Thấy gì qua hai vụ xử Châu Thị Thu Nga và Đoàn Thị Hương? Văn minh tư pháp khác nhau?

FB Trần Vũ Hải

17-10-2017

Ảnh trên: Bà Châu Thị Thu nga tại phiên tòa ở Việt Nam. Ảnh dưới: Đoàn Thị Hương và bị cáo người Indonesia ra tòa ở Malaysia. Nguồn: internet

Ngày 2/10/2017, toà án Hà nội xử sơ thẩm cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo cùng 9 đồng sự khác. Cũng ngày đó, Đoàn Thị Hương và một nữ công dân Indonesia bị một toà án ở Malaysia xét xử về tội giết anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, 16/10/2017, toà án Hà nội tuyên bà Nga án chung thân dù bà kêu oan, trong khi cô Hương vẫn đang trong quá trình xét xử và cũng kêu oan.

Cô Hương và nữ bị cáo người Indonesia cho rằng, họ bị một số người (Bắc Triều Tiên) dụ lừa vào trò truyền hình thực tế chơi khăm vẫn được đưa trên truyền hình nhiều nước, họ không biết đây là âm mưu ám sát một công dân Bắc Triều Tiên, và do đó họ vô tội.

Để thuyết phục toà án kết tội hai nữ nghi phạm này, công tố viên phải chứng minh được họ đã biết được âm mưu ám sát hay ít nhất biết được chất lỏng hắt vào ông Kim Jong Nam là chất độc, gây nguy hiểm cho người. Do đó công tố viên phải triệu tập nhiều người làm chứng, chuyên gia ra toà, từ y tá, bảo vệ, cảnh sát chứng kiến những phút cuối cùng của ông Kim đến bác sỹ, chuyên gia hoá học để cho ý kiến về chất độc được sử dụng, xem băng video ghi cảnh ông Kim bị đầu độc, đến tận phòng thí nghiệm để xác định chất độc còn lưu lại dấu vết trên người, quần áo của các nghi phạm…

Tóm lại các chứng cứ, tài liệu để xác định từng chi tiết, giả thuyết về vụ án đều được xem xét công khai tại toà (hoặc tại phòng thí nghiệm với sự hiện diện của nghi phạm và luật sư của họ). Không thấy toà tra hỏi các nghi phạm.

Trong khi đó, Châu Thị Thu Nga kêu oan không lừa đảo, để bác bỏ lời kêu oan này, lẽ ra công tố viên cũng phải chứng minh:

i/ Bị cáo đã gian dối với khách hàng về Dự án nhằm khách hàng phải đưa tiền cho bị cáo và

ii/ Khi bị cáo nhận tiền từ khách hàng, bị cáo có ý đồ chiếm đoạt ngay, tức không có ý thức trả lại tiền hoặc vật thế tương đương cho khách hàng.

Tuy nhiên, công tố viên Việt có vẻ nhàn trong phiên toà, toà chỉ chăm chăm xét hỏi các bị cáo và những người được coi là bị hại.

Trong vụ này, theo bị cáo Nga (và thực tế vậy), đã có chủ trương cho công ty nhà nước đang quản lý đất thực hiện dự án bất động sản với một công ty khác. Như vậy khi bị cáo nhận tiền của khách hàng, bị cáo có niềm tin dự án được thực hiện. Lẽ ra, Toà và Viện Kiểm sát phải triệu tập những quan chức và người liên quan khác để sáng tỏ:

1/ Để thực hiện chủ trương đó, các doanh nghiệp phải làm thủ tục gì, họ đã làm chưa, tại sao chưa phê duyệt cho họ?

2/ Để qua những thủ tục đó, bị cáo Nga phải chạy tiền cho các quan chức không, ai bị bà Nga cáo buộc nhận tiền, và cụ thể những lần nhận tiền đó diễn ra như thế nào, bị cáo Nga hay đồng sự khai đưa như thế nào, các quan chức bác bỏ như thế nào?

3/ Các quan chức và các cơ quan chức năng có biết việc bị cáo Nga nhận tiền của khách khi chưa đủ điều kiện theo luật không, và phản ứng từ các quan chức, cơ quan này thế nào (như cảnh báo đến bà Nga, khách hàng, thông tin cho báo chí, ra biện pháp ngăn chặn…).

Đối với lời khai bà Nga sử dụng hơn 30 tỷ đồng để chạy danh “bà Nghị”, lẽ ra toà phải cho đối chất công khai, và bà Nga có quyền khai chi tiết đã chạy như thế nào, lấy tiền và đưa tiền như thế nào, ai chứng kiến và chứng cứ, tài liệu nào có thể chứng minh cho lời của bà Nga. Nếu các quan chức không nhận tiền bà Nga, công khai bác bỏ (kèm chứng cứ, lập luận) dân sẽ tin họ. Còn nếu thập thụt giấu tên, đương nhiên dân tin bà Nga hơn.

Việc kết tội lừa đảo đối với bà Nga và các đồng sự, riêng bà Nga án chung thân, trong khi lờ đi những vụ chạy dự án và chạy đại biểu Quốc hội, luật sư không được xét hỏi đầy đủ và tranh luận lại, các yếu tố cấu thành tội danh lừa đảo không được chứng minh, khiến dư luận cho rằng “đây là vụ án được xử trước, theo chỉ đạo”.

Hai phiên toà ở hai nước khác nhau, nhưng cho thấy sự văn minh của hai nền tư pháp khác nhau, cho dù chưa nên coi Malaysia là nước phát triển và tiên tiến.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây