HRW tố cáo Việt Nam sử dụng côn đồ thay Công an để khép công dân vào khuôn khổ

Asia Sentinel

Dịch giả: Song Phan

20-6-2017

LTS: Sử dụng côn đồ để “dạy dỗ” những người không tuân theo ý của chính quyền, là một vấn đề quá quen thuộc ở Việt Nam, nhưng ít người nước ngoài biết đến. Cho nên báo cáo này của một cơ quan phi chính phủ phương Tây, đáng chú ý.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra nhiều chi tiết về việc đánh đập, hăm dọa

Những nhà hoạt động sau khi bị công an chìm “dạy dỗ”. Ảnh: AS/ internet

Khắp đất nước Việt Nam, thành phần côn đồ trẻ đang được sử dụng làm tay chân của công an, thực hiện việc đánh đập những công dân mà công an chưa muốn bắt, hoặc có lẽ thà không bắt sẽ tốt hơn, theo một báo cáo mới được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở New York công bố ngày 19 tháng 6.

Báo cáo có tựa đề “No Country for Human Rights Activists” (gợi ý rằng nhà hoạt động nhân quyền không có đất dung thân) tập trung các cuộc tấn công vào các nhà hoạt động vì quyền con người. Trong chi tiết, báo cáo kể lại hết sự việc này tới sự việc khác: người bị lôi khỏi xe buýt, hay bị chặn trên đường đi tham dự các cuộc biểu tình hoặc khi gặp gỡ phóng viên, bị vây kín ở nhà riêng. Nhiều hình ảnh ghi lại thương ích của họ: vết bầm tím, máu đông, và đôi khi tay hoặc chân bị gãy.

Có 36 sự việc được xem xét trong báo cáo HRW. Đại diện cho khoảng 2/3 tổng số vụ được biết xảy ra từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 3 năm 2017, đã được một nhà nghiên cứu Việt Nam không nêu tên của HRW tập hợp và kiểm tra chéo. Kiểu cách đối phó đã thành nếp, tác động tích lũy gây khó chịu. Khi tôi tự ép mình phải đọc tất cả 36 trang, bài bình luận của Hannah Arendt về “điều ác” đã đập mạnh vào đầu óc.

Trong bài viết nổi tiếng “Eichmann in Jerusalem” (1963), Arendt có lập luận rằng cái ác thường là xu hướng của người dân bình thường, tuân theo lệnh và sống theo quan điểm của đám đông trong khi các quan chức nhà nước, chấp nhận chỉ thị của nhà nước và muốn được thăng cấp, hăng hái làm những điều xấu một cách có tổ chức và có hệ thống.

Đánh đập thành lệ thường

Hành vi côn đồ đã thành chuyện bình thường trong hệ thống pháp lý hình sự của Việt Nam. Đánh đập trở thành lệ thường cho những người bị nghi ngờ đã vượt ra khỏi khuôn khổ, bao gồm, tất nhiên là bọn lưu manh và những tên lừa đảo vặt, mà sự tồn tại của họ đặt thành vấn đề cho những người hàng xóm tuân thủ luật pháp hơn.

Bất cứ ai tranh cãi với công an đều có nguy cơ nhận những cú đấm đau đớn, thường không từ công an mặc đồng phục mà từ bọn tay chân không chính thức. Những người đi ngang qua phải tránh xa, nếu không họ cũng nhận được một vài cú đánh.

Trong thập kỷ qua, mạng xã hội của Việt Nam đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, việc đánh đập của bọn tay chân không chính thức của công an là một nấc thang trong các tầng bậc của sự đe doạ, được dùng để đối phó với những người có những vi phạm không bị coi là tội trong các nền dân chủ. Điều này bao gồm những con người nhỏ nhoi phản đối việc tước đoạt quyền sử dụng đất của họ hoặc chống lại sự tàn phá đối với môi trường mà sinh kế của họ phụ thuộc vào đó. Nó bao gồm các nhà hoạt động cải đạo, ra khỏi các giáo phái mà nhà nước chưa chấp nhận hoặc thúc giục người lao động để phản đối việc đối xử tồi tệ của chủ. Nó bao gồm, các nhà lý luận cho rằng, nhà nước có tư thế không đủ mạnh đối với Trung Quốc, hoặc dẫn đầu các cuộc thảo luận ý nghĩa của các quyền tự do dân sự theo hiến pháp của Việt Nam.

Các cơ quan an ninh nội bộ của Việt Nam chỉ sử dụng việc đánh đấm trừng phạt khi họ bị kích động quá mức. Nếu công an cảm thấy rằng ai đó đang vượt ra ngoài khuôn khổ được chấp nhận, hoặc đang nghĩ về điều đó, họ sẽ được mời đến đồn công an phường để hỏi chuyện. Sau một buổi thảo luận kéo dài, khi khách được phép trở về nhà, khách biết rõ hành vi nào của mình được yêu cầu phải ngưng lại. Tuy nhiên, nếu họ không có thái độ sửa chữa, công an sẽ đến nhà hàng xóm, chỗ làm, nhà trường hoặc gia đình để giải thích rằng, hành vi của anh ta đã trở thành vấn đề. Nếu hành vi vẫn tiếp diễn thì sang bước ba, là viếng thăm không báo trước nhà của “phần tử xấu”, thường là nửa đêm. Có thể họ sẽ “mượn” máy tính về để kiểm tra.

Học troi vọt

Hầu hết những “phần tử xấu” đều sửa đổi hành vi của họ trong giai đoạn này, sau khi được cãnh cáo như vậy, mặc dù vẫn có thể họ không sữa đổi cách nghĩ của họ. Họ sẽ tìm cách khác ít khiêu khích hơn để thực hành quan niệm của họ.

Nhà khoa học chính trị Ben Kerkvleit, là người rất thích thú với cách những người bình thường đối phó với những áp lực lớn về cuộc sống của họ, đã xây dựng một mô hình “những người ủng hộ dân chủ hóa” ở Việt Nam. Những người này bao gồm một số người vốn “nghĩ rằng Đảng Cộng sản tự nó có thể và nên lãnh đạo; những người khác hình thành các tổ chức để thách thức công khai và trực tiếp chế độ; còn những người khác nữa thì thúc giục việc tạo lại hệ thống hiện tại bằng cách tích cực tham gia nó; và một số ủng hộ việc mở rộng xã hội dân sự để dân chủ hóa đất nước”.

Trong các nhóm này, đặc biệt là nhóm thứ hai và thứ ba, luôn có một bộ phận ủng hộ những hành động mạnh bạo và thường xuyên thăm dò các ranh giới của hành vi được cho phép. Chính bộ phận đó, một phần nhỏ trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến của Việt Nam, sớm hay muộn có thể bị đổ máu và đánh đập.

Không có gì ngẫu nhiên hoặc không chuẩn bị trước về hành vi côn đồ được công an bảo trợ ở Việt Nam. Vào thời điểm các nhà bất đồng chính kiến đi tới nấc này trên các tầng bậc của sự đe doạ, các cơ quan an ninh nội bộ của chế độ đã thu thập một bộ hồ sơ dày. Khi người bất đồng chính kiến đi khỏi hoặc trở về nhà thì một người hàng xóm sẽ gọi báo cho công an khu vực. Nếu khẳng định rằng một người bất đồng chính kiến liên tục không chịu sửa đổi hành vi của mình thì sẽ cho một bài học nghiêm khắc hơn, anh ta sẽ bị chặn đường, bị đánh đập và đem bỏ ở một nơi hẻo lánh để làm gương cho người khác.

Bị đánh đập là nấc thang cuối cùng trước khi bị bắt, bị tạm giam và bị tù.  Nấc thang tới là có sự tham gia của tòa án và, nếu không thì có thể (chỉ có thể) cả thế giới sẽ lưu ý đến tình trạng dân quyền tại Việt Nam.

Ngoại trừ một số người là những nhà lý thuyết của chế độ, rất ít người bị lừa khi chính quyền Hà Nội cứ khăng khăng cho rằng trên thực tế không có tù chính trị nào ở Việt Nam, chỉ là những tội phạm thông thường. Trong thời đại internet, những hoang đường như vậy không còn bền vững.

Khi được nghe nói rằng có một bộ phận lãnh đạo Việt Nam được biết rằng sự thịnh vượng của đất nước và việc nắm quyền vĩnh cửu của ĐCSVN phải dựa nhiều hơn vào vai trò ngày càng mở rộng cho xã hội dân sự hơn là vào việc đàn áp nó. Nhưng chỉ là một tư tưởng trong đảng mà thôi.

Quan niệm chủ đạo trong đảng vẫn còn bị chôn chặt bởi dự đoán rằng việc nới lỏng cơ chế đàn áp – bao gồm việc dựa dẫm ít hơn vào bọn côn đồ – chắc chắn sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ và sự tan rã của chế độ độc đảng VN theo kiểu Gorbachev.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook