Tác giả: Demetri Sevastopulo từ Washington và Charles Clover từ Bắc Kinh
Dịch giả: Song Phan
29-6-2017
Trump không thể thay đổi tiến trình của Bắc Kinh dù có quan hệ thân thiện với Tập
Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự mới trên các đảo đang tranh chấp ở biển Đông, cho thấy mối quan hệ thân thiện mà Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhen nhóm tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4, đã không thuyết phục Trung Quốc thay đổi tiến trình của họ trên biển.
Trong ba tháng vừa qua, Trung Quốc đã xây dựng bốn chỗ chứa tên lửa mới trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), tăng số lượng cơ sở trên đá này lên 12, theo các ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cung cấp cho Financial Times.
Trung Quốc cũng đã mở rộng cơ sở radar trên đá Chữ Thập và hai bãi ngầm có ttranh chấp khác [Xu Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief)] trong quần đảo Trường Sa và bắt đầu xây dựng các cấu trúc ngầm mà Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS đánh giá, sẽ được sử dụng để làm kho trữ đạn dược.
Poling nói “Chúng tôi không thấy việc xây dựng tiến hành chậm lại lúc nào, kể cả ngay sau hội nghị thượng đỉnh Mara-Lago. Các đảo được xây dựng và được quân sự hoá một cách rõ ràng, điều đó có nghĩa là phần khó khăn họ đã vượt qua xong. Bây giờ mỗi lần họ đặt trong một radar mới hoặc chỗ chứa tên lửa mới, thế giới sẽ khó thấy bị tức giận hơn. Họ đang làm một khẩu súng, nhưng chưa lắp đạn vào“. Những bước tiến đó cho thấy rõ mức độ tiến triển của Trung Quốc đối với việc quân sự hóa các đảo nhân tạo theo cách làm tăng đáng kể khả năng giám sát hoạt động ở biển Đông lẫn khả năng triển khai sức mạnh ở vùng tây Thái Bình Dương, nơi mà Hoa Kỳ chiếm ưu thế trong bảy thập niên từ sau đệ nhị thế chiến.
Euan Graham, một chuyên gia châu Á tại Viện Lowy ở Sydney, nói rằng “ở biển Đông ván cờ vẫn chưa ngã ngũ”, nhưng Trung Quốc đã cơ bản thay đổi nguyên trạng của các hòn đảo, nhưng sẽ rất khó để thay đổi ngoại trừ có chiến tranh hay thiên tai.
Graham nói: “Chúng đã có tác động chiến lược qua việc khuếch trương sự hiện diện của Trung Quốc nhiều hơn nữa. Chúng sẽ không ngăn cản Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng lân cận, nhưng sẽ làm phức tạp môi trường đe doạ các tàu và máy bay của Mỹ, qua việc mở rộng mạng lưới giám sát và nhắm mục tiêu [của hải quân Trung Quốc], cũng như mở rộng vùng bao phủ cho việc triển khai sức mạnh“.
Trong chuyến đi Washington vào năm 2015, Tập Cận Bình nói với Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hoá các đảo nhân tạo, nhưng trong 20 tháng kể từ đó đến nay, Bắc Kinh đã tăng tốc việc xây dựng, và bây giờ đã có các đường băng có thể phục vụ cho các máy bay chiến đấu Trung Quốc.
Khi được hỏi về tự do hàng hải và việc xây dựng mới ở biển Đông, một người phát ngôn của Quân đội Trung Quốc nói rằng không có vấn đề gì về tự do hàng hải và cũng “chẳng có vấn đề gì với quyền tự do của Trung Quốc trong việc xây dựng trên lãnh thổ của mình“. Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, cho biết, các đảo này “chủ yếu dành cho mục đích dân dụng” và rằng bất kỳ cơ sở quốc phòng nào trên đó là “để duy trì tự do hàng hải”. Tuy nhiên, hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao nói rằng “việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết là nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc”. Yêu sách pháp lý của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh các thể địa lí biển này là gây tranh cãi về mặt pháp lý vì nhiều thể địa lí đó được hình thành từ san hô và cát nạo vét, do đó không được coi là đảo. Tuy nhiên, Vasily Kashin, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, nói rằng chủ quyền hợp pháp chưa bao giờ là mục tiêu, nhưng cho Trung Quốc các căn cứ phía trước, để từ đó họ có thể tuần tra và thực hiện việc kiểm soát trong vùng lân cận của chúng.
“Nếu có cơ sở hạ tầng này ở Trường Sa, nó sẽ cho phép Trung Quốc liên tục theo dõi máy bay và tàu biển ở biển Đông. Điểm chính là, không ai có thể làm bất cứ thứ gì mà không bị họ dòm ngó”. Ely Ratner, một chuyên gia châu Á phục vụ trong chính quyền Obama, nói rằng, Washington đã thất bại trong việc đề ra một chiến lược thuyết phục Trung Quốc dừng lại việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Ông Ratner nói: “Khi Trung Quốc chưa tin rằng họ phải trả một cái giá đắc… Tôi không nghĩ họ có lý do gì để làm chậm lại. Họ đạt được ý đồ quá dễ dàng và ngạc nhiên vì bị phản đối quá ít ỏi”.
Các nhà phê bình nói rằng, chính quyền Obama chọn lấy cách tiếp cận quá thận trọng nhằm tránh gây những căng thẳng có thể làm tổn thương đến khả năng hợp tác trong các vấn đề khác. Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết, nhóm của Trump đã cho Trung Quốc một lối đi tương đối tự do nhằm tối đa hoá cơ hội cho việc tăng sức ép lên Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Cho rằng các nhà phân tích có xu hướng phóng đại về mức độ Trung Quốc sẵn sàng mạo hiểm xung đột với Mỹ về biển Đông, Ratner khuyên Hoa Kỳ nên tăng sức ép lên Bắc Kinh mạnh hơn. Ông nói “Sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro tương đối của họ chưa được kiểm tra. Còn rất nhiều chỗ trống để chúng ta đẩy lại“.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt