Những chuyện chưa quên (phần 6)

Hồ Phú Bông

Phần 6: Cái chết của chiến sĩ

Ảnh: Trảng Lớn, Tây Ninh. Nguồn: autofun.net

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4phần 5

Cái chết của con vàng cứ ám ảnh Nghiêm. Nó không có liên quan gì cả. Thế nhưng nó là nỗi ám ảnh không rời. Từ sự kiện kiên trì hàng đêm của ông quản giáo, quyết tâm hạ cho bằng được con vàng, đến cái ngực con vàng mở ra toang hoác… bê bết máu. Đó là cái chết của một con vật. Vâng, một con chó. Không phải là một con người. Một con chó đói!

Lúc đó Nghiêm còn ở trại cải tạo Tây Ninh. Dãy trại là khu trại gia binh cũ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nằm bên trong căn cứ quân sự Trảng Lớn. Trại có nhiều lớp hàng rào kẽm gai bao bọc và một giao thông hào sâu. Bên kia rào, phía cổng vào, là phi trường trực thăng cũ. Văn phòng phi trường trước kia chỉ còn trơ lại những bức vách quét vôi màu vàng. Ở đó, vâng, ở cái sân nhỏ trước những bức vách quét vôi màu vàng đó, là phiên tòa án nhân dân xét xử Trung úy Pháo binh Ngô Nghĩa!

Hôm đó trại 3 đến ngày thảo luận bài học. Đây là một bài học trong loạt mười bài mà có rất nhiều tin đồn là học xong sẽ được cho về. Buổi thảo luận bắt đầu tám giờ tại từng lán. Ông quản giáo thường đến đúng giờ và ngồi ngay cửa ra vào. Hôm đó ông vừa đến thì có lệnh từ trung đoàn xuống, phải cử ngay tất cả lán phó đi tham dự mít tinh đặc biệt. Lán trưởng ở lại chủ trì thảo luận. Nghiêm rời lán, lòng có chút vui. Thoát được cảnh “ngồi đồng”, phải nghe lải nhải, lặp đi lặp lại thì còn gì vui hơn?

Một số cán bộ súng ngắn và mấy ông vệ binh súng dài áp giải tù tham dự mít tinh đặc biệt. Tù lán phó sắp thành hai hàng dài đi về hướng cổng trại. Không tù nào biết đang đi đâu nhưng đều cảm thấy thoải mái. Khi ra khỏi cổng trại, rẽ về bên phải, nơi hàng ngày tù tháo gỡ các tấm vĩ sắt PSP, sàn phi trường trực thăng, khiêng về làm hội trường, có mấy chục dân thường đã tụ tập sẵn ở đó. Một cái bàn và ba cái ghế chưa có ai ngồi. Một số bộ đội khác đang đứng rải rác. Xa hơn, một cây trụ gỗ được trồng trên một nỗng đất cao mà chiều hôm qua sau giờ cơm tối, tù lảng vảng bên nầy bờ rào thấy mấy ông bộ đội đang hì hục đào nhưng không ai biết là chuyện gì. Dưới đất, nơi cây trụ, đã rải vôi bột trắng xóa. Cách cây trụ không xa, một cái thùng bằng thiếc, có thể là thùng chứa vôi bột còn lại (?)

Cả đám tù khựng lại. Có tù hoa cả mắt. Đám dân cũng yên lặng, không thấy nói năng, chỉ trỏ, như những đám đông thường lệ. Đám tù được đứng bên hông, cách ly với đám dân. Đám dân đứng đối diện với hai cái bàn và ba cái ghế trống.

Từ dân tới tù chưa ai biết cái không khí nầy, dù đây là loại dân chắc đã được tuyển chọn đặc biệt!

Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, ba ông bộ đội với súng AK cầm tay, áp giải một người tù tới. Hai tay người tù bị trói gập sau lưng. Một ông bộ đội nắm giữ và đẩy đi. Người tù mặc bộ đồ đen mới, nếp gấp còn rất rõ. Mái tóc cũng cắt ngắn theo kiểu bộ đội. Người tù ốm và xanh như lá chuối non. Họ vừa lôi người tù nầy từ conex ở trung đoàn ra. Người tù bị giam trong đó bao lâu không ai biết. Đôi mắt người tù chắc đã quen với ánh sáng bên ngoài nhưng vẫn còn nheo lại. Toàn bộ người tù như một thứ cây thiếu sáng. Èo uột. Dài. Và mềm nhũn.

Tù conex là loại tù đặc biệt. Cái conex là một hộp sắt dày, lớn, gần như vuông vức, của quân đội Mỹ dùng để chở vũ khí cho an toàn. Kích thước cỡ 1,8 x 1,8 x 2,4 mét.  Ban đêm trong conex lạnh như mùa đông. Ban ngày như một bàn ủi nóng khổng lồ. Tiêu tiểu tại chỗ. Người nào đã nghĩ ra việc dùng cái conex để giam giữ người khác, quả là một sáng kiến kinh khiếp! Đây là một bước tiến mới của con người trong quá trình đày ải kẻ thù. Một sáng kiến cần phải được ghi vào sử sách!

Ba ông bộ đội áp giải người tù vào giữa sân. Người tù nhìn thoáng qua đám đông. Chắc chắn người tù hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi người tù nhìn đám tù. Đôi mắt anh không nói lên điều gì. Phẫn nộ hay kinh hãi. Đó là đôi mắt bình thản. Hờ hững. Một đôi mắt đã đạt được mức độ vô vi. Hình như không còn có gì bận tâm trong đôi mắt ấy. Nếu gọi là giải thoát, thì đã được giải thoát. Nếu gọi là bình an, thì đã có bình an. Nếu gọi là chịu đựng, thì hình như đã qua khỏi giai đoạn đó rồi.

Tôn giáo nào cũng tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn. Sự bình an khi gặp giông bão trong cuộc đời. Đôi mắt người tù đã đạt được điểm ấy.

Bao nhiêu tù đang xúc động. Có tù tê tái, không dám nhìn thẳng vào thực tại. Có tù đang sợ hãi cùng tột. Có tù đang phẫn nộ ngấm ngầm. Nhưng tất cả đều được che giấu ở bên trong. Chỉ có người tù nhân vật chính sáng nay, lại bình thản. Anh đang chết khi đang sống. Và anh đang sống, đang đứng giữa nơi đây. Anh đang sống bình an trong khi sự chết sẽ xảy ra rất gần. Không. Không là gì cả. Không sống. Không chết. Không kinh hoàng. Không sợ hãi. Tất cả đều tự nhiên. Thật tự nhiên. Thật bình thường như không có gì. Thật không có gì. Không có gì có thể kiềm tỏa thân xác nầy, vì thân xác sẽ về với cát bụi. Không có gì có thể kiềm tỏa linh hồn nầy, vì linh hồn sẽ về nơi cõi đời đời.  

Quê hương đã mất vào tay bạo tàn thì đời trai dọc ngang như đã kết thúc. Phẫn nộ trước kẻ thù nói lên mình đang uất ức, thua cuộc. Sợ hãi trước kẻ thù nói lên mình hèn nhát. Chỉ có bình thản trước kẻ thù là khí phách tinh anh, coi kẻ thù không là gì cả. Tại sao phải bối rối với kẻ mà mình coi chẳng ra gì? Đấy, là thái độ của anh trước tòa án nhân dân của chế độ mới!

Vào giữa sân, anh ngồi xuống đất. Ba ông bộ đội cầm súng đứng chung quanh.  

Một chiếc xe quân đội chạy tới, thả ba ông cán bộ xuống. Cả ba ông đều đội nón cối có gắn ngôi sao vàng giữa trán, đeo xắc cốt và mang dép râu. Không thấy có ông nào đeo cấp bậc trên cổ áo. Toán bộ đội đang đứng rải rác bây giờ tập trung lại sau đám đân.  

Ba ông cán bộ mới tới tự động ngồi vào ghế.  

Nghiêm đoán ông ngồi giữa là chánh án, hai ông ngồi hai bên sẽ là một công tố và một biện hộ.  

Ông ngồi giữa lấy giấy tờ ra khỏi xắc cốt. Ông bắt đầu:

– Hôm nay thừa lệnh Đảng và chính phủ, tòa khai mạc phiên xử tù nguy hiểm và âm mưu trốn trại.

Câu mở đầu đã nói lên tính cách mới của chế độ. Ở đây không có lập pháp, hành pháp và tư pháp ngang hàng và độc lập với nhau nữa. Ở đây không nhân danh công lý, luật pháp, mà là thừa lệnh Đảng! Chính phủ hay quân đội mở phiên tòa là thừa lệnh Đảng. nguy hiểm đã được gọi rõ ràng thay cho chữ cải tạo viên như danh xưng hàng ngày.

Ông ngồi bên trái cũng móc từ xắc cốt, cầm xấp giấy ra đọc. Lại có cả lý lịch, gia cảnh của bị cáo nữa. Cũng nhờ đó mà mọi người tham dự được biết thêm chút tiểu sử của người tù. Trung úy Pháo binh Ngô Nghĩa, quê ở Quảng Ngãi, có vợ hai con. Tội ác bị cáo buộc thì viết khá dài kể từ binh chủng cũ của anh cho đến hiện tại. Nhưng lòng vòng để qui tội chỉ có: cực kỳ phản động, đã dùng đại bác bắn phá cách mạng, đã không chịu ăn năn hối cải, lại âm mưu trốn trại và đã cắt đường dây điện thoại từ bộ chỉ huy ra cổng trại.

Tội ác ghê gớm cũ và mới mà công tố viên cáo buộc chỉ có như vậy.

Không ai hiểu tại sao phải giới thiệu quê quán và gia cảnh của anh. Phải chăng ý ông công tố muốn nhấn mạnh, anh là người cùng quê hương với ông Phạm Văn Đồng, đương kiêm Thủ Tướng chính phủ ở miền Bắc, mà lại cực kỳ ngoan cố?

Không thấy ông ngồi bên kia nói gì. Chỉ thấy ông cũng để cái xắc cốt trên bàn và mấy tờ giấy. Ông ngồi lơ đễnh nhìn về đám dân, có các bộ đội đang đứng ở phía sau. Ông công tố đọc xong cáo trạng.

Anh vẫn ngồi im. Bình thản.

Ông ngồi giữa hỏi đám đông:

– Nhân dân và các đồng chí có ý kiến gì không?

Tất cả im lặng.

Ông hỏi lần thứ hai.

Cũng im lặng.

Cuối cùng ông thấy được một cánh tay đưa lên.  Ông như vồ lấy, sợ cánh tay thụt trở xuống.

– Thưa đồng chí, tôi thấy tội lỗi đã rõ ràng. Xin đề nghị án tử hình.

Người vừa nói là một thanh niên có mái tóc ngắn, kiểu bộ đội nhưng mặc thường phục. Họ là đồng chí với nhau! Có lẽ đám dân đã được tuyển chọn, chưa ai tỏ ra có kinh nghiệm về vụ xử án như thế nầy, nên không khí mới yên lặng sau câu hỏi của ông ngồi giữa.

Ông ngồi giữa nói:

– Đã có đại diện của nhân dân nêu ý kiến. Tôi xin ghi nhận.

Ông lại hỏi tiếp.

Không còn ai phát biểu.

Cuối cùng ông quyết định:

– Các đồng chí phụ trách cho bị can quì xuống nghe tuyên đọc án lệnh.

Mọi đôi mắt đổ dồn về anh. Anh cũng bình thản nhưng nhất định không chịu quì. Ba ông bộ đội kéo anh đứng lên, rồi lại ấn xuống, bắt anh quì. Đôi tay anh bị trói chặt phía sau lưng nhưng anh vẫn phản ứng cương quyết. Và vẫn không thèm lên tiếng. Một ông bộ đội dùng bán súng đánh vào mặt anh. Một dòng máu rĩ ra từ khóe môi. Anh ngã chúi xuống đất trong tư thế chổng mông. Ông ngồi giữa từ tốn:

– Các đồng chí có nhiệm vụ, không được đánh bị cáo giữa phiên tòa.

Không khí căng thẳng. Mọi người nín thở chờ đợi.  

Rồi ông ngồi giữa đọc bản án:

– Thay mặt Đảng và chính phủ, tòa tuyên án tử hình. Án phạt phải được thi hành ngay tại chỗ.

Anh được kéo đứng dậy. Một ông bộ đội trùm lên đầu anh một túi vải đen như bộ quần áo anh đang mặc. Anh không có phản ứng. Ông bộ đội dẫn anh từng bước đi về hướng cây trụ.

Hai tay anh vẫn ở vị thế sau lưng, bị trói chặt vào trụ trước, rồi đến hai chân. Đến lúc nầy thì ông ngồi phía bên phải mới rời ghế. Ông không phải là ông biện hộ như Nghiêm nghĩ. Ông đang chỉ huy việc hành quyết!

Một phụ nữ trong đám dân bất ngờ kêu rú lên, rồi bỏ chạy. Mấy người khác cũng hấp tấp chạy theo. Số bộ đội đứng sau lưng đám dân không kịp cản lại. Chỉ có tù lán phó là bất động. Tất cả phải nhìn về phía cây trụ. Không một ai dám quay lại vì các ông vệ binh đang cầm súng đứng ở sau lưng.

Anh vẫn đứng yên. Đầu không nhúc nhích. Ánh nắng buổi sáng đang chiếu vào người anh. Hình ảnh anh nổi bật trên nền trời có mây trắng phía xa.

Ba ông bộ đội lùi lại phía sau. Đứng ngang hàng, chỉa súng nhắm vào anh. Ông chỉ huy hành quyết khoát tay ra lệnh. Đám tù lán phó, nhiều người nhắm mắt lại. Có người cúi xuống, lặng lẽ làm dấu thánh giá.  

Sáu tiếng súng nổ. Nửa người anh bật ngửa ra phía sau, rồi ngã gập lại về phía trước. Đầu gục xuống. Xác anh tụt xuống. Đầu gối hơi co lại. Ông chỉ huy hành quyết đưa tay lên, ra dấu ngưng bắn. Ông đích thân đi lại bên xác anh. Khẩu súng lục ông cầm nơi tay, để vào bên tai trái anh, bóp cò. Phát súng ân huệ! Thời gian xử tử xảy ra khá nhanh và yên lặng.  Đây không phải là thời gian cần tiếng nói của con người, là thời gian của tiếng súng! Nhiều tù lán phó ngồi bệch xuống trên cỏ. Xanh mét. Đầu cúi thấp. Không một ai chứng kiến cảnh ghê rợn như thế nầy trong cuộc đời. Nhưng mấy ông cán bộ và bộ đội thật bình thản, như một công việc đã quen!

Một bản án chỉ có giá trị khi công lý đã được thi hành. Bản án của anh Ngô Nghĩa đã được đọc. Đã được thi hành. Nhưng chân lý không ở nơi người nhân danh pháp luật mà lại nằm ở nơi anh. Mọi người đã hiểu rõ thêm bản chất của chế độ mới. Của luật pháp mới. Của tính ưu việt Xã Hội Chủ Nghĩa hơn gấp trăm lần các bài học đang được thảo luận.  

Làm Cách mạng là lo trước cái lo của thiên hạ, cho nên chưa mở phiên tòa, đã lo trồng trụ, lo vôi bột. Làm Cách mạng oai thiệt. Giết một con người chỉ cần đôi ba lời nói và mấy dòng chữ viết! Đơn giản chỉ có vậy.

Không có câu trả lời đây là tòa án quân sự của chính phủ Cộng hòa Giải phóng miền Nam Việt Nam hay tòa án nhân dân của chế độ mới! Chỉ biết đó là cái án tử hình, xử ngay tại chỗ.

Cả mấy tuần lễ sau, cho đến ngày Nghiêm chuyển trại, cây trụ gỗ vẫn còn đó. Đứng sừng sững. Họ muốn khoe khoang sức mạnh. Đó là uy quyền của chế độ mới. Đó là lời cảnh cáo hãy liệu hồn đấy!  

Nhưng với tù, cây trụ còn đứng chơ vơ trên nỗng đất, lại giống như một dấu chấm than lớn của chế độ mới và cũng là dấu chấm than của miền Nam tự do!

Khoảng mười giờ đêm, tù chuẩn bị đi ngủ, thì một tiếng nổ vang dội làm rung chuyển các dãy nhà đang ở. Tù nhốn nháo ra khỏi lán. Một số chạy về phía hội trường, nơi  phát ra tiếng nổ. Nghiêm thấy một đám khói còn đang bốc lên trong ánh đèn đêm lờ mờ. Có tiếng tù từ đó kêu thảng thốt:

– Gọi ngay cứu thương

Có tiếng thảng thốt khác:

– Lựu đạn MK 2.

Nghiêm chạy theo đám đông, đang đổ về bên hông của hội trường, cạnh bụi chuối. Bụi chuối tả tơi. Gãy gục. Bức tường vôi vàng, lỗ đỗ dấu vết đất và máu.

Quá đông người vây quanh nên Nghiêm không thể thấy được gì. Từ sau ngày Trung úy Pháo binh Ngô Nghĩa bị xử tử, không khí toàn trại đầy dao động. Nhiều tin đồn râm ran từ lán nầy qua lán khác. Một số tù có thân nhân theo cách mạng thì cố gắng nuôi giấc mơ sẽ được bảo lãnh về sớm. Một số tù còn sót lại, khi cả gia đình đã di tản, thì lặng lẽ trong tuyệt vọng. Một số thì vẫn ngây thơ, thật thà nghĩ cuộc chiến đã qua rồi nên những bài đang học là căn bản cần thiết để hiểu biết chế độ mới rồi sẽ được cho về. Số nầy tin ở các đài phát thanh của nhà nước, đang ra rả về chính sách khoan hồng nhân đạo. Một số khác, chín chắn hơn, thì bắt đầu chuẩn bị cho mình một đời tù lâu dài, kinh nghiệm từ cuộc cộng sản cướp chính quyền ở Nga, kinh nghiệm từ cuộc cộng sản cướp chính quyền ở Trung Quốc.

Các ông quản giáo ở tiểu đoàn đánh hơi được như vậy, nên lệnh mới ban xuống cấm tuyệt đối không được quan hệ với các đội khác. Không bàn tán, đưa tin đồn thất thiệt, nếu bắt được sẽ bị xử lý!

Nghe từ xử lý mới mẻ nhưng đầy hăm dọa nên đa số tù tự cô lập mình. Tiêu chuẩn ba không được diễn thật hay: không biết, không nghe, không thấy. Những ăng ten cũng bắt đầu phát tín hiệu lập công để mong được cho về sớm.  

Tù bước đầu tập cho mình một nếp sống tù thật sự. Ngu ngu, ngơ ngơ. Nín thở nhưng chưa biết bao giờ mới qua được sông sâu! Nhưng thế giới riêng của tù vẫn rầm rì với nhau và tránh càng xa những tù ăng ten càng tốt.

Tiếng mấy ông bộ đội đang cầm AK chạy đến, la lớn:

– Các anh khẩn trương về nại nán ngay.

Tù nghe lệnh nhưng cũng tụ năm, tụ ba, bàn tán xôn xao rồi mới từ từ tản hàng về lại lán, vì biết các ông bộ đội đang phải tập trung tại nơi phát ra tiếng nổ.

Trung úy Tâm (?) thuộc binh chủng Không quân (?) tự sát.

Sáng hôm sau, trước khi đi vào thảo luận tiếp bài học, ông quản giáo được lệnh trên, phải dành ra một tiếng đồng hồ để thảo luận về cái chết của Trung úy Tâm đêm qua. Ông mở đầu:

– Hậu quả của chế độ Mỹ Ngụy đang để nại cho đất nước ta có thể thấy ngay trước mắt. Đêm qua, anh Tâm tự sát. Trước khi chết anh Tâm đã để nại hai ná thư. Một ná viết cho cách mạng, bày tỏ sự ăn năn, hối cải nà đã phục vụ cho Ngụy quân, Ngụy quyền, phản nại cách mạng. Ná thứ hai anh viết cho người vợ sắp cưới của anh, nhờ cách mạng chuyển. Thư chị gửi anh, khuyên anh ăn năn, hối cải, để sớm được khoan hồng nhưng trong thư anh gửi chị, anh cho biết, anh đang bị căn bệnh xã hội, mà anh đã giấu chị. Căn bệnh nàm dương vật của anh bị nở noét và cụt mất, nên anh không thể sống để trở về nập gia đình với chị. Đây nà một nạn nhân trực tiếp của văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy. Do đó, tôi muốn các anh thảo nuận sôi nổi về hậu quả nguy hiểm mà đế quốc Mỹ đã để nại cho nhân dân ta.

Cả nhóm thảo luận không ai biết căn bệnh xã hội mà ông quản giáo nói là bệnh gì. Hột xoài, mào gà, lậu, giang mai thì biết, nhưng bệnh lở loét, làm cụt cả dương vật, trong khi Trung úy Tâm đã ở trong tù 6 tháng và hàng ngày vẫn đi lao động bình thường, là một chứng bệnh thật lạ! Trong nhóm, có hai bác sĩ quân y, nhưng tù hiểu nhau, nên yên lặng, không đòi hỏi đến kiến thức chuyên môn của hai tù bác sĩ nầy.  

Buổi tối, hai tù bác sĩ Minh, Tường, chuyện gẫu với Nghiêm. Minh nói:

– Cách mạng đã đem đến thật nhiều điều mới lạ. Có lẽ tao phải trở lại trường Đại học Y khoa của cách mạng để học thêm cho biết, căn bệnh xã hội đã làm rụng mất của quý mà bệnh nhân không hề đau đớn, vẫn đi lao động bình thường!

Tường thêm vào:

– Bọn đế quốc đểu thật! Căn bệnh nầy chúng lại không ghi vào sách vở!

Bên tiểu đoàn một, Trung úy Quân y Mai Gia Thược, là dược sĩ đồng khóa, cũng đã tự sát bằng lựu đạn, nhưng không phải loại lựu đạn công phá như MK 2, M 26 nên cái chết đau đớn hơn rất nhiều. Trung úy Thược đã dùng lựu đạn hóa chất lân tinh, nên cả thân người bị cháy bỏng, đã phải nằm trần truồng trong mùng ở trung đoàn suốt mười ngày, không được chăm sóc thuốc men, hôi thối đến lợm giọng rồi mới chết. Trạm xá ở trung đoàn rất nhiều tù bị bệnh nặng đủ loại, không thuốc men, nằm chờ chết. Còn các cô hộ lý thì thích nói chuyện, đùa giỡn với bộ đội thay vì chăm sóc người bệnh.

Chỉ một thời gian ngắn, khu đất gần phi trường trực thăng, đã biến thành một nghĩa địa nhỏ với những nấm mồ hoang. Chỉ vài ngôi mộ có miếng gỗ ghi tên người chết!

Vùng đất sống ngày nào, vùng đất đầy sinh động ngày nào, bây giờ là một vùng đất chết. Vùng an nghỉ của những con người chiến bại và ngây thơ!  

Đêm đêm, phía vườn cao su, có tiếng chuông trong vắt, ngân dài, và tiếng mõ tụng kinh đều nhịp, của một gia đình nào đó, cứ vọng vào, thêm nỗi tịch liêu.  

Gần sáng thì tiếng xe bò với nhịp chuông loọc coọc, rời rạc, nhắc nhở một ngày nữa đang đến.

Một ngày dài thiên thu.

_____

[1] Nghĩa địa nầy còn nhiều nấm mộ hoang. Kính xin quý độc giả cung cấp thêm tên tuổi những chiến sĩ đã bị chôn tại đây để lần tái bản, chi tiết về nghĩa trang nầy được đầy đủ hơn.

 

Bình Luận từ Facebook