BTV Tiếng Dân
22-5-2020
Trung Quốc có chiến thắng mang tính đột phá giành quyền kiểm soát Biển Đông
Hôm 21/5, báo Express ở Anh cho biết, Trung Quốc đã giành một chiến thắng lớn mang tính cột mốc biểu tượng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông, khi quốc gia này thực hiện thành công việc canh tác và trồng hoa màu trên đảo Phú Lâm (tên tiếng Anh là Woody), một đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Nguồn tin này cho biết, Hải quân Trung Quốc chuẩn bị thu hoạch 1,5 tấn rau, dưới sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu từ Đại học Giao thông Trùng Khánh. Điều này chứng minh Trung Quốc có thể tạo ra một hệ sinh thái như trên đất liền, có thể đưa một số lượng lớn dân thường đến sinh sống trên đảo, nhằm giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực tranh chấp.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định, tiêu chí xác định “Đảo” là phải có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở, có nền kinh tế độc lập, và không phụ thuộc vào nhập khẩu bên ngoài.
Các chuyên gia nói rằng, dù hiện tại quần đảo Hoàng Sa vẫn phụ thuộc vào việc cung ứng hàng hóa từ tỉnh Hải Nam, nhưng đảo Woody ngày càng tự túc, ít nhất là ở một số khía cạnh, với khả năng sản xuất điện và khử mặn nước biển nhanh chóng, cho thấy nó đang đi đúng hướng.
Cũng theo các chuyên gia, sự thành công của Bắc Kinh trên đảo này là một bước tiến đột phá trong việc việc mở rộng hơn nữa sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tương lai, mô hình đảo Woody có thể sẽ được mở rộng sang các đảo nhân tạo khác ở quần đảo Trường Sa, hầu giúp Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát Biển Đông.
***
Cũng hôm 21/5, Japan Times của Nhật có bài thống kê các hoạt động gây hấn trên biển của Trung Quốc từ tháng 4 đến nay:
– Ngày 2 tháng 4: Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
– Ngày 11 tháng 4: Máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận trên vùng biển đến phía tây nam Đài Loan.
– Ngày 13 tháng 4: Nhóm đặc nhiệm tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đi thuyền qua eo biển Miyako.
– Ngày 16 tháng 4: Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
– Ngày 19 tháng 4: Trung Quốc thành lập các quận mới ở Biển Đông trong nỗ lực tăng cường kiểm soát tập trung đối với các đảo từ một thành phố duy nhất.
– Ngày 20 tháng 4: Trung Quốc chính thức đặt tên cho các đảo và rạn san hô ở Biển Đô.
– Ngày 28 tháng 4: Hải quân Trung Quốc cho biết họ đã trục xuất một tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải.
– Ngày 28 tháng 4: Nhóm đặc nhiệm tàu sân bay Liêu Ninh một lần nữa đi qua eo biển Miyako, lần thứ hai trong tháng Tư, nhưng là lần thứ năm kể từ năm 2012.
– Ngày 5 tháng 5: Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông.
– Ngày 14 tháng 5 đến 31 tháng 7: Hải quân Trung Quốc khởi động các cuộc tập trận quân sự ngoài khơi thành phố cảng phía bắc Đường Sơn (Tangshan).
Nhân sự đại hội đảng khóa 13
Hôm 21/5, báo Tiền Phong có bài: Lựa chọn nhân sự Khóa XIII: Nhân dân biết rõ ai xấu, ai tốt. Đúng vậy! Dù nhân dân biết rõ ai tốt, ai xấu nhưng nhân dân lại không có quyền lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước. Cho nên, việc lựa chọn nhân sự chỉ là cuộc mặc cả, chia ghế của các phe nhóm trong đảng.
Hôm nay, báo Dân trí cũng có bài: Giải quyết kịp thời các tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng. Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương yêu cầu: “Qua giải quyết tố cáo, một mặt phải xử lý nghiêm minh các trường hợp kết luận có vi phạm; mặt khác, kiên quyết đấu tranh với tình trạng lợi dụng dịp tổ chức đại hội để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhân sự đại hội”.
RFA có loạt bài của Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam sẽ lựa chọn “Tứ Trụ” tại Đại hội 13 sắp tới như thế nào? Tác giả cho biết, có sáu người đáp ứng tiêu chuẩn cho việc bầu chọn vào các vị trí lãnh đạo hàng đầu, đó là: Tô Lâm, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, và Nguyễn Văn Bình.
Ngoài ra, tác giả Thayer lưu ý đến sự ngoại lệ tuổi tác, nếu được chấp nhận thì Trần Quốc Vượng sẽ là Tổng Bí thư, Nguyễn Xuân Phúc có thể giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. Chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội chỉ có một lựa chọn là bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ở vị trí Chủ tịch nước, nếu Vương Đình Huệ được chọn làm Thủ tướng, sẽ có thể có hai ứng viên cho cái ghế Chủ tịch nước là Tô Lâm và Phạm Bình Minh.
Còn theo tác giả Lê Văn Đoành, một cây bút viết bài độc quyền cho Tiếng Dân, trong bài viết ngày 16/3/2020, có đưa nhận định về 19 nhân vật sẽ lọt vào Bộ Chính trị. Trong đó, ứng viên của bốn chức vụ hàng đầu là: Ông Trần Quốc Vượng có thể ngồi ghế Tổng Bí thư; ghế Chủ Tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội là bà Trương Thị Mai và ghế Thủ tướng có khả năng thuộc về ông Trương Hòa Bình.
Đầu tháng 5, tác giả Lê Văn Đoành cũng có bài nhận định về cuộc đua giành ghế Thủ tướng qua bài: Đại hội XIII, cuộc đua giành ghế Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ông Trương Hòa Bình đang phải vất vả chạy đua với một số nhân vật khác để giành ghế này.
Dẫu ai thắng trong các cuộc đua vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới, thì cuộc sống của người dân Việt Nam cũng không thay đổi, bởi họ không có tiếng nói quyết định trong hệ thống chính trị do đảng CSVN độc quyền lãnh đạo. Họ luôn là người đứng bên lề, nhìn xem các thế lực trình diễn qua các màn bầu bán, nhưng thực chất là chia ghế để cai trị họ.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bị câu lưu
Theo thông tin từ bạn bè của anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trưa ngày 22/5, khi anh Tuấn đang ngồi uống café tại Starbucks Legend Nguyễn Tuân, Hà Nội thì bị an ninh ập vào đưa đi.
Đây là cách thức an ninh Việt Nam thường tiến hành câu lưu cho mục đích thẩm vấn các nhà hoạt động liên quan đến công việc của họ. Theo đó, khi các nhà hoạt động rời khỏi nhà đến những nơi công cộng, thì lực lượng an ninh mặc thường phục bất ngờ xuất hiện và “mời” họ về đồn công an làm việc. Nếu người “bị mời” không chấp hành theo yêu cầu, thì an ninh có đủ lực lượng để khống chế và khiêng vứt lên xe.
Một số bạn bè của anh Tuấn cho hay, việc câu lưu lần này nhiều khả năng liên quan đến việc điều tra vụ án Đồng Tâm của Bộ Công an.
Bà Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, khoảng 16h30′ chiều nay, CA phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã thả anh Tuấn và “buổi làm việc xoay quanh các vấn đề về Đồng Tâm, như đã dự đoán!”
Cập nhật lúc 23h25′, anh Tuấn cho biết: “Mình được các anh đưa về tận nhà cuối giờ chiều nhưng có việc phải đi ngay nên giờ mới online được. Buổi làm việc ôn hoà, nhẹ nhàng, tập trung vào sự liên đới của mình với vụ việc Đồng Tâm. Cơm hộp ăn trưa ngon, cafe sữa đá Coffee House đậm đà, không có gì phải chê. [không quảng cáo, không phải hội chứng Stockholm]. Nhưng dẫu sao bị mời đi thế này tâm hồn mình cũng đã vỡ nát như chiếc thuyền dưới đây“.
Anh Tuấn được biết đến là người tiên phong, dấn thân vào các điểm nóng nguy hiểm để sát cánh và hỗ trợ cho những người dân yếu thế, như vụ Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016, hay vụ thảm sát Đồng Tâm ở Hà Nội đầu năm nay. Trước đó, anh đã bôn ba nhiều năm ở các nước Philippines, Mỹ, Úc, Đài Loan, Châu Âu… để học tập và vận động quốc tế ủng hộ và thúc đẩy phong trào dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.