Chuyện trước ống kính và chịu trách nhiệm

Chu Mộng Long

19-8-2020

Theo dõi truyền thông nước ngoài, tôi thấy các quan chức thường tìm cách tránh xa hoặc tẩu thoát trước ống kính nhà báo. Cực chẳng đã họ mới đối mặt với ống kính. Các hình ảnh của họ thường xuất hiện ngẫu nhiên khi nhà báo chụp tự nhiên nơi công cộng. Không phải họ mất tự tin mà chỉ vì họ biết dây vào báo chí là dễ sinh phiền phức. Một cử chỉ, một lời nói thiếu cẩn trọng là dính đòn dư luận. Và cũng từ đó tạo ra một lối sống văn minh của quan chức quốc gia văn minh: khiêm nhường, không khoe hình, khoe chữ trước ống kính.

Ngược lại, tôi thấy các quan chức Việt hoặc nhảy xổ vào ống kính hoặc giương giương tự đắc khi được ống kính nhà báo chĩa vào. Một thái độ tự tin đến dũng cảm, người Hà Nội gọi là đ*o sợ. Quan chức Việt không sợ phiền phức mặc dù bị vướng không ít phiền phức. Một cái cười nịnh, một cử chỉ vụng về, một lời nói vô nghĩa hoặc bất nhã đều tự giác phô trương trước ống kính.

Sâu xa của cái tư cách này là truyền thống háo danh, cái truyền thống mà những người vô danh nhất, tức không quan chức, cũng thấy vinh dự khi được nhà báo quan tâm phỏng vấn. Ai cũng tin được phát sóng là có danh, thậm chí tin sẽ được… bất tử. Đến mức không được đứng trước ống kính nhà báo thì tự tạo ra ống kính để khoe đủ thứ.

Bây giờ thì tôi nói đến vấn đề chịu trách nhiệm, trách nhiệm phát ngôn, trách nhiệm xuất bản và những trách nhiệm khác.

Một ông lên sóng khoe hình, khoe danh hoặc phát ngôn bậy bạ, hoặc nói nước đôi ỡm ờ, bị dư luận công kích thì lập tức chối cãi. Nào tại sao lấy hình, lấy danh tôi ra bêu riếu, vi phạm quyền riêng tư. Nào báo chí đăng phát ngôn của tôi không nguyên văn mà cắt xén dẫn đến hiểu lầm.

Nếu là quan chức càng to thì càng đổ vấy trách nhiệm cho thằng thư ký hay biên tập viên. Chỉ khi dư luận dồn ép vào chân tường và cấp cao hơn quát mắng cho một trận thì mới chịu xin lỗi một cách miễn cưỡng và trí trá.

Thật lạ là, khi phát sóng truyền hình, báo chí hay xuất bản sách, cuối cùng đều có ghi rõ: Tổng biên tập Nguyễn Văn Lươn, Chịu trách nhiệm xuất bản Trần Văn Chạch. Nhưng khi xảy ra sự cố như nói bậy, viết bậy, đạo văn… thì anh Lươn, anh Chạch biến mất tăm, không thấy đứng ra chịu trách nhiệm.

Tôi kể chuyện này. Khi tôi làm Thanh tra nhân dân, góp ý dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ, tôi cãi một hồi về sự chênh lệch bất công quá lớn giữa các mức tiền quản lý và với thu nhập của người lao động nhưng rồi đành phải chào thua vì những biểu quyết nịnh. Nhưng tôi phải nói, nhận tiền trách nhiệm cao thì nên nhớ giùm tôi, khi xảy ra sự cố thì ai nhận tiền nhiều nhất thì phải chịu trách nhiệm cao nhất. Không ai cãi. Nhưng thật lạ là khi xảy ra sự cố, hoặc là họ đổ vấy trách nhiệm cho nhau hoặc chơi trò thí tốt.

Nhớ lần xảy ra vụ mua bán điểm, sau khi tôi kết luận thanh tra, ông to nhất hào hứng đổ hết tội cho ông quan nhỏ hơn chỉ vì sợ ông nhỏ hơn ấy chiếm ghế của mình. Tôi nói thẳng: “Ông nào ăn tiền trách nhiệm cao nhất thì phải bị kỷ luật nặng nhất!” Vậy là ông to nhất ấy mất hứng, chỉ thí vài con tốt để chứng tỏ mình có trách nhiệm.

Bình Luận từ Facebook