Dân Chủ Suy thoái? (phần 1)

hình bìa sách – nguồn: internet

LỜI GIỚI THIỆU của dịch giả

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ ba mươi hai * của tủ sách SOS2, cuốn Dân chủ có Suy thoái? do Larry Diamond và Marc Plattner biên tập (Johns Hopkin University Press-2015). Đây là tuyển tập các bài viết mang tính toàn cầu trong số kỷ niệm 25 năm của Tạp chí Journal of Democracy vào tháng Giêng 2015 và được Johns Hopkin University Press biên tập và in dưới dạng một tập sách mỏng.

Bạn đọc có thể thấy những tranh cãi hiện thời về dân chủ. Dân chủ không tự sinh ra và cũng không tự tồn tại, nó phải được củng cố, làm mới từ ngày này qua ngày khác. Ngay cả ở các nền dân chủ lâu đời, cuộc đấu tranh cho dân chủ phải được tiếp tục không ngưng nghỉ nhằm củng cố, cải thiện, nâng cao dân chủ.

Tại sao một số học giả phương Tây lại phê phán dân chủ đến vậy? Chỉ phân tích một hệ thống với con mắt phê phán mới có cơ sở để có thể cải thiện hệ thống đó, ngược lại với hệ thống mà trong đó nhà cầm quyền bóp nghẹt mọi sự phê phán. Chỉ vì riêng lý do này tôi nhiệt tình khuyên các bạn bớt thời gian đọc các tiểu luận trong cuốn sách này và tự rút ra các bài học cho chính mình.

Hà Nội, 18/6/2016.
– Nguyễn Quang A

– – – – –

LỜI NÓI ĐẦU của Condoleezza Rice

Trong một phần tư thế kỷ qua, tạp chí Journal of Democracy đã giúp thế giới hiểu sự hỗn độn được kiểm soát – đó là nền dân chủ. Giống nhiều học giả đã viết cho Tạp chí này, tôi lo lắng sâu sắc về số phận của hệ thống quản trị này, hệ thống bảo về quyền tự do và đã nghiên cứu những sự thăng trầm của nó.

Trong những năm gần đây, với tư cách bộ trưởng ngoại giao, tôi đã thấy mình bảo vệ lập trường rằng tất cả mọi người phải được sống trong tự do và rằng các chính sách Hoa Kỳ phải phản ánh niềm tin đó. Đã không khó để có được sự đồng ý với nguyên tắc này. Đúng, tốt nhất nếu con người có thể nói những gì họ nghĩ, cầu nguyện như họ thích, thoát được quyền lực độc đoán của nhà nước, và có tiếng nói về ai sẽ cai trị họ. Rốt cuộc, ai có thể cãi lý rằng một số người phải bị buộc sống trong sự bạo ngược?

Thế nhưng nếu ta cào bề mặt, có đầy rẫy sự hoài nghi rằng dân chủ là đúng ở mọi nơi, mọi lúc, và cho tất cả mọi người. Người ta được nhắc nhở rằng những sự giải thích văn hóa một thời đã cho rằng những người Phi châu là quá bộ lạc, những người Á châu là quá Khổng giáo, và những người Mỹ Latin là quá say mê caudillos (các thủ lĩnh) để tạo ra các nền dân chủ ổn định. Những lý lẽ đó bây giờ thuộc về quá khứ, nhưng một sự ám chỉ đến chúng vẫn lơ lửng trên sự thảo luận về các sự kiện ở Trung Đông. Mùa xuân Arab đã dẫn đến sự thất vọng, và dân chủ có vẻ đã bị chủ nghĩa bè phái, sự sụp đổ nhà nước lấn át, và có một nỗi luyến tiếc rõ ràng về một thời có trật tự hơn, dẫu độc đoán.

Nhưng không thể bác được rằng dân chủ vẫn giữ được sức mạnh của nó để quyến rũ những người vẫn chưa được hưởng các ích lợi của nó. Người dân sẵn sàng đối mặt với sự ngược đãi và giam cầm, sự lưu đày, và thậm chí cái chết chính vì cơ hội để sống một cuộc đời tự do, ngay cả ở Trung Đông hỗn loạn.

Các tác giả của các tiểu luận trong cuốn sách kỷ niệm 25 năm này không thể bị buộc tội về sự thờ ơ với những khát vọng đó. Họ là giữa những người ủng hộ mạnh nhất cho quyền tự do–ở mọi nơi và cho mọi người. Nhưng họ bị cái Larry Diamond gọi là “suy thoái dân chủ” gây lo lắng. Câu hỏi lơ lửng trong không trung. Có phải những ngày tốt đẹp nhất của dân chủ đã qua rồi?

Chắc chắn, có những lý do để bi quan, và chúng được ghi chép với sự chính xác và thấu hiểu trong các tiểu luận tiếp theo. Những chuyển đổi dân chủ một thời đầy hứa hẹn đã thất bại, đang thất bại, hay vẫn chưa xong. Tôi nhớ kỹ việc tham dự một cuộc hội nghị Liên hiệp quốc năm 2007, khi Mali chuẩn bị làm chủ nhà cho cuộc họp thượng đỉnh kế tiếp của Cộng đồng các Nền dân chủ. Chỉ vài năm sau, Mali rơi vào cuộc đảo chính quân sự và sau đó trượt vào sự hỗn loạn rõ ràng và nội chiến và đã bị đuổi khỏi tổ chức. Nhưng Mali là một bài học trực quan thực tế về những thăng trầm của các chuyển đổi dân chủ. Nó đã được kết nạp lại vào Cộng đồng các Nền dân chủ năm 2014, dù nó vẫn chỉ được coi là “tự do một phần”.

Cũng có thể chỉ ra thành tích kém của các nền dân chủ mới về cung cấp ngay cả các dịch vụ cơ bản nhất – sức khỏe, việc làm, an ninh – cho nhân dân của họ. Quản trị kém đang bóp nghẹt các nền dân chủ non trẻ khắp toàn cầu và làm xói mòn sự chính đáng của chúng.

Và rõ ràng, các chế độ độc đoán có thể tự cho là có sự thắng cuộc nào đó về khía cạnh này. Lãnh đạo Trung Quốc có đươc tính chính đáng dựa trên sự thịnh vượng. Các công dân Trung Quốc được hưởng các lợi ích kinh tế và, đổi lại, bỏ sự tham gia chính trị. Căn cứ vào sự hỗn loạn và hư hỏng ở nhiều nơi đến vậy, nó là mô hình cám dỗ cho những người khác noi theo. Tương tự, nước Nga, một thời được cho là trên bờ ven để gia nhập trật tự dân chủ-tự do, đã quay lại gốc rễ độc đoán của nó ở trong nước và các chính sách hung hăng ở nước ngoài.

Trọng lượng địa chính trị của Trung Quốc và Nga đe dọa để tạo ra một môi trường quốc tế thù nghịch với dân chủ. Đồng thời, những người tìm tự do chắc chắn đã để ý thấy Hoa Kỳ và châu Âu đã ít lớn tiếng hơn trong các năm vừa qua trong bảo vệ sự nghiệp tự do.

Thế những người chủ trương dân chủ phải làm gì? Kể từ số đầu tiên của nó, Tạp chí này đã cung cấp những sự thấu hiểu về vấn đề này như nhau cho các nhà nghiên cứu, các học giả, và các nhà hoạch định chính sách. Các tiểu luận trong tập sách này sẽ nâng cao và thách thức tư duy của các bạn về triển vọng dân chủ ngày nay. Chúng ta được nhắc nhở rằng những người tin vào sự nghiệp khó khăn này phải tìm ra cách tốt hơn để giúp việc xây dựng năng lực nhà nước. Chúng ta bị thách thức để tìm ra những cách dùng viện trợ nước ngoài để cổ vũ tính hiệu quả và tính minh bạch của các chính phủ non trẻ. Chúng ta được báo trước đừng nghĩ rằng vòng cung dài của lịch sử sẽ chắc chắn thiên vị tự do.

Chúng ta có thể chắc chắn làm tốt hơn trong việc ủng hộ các nhà nước dân chủ mới và giúp họ cai quản hiệu quả hơn. Nhưng, có lẽ đúng nhất chúng ta cũng cần nhiều kiên nhẫn. Là không dễ đối với nhân dân vừa nắm được các quyền của mình để soạn các quy tắc công bằng và minh bạch của trò chơi chính trị. Là không dễ đối với đa số để sử dụng quyền tự do mới có được của họ để ủng hộ các quyền của các thiểu số. Là không dễ đối với các xã hội gia trưởng truyền thống để chấp nhận ý tưởng rằng sự bảo vệ các quyền cá nhân phải là trung tính về giới. Và là không dễ đối với người dân để dẹp những sự chia rẽ xã hội đau đớn, và thường dữ dội sang một bên, và học để tin các định chế vô tư và nền pháp trị để giải quyết các bất đồng.

Tuy nhiên, hãy liệt tôi như người lạc quan về tương lai của dân chủ. Các lựa chọn thay thế có thể có được sự chính đáng tạm thời bằng cung cấp sự cai trị hiệu quả trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng sẽ có các thách thức và vấn đề và áp lực dân chúng cho một tiến trình khác: đó là nỗi kinh hoàng của nhà độc đoán, bởi vì – không giống trong các nền dân chủ – không có cách hòa bình nào để nhân dân thay chính phủ.

Chúng ta cũng phải giữ viễn cảnh lịch sử, thừa nhận tầm với địa lý đáng chú ý của sự tiến triển dân chủ suốt những thập kỷ vừa qua. Chile và Colombia, Senegal và Ghana, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Indonesia đã cho một câu trả lời cho những người nghĩ rằng dân chủ có thể bén rễ chỉ ở nơi Khai sáng Âu châu đã chuẩn bị mặt bằng.

Và những người Mỹ, thuộc mọi chủng loại, phải kiên nhẫn. Khả năng đã chắc chắn nhỏ rằng hậu duệ của các nô lệ có thể có được các quyền của họ qua sự cầu khẩn đến Hiến pháp Mỹ mà một thời đã coi tổ tiên của họ như ba phần năm của một con người. Đó là một sự phát triển gần đây, tất nhiên. Chúng ta vừa kỷ niệm năm mươi năm (cuộc tuần hành từ) Selma và Bộ Luật Quyền Bỏ phiếu, đánh dấu sự chuyển đổi dân chủ thứ hai của Hoa Kỳ.

Như thế, trong khi những người trong chúng ta đủ may nắm để sống trong tự do có quyền để nghi ngờ lời hứa của nó, chúng ta không được quên rằng những người chưa được hưởng các lợi ích của nó vẫn có vẻ quyết tâm để có được nó. Đó là lý do lớn nhất cho sự lạc quan rằng dân chủ không suy thoái lâu dài. Và nó là một lời kêu gọi để làm tăng gấp đôi cam kết của chúng ta với đề xuất rằng không ai phải sống trong sự bạo ngược – cho dù con đường phía trước là khó khăn và dài.

– Condoleezza Rice

– – – – –

LỜI CẢM ƠN của Ban biên tập 

Tập sách này có xuất xứ của nó từ số kỷ niệm hai mươi lăm năm của Tạp chí Journal of Democracy, được xuất bản tháng Giêng 2015. Hầu hết các bài trong số đó viết về chủ đề, “Dân chủ có Suy thoái?”. Vài bài thảo luận câu hỏi này trong khung cảnh toàn cầu, còn các bài khác tập trung vào một nước hay khu vực cá biệt. Ngay cả trước khi số này xuất hiện, Greg Britton, giám đốc biên tập của Johns Hopkins University Press (JHUP), đã gợi ý cho chúng tôi ý tưởng về tập hợp các tiểu luận định hướng toàn cầu trong một cuốn sách ngắn. Chúng tôi đã đáp ứng tích cực với ý tưởng của Greg, và ông đã nhanh chóng bắt đầu lên kế hoạch cho tập sách này.

Ý định của chúng tôi để tiến tới dự án sách này được xác nhận tại lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm của tạp chí Journal of Democracy, được tổ chức ngày 29 tháng Giêng tại Hotel Monaco ở Washington, DC. Nét nổi bật của sự kiện này đã là một thảo luận panel, với hơn 200 người tham dự, về chính câu hỏi tạo thành tựa đề của tập sách này. Những người tham dự đã gồm năm tác giả của cuốn sách này – Thomas Carothers, Larry Diamond, Steven Levitsky, Marc Plattner, và Lucan Way – cũng như Alina Mungiu-Pippidi (người đã đóng góp một tiểu luận tập trung về mặt khu vực đến thế giới hậu cộng sản cho số tháng Giêng 2015 của Tạp chí). Cuộc tranh luận sinh động và say sưa tại panel và phản ứng nhiệt tình của công chúng đã gợi ý rằng có thể có sự quan tâm sôi nổi giữa một giới bạn đọc rộng hơn đến một cuốn sách về chủ đề này.

Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới các đồng nghiệp của chúng tôi ở Johns Hopkins University Press: đến Greg Britton vì sự truyền cảm hứng và bênh vực dự án này và đến biên tập viên quản lý Juliana McCarthy, cả thuộc Phân ban Sách, vì sự săn sóc hiệu quả của bà đến tập sách này qua quá trình sản xuất; và cả tới Phân ban Tạp chí, đã giúp đỡ hào phóng để tài trợ sự kiện kỷ niệm hai mươi lăm năm và trưởng Phân ban, Bill Breichner, đã đưa ra một số nhận xét độ lượng tại cuộc chiêu đãi. Sự cộng tác lâu dài của chúng tôi với JHUP cũng đã ăn ý như đã phong phú.

Chúng tôi cũng mang nợ khổng lồ đối với tổ chức mẹ của chúng tôi, Quỹ Quốc gia vì Dân chủ – National Endowment for Democracy. Chủ tịch Quỹ, Carl Gershman, và các thành viên Hội đồng Quản trị của nó, hiện thời do cựu Hạ nghị sĩ Martin Frost chủ tọa, đã chẳng bao giờ lung lay trong sự ủng hộ của họ cho Tạp chí, trong khi hoàn toàn tôn trọng tính độc lập biên tập và tính chính trực của chúng tôi. Chúng tôi coi mình vô cùng may mắn để có đặc ân được hoạt động bên trong một định chế đáng ngưỡng mộ và phóng khoáng như vậy. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn các sáng lập viên khác của Tạp chí suốt các năm, đặc biệt Quỹ Lynde and Harry Bradley Foundation, đã cấp tài trợ cho chúng tôi trong hơn hai thập kỷ.

Công trạng cho thành công của lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm của Tạp chí phần lớn là của các đồng nghiệp của chúng tôi tại International Forum for Democratic Studies (Diễn đàn Quốc tế cho Nghiên cứu Dân chủ), dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành Christopher Walker. Lời ca ngợi đặc biệt cho viên chức cấp cao về nghiên cứu và hội thảo Melissa Aten, mà sự bền chí và sự chú ý chuyên cần của bà đến chi tiết đã làm cho việc tổ chức sự kiện phức tạp này tỏ ra dễ dàng một cách gây lầm lẫn.

Trên hết, chúng tôi muốn cảm ơn toàn bộ nhân viên tuyệt vời và dày dạn của Tạp chí. Mỗi tiểu luận tiếp theo đã được cải thiện bởi công việc biên tập đích thân của biên tập viên điều hành Phil Costopoulos (người đã cùng chúng tôi từ khi thành lập Tạp chí) hay của biên tập viên cấp cao Tracy Brown. Biên tập viên quản lý Brent Kallmer đã làm công việc thông thường tuyệt vời giải quyết các thách thức của dàn trang và sản xuất, và trợ lý biên tập Hilary Collins, một người tương đối mới, đã chứng tỏ mình rồi là một thành viên quý giá của nhóm biên tập. Những đóng góp của họ cho Tạp chí, cho các cuốn sách trước của Journal of Democracy, và đặc biệt cho tập sách này đã hoàn toàn không thể thiếu được.

– Marc F. Plattner Larry Diamond

– – – – –

[*] Các quyển trước của bộ sách SOS gồm:

    1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
    2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
    3. J. Kornai – K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
    4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính
    5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí  ẩn của Vốn]
    6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
    7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
    8. G. Soros: Xã hội Mở
    9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
    10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
    11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
    12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
    13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
    14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
    15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
    16. Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007
    17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
    18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
    19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng
    20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống
    21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
    22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
    23. Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)
    24. Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013
    25. Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013
    26. Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013
    27. Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014
    28. Josep M. Colomer: Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha, 2014
    29. Lisa Anderson: Chuyển đổi sang Dân chủ, 2015
    30. Paul J. Carnegie: Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015
    31. Hsin-Huang Michael Hsiao (ed.): Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Phillipines, Hàn Quốc và Đài Loan, 2015

– – – – –

MỤC LỤC

  1. PHẦN MỞ ĐẦU: Lời giới thiệu của Dịch giả – Lời nói đầu của Condoleezza Rice – Lời cảm ơn của Ban biên tập

2. DẪN NHẬP của Marc F. Plattner 

3. VÌ SAO DÂN CHỦ LÀM KÉM ĐẾN VẬY? _ Francis Fukuyama

4. TRỌNG LƯỢNG CỦA ĐỊA CHÍNH TRỊ _ Robert Kagan

5. KHỦNG HOẢNG VÀ CHUYỂN ĐỔI, NHƯNG KHÔNG SUY THOÁI _ Philippe C. Schmitter

6. HUYỀN THOẠI VỀ SUY THOÁI DÂN CHỦ _ Steven Levitsky và Lucan Way

7. VIỆN TRỢ DÂN CHỦ 25 TUỔI: LÚC LỰA CHỌN _ Thomas Carothers

8. ĐỐI DIỆN VỚI SUY THOÁI DÂN CHỦ _ Larry Diamond

9. PHẦN CUỐI: Về các tác giả _ Bảng tra các từ mục (Index)

Bình Luận từ Facebook