BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VOV đưa tin: Lần đầu tiên dưới thời Biden, tàu khu trục Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa. Hải quân Mỹ xác nhận, hôm nay, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nhằm “khẳng định quyền tự do hàng hải tại khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Sự kiện này diễn ra chỉ sau hai tuần khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Thêm hành động của Mỹ để chứng minh Biển Đông không phải là “ao nhà” của TQ: Tàu sân bay Mỹ đến gần Biển Đông, theo VnExpress. Đây là nhóm tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. Một quan chức giấu tên của hải quân Mỹ cho biết, “nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang ở rìa Biển Đông và chuẩn bị đi qua eo biển Malacca” trên hành trình trở về cảng nhà tại bang Washington.
VOV đặt câu hỏi: Chính quyền Biden sẽ thay đổi cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông? Giới quan sát nhận định, “chính quyền mới của Tổng thống Biden có thể theo đuổi cách tiếp cận vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, lại vừa khôi phục lòng tin, thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và tăng cường quyền lực mềm” bằng cách cùng hành động với các nước Đông Nam Á.
Nhà báo Mark J.Valencia phân tích, chính quyền ông Biden có thể thiết lập lại các kênh liên lạc để bảo đảm phía TQ hiểu được những lo ngại của phía Mỹ và ngược lại. Trong trường hợp hai bên không thể tìm được tiếng nói chung thì “Washington sẽ giữ lập trường kiên định, nhưng chắc chắn các bên có thể thu hẹp bất đồng trong một số lĩnh vực”.
Báo Người Lao Động có bài: Liên minh ứng phó Trung Quốc đang hình thành. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng với 2 người đồng cấp phía Anh, là ông Dominic Raab và ông Ben Wallace, “nhất trí phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp bằng vũ lực”. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bàn bạc về vấn đề hợp tác đối phó TQ trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Úc Scott Morrison.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Nghiên cứu mới cổ súy Trung Quốc gia tăng quấy rối ở Biển Đông? Đó là “nghiên cứu thiết bị không người lái để bảo vệ các quyền lợi biển”, xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội TQ, sau khi được đăng trên chuyên san Strategic Study of CAE của Viện Công trình Trung Quốc (CAE). Nhóm tác giả nghiên cứu này đến từ Học viện nghiên cứu hải quân TQ và Trường Khoa học và Công nghệ biển thuộc ĐH Công nghệ Tây Bắc TQ.
Chuyên gia an ninh Timothy Heath thuộc tổ chức RAND của Mỹ cảnh báo ý định dùng thiết bị không người lái của TQ để giám sát Biển Đông: “Các nước láng giềng có thể phản đối việc xâm nhập của những hệ thống không người lái theo dõi và giám sát hành vi của họ, vì những hệ thống này có thể gia tăng đáng kể khả năng của Trung Quốc quấy rối và cưỡng ép các bên tranh chấp khác”.
Mời đọc thêm: Tàu chiến Mỹ USS John S. McCain đi gần quần đảo Hoàng Sa (NLĐ). – Tàu chiến Mỹ lần đầu áp sát Hoàng Sa thời Biden (VNE). – Tàu sân bay Mỹ đến sát Biển Đông (VTC). – Tàu sân bay Mỹ đi qua cửa ngõ Biển Đông (Zing). – Mỹ và Anh tham vọng gì khi triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Elizabeth? (Infonet).
– Nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ‘đánh lận’ bản đồ Biển Đông phi pháp (TN). – Thượng viện Philippines bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh Trung Quốc (VOV). – Dự luật An ninh Hàng hải – Tham vọng cường quốc hàng hải của Indonesia (TTXVN). – Việt Nam có thể làm gì ở Biển Đông? (DĐDN).
Tin nhân quyền
Lại có thêm nạn nhân của “chú phỉnh” Đào Minh Quân: Thêm người bị bắt vì tham gia Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời, RFA đưa tin. Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Công Trứ, với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Trứ bị “chú phỉnh” họ Đào dụ “nhập hội” vào tháng 8/2020, bị cáo buộc đã sử dụng mạng xã hội để đăng ký tham gia “Trưng cầu dân ý” theo lời kêu gọi của tổ chức Chính phủ Quốc gia VN lâm thời.
RFA có bài: Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng vẫn áp chế tiếng nói đối lập. Nhà báo Lê Trung Khoa phân tích: “Theo tôi, ĐCSVN cũng dần thích nghi với cuộc sống thực tế và sự hội nhập quốc tế. Đó là vì họ cần về kinh tế, cần đô la để nuôi bộ máy cồng kềnh của đảng cũng như của nhà nước song trùng. Nhưng họ chỉ muốn mở về kinh tế mà không muốn mở về dân quyền và dân chủ. Những điều có ghi trong hiến pháp Việt Nam nhưng họ không thực hiện”.
Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền thống kê, trong năm 2020, chính quyền VN đã bắt giữ tổng cộng 60 nhà hoạt động về quyền con người và quyền đất đai, đồng thời kết án 22 nhà hoạt động với mức án từ 9 tháng đến 12 năm tù. Đầu năm 2021, lại thêm vụ kết án 3 thành viên của Hội nhà báo độc lập VN.
Ông Hà Văn Nam, người chống “BOT bẩn” vừa được trả tự do. Trên trang Facebook cá nhân, ông Nam cho biết: “Lời đầu tiên em xin chân thành cảm ơn tất cả các cô bác, các anh chị và anh em bạn bè đã luôn động viên an ủi cá nhân em và người thân gia đình em. Em được tự do từ 5h sáng nhưng không có điện thoại để vào FB. Giờ bắt đầu cầm điện thoại mà lóng nga lóng ngóng, bấm phím nọ sang phím kia”.
Mời đọc thêm: Hà Văn Nam – Người tranh đấu với các BOT “bẩn” mãn hạn tù (RFA). – TQ phản đối đề cử Nobel Hòa bình cho các nhà hoạt động Hong Kong (VOA). – BBC điều tra về ‘nạn nhân Uighur bị hãm hiếp tập thể’: Mục tiêu là hủy diệt tất cả? (BBC).
Tin nước Mỹ
Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn khi đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ. BBC tóm tắt chính sách ngoại giao của Joe Biden: Trung Quốc là ‘cạnh tranh lớn nhất’. Ông Biden nói: “Chúng ta sẽ giải quyết trực tiếp những mối đe dọa nhằm vào các giá trị an ninh, thịnh vượng và dân chủ đến từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc. Chúng ta sẽ đối phó những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành vi hung hăng của họ để đẩy lùi các cuộc tấn công của họ nhằm vào nhân quyền, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu”.
Đài CNBC có clip ghi lại toàn bộ bài phát biểu: Tổng thống Biden nói về chính sách ngoại giao ngày 4/2/2021.
Báo Người Việt đưa tin: Biden loan báo việc Mỹ trở lại với thế giới, củng cố quan hệ với đồng minh. Tổng thống Biden nói: “Tuy có nhiều giá trị này bị thử thách trầm trọng trong những năm gần đây, ngay cả bị đẩy đến mức nguy hiểm trong vài tuần qua, người dân Mỹ sẽ tiến ra khỏi hoàn cảnh đó trong sự vững mạnh hơn, quyết tâm hơn và được trang bị đầy đủ hơn để cùng thế giới đoàn kết bảo vệ dân chủ, vì chúng ta đã phải chính mình chiến đấu cho điều đó”.
RFI dẫn lời Tổng thống Joe Biden: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ. Ông Biden tuyên bố, Washington sẽ “đối đầu với mọi hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động hung hăng của Bắc Kinh và đẩy lùi mọi sự tấn công của Trung Quốc nhắm vào các quyền của con người, quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động trên toàn cầu”. Ông Biden thông báo, Mỹ sẽ đón nhận 125.000 người tị nạn trong năm, cao gần gấp 10 lần số người tị nạn ông Trump giới hạn, 15.000 người trong năm nay.
Về phiên tòa luận tội: Ông Trump bác yêu cầu ra khai chứng tại phiên xử luận tội, theo VOA. Các luật sư của ông Trump đã bác yêu cầu ông ra khai chứng tại phiên xử luận tội ông ở Thượng viện Mỹ vào tuần tới. Trước đó, dân biểu Dân chủ Jamie Raskin, người đứng đầu các công tố viên luận tội của Hạ viện, viết thư gửi ông Trump và luật sư của ông, mời ra khai chứng hữu thệ trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 11/2.
Mời đọc thêm: Ông Biden phát biểu đối ngoại: ‘Nước Mỹ đã trở lại!’ (PLTP). – Ông Joe Biden cam kết khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế (TTXVN). – Ông Biden cam kết xây dựng lại các liên minh của Mỹ (VnEconomy). – TT Biden: Chính sách đối ngoại thay đổi mạnh mẽ so với thời ông Trump (VOA). – Ông Biden muốn nhận số người tị nạn gấp 8 lần so với thời Trump (Zing). – Người Việt tị nạn tại Thái Lan hoan nghênh sắc lệnh của Tổng Thống Biden (VOA).
– Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (TT). – Nhà máy Việt Nam sản xuất khẩu trang cho Thủy quân Lục chiến Mỹ (VOA). – Mỹ xem xét lại việc triển khai binh sĩ trên toàn cầu (VNN). – Hạ Viện Mỹ loại DB Greene của Georgia khỏi cả 2 ủy ban quan trọng — Trump bác bỏ việc Hạ Viện đòi thẩm vấn trong phiên xử tại Thượng Viện (NV).
Cập nhật vụ chính biến ở Myanmar
Thông Tấn Xã VN dẫn tin từ hãng AFP: Hội đồng Bảo an kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà San Suu Kyi. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn hôm nay 5/2, 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ “nhấn mạnh cần duy trì tiến trình và các thể chế dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng các quy định của pháp luật”, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về cuộc chính biến.
Trước đó, TT Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar trao trả quyền lực, thả người, báo Giáo Dục Thời Đại đưa tin. Tổng thống Biden phát biểu: “Không nghi ngờ gì, trong một nền dân chủ, sức mạnh không bao giờ vượt qua được ý chí của người dân hay nỗ lực xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy… Quân đội Myanmar nên từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho những người ủng hộ, nhà hoạt động và quan chức mà họ giam giữ, dỡ bỏ các hạn chế về viễn thông và kiềm chế bạo lực”.
Zing đưa tin: Indonesia, Malaysia vận động ASEAN họp khẩn về binh biến Myanmar. Hôm nay, sau cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo, ngoại trưởng hai nước đề nghị tham vấn với Brunei – nước đang giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021: “Chính phủ Malaysia và Indonesia mong muốn ASEAN triệu tập phiên họp đặc biệt về vấn đề Myanmar”.
Đáp lại những lời kêu gọi thiện chí là vũ lực gia tăng: Cựu cố vấn chủ chốt của bà Aung San Suu Kyi bị bắt, VietNamNet đưa tin. Người phát ngôn của đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) Kyi Toe, nói với báo Bangkok Post, cố vấn Win Htein của bà Aung San Suu Kyi đã bị bắt vào rạng sáng nay 5/2: “Cố vấn Htein đã bị bắt lúc nửa đêm khi đang trú tại nhà con gái ở thành phố Yangon. Hiện ông ấy bị tạm giữ ở đồn cảnh sát thủ đô Nay Pyi Taw”.
Nhưng vũ lực vẫn không cản được những người đại diện cho lá phiếu của dân: Hàng chục nghị sĩ Myanmar tuyên thệ nhậm chức bất chấp chính biến, theo báo Thời Đại. Nghị sĩ Daw Phyu Phyu Thin, thuộc đảng NLD, gọi buổi tuyên thệ nhậm chức là “một phiên triệu tập của Quốc hội Myanmar”: “Không ai có thể tước bỏ tính hợp pháp của tư cách nghị sĩ mà nhân dân đã trao cho chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi tuyên thệ với tư cách là nghị sĩ, và điều này là vì nhân dân. Chúng tôi lên án chính phủ quân sự đã gây ra cuộc chính biến và đưa ra những cáo buộc lố bịch nhằm vào bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint”.
Nhân viên báo chí Kyi Toe của đảng NLD cho biết, sức khỏe của Aung San Suu Kyi ‘vẫn tốt’, VnExpress đưa tin. Nguồn tin xác nhận: “Chúng tôi được biết rằng tình trạng sức khỏe của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi ở Naypyidaw vẫn tốt. Theo thông tin tôi biết, bà ấy vẫn bị quản thúc tại gia”. Chuyên gia Herve Lemahieu, từ Viện Lowy của Australia, nhận định, quân đội Myanmar “có khả năng đã đưa ra quyết định chiến lược nhằm giữ kín thông tin về Suu Kyi khi quản thúc bà tại dinh thự ở Naypyidaw”.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Sau chính biến, Myanmar sẽ xích gần hơn với Trung Quốc? Tin cho biết, trước cuộc chính biến, TQ đã có một số dự án quan trọng trên lãnh thổ Myanmar, như tuyến đường sắt nối thị trấn biên giới Ruili của TQ với thành phố Mandalay của Myanmar, công trình cảng biển nước sâu do TQ tài trợ ở Kyaukpyu, là cửa ngõ cho tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt đi vào tỉnh Vân Nam của TQ. “Do đó, khả năng cao Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm, thậm chí là những vấn đề nhỏ nhất, trong quan hệ với Myanmar”.
Viet Times dẫn tin từ Asia Times: Trung Quốc là bên thắng cuộc địa-chính trị sau cuộc đảo chính ở Myanmar. Theo đó, TQ và Nga đã liên tục “chặn nỗ lực nêu các vấn đề liên quan tới Myanmar, bao gồm các vấn đề về nhân quyền, tại Hội đồng Bảo an LHQ, bởi họ đều có quyền phủ quyết”.
Mấy ngày gần đây, TQ còn chặn một tuyên bố chỉ trích cuộc đảo chính ở Myanmar do Anh soạn thảo, “đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với chính quyền quân đội mới ở Myanmar”. Trong tình hình Mỹ đe dọa trừng phạt, TQ trở thành chỗ dựa duy nhất của chính quyền quân phiệt Myanmar.
Mời đọc thêm: Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố về tình hình ở Myanmar (VOV). – Hội đồng Bảo an yêu cầu quân đội Myanmar thả Cố vấn Suu Kyi (TP). – Miến Điện: Hội Đồng Bảo An bày tỏ ‘‘quan ngại sâu sắc’’, nhưng không lên án đảo chính (RFI). – Đảo chính Myanmar: ‘TQ sẽ ủng hộ bất kỳ chính phủ nào cầm quyền’ (BBC). – Quân đội Miến Điện tiếp tục đàn áp sau cuộc đảo chính (RFI).
– ASEAN sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt về tình hình Myanmar? (NLĐ). – Lãnh đạo Malaysia-Indonesia kêu gọi tổ chức hội nghị Ngoại trưởng ASEAN về Myanmar (TG&VN). – Trợ lý thân cận của bà Aung San Suu Kyi bị bắt lúc nửa đêm tại nhà con gái (TĐ). – Chân dung cánh tay phải của bà Aung San Suu Kyi vừa bị bắt (KT). – Hàng chục nghị sĩ Myanmar tuyên thệ nhậm chức và tuyên bố ‘điều này là vì nhân dân’ (DNVN). – Dân Miến Điện gõ nồi niêu để xua ‘tà ma’ đảo chính (VOA). – Myanmar trở thành điểm nóng mới của đối đầu Mỹ – Trung (Zing).
***
Thêm một số tin: Hạn mặn ĐBSCL năm 2021: dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn bị ảnh hưởng (RFA). – VN: mộ phần của những sinh linh bị chối bỏ (BBC). – Trung Quốc thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo (VNN). – Trung Quốc nối lại tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (VNE). – Chuyên gia WHO: Chưa tìm ra nguồn gốc COVID-19 (PLTP). – Covid-19: Hoa Kỳ vượt ngưỡng 450.000 người chết (RFI).
Hôm qua xử phúc thẩm
Y án mười ba năm
Với anh Nguyễn Văn Túc ,
Một tù nhân lương tâm .
Anh chấp nhận bản án ,
Không van xin , kêu ca .
Nghe nói chỉ nhếch mép
Và chửi : Địt Mẹ Toà !
Một câu chửi vĩ đại ,
Ngay ở chốn công đường .
Chửi bộ máy tư pháp
Vớ vẩn và nhiễu nhương .
Bộ máy tư pháp ấy
Đáng chửi gấp nghìn lần .
Chỉ giỏi nâng bi đảng ,
Gây oan ức cho dân .
Đừng nhắc đến công lý
Với toà án nước ta …
Tôi , bị xử oan trái ,
Cũng nói : Địt Mẹ Toà !
TBT