Tác giả: Alexander Cooley và Daniel H. Nexon
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
Số tháng 7-8/2020
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
Bảo hành hệ thống quyền lực Mỹ
Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đại cường, việc chấm dứt độc quyền bảo trợ của phương Tây và sự xuất hiện của các phong trào phản đối hệ thống quốc tế tự do đã làm thay đổi trật tự toàn cầu mà Washington đã chủ trì kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều khía cạnh, đại dịch COVID-19 dường như đang đẩy nhanh hơn nữa sự xói mòn của bá quyền Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức toàn cầu khác do hậu quả của việc chính quyền Trump cắt tài trợ và và đổ lỗi cho cơ quan y tế công cộng này. Bắc Kinh và Moscow đang mô tả chính mình là các nhà cung cấp hàng hóa khẩn cấp và vật tư y tế, đến các nước châu Âu như Ý, Serbia và Tây Ban Nha, và thậm chí đến cả Hoa Kỳ.
Các chính phủ phi tự do trên toàn thế giới đang sử dụng đại dịch để che đậy việc hạn chế tự do truyền thông và trấn áp phe đối lập chính trị và xã hội dân sự. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn còn hưởng thế ưu việt quân sự của mình, nhưng địa vị thống trị ấy của Hoa Kỳ đặc biệt không phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và các hậu quả dây chuyền của nó.
Ngay cả khi cốt lõi của hệ thống bá quyền Mỹ, bao gồm hầu hết các đồng minh lâu đời tại châu Á và châu Âu, dựa trên các quy tắc và định chế được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, vẫn còn vững mạnh, và như nhiều người bênh vực trật tự tự do sẽ đề xuất, ngay cả khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có thể vận dụng sức mạnh tổng hợp kinh tế và quân sự để tạo lợi thế cho mình, thực tế là Washington sẽ phải làm quen với một trật tự quốc tế ngày càng cạnh tranh và phức tạp. Không có cách sửa chữa dễ dàng cho việc này. Không có khoản chi tiêu quân sự nào có thể đảo ngược các quá trình thúc đẩy sự rã rệu của bá quyền Mỹ. Ngay cả khi Joe Biden, ứng cử viên Dân chủ, giả định, đánh bại Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay, hoặc nếu Đảng Cộng hoà chịu từ bỏ chủ nghĩa Trump, sự tan rã vẫn còn tiếp tục.
Các câu hỏi chủ yếu hiện nay liên quan đến tình trạng tan rã là nó sẽ lan rộng bao xa. Liệu các đồng minh cốt lõi sẽ tách rời khỏi hệ thống bá quyền Mỹ hay không? Hoa Kỳ có thể duy trì sự thống trị tài chính và tiền tệ đến bao lâu, và ở mức độ nào? Kết quả thuận lợi nhất sẽ đòi hỏi phải dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Trump ở Hoa Kỳ và cam kết xây dựng lại các định chế dân chủ tự do từ cốt lõi. Ở cả cấp độ trong nước lẫn quốc tế, những nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi phải có các liên minh giữa các đảng và các mạng lưới chính trị trung hữu, trung tả và tiến bộ.
Những gì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có thể làm là lên kế hoạch cho một thế giới sau khi mất vai trò bá quyền toàn cầu. Nếu họ giúp duy trì được phần cốt lõi của hệ thống quyền lực Mỹ, các quan chức Hoa Kỳ có thể bảo đảm rằng Hoa Kỳ lãnh đạo liên minh kinh tế và quân sự mạnh nhất trong một thế giới của nhiều trung tâm quyền lực, thay vì đứng về phía thua cuộc trong hầu hết các cuộc thi đua về hình dạng của trật tự quốc tế mới.
Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ phải phục hồi lại Bộ Ngoại giao đang gặp nhiều khó khăn và thiếu nhân viên, xây dựng lại và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực ngoại giao của mình. Tài lãnh đạo quốc gia thông minh sẽ giúp lèo lái một đại cường qua một thế giới được xác định bằng các cạnh tranh lợi ích và thay đổi liên minh.
Hoa Kỳ thiếu cả ý chí lẫn nguồn lực để qua mặt Trung Quốc và các cường quốc mới nổi khác trong việc mua chuộc sự trung thành của các chính phủ. Hoa Kỳ sẽ không thể bảo đảm sự cam kết của một số quốc gia đối với các viễn kiến của mình về trật tự quốc tế. Nhiều chính phủ trong số đó đã xem trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo là mối đe dọa đối với quyền tự chủ, nếu không phải là sự sống còn của họ. Và một số chính phủ vẫn còn hoan nghênh một trật tự tự do, do Hoa Kỳ lãnh đạo, hiện đang tranh đấu với chủ nghĩa dân túy và các phong trào phi tự do khác đang phản đối trật tự này.
Ngay cả ở đỉnh cao của thời điểm đơn cực, Washington không luôn luôn muốn làm gì thì làm. Bây giờ, để mô hình chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ duy trì sức hấp dẫn đáng kể, Hoa Kỳ trước tiên phải tổ chức lại việc nhà của mình. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại của chính mình trong việc tạo ra một hệ thống thay thế; Bắc Kinh có thể gây khó chịu cho các đối tác và các nước lệ thuộc bằng các chiến thuật gây áp lực và các hợp đồng thiếu minh bạch và thường xuyên tham nhũng.
Một bộ máy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được hồi sinh sẽ có thể thực hiện ảnh hưởng đáng kể đến trật tự quốc tế ngay cả khi không có quyền bá chủ toàn cầu. Nhưng để thành công, Washington phải công nhận rằng, thế giới không còn giống với thời kỳ khác thường trong lịch sử thập niên 1990 và thập niên đầu tiên của thế kỷ này. Thời khắc đơn cực đã trôi qua, và nó không quay trở lại.