nói với nhau: “bé gái này sinh ra thật không giống ai. Nếu mình cho phổ biến những hình ảnh về nó trên truyền hình chắc không một bà mẹ nào dám sinh con.”. Họ đang nói về đứa con của chúng tôi. Như vậy thì làm sao chúng tôi có thể tiếp tục ăn nằm với nhau để sinh con được nữa?
Tôi đến nhà thờ kể lể với viên mục sư. Ông ta bảo tôi cần phải cầu nguyện ăn năn tội lỗi của mình. Nhưng không một ai trong gia đình tôi đã có bao giờ giết người. Tôi có tội gì nào?
Mới đầu, cả ngôi làng tôi ở được nằm trong danh sách di tản. Nhưng rồi họ xóa đi. Bởi vì chính phủ không có đủ ngân sách. Cùng lúc ấy, tôi gặp chồng tôi. Chúng tôi yêu nhau và lấy nhau. Tôi đâu biết rằng chúng tôi không được phép yêu nhau ở đây. Nhiều năm trước đây, bà tôi đọc trong Kinh Thánh, thấy có đoạn nói rằng sẽ đến lúc của cải trần gian lúc nào cũng tràn đầy, thừa thãi. Sông sẽ không bao giờ hết cá, rừng sẽ không bao giờ vắng bóng muông thú, nhưng loài người sẽ không thể nào sử dụng được bất cứ thứ gì trong số của cải tràn đầy ấy. Thậm chí con người cũng không thể nào sinh con đẻ cái để tự duy trì chủng loại của mình. Tôi nghe những lời sấm truyền ấy như nghe những câu chuyện cổ tích hãi hùng. Tôi không bao giờ tin chúng có thật.
Bà hãy đi và kể cho mọi người nghe câu chuyện về đứa con gái của chúng tôi. Bà lấy giấy bút ra ghi đi nhé! Con gái tôi 4 tuổi, nó biết hát, biết nhẩy, thuộc lòng nhiều bài thơ. Sự phát triển trí óc của nó bình thường, như bất cứ đứa trẻ nào khác. Chỉ có trò chơi của nó thì khác. Nó không chơi trò chơi “bán hàng” hay “cô giáo”. Nó chơi trò “bác sĩ và bệnh nhân”. Nó chích thuốc cho các con búp bê, cặp thủy, gắn dây truyền thuốc hay nước biển vào cổ tay chúng. Con búp bê nào phải chết, nó lấy một tấm vải trắng phủ kín. Chúng tôi phải ở với nó trong bệnh viện suốt 4 năm ròng, vì không thể để nó ở đó một mình, nó thậm chí không biết rằng người ta phải sống trong nhà của mình. Những khi chúng tôi được cho về nhà một hai tháng, nó hỏi tôi: “Khi nào thì mình trở về lại bệnh viện hả mẹ?”. Bởi vì, bệnh viện là nơi bạn bè của nó ở, là nơi nó lớn lên mỗi ngày.
Người ta khoét cho nó cái lỗ hậu môn. Và thực hiện phẫu thuật tạo hình cái âm hộ cho con bé. Sau lần phẫu thuật cuối cùng, đường tiểu của nó hoàn toàn không hoạt động nữa, cũng không thể nối ống thông tiểu, các bác sĩ quyết định sẽ phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật kế tiếp để giải quyết sự trục trặc đường tiểu. Từ lúc này trở đi, họ khuyên chúng tôi nên đưa con bé ra nước ngoài chạy chữa. Nhưng chúng tôi kiếm đâu ra hàng chục ngàn đô la để trả những chi phí ấy trong khi chồng tôi lãnh lương chỉ có 120 đô la một tháng? Một vị giáo sư ôn tồn bảo chúng tôi: “Với bệnh trạng như vậy, cháu nó sẽ là mục tiêu hấp dẫn cho các nghiên cứu khoa học. Anh chị nên tìm cách liên lạc với các bệnh viện quốc tế xem sao. Chắc là họ sẽ sẵn sàng quan tâm.”. Thế là tôi viết thư liên lạc. {Cố không khóc}. Tôi kể là cứ mỗi nửa tiếng, chúng tôi phải nặn cho nước tiểu ra ngoài bằng một lỗ hổng nhỏ được phẫu thuật trong vùng âm hộ. Có nơi nào trên thế giới mà cứ mỗi nửa tiếng đồng hồ, một bé gái phải được nặn cho nước tiểu chảy ra ngoài? Liệu nó có thể chịu đựng như thế này bao lâu nữa? Không ai biết được kết quả của một lượng nhỏ chất phóng xạ có thể tác động lên cơ thể của một đứa bé như thế nào. Xin hãy đón nhận con tôi, dù chỉ là để làm thí nghiệm nghiên cứu. Tôi không muốn con tôi chết. Tôi sẵn lòng để nó làm con ếch, con thỏ, trong phòng thí nghiệm, miễn là nó còn được sống. {Khóc}. Tôi đã viết hàng chục những lá thư như vậy. Ôi trời ơi!
Nó vẫn chưa hiểu gì về bệnh hoạn của mình, nhưng một ngày nào đó nó sẽ hỏi chúng tôi: Tại sao nó không được giống như những người khác? Tại sao nó không thể yêu thương một người đàn ông? tại sao nó không thể có con? Tại sao đến con bướm còn không bị như nó đã bị? Thế những con chim có bị như vậy không? Tại sao, không ai bị mà chỉ một mình nó bị? Tôi muốn – lẽ ra tôi có thể làm được từ lâu rồi – có được những tờ giấy chứng nhận, để đưa cho nó xem vào ngày nào đó nó lớn lên, rằng không phải lỗi của vợ chồng chúng tôi mà nó nên nông nỗi như vậy, rằng tình yêu của chúng tôi không có trách nhiệm gì trong tình cảnh bi đát này. {Lại cố để không khóc}. Tôi miệt mài tranh đấu trong 4 năm trời – với các viên bác sĩ, với các viên chức hành chánh quan liêu – Tôi đã gõ cửa phòng các nhân vật chức quyền. Cuối cùng, phải mất 4 năm trời ròng rã tôi mới có được trong tay tờ giấy được ký bởi các bác sĩ xác nhận mối quan hệ giữa sự nhiễm phóng xạ (từng liều nhỏ) và tình trạng bệnh tật của con gái tôi. Trong suốt 4 năm ấy, họ từ chối không chịu xác nhận, lúc nào cũng bảo rằng “Con chị bị dị tật bẩm sinh.”. Dị tật bẩm sinh gì? Nó là nạn nhân của Chernobyl! Tôi đã nghiên cứu kỹ dòng tộc gia đình tôi. Chưa bao giờ có tình trạng bệnh tật như thế này xẩy ra cho bất cứ ai trong gia đình tôi. Ai cũng sống thọ đến 80 hoặc 90 tuổi. Ông nội tôi sống thọ đến mãi 94 tuổi. Các bác sĩ bảo: “Chúng tôi đã có lệnh. Chúng tôi chỉ được gọi những trường hợp như thế này là bệnh tổng quát. Trong vòng 20 năm hay 30 năm nữa, khi chúng ta có đủ dữ liệu về Chernobyl, lúc ấy mới được tìm hiểu những quan hệ của chất phóng xạ liên quan đến những chứng bệnh như thế này. Hiện nay thì khoa học chưa có đủ hiểu biết về nó.”.
Nhưng tôi không thể chờ 20 hay 30 năm nữa. Tôi muốn kiện họ ra tòa. Kiện chính quyền ra tòa. Họ cười nhạo báng, bảo tôi là đứa điên. Thời cổ Hy Lạp cũng đã từng có những đứa trẻ dị dạng như thế này mà. Một quan chức còn hét vào mặt tôi: “Chị muốn được hưởng đặc quyền Chernobyl hử? Muốn đòi tiền từ quỹ nạn nhân Chernobyl hử?” Cho đến giờ tôi vẫn không biết được làm thế nào mà tôi có thể kềm chế được mình trong văn phòng của tay cửa quyền ấy.
Có một điều mà đám người ấy không hiểu – không muốn hiểu – Tôi cần được chứng minh rằng không phải lỗi của chúng tôi mà con gái tôi bị như vậy. Hoàn toàn không phải vì chúng tôi yêu nhau. {Mất kiểm soát. Khóc}. Con bé rồi sẽ lớn lên – nó là con gái – Tôi không muốn bà nêu tên nó ra. Ngay cả hàng xóm, ngay cả người ở chung lầu với chúng tôi cũng không biết. Tôi sẽ cho nó mặc áo đầm đẹp, đưa cho con chiếc khăn tay, và người chung quanh chiêm ngưỡng: “Ôi, con bé Katya của chị sao nó đẹp quá!”. Trong khi đó thì tôi thường bắt gặp mình hay nhìn những phụ nữ mang bầu bằng ánh mắt kỳ lạ. Đúng ra chỉ là ánh mắt liếc thật nhanh. Trong tôi những cảm giác pha trộn: ngạc nhiên và hoảng hốt, ganh tỵ và vui sướng, thậm chí cả cảm giác trả thù. Có lần tôi còn thấy mình dường như có cùng một ánh mắt như vậy khi nhìn một con chó có chửa của nhà hàng xóm – cả khi nhìn cái tổ của một con chim.
Đứa con gái bé bỏng của tôi . . .
Larisa Z., Người Mẹ
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC