Những yếu tố giúp trẻ em trưởng thành (Bài 3)

Kim Anh

18-9-2020

Tiếp theo bài 1bài 2

Ngoài hai yếu tố dạy các em biết nói và biết cảm thông, những điều sau đây cũng rất quan trọng để giúp các em trưởng thành.

3. Tình liên đới:

Hồi cuối năm ngoái, nạn cháy rừng bùng lên kinh khủng ở lục địa Úc châu. Từ Tây Âu và Bắc Mỹ, các nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp tình nguyện bay qua Úc dập lửa. Các chính phủ liên hệ cũng gởi theo những thiết bị và phương tiện hỗ trợ.

Chẳng có gì buộc được những công dân nước này phải liều tính mạng bay qua nước khác giúp đỡ nếu họ không muốn. Những người lính cứu hỏa bay qua Úc đó, họ biết rõ là phải hy sinh những ngày lễ cuối năm đoàn tụ nghỉ ngơi ấm cúng với gia đình. Và họ cũng biết công việc đó nguy hiểm ra sao, có thể đi mà không có ngày về.

Chúng ta phải tự hỏi, điều gì làm những công dân bình thường đó quyết định chọn một hành động dũng cảm như vậy? Nền giáo dục nào đã tạo ra được những con người đáng nể phục đó? Và thế giới này có thật sự cần những người sẵn lòng “ăn cơm nhà đi vác ngà voi” thế không?

Câu hỏi cuối ở trên, bằng kinh nghiệm và hiểu biết hiện tại, thế giới phải trả lời là có. Nếu chúng ta không giúp một nước nghèo dập dịch chẳng hạn, thì chẳng bao lâu dịch sẽ lan ra toàn thế giới. Nếu chúng ta làm ngơ khi lửa cháy ở những cánh rừng nguyên sinh Nam Mỹ, thì kho tàng đa dạng sinh học vô giá của Trái Đất sẽ biến mất và cả loài người sẽ lãnh đủ hậu quả.

Vì vậy, nếu phải kể thêm một yếu tố thứ ba nữa giúp trẻ em thật sự trưởng thành, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa này, thì đó là tình liên đới nhân loại. Sự an toàn của nền văn minh này thật mong manh và số phận của tất cả loài người liên quan chặt chẽ với nhau như trên cùng một con thuyền trước giông bão. Cơn đại dịch Covid-19 và mối nguy biến đổi khí hậu đã dạy chúng ta điều đó.

Những ngày phải đóng cửa các hoạt động kinh tế vì dịch bệnh, Việt Nam xuất hiện những “máy phát gạo tự động”, những điểm tặng thực phẩm miễn phí cho người cần. Những nghĩa cử đầy tình liên đới này cũng xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Ai trong chúng ta cũng hiểu đó là cách đối phó tuyệt vời với đại họa chung, giúp cho xã hội khỏi hỗn loạn. Khi xã hội hỗn loạn thì không ai, không gia đình nào được yên. Khi mức hỗn loạn lan ra tầm thế giới thì cũng chẳng quốc gia nào bình yên.

Không thể coi thường ý thức liên đới này, nếu chúng ta muốn con em chúng ta có một tương lai thanh bình, yên ổn. Thế hệ sắp tới phải biết sống hết sức trách nhiệm với nhau và với cộng đồng, nếu muốn nền văn minh này tồn tại.

Muốn bầu sinh thái bớt ô nhiễm thì từng người phải bớt xả rác và bỏ bớt những hành vi làm tổn hại môi trường. Muốn tài nguyên Trái Đất không cạn kiệt thì từng người phải biết giảm bớt tiêu xài vô tội vạ. Muốn dịch bệnh không bùng lên ngoài sức chịu đựng của ngành y tế thì mỗi người phải làm theo lời khuyên của các chuyên gia y tế như, tự giác giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và các biện pháp ngăn ngừa khác…

***

Chúng ta nghĩ sao khi có những nhà lãnh đạo muốn vaccine chống Covid-19 được phát minh ra sẽ là hàng hóa độc quyền để quốc gia họ giành được lợi thế kinh tế và chính trị, chứ không phải vaccine cần là tài sản chung của toàn nhân loại và cần phải được cung cấp cho tất cả hơn 7 tỉ con người trên mặt đất này, bất kể ở nước giàu hay nước nghèo?

Và ai sẽ là những người quyết định chọn lựa giữa hai điều đó? Bầy cừu để các nhà lãnh đạo ích kỷ tham lam dẫn đâu đi đó, hay những công dân trưởng thành biết quyết liệt đòi hỏi các lãnh đạo quốc gia phải thực thi tình liên đới giữa loài người?

4. Lượng biến thành phẩm

Tiến trình trưởng thành là tiến trình trẻ em biến những lượng thông tin chúng học hỏi thu thập được trở thành phẩm chất cho chính bản thân và cuộc đời mai này của chúng. Đây là yếu tố cuối mà tôi xin dùng làm kết luận cho bài này.

Thường thì xảy ra những giai đoạn khủng hoảng, hoang mang, mất hướng, những cơn “sốt vỡ da” để mỗi đứa trẻ lớn lên. Đó là những lúc đổ vỡ khung nhận thức cũ, để hình thành một khung nhận thức cao hơn. Giống như một người đang bước lên bậc thang, phải có lúc dám nhấc một chân lên, tức là chấp nhận mất thế thăng bằng cũ, trước khi có được thế thăng bằng mới ở nấc thang kế tiếp.

Tiến trình đó đúng cho từng cá nhân mà cũng đúng cho cả xã hội loài người. Chúng ta nhận thấy thế giới hiện nay của chúng ta đang đứng trước những khủng hoảng nghiêm trọng. Những kinh nghiệm của bao nhiêu thế kỷ qua, giờ như đang gặp phải những bế tắc và đổ vỡ.

Chính thế hệ con em của chúng ta hiện nay sẽ đối mặt với thử thách của một cuộc tổng hợp mới, một trật tự kinh tế và chính trị mới để vượt qua khủng hoảng. Chúng ta cần nghĩ đến điều đó ngay từ bây giờ và chuẩn bị cho con em chúng ta.

Học để trở thành một bánh răng trong một guồng máy đã gặp quá nhiều vấn đề và dẫn đến những hiểm họa khôn lường, hay học để dám can đảm đổi hướng, hầu tìm ra con đường sống còn mới? Con em chúng ta sẽ phải sáng tạo một cách sống mới, điều mà thế hệ chúng ta, do thói quen và quán tính, không chắc sẽ thực hiện được.

Một nền kinh tế biết bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung Trái Đất, chứ không phải chỉ biết khai thác và bóc lột. Một trật tự chính trị quốc tế hướng đến đối thoại, cộng tác chứ không phải chỉ biết chạy đua vũ khí và gây ra chiến tranh. Một loài người đông đảo nhưng biết chung sống hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên.

Chúng ta đang sống trong một khúc quanh ngặt nghèo của lịch sử, và tình hình buộc chúng không thể khoán trắng trách nhiệm hướng dẫn con em chúng ta cho các nhà giáo dục, bởi chính họ cũng đang phải lo âu tìm hướng mới và cần sự cộng tác của mỗi người cha, người mẹ trong gia đình, là chúng ta.

Bình Luận từ Facebook