Đường biên giới Việt-Trung khu vực Nam Quan theo công ước Pháp-Thanh 1887 (Phần 1)

Trương Nhân Tuấn

16-8-2020

Đường biên giới đoạn từ Nam Quan đến Bình Nhi, được mô tả theo biên bản phân định biên giới Pháp-Thanh ngày 7-4-1886 như sau:

” …từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18), đường biên giới theo hướng Tây, đi lên đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây. Đường biên giới, từ điểm này, theo đường sống núi của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng, cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (cột số 17). Ðiểm B là điểm mà con đường mòn – đường mòn này là một nhánh rẽ của con đường Ðồng Ðăng đi Nam Quan – dẫn đến làng Lũng Nghiêu (Lũng Ngọ 隴午, còn viết là Lộng 弄) cắt bức tường núi đá. Ðường biên giới theo con đường mòn cho đến cổng làng Lũng Nghiêu. Từ cổng, đường biên giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc chung quanh làng Lũng Nghiêu để đi đến điểm C (cột số 16). Từ điểm C, đường biên giới đi về hướng Tây cho đến cửa Ki Da (trên bản đồ ghi Khua-Da, có lẽ là Cửa Du, tức ải Du).

…từ cửa Ki Da (cửa Du), đường biên giới đi về hướng tây bắc, qua đỉnh núi được đánh dấu là D, cho đến cửa ải Bố Sa (cột số 15) và cửa ải Hong-Meun (đối diện với của Bố Sa). Các bản, làng Na-Lau, Na-Han, Na-Choc và Na-Ngoa thuộc về Bắc Kỳ. Từ cửa Bố Sa, đường biên giới đi về hướng Bắc, theo đỉnh các ngọn núi cao, cho đến điểm E ghi trên bản đồ, và từ điểm E cho đến hai đồn binh (Hy Tự Tiền Dinh và Hy Tự Tiền Dinh Pháo Ðài) của Tàu đánh dấu là F (cột mốc 14) và G (cột mốc 13). Từ điểm G, đường biên giới nghiêng về hướng Tây Bắc cho đến một đồn binh của Tàu bỏ hoang đánh dấu là H, từ điểm này đến cửa ải Sơn Tự 山寺, (cột số 12) và theo hướng Bắc cho đến đồn binh Kéo-Cho được đánh dấu là I (Sơn Tự Ngoại Sách, cột số 11) và đồn này thuộc Trung Hoa.

… đường biên giới tiếp tục đi về hướng Bắc cho đến ải Thượng Dương 上楊 ; từ cửa Thượng Dương đường biên giới theo hướng Tây Bắc, đi qua cửa ải Bản Quyên, đến điểm đánh dấu J. Từ điểm J đường biên giới theo hướng Ðông Bắc cho đến một đồn binh bỏ hoang được đánh dấu K. Từ đây đường biên giới xuống sông Kì Cùng sau khi qua đồn binh đánh dấu L. Ðường biên giới đến sông tại điểm đánh dấu M và từ điểm này theo sông cho đến khúc ngoặc được đánh dấu N”.
….

Có tất cả 18 cột mốc được cắm trên đoạn biên giới này. Vị trí cột mốc được mô tả theo biên bản 21-4-1891 (công trình Frandin). Tên và số thứ tự cột mốc được xác định theo biên bản 19-6-1894 (công trình Galliéni) như sau :

Cột thứ 18, Trấn Nam Quan ngoại: Trên đường Nam Quan về Ðồng Ðăng (cách cửa 100 thước về hướng Nam)

Cột thứ 17, Khiêu Giá Sơn: Cắm trên đèo nhỏ cắt đường sống núi, trên con đường mòn đến Lũng Nghiêu. Đường mòn này tẻ ra từ con đường Ðồng Ðăng – Nam Quan.

Cột thứ 16, Lộng Diêu Ngoại Sách: Cách làng Lộng Diêu 250 thước về hướng Tây, trên đường mòn đi đến Khua Da.

Cột thứ 15, Bố Sa ngoại sách: cắm tại cửa ải Bố Sa.

Cột thứ 14, Nã Thốt Lĩnh: cắm trên đỉnh núi, cách làng Na-Thot 500 thước về hướng đông nam.

Cột thứ 13, Lục Lê Lĩnh: cắm về phía tây, cách công sự Hi Tự Tiền Dinh Pháo Ðài 100m.

Cột thứ 12, Sơn Tử ngoại sách: cắm tại cửa ả Sơn Tử.

Cột thứ 11, Na Phiêu Lĩnh: cắm về phía đông nam, cách 400m cửa làng Na-Phéo.

Cột thứ 10, Ba Khẩu ngoại sách: cắm về phía tây, cách 150 m công sự Kéo-Chu.

Cột thứ 9, Lăng Thôn ngoại sách: Tại cửa Thuong-Dong.

Cột thứ 8, Ba Mễ ngoại sách.

Cột thứ 7, Quyên Thôn ngoại sách: Tại cửa ải Quyên Thôn.

Cột thứ 6, Phần Quan Lĩnh: Cách 200 thước về phía đông bắc của hợp lưu suối Ban-Quyen và con suối có hướng chảy bắc nam (Phan Quan Linh 6).

Cột thứ 5, Cang Anh ngoại sách: cắm tại một cửa ải cũ, ở cách 500 thước điểm cao (côté 345).

Cột thứ 4, Cổn Ma Lĩnh: Cắm về phía đông của thung lũng Na-Dong, gần con đường đi từ Luc-Bac đến Tra-Kieu.

Cột thứ 3, Bình Công ngoại sách: Cắm trên một ngọn đồi cách 250 thước về phía đông bắc của điểm cao (côté 294).

Cột thứ 2, giác Hoài Lĩnh: Cắm tại một cái đèo rất thấp, cách 1000 thước về phía Nam của công sự Na-Ho. (Co-Wai 2)

Cột thứ 1, Bách Tặng Lĩnh: Trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Kì Cùng, cách sông 150 thước.

(trích từ sách Biên giới Việt Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp của tác giả Trương Nhân Tuấn).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu những nghiên cứu của Ông Tuấn tốt lành cho Việt Nam thì cám ơn các cố gắng của Ông!

Comments are closed.