Tại sao Trump không thể hiểu được xúc cảm của dân

Washington Post

Tác giả: Paul Waldman

Dịch giả: Bùi Như Mai

5-5-2020

Trump nói “Tôi nghĩ dân chúng đã bắt đầu cảm thấy thoải mái rồi. Đất nước mở cửa lại rồi. Chúng tôi đã cứu hàng triệu mạng sống”.

Đó là những gì Tổng thống Trump nói với báo New York Post trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai. Và mặc dù ông ta sai một phần ở điểm thứ hai và quá sai lầm ở điểm thứ ba, tôi nghĩ ông ta thật sự tin rằng dân chúng đang cảm thấy rất thoải mái, nếu bạn định nghĩa được “thoải mái” là đã ngừng lo lắng về đại dịch virus corona và trở lại đời sống sinh hoạt bình thường.

Nhưng ông ta cũng vẫn sai. Trump có một sự lầm lẫn rất cơ bản là ngay thời điểm này ông ta không hiểu được dân chúng đang suy nghĩ gì và xúc cảm của họ ra sao, một sự hiểu lầm đã giúp ông ta đưa ra những quyết định sai lầm trong suốt cuộc khủng hoảng này và hàng ngàn sinh mạng của người Mỹ đã phải trả giá.

Hãy bắt đầu với một số kết quả mới từ cuộc thăm dò của Washington Post và trường ĐH Maryland (University of Maryland):

Khoảng một nửa các tiểu bang đã giảm bớt các hạn chế đối với các doanh nghiệp, nhưng người Mỹ không hài lòng về việc bảo trợ họ, đại diện cho một rào cản lớn để khởi động lại nền kinh tế. Nhiều người Mỹ đã tới các cửa hàng tạp hóa và 56% nói rằng họ cảm thấy thoải mái khi làm như vậy. Nhưng 67% nói rằng, họ không thoải mái khi mua sắm tại một cửa hàng bán lẻ quần áo và 78% không thoải mái khi ngồi xuống ăn tại một nhà hàng. Người dân ở các tiểu bang có những hạn chế lỏng lẻo báo cáo mức độ khó chịu tương tự như những người dân ở các tiểu bang có quy tắc nghiêm ngặt hơn.

Các cuộc thăm dò cho thấy 63% dân Mỹ nói rằng, họ lo lắng về việc nhiễm virus – con số này đã tăng lên hơn hai tuần trước. Chúng ta có thể thấy rõ điều này. Khi Texas bỏ một phần lệnh phong tỏa, mọi người ra chơi ở công viên và bãi biển nhưng tránh xa các khu shopping và các cửa tiệm bán lẻ.

Nếu tổng thống nhìn thấy những kết quả thăm dò ý kiến ​​này – và những kết quả tương tự từ các cuộc thăm dò khác, cho thấy có đa số ủng hộ đối với các biện pháp cách ly xã hội và dân chúng sẵn sàng chờ đợi được trước khi trở lại cuộc sống bình thường, thì chắc chắn ông sẽ cho rằng các thăm dò này đều là giả mạo lừa bịp và dân chúng sẽ hồ hởi bay ra khỏi nhà của họ ngay khi có lệnh mở cửa, đây là điều mà ông tin là kinh tế sẽ phục hồi và sẵn sàng để cứu cho chiến dịch tái tranh cử của ông.

Tại sao vậy? Nó không phải chỉ là mong muốn đơn giản là muốn thấy đại dịch kết thúc. Mà vì Trump có cái nhìn rất tàn nhẫn về ước muốn của công chúng và bản chất con người. Ông cho rằng mọi người đều ích kỷ, nóng nảy, bốc đồng và tất cả bị chi phối bởi những xúc cảm khốn nạn tàn nhẫn nhất của mỗi cá nhân. À, điều này thì có thể nói ông ta nghĩ rằng mọi người đều giống ông ta.

Điều này có thể hiểu được, vì biết chăm chú tập trung vào những gì tồi tệ nhất ở mỗi con người, điều này đã đưa Trump tiến lên khá cao. Trong khi ông ta là một tay chuyên đi lừa đảo bằng đủ mọi cách, nhưng cách sau đây là một lĩnh vực mà ông ta thực sự là một thiên tài: Ông ta có thể định vị được những cảm xúc tàn nhẫn và những cơn bốc đồng thô tục nhất của con người, từ đó ông ta kích thích nỗi sợ hãi của họ, sự phẫn nộ, sự tức giận, lòng tham, sự đố kị và lòng thù hận của họ như một vài nhân vật tiêu biểu trong lịch sử.

Nó biến ông ta thành một ngôi sao tài tử, cho phép ông ta tránh khỏi hết vụ lừa đảo này qua một vụ lừa đảo khác và sau cùng ông ta được bầu làm tổng thống.

Từ đầu trận đại dịch này, Trump tin rằng dân Mỹ không muốn đối diện với sự thật hoặc sẽ sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Ông ta phải nói với dân rằng mọi thứ đều tốt và tiếp tục nói dối họ về việc ông ta đã làm tốt như thế nào. Khi lệnh phong tỏa là điều không thể tránh khỏi, ông ta tin rằng dân chúng sẽ không thể chịu đựng nổi chuyện cách ly để chống lại virus, vì vậy ông ta đã đánh vào sự ích kỷ và phẫn nộ của họ. Ông bảo với dân chúng hãy trút các cơn giận lên các thống đốc Dân chủ và chính phủ Trung Quốc. Ông đã xúi giục các cuộc biểu tình chống lại lệnh cách ly.

Bất chấp những nỗ lực của ông ta, những người biểu tình mà bạn thấy trên TV chỉ là một thiểu số nhỏ người Mỹ. Nhưng khi Trump xem TV đài Fox News và thấy vài chục thằng ngố hét lên rằng thống đốc của họ là một phát xít, ông kết luận rằng họ là đại diện cho tiếng nói thật sự của công chúng.

Điều mà ông ta không hiểu được là trong khi mọi người mệt mỏi vì bị mắc kẹt ở nhà và rất mong trở lại cuộc sống bình thường, nhưng hầu hết đều hiểu rằng nếu mọi người trở lại các hoạt động cũ quá sớm là có nguy cơ với đợt lây nhiễm thứ hai. Chúng ta không muốn hàng xóm bị bệnh. Chúng ta có thể bực mình nhưng dầu sao cũng đã đi xa đến mức này thì sẵn sàng chờ thêm một thời gian nữa. Chúng ta hoàn toàn không ích kỷ và tàn nhẫn.

Trump không hiểu được điều đó bởi vì ông ta hoàn toàn không có sự đồng cảm. Ông ta hầu như không bao giờ nói về 70.000 người đã chết, đã bỏ gia đình và bạn bè của họ ở lại. Ông ta không hề xướng tên của họ, hoặc kể câu chuyện về họ, hoặc quan tâm đến những gì mà người thân của họ đã mất. Không phải vì ông ta không muốn mâu thuẫn với các tuyên bố của mình rằng mọi thứ đã tốt, mà tại vì ông ta không có được sự cảm thông, chứ đừng nói đến việc chia sẻ nỗi đau với người khác.

Đó là lý do tại sao chúng ta thấy ông ta xuất hiện hàng ngày trên TV nhưng cùng lúc cảm thấy ông ta rất xa cách. Ngay cả khi một số người bị mất mát nhiều hơn bởi đại dịch này so với những người khác, nhưng cả nước đã có sự đồng cảm: Không biết ngày mai sẽ ra sao, lo lắng, buồn bã, sợ hãi. Đại dịch này là một kinh nghiệm có một không hai, nhưng Trump nhất quyết từ chối thừa nhận những cảm xúc của dân, chứ đừng nói đến việc đồng cảm với chúng ta.

Nếu bạn giận dữ và muốn hét to lên với các quan chức dân cử (những người này bất kể thuộc đảng Dân chủ, hay Cộng hòa, những người mà không nịnh bợ quỵ luỵ ông ta, tức là chống lại ông ta), Trump sẽ có mặt ngay với bạn. Nhưng nếu bạn là người không ồn ào và hay nêu các câu hỏi phức tạp rắc rối, ông ta không muốn nghe.

Vì vậy, ông ta quên một thực tế rằng, đối với tất cả những đau khổ mà dân Mỹ hiện đang trải qua, chúng ta có thể cảm thấy là ít nhất đã có một sự đoàn kết. Đó là điều mà một vị tổng thống chuyên gây chia rẽ và bất hòa không bao giờ có thể hiểu được.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cả nước đang bệnh nặng, chết quá trời mà. Ai mà không muốn mở cửa để đi làm lại bình thường, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu mở cửa rồi phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm tăng mạnh, lúc đó tiền kiếm được không đủ nuôi bệnh.

    Thôi thì cứ mở cửa theo lời thúc giục của Trump, để kinh tế Mỹ đi lên, cho Trump có cái mà khoe khoang với cử tri, để ông ta có chút hy vọng vào tháng 11 này. Nhưng phải nói trước, ai dại thì nhiễm bệnh, chết ráng chịu, với Trump thì có thế nào đi nữa America vẫn Great! Số người chết có lên tới 100.000 người thì nước Mỹ vẫn vĩ đại, và cha con ông ta đối phó với dịch bệnh vẫn là “tuyệt vời!”

  2. Không biết ai “đã bắt đầu cảm thấy thoải mái” chứ với tôi dịch bệnh CoViD-19 là đại họa đang sắp sửa xảy đến cho toàn nước Mỹ nếu “đời sống sinh hoạt trở lại bình thường” vào lúc này.
    Coronavirus thường chỉ gây nên bệnh cảm mạo vớ vẩn, nó đến rồi đi, có thể đôi ba lần một năm cho người lớn và có khi cả chục lần cho trẻ em. Sau mấy ngày vật vã, sức khỏe mọi người trở lại bình thường như mới. Với loại SARS-CoV-2 này thì sự lây lan và sức tàn phá của nó là cơn ác mộng cho nhân loại. Virus này không chỉ tập trung trong hai buồng phổi, mà nó còn tấn công các bộ phận cơ thể khác như tim, thận, óc, hệ thần kinh, hệ thống tiêu hóa… Sau khi hết bệnh, cơ thể người bị CoViD-19 chưa chắc sẽ trở lại bình thường. Hầu hết những người khỏi bệnh sẽ thấy dung tích và chức năng phổi giảm đi rõ rệt, không thể sinh hoạt bình thường được như trước. Hiện nay còn quá sớm để biết về lâu dài người khỏi bệnh có thể phục hồi hoàn toàn hay không. Một nghiên cứu với những nhân viên y tế nhiễm bệnh SARS năm 2003 cho thấy sau 15 năm, một số lớn người khỏi bệnh vẫn còn một số vấn đề và còn những biến chứng được coi như mãn tính.
    Chúng ta thông cảm cho những người sống bằng từng tháng lương. Việc cô lập vì dịch bệnh chắc chắn đã gây nhiều khó khăn cho họ. Đối với người lãnh đạo quốc gia, khả năng và triển vọng kiểm soát dịch bệnh đã vượt quá tầm tay. Giải pháp duy nhất là đành phải để mặc cho dịch bệnh lây lan, nếu không kinh tế nước Mỹ sẽ sụp đổ. Nhiều người sẽ phải chết vì dịch, nhưng đa số những người chết từ trước tới nay là những người già yếu hoặc có những bệnh tiềm ẩn hoặc bị bệnh từ trước như bệnh tim mạch, đái đường, ung thư… Nói một cách vô tâm, dã man, vô nhân tính… thì sau dịch bệnh, nước Mỹ sẽ bớt đi được gánh nặng y tế để cưu mang hay duy trì sự sống những người này.

  3. Một suy nghĩ ở ngoài cái chuồng tranh chấp đảng phái của Mỹ: thế giới có lẽ nên mong mỏi nước Mỹ sớm tái khởi động nền kinh tế tiêu thụ của mình. Chừng nào kinh tế Mỹ chưa chạy ngon trớn, thì các nền kinh tế khác dù có mở cửa cũng không chạy nổi. Nền kinh tế Trung Quốc, tuy đứng thứ hai thế giới, đặt trọng tâm trên xuất cảng. Do đó nó không có sức kéo để giúp các nền kinh tế khác, đang mở cửa cùng lúc, có thể lấy thêm trớn. Tóm lại là phần lớn nền kinh tế toàn cầu đang chờ nền kinh tế Mỹ khởi động để khởi động theo.

    Ý thức trên, trớ trêu thay, nếu có trong chính giới Mỹ thì cũng chẳng để lại tác dụng nào, bởi vì bên chủ trương “Nước Mỹ trước hết”, được cho là cóc cần thế giới, chính là bên đang thúc giục mở cửa, còn bên “toàn cầu chủ nghĩa” thì lại đòi tiếp tục đóng cửa!

Comments are closed.