Dịch giả: Hiếu Bá Linh
20-7-2020
Lời người dịch: Hôm 20/7 vừa qua, tờ tuần báo Der Spiegel của Đức đã công bố kết quả thăm dò từ Viện nghiên cứu ý kiến Civey về đường lối quan hệ của Đức với Trung Quốc. Hiện nay, đường lối “giữ một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc” được nhiều người dân Đức ủng hộ nhất (46%), trong khi khuynh hướng “xích lại gần hơn” chỉ chiếm 18%.
Đây là một sự thay đổi rõ rệt. Người dân Đức ngày càng muốn xa lánh Trung Quốc. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi chính sách ngoại giao của Đức đối với Trung Quốc, nhưng cần phải có một thời gian. Sau đây là bản dịch bài báo của Der Spiegel.
***
Người dân Đức đòi hỏi một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc
Trung Quốc kiên quyết chống lại phe đối lập ở Hồng Kông, nhưng chính phủ Đức chỉ chỉ trích một cách nhẹ nhàng. Một thăm dò của báo SPIEGEL cho thấy: Nhiều người Đức muốn có thái độ rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.
Nhà hoạt động nổi tiếng Hoàng Chi Phong tuyên bố rằng, anh ta sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội Hồng Kông vào tháng 9 tới, bất chấp cái gọi là luật an ninh gây tranh cãi. “Chúng tôi muốn cho cả thế giới biết rằng, chúng tôi đã quyết định không đầu hàng“, chàng trai 23 tuổi nói khi chính thức tuyên bố ứng cử hôm thứ Hai vừa qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas (thuộc đảng SPD) trong quá khứ cũng đã cho thấy đứng về phía Hoàng Chi Phong. Tuy nhiên, cũng vì lý do kinh tế, Chính phủ Liên bang Đức, đặc biệt là Thủ tướng Angela Merkel (thuộc đảng CDU) vẫn dè dặt chỉ trích Trung Quốc một cách rõ ràng về các hành động ở Hồng Kông. Một thăm dò của báo SPIEGEL cho thấy, nhiều người Đức muốn có lập trường rõ ràng về sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh vào đặc khu Hồng Kông.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Viện thăm dò ý kiến Civey, có hơn 46% dân Đức đòi hỏi có một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc. Để trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn nước Đức có đường lối chính trị nào đối với Trung Quốc?” Hơn 24% có quan điểm giữ một khoảng cách lớn hơn với Trung Quốc, thậm chí gần 22% muốn có một khoảng cách lớn hơn một cách rõ ràng.
Khoảng 30% cho rằng, tiếp tục đường lối mềm dẻo của chính phủ Đức như trước đây là phù hợp. Có hơn 18% thậm chí ủng hộ một mối quan hệ gần gũi hơn nữa với chính phủ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cái gọi là luật an ninh, có hiệu lực vào cuối tháng 6 vừa qua, nhằm chống sự ly khai, phá hoại quyền lực nhà nước, khủng bố và “thông đồng bí mật” với các lực lượng ở nước ngoài mà Bắc Kinh coi là chống Trung Quốc. Đây là sự can thiệp sâu rộng nhất vào quyền tự trị của Thuộc địa cũ của Vương quốc Anh, được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Những người chỉ trích nhìn thấy, đây là một sự kết liễu nguyên tắc có giá trị trước đó là “một quốc gia, hai hệ thống“.
Trước đây một năm, các nhà hoạt động đã xông vào quốc hội Hồng Kông để phản đối một đạo luật cho phép chính quyền Hồng Kông dẫn độ những người bị Trung Quốc buộc tội sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Kể từ đó, ý kiến của người dân Đức về quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng thay đổi: Vào cuối năm 2018, đa số người dân Đức vẫn còn tán thành mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, và chỉ một số ít đòi hỏi giữ một khoảng cách với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh càng gây ảnh hưởng lớn ở Hồng Kông, thì tỷ lệ người dân Đức ủng hộ một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc càng cao. Đồ thị sau đây cho thấy sự thay đổi rõ rệt:
Cho đến nay Chính phủ Liên bang Đức vẫn làm ngơ về sự thay đổi trên – mặc dù những diễn biến ở Hồng Kông. Quan hệ với Trung Quốc được “đặc trưng bởi các liên hệ ‘chính trị – thương mại’ chặt chẽ, nhưng cũng có những hình dung về ‘chính trị – xã hội’ rất khác nhau, nhất là về việc tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền“, Thủ tướng Angela Merkel phát biểu khi Đức bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU.
Ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào tháng 9 tới không thể diễn ra, “chúng tôi muốn tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở với Trung Quốc“, nữ Thủ tướng Đức tuyên bố. Ngoài ra, không có một lời chỉ trích nào khác.
Cho dù đảng SPD và một số chính trị gia liên đảng CDU/CSU (đảng của bà Merkel) muốn có những chỉ trích rõ ràng hơn gửi đến Bắc Kinh, nhưng bà Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức Maas nhất trí với nhau rằng họ không muốn theo đuổi chính sách “tủ kính bày hàng” (đưa ra những chỉ trích) trong thời gian Đức đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng EU. Sự chỉ trích sẽ khó tác động tới chính phủ Trung Quốc, trong khi đó nó chứa đựng nguy cơ chia rẽ EU. Đó là lý lẽ được đưa ra.
Các đề xuất trừng phạt chống lại Trung Quốc gần đây chỉ đến từ phe đối lập.
Nếu người dân Đức muốn “xa lánh” Trung Quốc thì còn “đỡ đòn” cho chính phủ
Đức đang co vòi lại vì không dám làm TQ.”nổi giận”.
Thế nhưng,điều đó cũng dễ hiểu và thông cảm được vì chính trị gia nước nào mà
chẳng hành động vì quyền lợi của nước mình ! Trừ ra các nước CS.thì coi trọng
quyền lợi của đảng chúng mà thôi.
Do đó,vấn đề đặt ra là mỗi nước nên xử lý thế nào cho hợp lý hợp tình giữa quyền
lợi của nước mình và quyền lợi của cả nhân loại,nếu không thì sẽ là thảm hoạ cho
tất cả mọi người khi bọn độc tài tác oai tác quái !