Trường hợp Thủy Tiên và chương trình cứu trợ quốc gia

Tạ Duy Anh

22-10-2020

Thôi, đừng ai èo xèo, thị phi, ghen tức khi Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng cứu trợ lũ lụt chỉ trong vài ngày. Ở đất nước này, trong thời điểm này, ngoài cô ấy ra, không ai, không tổ chức nào làm được điều phi thường đó. Bi kịch thảm thương của dân tộc là đấy chứ đâu.

Qua chuyện này, cả thiên hạ biết rõ (chứ không phải phản động, thế lực thù địch tuyên truyền) niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước, cụ thể là vào đội ngũ cán bộ mang rất nhiều danh vị, học qua rất nhiều trường, bộ sưu tập huân huy chương, bằng khen giấy khen cực kỳ đồ sộ… hóa ra không có gì để so được với một cá nhân chả bao giờ diễn thuyết về đạo đức cách mạng. Bởi sự tử tế của Thủy Tiên là tử tế thật, sự tử tế mang tinh thần đồng bào, chứ không đầu môi chót lưỡi, giả tạo như của những cái miệng chỉ quen với “nịnh và cạp”, để rồi viết một cái băng-rôn cho đúng ngữ pháp cũng không xong!

Nhưng thôi, đất nước đang thiên tai, chỉ nên nói chuyện cần kíp trong việc cứu người. Các vị không được dân tin cũng đừng lấy thế làm chạnh lòng, bởi sự thật nào cũng có vị đắng cả. Mà hãy nghiêm túc suy nghĩ về một Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Quốc gia. Đặt tên thế nào là việc của các nhà làm chính sách. Nhưng cái Chương trình đó cần phải hiện đại, có nguồn lực, có lực lượng được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng triển khai cực nhanh đến những nơi xảy ra thảm họa như hỏa hoạn, động đất, sạt lở hay như lũ lụt đang diễn ra ở miền Trung. Bởi vì trong mọi thảm họa, luôn có những cấp độ cần phải giải cứu khác nhau.

Có những trường hợp, nếu không nhanh, thì mọi chuyện là vô nghĩa. Cá nhân, dù có phép thần thông cũng chịu. Tiền trăm ngàn tỉ cũng chả ý nghĩa gì. Khi đó chính là lúc Nhà nước, thông qua Chương trình cứu hộ, thể hiện nghĩa vụ và sự tử tế với người dân. Còn những trường hợp không khẩn cấp, nhưng sẽ kéo dài, thì người dân có thể tự xoay sở ban đầu, kịp để mọi lực lượng xã hội tham gia trợ giúp.

Năm nào đất nước cũng có thảm họa thiên tai, không lớn thì bé, nhưng khi nó xảy ra thì việc cứu hộ vẫn cứ lúng túng, chậm chạp và thiếu hiệu quả? Thậm chí tôi rất ngạc nhiên khi ngày thường máy bay trực thăng, thủy phi cơ… có thể đưa du khách tham quan khắp nơi (chưa kể máy bay của quân đội), mà khi dân sắp chết đuối thì chả thấy bóng dáng chúng đâu.

Năm 1971, khi đó đất nước nghèo hơn bây giờ nhiều, vậy mà lũ chạy lụt chúng tôi luôn nhận được bánh mỳ quăng xuống từ máy bay trực thăng. Người dân được hướng dẫn cắm cờ để phi công tin rằng nơi đó tụ tập nhiều người. Những chiếc bánh mì được gói bọc cẩn thận, để có thế nổi trong nước nhiều ngày liền mà không bị ướt, không bị hỏng. Rất nhiều người khi đó, nếu không có ổ bánh mỳ vớt được, hoặc do người khác nhặt được ném cho, thì đã chết đói trước khi được giải cứu. Trong cứu hộ, đừng chi li như kiểu đánh đáo của trẻ: Cứ phải thả trúng lỗ mới ăn tiền!

Hình ảnh bên dưới trả lời phần nào việc vì sao nhân dân tin Thủy Tiên hơn cán bộ cao cấp của chế độ?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Ở đất nước này, trong thời điểm này, ngoài cô ấy ra, không ai, không tổ chức nào làm được điều phi thường đó. Bi kịch thảm thương của dân tộc là đấy chứ đâu. Qua chuyện này, cả thiên hạ biết rõ (chứ không phải phản động, thế lực thù địch tuyên truyền) niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước, cụ thể là vào đội ngũ cán bộ mang rất nhiều danh vị, học qua rất nhiều trường, bộ sưu tập huân huy chương, bằng khen giấy khen cực kỳ đồ sộ… hóa ra không có gì để so được với một cá nhân chả bao giờ diễn thuyết về đạo đức cách mạng.”
    -Thật đúng là “Ý Đảng, lòng dân – cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của nhân dân Việt Nam”

  2. Vườn chỉ là ” tôi ước” của Đoàn bảo Châu thui
    Tiền của dân, của đất nước, đảng chỉ dùng nuôi quân đội công an, thanh kiếm và lá chắn của đảng
    Ở vn như tui biết chỉ có cty bay trực thăng của quân đội chỉ phục vụ giàn khoan và cứu cháy cho các tư bản đỏ ở penhouse, khi có sự cố cháy tòa nhà với giá phí hàng tháng ngất ngưởng

  3. Nếu như chúng lo cho dân y như tất bật tổ chức hoành tráng đại hội đảng 13 thì thật là đại phúc. Khi quốc gia lo không xong cho dân để thường dân phải can thiệp, bi kịch thảm thương của dân tộc là đấy chứ đâu.

Comments are closed.