Dịch bệnh sẽ càng kích thích tham nhũng?

Mạnh Quân

27-4-2020

Dân tình mấy nay đang sôi sục chửi rủa từ anh Cảm và đồng bọn cho tới những địa phương nào mua máy xét nghiệm tự động Realtime PCR với giá trên trời.

Người ta sẽ nói rằng: A, tiên sư bố chúng nó, dịch giã mà chúng nó còn ăn từ tiền tiết kiệm đồng quà, tấm bánh của các bà cụ, trẻ con… gửi ủng hộ để mua sắm trang, thiết bị phòng dịch.

Tất nhiên chửi thế là đúng lắm rồi, chửi tam đại nhà chúng nó lên cũng được. Nhưng có một thực tế không phải ai cũng biết, là càng chiến tranh, dịch giã, tham nhũng càng tăng.

Giới thanh tra, kiểm toán… từ lâu đã phát hiện ra quy luật này. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Không bao giờ có thể nói chuyện đạo đức với quan chức tham nhũng. Những kẻ không liêm chính luôn tìm thấy cơ hội gian lận khi được tiến hành mua bán trang thiết bị y tế phòng dịch với số lượng lớn, trong thời gian gấp gáp. Bản tính của quan chức tham nhũng càng thấy bị kích thích trước lợi ích quá lớn của việc được trao quyền mua bán số lượng hàng hóa quá lớn, trong thời gian rất ngắn mà sự giám sát xã hội khi đó có phần lỏng lẻo. Như dịch đang căng thẳng thì tất cả chỉ quan tâm làm sao mua máy về cho nhanh mà dùng, yếu tố giá đắt có khi chẳng được ai quan tâm.

Chính vì đều này, ngay trong tháng 4/2020, Hiệp hội các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thống kê lại những bài học gian lận trong quá trình chống dịch Ebola tại châu Phi, với đỉnh cao là vụ việc Bộ trưởng Y tế CHDC Công-gô đi tù 5 năm, để nhắc nhở các cơ quan kiểm toán thành viên đảm bảo nghiệp vụ trong kỳ dịch COVID.

Một số bài học mà INTOSAI thống kê được từ dịch Ebola cũng rất đáng để các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam tham khảo, đó là các tình huống:

– Đấu thầu sai quy định: chỉ định thầu giá cao, hoặc ký kết hợp đồng sơ sài, điều khoản bất lợi cho nhà nước.

– Mua quá nhiều vật tư y tế. Hàng tồn sau chống dịch có thể dùng khám chữa thương mại, kiếm lời cho cơ sở y tế. Hoặc khai tăng số vật tư cấp phát trong dịch để chiếm dụng cá nhân.

– Những kẻ tham nhũng sẽ tìm cách mua thừa nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, với ý đồ lợi dụng dịch để được đầu tư, kiếm lợi cho quá trình khám chữa thương mại sau này.

– Trang thiết bị, vật tư y tế được các tổ chức tài trợ cho không nhưng lại được tính là đi mua đối với chính phủ.

Với các gói cứu trợ như trong thời kỳ chống dịch cũng vậy, INTOSAI đưa ra các nguy cơ xảy ra tham ô trong các trường hợp sau:

1. Trợ cấp cá nhân: trợ cấp không đúng đối tượng; trợ cấp hai lần cho một đối tượng; tiền trợ cấp không phát/ chuyển khoản ngay cho đối tượng mà được giữ ở cơ quan trung gian một thời gian để phục vụ mục đích riêng

2. Cho vay cứu trợ doanh nghiệp: các khoản vay cho mục đích cá nhân của chủ doanh nghiệp được lồng ghép vào trong gói vay chống dịch để hưởng chung lãi suất ưu đãi; tổ chức tín dụng chậm giải ngân vốn vay để chiếm dụng vốn

Trong dịch bệnh thì thường con người ta suy nghĩ thoáng hơn, hay cho, cho nhiều và cho nhanh.

Các bác sĩ vẫn hay nói: Phòng dịch hơn chống dịch. Nhưng trong lĩnh vực tham nhũng, chúng ta cũng có thể nói thế: Phòng tham nhũng tốt hơn chống tham nhũng. Để nó xảy ra rồi mới khắc phục thì bao giờ, cái đã mất đi, cái hậu quả đã xảy ra luôn cao hơn là nếu làm tốt việc phòng, ngăn chặn từ trước.

Còn chửi tham nhũng, thì chửi càng cay độc, nó cũng chẳng giảm đi đâu, có khi nó còn khoái chí… tham hơn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chưa cần bàn đến chuyện dịch, không tin dân chúng cứ vào tất cả các bệnh viện lớn nhỏ mà xem, đó cũng là bệnh viện thiết bị Y tế. Chúng đã biến tiền tài của dân thành rác, miễn sao tọng vào mồm bà Tiến và các Giám đốc BV là ngon thơm, thiết bị là đống sắt vụn nhưng cái ông bộ trưởng Tài Chính mới là thằng rất đần, kê khống lên hàng chục lần nhưng chẳng chết thằng nào cả. Đúng là thời đại của Lú

Comments are closed.