Tác giả: Verna Yu và Helen Davidson
Dịch giả: Trúc Lam
28-2-2020
Ông Lai bị bắt cùng với hai nhà hoạt động khác và sau đó được tại ngoại. Ông là người bảo trợ tài chính lớn cho phong trào dân chủ Hồng Kông.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ ba nhân vật ủng hộ dân chủ kỳ cựu vì tham gia một cuộc tuần hành chống chính phủ trái phép hồi năm ngoái, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của thành phố xảy ra trong nhiều thập niên.
Jimmy Lai, 71 tuổi, là người sáng lập Next Media, nhà xuất bản của tờ báo nổi tiếng Apple Daily chống chính phủ, đã bị cảnh sát bắt sáng thứ Sáu vì tham gia một cuộc biểu tình bị cảnh sát cấm hôm 31/8.
Ông Lai, một triệu phú tự lập, là một nhà phê bình thẳng thắn Bắc Kinh và là người bảo trợ tài chính lớn cho phong trào dân chủ Hồng Kông, đã bị cảnh sát bắt tại nhà.
Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), 63 tuổi, Phó chủ tịch đảng Lao động, cũng bị cảnh sát bắt đi khỏi nhà sáng sớm thứ Sáu vì tham gia biểu tình. Đảng này đã lên án vụ bắt giữ là đàn áp người dân Hồng Kông về quyền biểu tình ôn hòa.
Cả hai người đàn ông đã được tại ngoại chiều thứ Sáu. Ông Lai từ chối nói chuyện với các phóng viên đang chờ bên ngoài đồn cảnh sát trong khi ông Lý cáo buộc chính quyền đàn áp chính trị.
Ông Lý cho biết, cảnh sát yêu cầu ông giao điện thoại di động và ông lo lắng họ sẽ sử dụng thông tin trong đó để chống lại ông. Cảnh sát cũng muốn lấy quần áo ông mặc và một chiếc túi ông mang theo hôm 31/8.
“Chính phủ muốn trả thù và giải quyết tài khoản (với chúng tôi) – họ đã sử dụng sự đe dọa để đối phó với người dân Hồng Kông”, ông Lý nói.
Dương Sâm (Yeung Sum), 72 tuổi, cựu chủ tịch đảng Dân chủ, cũng bị cảnh sát bắt đi sáng thứ Sáu.
Những người này đã bị bắt vì nghi ngờ tham gia vào vụ tụ tập trái phép, tin tức cho biết. Các nhà quan sát cho rằng, các vụ bắt giữ họ cho thấy, chính phủ Hồng Kông quyết tâm đẩy mạnh trả thù những nhân vật ủng hộ dân chủ có ảnh hưởng mà họ cho là có vai trò lãnh đạo trong phong trào chống chính phủ kéo dài hàng tháng, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất cho Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông trong nhiều thập niên.
Hàng trăm ngàn người biểu tình đã bất chấp lệnh cấm biểu tình của cảnh sát ngày 31/8 do Civil Human Rights Front tổ chức, một nhóm đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ, thu hút tới hai triệu người tham gia trong cuộc khủng hoảng chính trị gây ra bởi một đạo luật dẫn độ gây tranh cãi, bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái.
Trong cuộc biểu tình, đám đông đã chiếm giữ các đường phố lớn và những người biểu tình cũng bao vây trụ sở chính phủ, giữa các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Các cuộc biểu tình và đụng độ sau đó đã lan qua bến cảng Cửu Long và một nhóm cảnh sát chống bạo động đã xông vào một chuyến tàu ngầm ở ga Prince Edward, tấn công người biểu tình và người đi lại bên trong bằng dùi cui và bình xịt hơi cay.
Sự kiện này đã làm dấy lên tin đồn về những cái chết bị che giấu, những người biểu tình đã dựng các đền thờ bên ngoài nhà ga trong nhiều tháng và vẫn tổ chức các cuộc biểu tình quy mô nhỏ để tưởng niệm vụ tấn công hàng tháng.
Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Andrew Wan nói với các phóng viên rằng, cuộc biểu tình không phải do ba người đàn ông này tổ chức và vụ bắt giữ của họ sẽ gây ra “hiệu ứng sợ hãi” trong xã hội.
Một phát ngôn viên cảnh sát Hồng Kông đã xác nhận vụ bắt giữ ba người đàn ông hôm thứ Sáu. Không nói tên của họ, viên cảnh sát nói ba người đã bị buộc tội tham gia vào một vụ tụ tập trái phép hôm 31/8 năm ngoái và yêu cầu xuất hiện tại tòa vào tháng Năm. Viên cảnh sát cho biết, ông Lai cũng bị cáo buộc tội đe dọa hình sự, một hành vi phạm tội ngày 4/6/2017. Ông Lai được cho là đã đe dọa một nhà báo của Nhật báo Đông phương, một tờ báo thân Bắc Kinh, trong dịp này.
Các vụ bắt giữ diễn ra sau một thời gian yên tĩnh tương đối tại trung tâm tài chính châu Á, sau nhiều tháng biểu tình dữ dội, chống chính phủ.
Nhà chức trách Hồng Kông đã bắt giữ hơn 7.000 người vì liên quan đến các cuộc biểu tình, nhiều người với tội danh bạo loạn, có thể lãnh án tù lên tới 10 năm. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người còn bị giam giữ.
Sự giận dữ của công chúng tăng lên trong nhiều tháng do nhận thức về việc Trung Quốc thắt chặt sự kìm kẹp đối với thành phố. Bắc Kinh phủ nhận việc can thiệp và đổ lỗi cho phương Tây vì bất ổn.
Ông Lai trước đây đã bị bắt hồi năm 2014 vì từ chối rời khỏi một địa điểm biểu tình ủng hộ dân chủ chính tại trung tâm thành phố. Sau khi bị bắt, ông đã từ chức tổng biên tập báo Apple Daily. Ông cũng bị giám sát kỹ từ cơ quan chống tham nhũng Hồng Kông khi họ đột kích vào nhà ông hồi năm 2014.
Albert Hồ, luật sư và chính trị gia dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông, cho biết, các vụ bắt giữ là một phần của việc “tiếp tục đàn áp chống lại Hồng Kông”.
Ông nói: “Tôi nghĩ tôi sẽ là người tiếp theo. Bà Carrie Lam đang thực hiện kế hoạch cố gắng gây áp lực ở Hồng Kông, đàn áp phe đối lập, để bịt miệng”.
Các vụ bắt giữ xảy ra vài ngày sau khi ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), một người bán sách ở Hồng Kông, bị kết án 10 năm tù ở Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho ông Gui ngay lập tức.
Ông Quế là một công dân Thụy Điển nổi tiếng với việc xuất bản các cuốn sách chủ đề về đời tư của các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc, đã bị bắt khi đang đi tàu tới Bắc Kinh hồi tháng 2/2018 và tuần này đã bị kết án về tội cung cấp thông tin bất hợp pháp ở nước ngoài.