GS Hoàng Tụy, vị Chủ tịch của IDS, một bản lĩnh trí thức đích thực

Tương Lai

19-7-2019

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 70

Bài viết với vô vàn thương nhớ tiễn đưa Thầy về chốn vĩnh hằng

GS Hoàng Tụy. Photo Courtesy

Biết rằng ngày đau buồn ấy rồi sẽ đến, mà đến rất gần, vì lần gặp mặt cuối cùng với người thầy kính mến của tôi, giáo sư Hoàng Tuỵ đã quá yếu khi bước khỏi tuổi 91, nhưng rồi vẫn cứ bàng hoàng không cầm được nước mắt khi nhận được tin dữ.

Mới hôm nào nghe Chu Hảo điện thoại cho biết các anh vừa đến nhà thăm thầy Tuỵ, tôi càng bồn chồn giục con gái tôi thu xếp để đưa tôi ra Hà Nội. Nhưng thế là không kịp nữa rồi. Thao thức cả đêm, trằn trọc với bao kỷ niệm ùa đến, dậy ngồi vào bàn, đặt tay trên bàn phím máy tính mà đầu óc cứ trống rỗng, hụt hẫng không biết bắt đầu từ đâu. Phải viết, nhưng viết gì đây?

Các đài nước ngoài đã dồn dập đưa tin. Đọc VOA, BBC, RFI, RFA thấy họ rất kịp thời đưa ra những nhận định khá nổi bật, càng hiểu rõ hơn thế giới nhìn nhận về người trí thức đã làm rạng rỡ cho Việt Nam. Rất nhiều bài viết của các nhà khoa học trong nước đã trân trọng tôn vinh những đóng góp của Hoàng Tuỵ “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên ông.

Hoàng Tuỵ là người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng trong lĩnh vực này. Cuốn sách toán tiếng Anh do Hoàng Tụy viết chung với­ Reiner Horst (CHLB Đức) Global Optimization-Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục – tiếp cận tất định) dày 694 trang, đ­ược Nhà Xuất bản Springer – Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996. GS­ Hiroshi Konno, ng­ười Nhật Bản, nhận xét: Cuốn sách ấy “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ­ưu toàn cục” (was appreciated by many researchers as the Bible of global optimization) và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “đ­ược cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book).

Sẽ là thừa nếu chép lại đây những cống hiến khoa học tuyệt vời của nhà toán học Việt Nam kỳ diệu đó mà những người đủ thẩm quyền đã nói, dù chưa đủ mà kẻ “ngoại đạo” mù tịt như tôi thì nói chen vào là dại dột, cho dù thầy Tuỵ cũng đã từng an ủi động viên tôi chuyện kém cỏi về kiến thức toán.

Duyên do là vào dịp quãng năm 2000, nhân ngày 20 tháng 11, Ngày nhà giáo, mấy chúng tôi có buổi gặp mặt chúc mừng thầy. Người đầu tiên được thầy nhắc tên là Hàn Liên Hải, người giỏi toán nhất lớp được chỉ định làm “cán sự toán”, rồi thầy nhớ tên và nhắc từng người Vương Thị Hanh, Hồ Ngọc Đại, Trần Phúc Cương…đến tôi, thầy cười cười “sao hồi ấy anh lại chuyển sang học Văn, mà Toán anh đâu có tồi, quay sang Hàn Liên Hải, thầy nói, “ đương nhiên là không bằng Hàn Liên Hải”.

Tôi thưa với thầy: “dạ, em cũng buồn lắm. Giáo sư Lê Bá Thảo có lần gọi em đến tham gia vào Hội đồng xét duyệt nghiệm thu một đề tài nghiên cứu trong Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX… cũng đã hỏi em câu ấy. Có lần em liều mạng đọc thử “Lát cắt Tuỵ[Tuy’s  Cut] do tạp chí khoa học trong nước dẫn bài của báo Le Monde mà cứ hoang mang, ù cả tai, chẳng hiểu một tí gì, quá xấu hổ. Đành tự an ủi, thôi thì cũng là sự đẩy đưa của số phận. Thì cũng giống như Đào Văn Bỉnh rất giỏi văn, đã viết được truyện ngắn, mà rồi lại phải bị điều sang phân ban Khoa học tự nhiên để vật vã với môn toán đấy ạ. Mà thật ra, em đã có ngày nào ngồi trên ghế Đại học theo đúng nghĩa đâu! Chỉ toàn “hàm thụ” và mày mò tự học thôi ạ. Nỗi khổ của sự hẫng hụt về kiến thức do thiếu hệ thống cứ ám ảnh khôn nguôi, vì em vẫn nhớ lời căn dặn phải xem trọng tính hệ thống của nó trong bản Kiến nghị về Phương pháp luận xây dựng Chiến lược Kinh tế Xã hội”.

Thầy cười an ủi : “Tự học cũng có cái hay của nó chứ. Tôi cũng nhờ tự học, tự mày mò tìm đường cho mình mà bứt lên đấy chứ ”. Thầy không nói nhiều nhưng tôi biết chính thầy đã quyết định xin thôi học ở trường Quốc học Huế, [với học bổng toàn phần, được ở trong ký túc xá miễn phí và mỗi tháng lĩnh 12 đồng Đông Dương mà thuở ấy một bát phở chỉ 3 xu] sang học trường tư thục mới có thể “nhảy cóc” để có điều kiện tự học mà thi tú tài phần I rồi đỗ đầu kỳ thi tú tài phần II như đã có lần chị tôi kể cho nghe khi chị tôi đến nhờ thầy dạy thêm Toán để có thể thi vào Đại học hồi còn ở Huế năm 1946.

Bản Kiến nghị về “Phương pháp luận…”

Nói đến bản Kiến nghị về “phương pháp luận” này tôi nghĩ rằng có lẽ đây là một cơ duyên khiến thầy trò chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau sau ngày 27.9.2007, ngày thành lập IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng. Lúc bấy giờ, sau buổi tiếp giáo sư Lê Xuân Khoa từ Mỹ về với ý tưởng hình thành một “Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam thế kỷ XXI ” do tiến sĩ Phùng Liên Đoàn tài trợ với đề nghị phía Việt Nam cũng có đáp ứng tương tự để một bộ phận giới trí thức Việt Kiều yêu nước ở Mỹ có dịp sát cánh cùng với giới trí thức cấp tiến trong nước vì sự nghiệp phát triển đất nước, ông Sáu Dân thấy cần có một Viện Nghiên cứu tư nhân để có được một không gian cởi mở, thuận tiện cho việc phối hợp nghiên cứu của trí thức trong và ngoài nước. Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies – IDS) viết tắt là IDS ra đời từ đó. Chuyện này tôi đã có dịp nói kỹ trong cuốn “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi năm 2018” , trang 173. Sau hai tuần kể từ hôm ấy, ông Sáu Dân bảo tôi bay ra Hà Nội “anh trao đổi kỹ với anh Việt Phương, anh Quang A và một hai người nữa để trong buổi họp sắp tới nên bầu giáo sư Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch Viện IDS, Anh Quang A làm Viện trưởng điều hành, như vậy thì sẽ thuận cho việc tập họp những trí thức có uy tín trong và ngoài nước. Ông Tuỵ là người mà ai cũng kính nể và ổng thì cũng chẳng nể sợ ai”!

Ảnh từ phải sang: Phạm Chi Lan, Hoàng Tuỵ, Tương Lai, Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh

Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt và uy tín của Hoàng Tuỵ, cùng với Việt Phương, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Nguyễn Quang A…đã làm cho hoạt động của IDS được biết đến và lan toả rất nhanh. Nhưng cũng chính vì thế mà Nông Đức Mạnh và ánh mắt cú vọ của quan thầy hắn với tay chân cài đặt khắp nơi lo sợ và tìm mọi cách dập bỏ. Chúng biết đây sẽ là tia lửa có thể nhanh chóng đốt cháy đồng cỏ rộng. Đầu óc dốt nát của một kẻ chỉ có thể cầm rìu chặt cây phá rừng khi có chiếc búa quyền lực của chế độ toàn trị trong tay sẽ vung lên không chút kiêng dè đập bỏ bất cứ những gì có thể đẩy nhanh sự sụp đổ cái ngai vàng đang lung lay của hắn và bè lũ. Mạnh gọi điện cho Hà Nội hoạnh hoẹ: “ai cho phép thành lập viện nghiên cứu tư nhân này? Khi được trả lời là chẳng ai cho phép cả mà do Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành về quyền đăng ký lập một tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ. Kẻ chỉ thạo cầm rìu chặt cây kia ráo hoảnh hạ lệnh : “Nếu là Luật thì sửa Luật”!

Từ phải sang: Phạm Chi Lan, Hoàng Tuỵ, Tương Lai, Việt Phương

Qủa thật, đúng là “hàm răng của quyền lực luôn luôn mở rộng để nhai nuốt, và cánh tay nó luôn vươn ra, nếu có thể, để phá hủy tự do tư duy, ngôn luận và viết lách”, đây là sự đúc kết của John Adams, vị Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Trong tôi thoáng gợi ra hàm răng trắng nhởn dưới mái tóc luôn chải rất mượt của gã “răng chắc” mà dân Hà Nội danh xưng cho hắn. Đến cái việc thương luân bại lý tranh cướp bồ của con trai rồi đòi từ con để lấy ả ta làm vợ nhằm giải thoát cho ả khỏi bị phá sản, rồi ngang nhiên đưa ả ta chễm chệ ngồi vào ghế đại biểu Quốc hội, nơi được gọi là “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” khiến cho con gái đâm đơn kiện bố, thì cái việc đập bỏ Viện Nghiên cứu tư nhân đầu tiên đâu có gì mà phải chần chừ. Như cú sợ ánh sáng mặt trời, loại người như hắn thì làm sao chịu được một nhân cách, một bản lĩnh trí thức như Hoàng Tuỵ,  “người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là ý của Karl Marx nói về người trí thức mà tôi đã trả lời báo Sinh viên Việt Nam năm 2008 cách nay 18 năm.

Nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu” đấy chính là bản lĩnh của người trí thức, nhà khoa học Hoàng Tuỵ mà nhân dân, trước hết là giới trí thức và thế hệ trẻ Việt Nam kính trọng, thế giới ngợi ca. Theo những gì tôi biết được thì có hai nhà toán học vận dụng tri thức toán học vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, hình thành một phương pháp luận cho việc xây dựng chiến lược xã hội và kinh tế là Hoàng Tuỵ và Phan Đình Diệu. Cả hai nhà toán học ấy đều có mặt trong IDS.

Từ trái sang: Quang A, Phạm Chi Lan, Chu Hảo, Trần Đức Nguyên, Tương Lai, Phan Huy Lê, Hoàng Tuỵ, Việt Phương

Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có mấy lần nhắc lại những ngày trao đổi thẳng thắn với Tổng Bí thư Lê Duẩn khi Tổng Bí thư mời ông và hai nhà khoa học đến góp ý kiến về những vấn đề xã hội và kinh tế đang gây ách tắc trong hoạt động và quản lý về kinh tế xã hội. Ông cho biết, “trong mấy ngày đó chúng tôi đã có điều kiện góp ý trực tiếp và thẳng thắn với TBT.  Những vấn đề được nêu ra đã chạm vào điểm nóng, cực nóng, chưa biết rồi sẽ gặp phản ứng gì. Tôi đã dẫn ra câu vè dân gian “năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ. Khi bàn về chính sách nông nghiệp anh em chúng tôi đã không ngần ngại nói thẳng rằng chính sách của Đảng đã bần cùng hoá nông dân. Tóm lại, thật sự đã có không khí nói thẳng nói thật trong mấy ngày đó.

Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện. Sau mấy ngày trao đổi thẳng thắn đó, trong bữa cơm thân mật với tôi trước khi tôi lên đường đi Canada, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: những ý kiến các anh góp vừa qua ở Đồ Sơn rất tốt, kỳ này chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh. Về sau tôi được biết Hội nghị TƯ 6 đã có nghị quyết lịch sử, với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và chủ trương. Bỏ ngăn sông cấm chợ, nhân dân được tự do làm ăn hơn, lợi ích vật chất được coi trọng hơn, không còn xây dựng các điển hình tiên tiến theo kiểu hợp tác xã Vũ Thắng, và chuyện thi đua trong giáo dục cũng dần dần lui vào quá khứ (mãi gần đây mới được dựng lại do sự trổi dậy của tư tưởng thành tích, gây ra gian dối, quan liêu, tiêu cực mà người ta vẫn muốn nhắm mắt làm ngơ) .

Từ trái sang: Tương Lai, Phan Huy Lê, Hoàng Tuỵ, Việt Phương

Giáo sư Hoàng Tuỵ hào hứng kể lại cuộc điện đàm thú vị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để “sau đó anh Văn mời tôi trực tiếp đến nhà ông để bàn thảo kỹ thêm mà chủ yếu là thúc giục tôi đứng ra tập hợp nhân sĩ trí thức để cùng đưa ra những kiến nghị về giáo dục, về vận hành guồng máy quản lý kinh tế, xã hội. Tôi hiểu ý của anh Văn là nên có một “phương án tác chiến đồng đội” Tôi nhớ mãi lời Đại tướng nói, rất giản dị: “Tôi sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách một thành viên...”.

Chính từ những buổi trao đổi đó mà hình thành những kiến nghị, trong đó có bản Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội” mà tôi vừa nhắc ở trên. Giáo sư Hoàng Tuỵ trầm ngâm suy nghĩ và đưa ra nhận định : “theo tôi tư duy đổi mới đã thật sự hình thành từ Hội nghị TƯ 6, tuy chưa quyết liệt và còn phải vất vả mấy năm nữa mới trở thành đường lối đổi mới chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội mà nhờ đó chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng gay gắt những năm 80”. Nhưng rồi sau đó thì sao? Sự nghiệp Đổi mới chững lại, tiếng kèn “xung trận” ngập ngừng rồi tịt dần khi luồng tư tưởng bảo thủ giáo điều trỗi dậy mà Võ Văn Kiệt đòi hỏi phải dồn sức đấu tranh mạnh với luận điệu của Nguyễn Đức Bình được Tạp chí Cộng sản số tháng 9.1993 đưa ra : “ được về kinh tế, nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất toàn thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên, nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải, nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người.

Cần nhớ rằng người đưa ra luận điệu này là người nhiều năm thống lĩnh trên trận địa lý luận và tư tưởng. Những người kế nhiệm ông ta như Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tụng niệm những luận điệu cũ rích ấy khi mà trên thế giới những người nghiên cứu về học thuyết K. Marx, kể cả những người Mác xít đã vứt bỏ từ lâu! Cho đến hiện nay thì những người giáo điều ở ta vẫn nhai lại khái niệm rất sai về “thời kỳ quá độ” lên CNXH, vẫn sử dụng thuật ngữ “hình thái kinh tế-xã hội” để mà bàn về phương thức sản xuất, rồi luẩn quẩn và bế tắc trong tranh luận về quan hệ sản xuấtlực lượng sản xuất mà không biết rằng, thuật ngữ kinh tế-xã hội là do V.I Lenin dịch sang tiếng Nga sai, để rồi sau đó chính ông đã sửa lại là hình thái xã hội của kinh tế!

Trong Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng Chiến lược Kinh tế Xã hội”, giáo sư Hoàng Tuỵ đã không dùng khái niệm “phương thức sản xuất” quen thuộc. Ông viết “lâu nay ta quen nhìn thế giới qua lăng kính, sắp xếp sự vật theo những sơ đồ có sẵn và tin rằng đó là những chân lý bất di bất dịch. Chính đó là nguyên nhân gây nên nhiều sai lầm và thất bại trong sự nghiệp của chúng ta. Vì vậy cứ tiếp tục suy nghĩ theo những sơ đồ ấy sẽ không thấy lối ra”.

Từ cách nhìn ấy, sau khi phân tích cặn kẽ những sai lầm gây ách tắc trong sản xuất và đời sống, trong cơ cấu kinh tế và quản lý xã hội, với một tư duy toán học tường minh ông nói rõ : “Xã hội gồm hàng triệu con người hoạt động trong hàng vạn đơn vị trên hàng ngàn địa bàn. Nếu trách nhiệm và sáng kiến được trả về cho từng cá nhân, đơn vị để phát huy hết tiềm năng của họ, thì cộng năng và sức trồi tạo ra sẽ không lường. Đó chính là chìa khoá đi lên thịnh vượng bằng cách “tích phân” những bước tiến “vi phân”. Từ nhận thức đó, Hoàng Tuỵ viết rõ : “Quan niệm trên dẫn đến lấy chiến lược con người làm then chốt….Nhưng con người chỉ phát huy được tác dụng trong một khung cảnh xã hội và một hệ thống quản lý thích hợp. Nói khác đi, con người – khung cảnh xã hội – hệ thống quản lý là một chỉnh thể. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, ta đã thực hiện xuất sắc chiến lược con người vì đã xây dựng được cái chỉnh thể trên phù hợp với yêu cầu đánh thắng ngoại xâm. Ngày nay, để xây dựng đất nước, phải có can đảm cải tạo cái chỉnh thể ấy theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở thời đại mới, nếu không thì chiến lược con người sẽ chỉ là một khẩu hiệu suông!”.

Hàng trái, từ trái qua: Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Trần Đức Nguyên

Tôi nhớ lại giáo sư Phan Đình Diệu cũng đã từng đưa ra những ý tưởng này mà tôi đã dẫn ra trong “Tiểu luận” viết năm 2005 nhằm kiến nghị với Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội VII: “Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định” từ lập luận đó nhà toán học uyên bác ấy đã phân tích cặn kẽ: “ các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, trước hết là sản phẩm của bottom-up, từ dưới lên, chứ không phải là do top-down, từ trên xuống. Bottom-up là thực chất của dân chủ, là việc tôn trọng quyền của bên dưới, của các thành viên, được tự do suy nghĩ và hành động, tự do lựa chọn tương lai riêng cho mình, và tự do lựa chọn cả những giải pháp liên kết, cạnh tranh và hiệp tác, tự do sáng tạo và thích nghi… và trật tự tạo thành sẽ là kết quả hợp trội của tổng thể các ý chí và hành động của tất cả các thành viên của hệ thống”.

Quý giá biết bao khi những trí tuệ siêu việt ấy đã nung nấu khát vọng được đem những hiểu biết của mình vận dụng vào thực tiễn đất nước với những người dân lam lũ và can trường bươn chải trong cuộc sống mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Hoàng Tuỵ trăn trở tìm kiếm một hướng nghiên cứu để thiết thực góp phần tháo gỡ những ách tắc bằng cách vận dụng toán học vào trong phương pháp tiến hành công việc sao cho có quả nhất, tiết kiệm được thời gian, chi phí, đường vận chuyển nhiều nhất… Đó là “vận trù học”. Thuật ngữ này chưa có trong tiếng Việt và Hoàng Tuỵ là người đưa thuật ngữ này vào ngôn ngữ Việt Nam.

Thế rồi từ năm 1961 “vận trù học” được ứng dụng vào ngành giao thông vận tải rồi tiếp đó lan sang nhiều ngành kinh tế khác. Buổi ấy, trên thế giới vận trù học hãy còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên báo chí nước ngoài rất ngạc nhiên khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp “đường găng” hay PERT) nhưng đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh. Ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế, việc này đã có ý nghĩa mở ra một hướng mới, đưa toán học ứng dụng vào kinh tế ngay ở một nước còn rất lạc hậu về khoa học – kỹ thuật. Hơn nữa, các khái niệm vận trù, tối ưu, hệ thống, hiệu quả, được phổ biến rộng rãi đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy quản lý của cán bộ lãnh đạo và qua đó gián tiếp tác động đến hiệu quả quản lý kinh tế thời đó.

Cho dù vậy, thật đáng buồn là sau những nhà lãnh đạo đáng kính đã trân trọng lắng nghe những tiếng nói trí tuệ của những nhà khoa học tâm huyết ấy, những người kế vị họ, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ dốt nát và lú lẫn của Mạnh và Trọng chỉ dồn sức cho cuộc đấu đá tranh quyền đoạt vị, thì đương nhiên phải tìm cách đàn áp những “người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu”. Vết nhơ nhem nhuốc trên trán Mạnh là đập bỏ IDS, nơi tập hợp những trí thức “không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào” như Karl Marx đã khuyến cáo. Còn vết hằn đê hạ trên mặt Trọng là vụ kỷ luật Chu Hảo, một thành viên của IDS cho dù có dư luận cho rằng do ngài “tổng chủ” đã làm theo ngài cò mồi chỉ điểm đã gửi “tang chứng vật chứng” là bản gợi ý “cần công khai tranh luận để tìm chân lý” mà nhà trí thức Chu Hảo đã cả tin trao cho hắn ta.

Chẳng đáng ngạc nhiên làm gì về những mưu toan nhơ bẩn này. Giáo sư Hoàng Tuỵ, tác giả của bản Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội” đã nhắc lại ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót. Đã qua hơn một phần ba thế kỷ từ ngày thống nhất đất nước mà trước mắt vẫn còn đó các vấn đề hệ trọng sống còn, với những khó khăn, thách thức có phần, có mặt phức tạp gay gắt hơn

Từ trái sang: Hoàng Tuỵ, Nguyên Ngọc, Chu Hảo

Tôi còn nhớ ánh mắt và niềm hứng khởi của ông Sáu Dân khi tôi trình bày những luận điểm trong bản Kiến nghị về “Phương pháp luận xây dựng chiến lược Kinh tế Xã hội” của giáo sư Hoàng Tuỵ và nhắc lại những luận điểm của giáo sư Phan Đình Diệu mà ông cũng đã đọc trong “Tiểu luận” tôi gửi cho ông. Tôi đoán rằng, có thể đó là một trong những lý do mà ông đưa ra gợi ý mời giáo sư Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch IDS khiến tôi viết ở trên “có lẽ đây là một cơ duyên khiến thầy trò chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau”.

Rồi cũng lại Chu Hảo, hôm kia gọi cho tôi: “Chúng ta, những thành viên của IDS và “nhóm 23” sẽ cùng đến tiễn đưa anh Hoàng Tuỵ về nơi an nghỉ cuối cùng vào ngày 19.7.2019, anh có bay ra được không? Và có ý kiến gì vào bài phát biểu anh Trần Đức Nguyên đang soạn thảo để đề nghị được đọc trong lễ tang không”. Đành phải xót xa trả lời Chu Hảo: “ Rất buồn là mình không ra được. Sức khoẻ dạo này rất không ổn, bác sĩ khuyên không được đi máy bay vì dễ có những bất ngờ không xử lý kịp. Mình đành tiễn đưa bằng một bài viết vậy. Cũng là chuyện đặng chẳng đừng, biết sao giờ. Chu Hảo ơi ”.

Nhưng cũng xin được nói thêm đôi dòng về “nhóm 23”. Sau khi “tự giải tán” để không bị vô hiệu hoá bởi một Chỉ thị “phản dân chủ, phản tiến bộ và phản khoa học”, những câu được cân nhắc kỹ trong Tuyên bố được những thành viên của Viện IDS thảo luận trong một ngày do Chủ tịch Hoàng Tuỵ chủ trì, tất cả chúng tôi đều thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu của IDS theo cách mới, tuỳ theo điều kiện của từng thành viên.

Từ trái sang: Lê Đăng Doanh, Quang A, Chu Hảo, Trần Đức Nguyên

Có người đem tinh thần IDS vào vị trí hoạt động của mình như Phạm Chi Lan trong những đóng góp trên các lĩnh vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân mà chị am hiểu sâu sắc và có mối quan hệ rộng rãi trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hoặc như Lê Đăng Doanh với những đóng góp có trách nhiệm và được trân trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, trong các tổ chức quốc tế và là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 1/1/2016 đến 31/12/2018. Hay như Vũ Kim Hạnh đã khá thành công trong các hoạt động thiết thực và trực tiếp đến đời sống của người dân và của các doanh nghiệp trong cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt , là người khởi xướng Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, từ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao rồi Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC), chị đã tạo được dấu ấn trong các chuỗi hội chợ hàng Việt tại nước ngoài….

Và rồi, Nguyễn Quang A đang là một tiếng nói có uy tín và giàu tính chiến đấu, thường xuyên đi đầu trong hoạt động của xã hội dân sự đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ xã hội bằng biện pháp ôn hoà, được công chúng, đặc biệt là giới trẻ ngưỡng mộ, tranh thủ được sự ủng hộ của bè bạn quốc tế…Vị cựu Đại sứ Nguyễn Trung thì vẫn thường xuyên ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi những bài viết tâm huyết rất uyên bác, thẳng thắn và công khai khuyến nghị về chính sách, giải pháp mang tính chiến lược vĩ mô với những người đang giữ trọng trách về tình hình đất nước trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động. Như con tằm đến chết vẫn còn vương tơ, người Trợ lý của Võ Văn Kiệt thuở nao vẫn tràn đầy nhiệt huyết với tâm thế, mà tôi đoán, rằng chúng có nghe không thì tuỳ, trước hết là “tôi nói cho đồng bào tôi nghe”!

Vũ Quốc Tuấn, Đào Xuân Sâm

Có thể nói, hầu như gần hết thành viên của IDS đã tiếp tục dấn thân cho mục tiêu mà IDS từng hướng tới một cách mạnh mẽ và giàu tính sáng tạo cho dù không còn một Viện IDS. Để rồi thường kỳ “đến hẹn lại lên”, họ gặp nhau tại nhà giáo sư Hoàng Tuỵ để hàn huyên bên chén trà, tách cà phê, thăm hỏi nhau và luận bàn thế sự. Tại đây có thêm những lão tướng của Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, về sau là Ban Nghiên cứu Thủ tướng thời Phan Văn Khải như Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Ký … cùng tham gia nên tự đặt tên là “Nhóm 23”.

Sau một thời gian, khi anh Hoàng Tuỵ sức yếu hay phải vào bệnh viện và khi về nhà vẫn còn xuống sức, để tránh làm phiền anh chị khi mà chị Ngọc Anh cần phải dồn sức chăm sóc anh, chúng tôi chuyển về họp ở nhà anh Việt Phương, rồi nhà anh Trần Đức Nguyên và rồi về trụ sở cơ quan của nhà Xuất bản Tri Thức ở 54 Nguyễn Du, Hà Nội do Giám đốc kiêm Tổng biên tập Chu Hảo “đăng cai”.

Tôi nhớ những lần có các anh Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn hình như nhiều tiếng cười hơn đi liền với những quãng lặng cũng trầm mặc hơn thì phải! Càng xốn xang hơn khi quãng mấy năm gần đây giáo sư Đào Xuân Sâm hay gọi điện thoại cho tôi để yêu cầu tôi cung cấp tin tức để rồi cùng anh đưa ra những phân tích nhận định. Vị lão tướng ấy, người đã góp phần chấp bút viết lại bản Báo cáo Chính trị sẽ trình ra Đại hội VI theo yêu cầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, cũng là người thay mặt cho tất cả chúng tôi hứa với thủ tướng Võ Văn Kiệt tại buổi chia tay với ông trong ngôi nhà quen thuộc – số 6 đuờng Chùa Một Cột – sau khi ông rời khỏi mọi chức vụ, nay chỉ nghe chứ không thể đọc được nữa vì đôi mắt của ông đã hỏng vì gặp sự cố sau khi mổ.

Ông gọi cho tôi là vì thế. Lúc thì mười lăm, hai mươi phút, lúc thì hơn nửa giờ: “tớ chịu chết không thể đọc gì được về những “mênh mông thế sự” và “tin đáng đọc” cậu gửi hàng tuần, may ra đôi lần có cháu nó đến thì nhờ nó đọc cho, nhưng cũng năm thì mười hoạ thôi, đành phải gọi để nghe thôi vậy”. Mới tuần trước đây, trong điện thoại ông nói “Hoàng Tuỵ bệnh nặng lắm. Biết thế mà chịu không đến thăm được . Cũng đến cõi cả rồi. Chúng nó làm cho đất nước toanh hoanh thế này mà mình giờ thì bó tay rồi, rồi chết không nhắm được mắt đây TL ơi”. Nhưng, anh Sâm ơi, chính tôi đang chảy nước mắt đây.

Theo lời kể của Nguyên Ngọc trong lần cuối cùng thăm, giáo sư Hoàng Tuỵ đã tâm sự: “Người ta nói cuộc đời… cuộc đời là phù vân, không phải đâu… Lỡ biết bao nhiêu việc muốn làm mà không làm được, cho nên rời khỏi cuộc đời này là một nỗi tiếc… cho nên tất nhiên là cũng mong tất cả các bạn tiếp tục con đường…Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, dù cho lời nói làm bất bình bất cứ ai”.

Trong đầu tôi bỗng dội lại những lời tâm sự của Albert Camus trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương “Chân lí là cái bí hiểm, khó nắm bắt, luôn luôn đòi hỏi ta phải chinh phục lấy. Tự do là cái nguy hiểm, khó sống tuy là đầy hứng khởi. Chúng ta phải hướng theo hai mục đích này, vất vả nhưng quả quyết, mặc dù biết trước những sự nản lòng trên con đường dài đến thế”. Phải chăng vì thế mà Camus đòi hỏi “từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết”.

Tôi trào nước mắt sung sướng vì người thầy kính yêu của tôi, vị Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Phát triển-IDS của chúng tôi đã từng có “niềm kiêu hãnh sống”, để rồi hôm nay bằng một bản lĩnh trí thức đích thực, con người tuyệt vời ấy đang đi vào cõi vĩnh hằng trong “niềm kiêu hãnh chết”. Chúng tôi tự hào kính cẩn vĩnh biệt người, niềm kiêu hãnh của trí thức Việt Nam.

 Tp Hồ Chí Minh 4h ngày 19.7.2019

______

Mời đọc lại: Số 9: Chào mừng những huy chương vàng danh giá — Số 10: Thật đáng xấu hổ!  —  Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng  —  Số 12: Thế Sự Du Du  —  Số 13: Chân lý là cụ thể  —  Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi  —  Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi”  —  Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai  —  Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương  —  Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần  —  Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng  — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc

Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu!  —  Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố  —  Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân  —  Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta —  Số 25: Chuyện cũ viết lạiSố 26: Chuyện cũ viết tiếpSố 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”Số 28: Thế sự cong queoSố 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”

Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”Số 32: Hết khôn dồn đến dạiSố 33: Liên khúc năm GàSố 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gióSố 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tánSố 37: Những tấm lòng bè bạnSố 38: Chuyện đất, chuyện ngườiSố 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây?Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*

Số 41: Mười năm người ấy ra điSố 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước  —  Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây?Số 44: Tưởng nhớ Hạ Đình NguyênSố 45: Kẻ “bất hảo” – “Nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”!Số 46: Tổng thống và cơn mưaSố 47: Bỗng nhớ người bạn ở PrahaSố 48: “Chu du thiên hạ để học rùng mình”Số 49: “Giọt nước mắt thương dân – Dân mình phận long đong”Số 50: Ấm trà mẹ pha vào một đêm trăng

Số 51: Nghĩ về một phẩm cách cao thượngSố 52: Đôi điều về Hồ Ngọc Đại, bạn tôi — Số 53: Vở diễn nhạt nhòaSố 54: Giữa dòng hoài niệm  — Số 55: Thời gian nghiệt ngã và những bước đi oái oăm của lịch sử  —  Số 56: Nhớ cái rét đầu đôngSố 57: Đọc kịch bản “Huế 1968” của Michael MannSố 58: Vẫn rất cần “ngọn lửa của trái tim ĐankôSố 59: Giai điệu Trịnh và tà áo dài DiệuSố 60: Tản mạn đôi điều nhân ngày 26 tháng 3

Số 61: Thế nước chông chênhSố 62: “Ông Tổng không tiền, ông Tổng Tễnh”Số 63: Liệu có nhất thiết phải “cái quan” rồi mới “định luận” không nhỉ? —  Số 64: Không khí cần cho lá phổi, thông tin cần cho bộ nãoSố 65: May quá, chỉ “tọa triều”, chứ chưa phải “ngọa triều” —  Số 66: “Lời nói là cái bóng của hành động” (*)Số 67: Cảm nhận “Thiên An Môn” —  Số 68: Lời cảnh báo từ Hồng Kông —  Số 69: GS Hoàng Tụy, vị Chủ tịch của IDS, một bản lĩnh trí thức đích thực

Bình Luận từ Facebook

10 BÌNH LUẬN

  1. >>> ngược lại những trì trệ, lạc hậu, loanh quanh nghĩ mãi không ra…. đó là những cái mà người ta gọi chung là văn minh lúa nước…

    “văn minh lúa nước” lý giải được trì trệ, lạc hậu, loanh quanh? Nếu thế thì tại sao đồng chí Nguyễn Tiện Nhân, đã có bằng tiến sĩ về điều khiển học, tự động học (từ Đông Đức), lại có Master về Public Administration từ Oregon (USA), miệng luôn nói về công nghệ thời 4.0, nhưng tay thì đi gian lận bầu cử, cấm ứng cử viên độc lập ngoài đảng thời còn làm ở Mặt Chận Tổ Cuốc, đàn áp, cấm đoán biểu tình ở thành Cáo, triển khai hệ thống camera nhận dạng, cướp đất ở Lộc Hưng, hứa không nói láo nhưng lại nói dối dân oan Thủ Thiêm ? Theo tui thì phạm trù “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu” lý giải được trường hợp này một cách chặt chẽ hơn.

    Một khi kinh tế cá nhân, gia đình đã khá giả (nhờ nhận lại quả khi còn trẻ) và về hưu, thì các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng trở thành mạnh miệng hơn, dám phê phán chính sách của đảng và nhà nước hơn, đó là thể hiện của nguyên lý hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trị, hình thái, nội dung của tư duy.

    Nhưng tui đang tìm cách lý giải trường hợp của Hữu Loan, cùng thời với Hoàng Tuỵ và nhiều lão thành cách mạng khác: ông này dứt khoát không đảng rõ ràng ngay từ đầu, mặc dầu cuộc sống vật chất có rất nhiều khó khăn. Đây là trường hợp ” l’amour c’est pour rien,” ý thức vượt lên hẳn vật chất. Lại còn trường hợp Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức đi ngược lại với khuynh hướng trí thức xã hội chủ nghĩa thông thường, nhất quyết không đi theo lề đảng. Trường hợp của Trung, Thức thì có thể lý giải bởi cách mạng thông tin đại chúng, nhưng hai người này không phải là tầm thường như những người khác.

  2. Hiểu về sự vận động của kiến thức chính là nền tảng của mọi sáng kiến, kể cả những cái gọi là cơ chế, bởi tất cả là do con người làm ra. Tư duy công nghệ làm ra nhiều sản phẩm, xã hội văn minh, thay đổi kịp thời… .,ngược lại những trì trệ, lạc hậu, loanh quanh nghĩ mãi không ra…. đó là những cái mà người ta gọi chung là văn minh lúa nước…

  3. montaukmosquito cho rằng “trí thức xã hội chủ nghĩa” có tính “psychopathy” :

    https://baotiengdan.com/2019/07/16/nhung-loi-cuoi-cung-cua-thay-hoang-tuy/

    Psychopathy thì hơi quá nặng nề; nhưng làm sao lý giải được tư duy, cách hành xử của “trí thức xã hội chủ nghĩa”? Để lý giải những điều này, tui trở lại dùng triết học Mác-Lênin và logíc toán xem sao. Dĩ nhiên là trong hạn chế của của cái comment này, tui chỉ có thể sơ lược thôi, không thể dài dòng được, phải đi cày cấy, làm ruộng chứ!

    Hai trong những nguyên lý cơ bản của triết học Mác-Lênin là;

    – Vật chất là cái có trước, ý thức có sau. Vật chất quyết định ý thức.

    – Cơ sở hạ tầng (kinh tế) quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng (chính trị, xã hội, hình thái tư duy, v.v.),

    Lý giải cụ thể là, đăc biệt là trong chế độ bao cấp hoặc chế độ kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nếu một cá nhân nào đó muốn tiến thân thì phải dựa vào đảng, có tư duy giống như lối tư duy của đảng. Cụ thể hơn nữa, muốn vào đại học, muốn có một suất đi du học Liên xô, muốn được lên “lon” thì phải vào đoàn, vào đảng, hay tối thiểu là không ra mặt chống đối, có ý kiến trái chiều với đảng ta.

    Điều này lý giải tại sao nhiều người trí thức xã hội chủ nghĩa đã vào đảng rất lâu, từ năm 1950 như giáo sư Hoàng Tuỵ mà không bao giờ muốn ra khỏi đảng, hay không bao giờ công khai chống đảng dứt khoát.

    Để hiện đại hoà và Việt nam hoá triết học Mác-Lênin, tui bèn ra một phạm trù triết-chính tri-kinh tế học như sau: “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu.” Vì sắp phải đi làm ruộng, tui chỉ có thể giải thích gọn như sau: nếu lúc còn trẻ phải phấn đấu vào đoàn để có 1 suất vào đại học, hay 1 suất đi du học, thì khi học xong, khi làm việc thì phạm trù “chiết học” của tui bắt đầu có tác dụng: phải bảo vệ đảng, hay ít ra phải im mồm không chống đối đảng, để bảo vệ cái ghế và sau đó bảo vế cái sổ hưu chứ!

    Nhưng làm sao lý giải được hiện tượng hiện say có nhiều người công khai chống đảng hơn ? Tóm tắt lại thì có thể có các nguyên nhân hữu cơ qua lại như sau:

    (1) có nhiều thông tin hơn, phần lớn là nhờ Internet mà chú Sam phát minh và triển khai

    (2) kinh tế quốc doanh mất dần vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức ngày càng quan trọng.

    (3) các ông lãnh đạo ngày trước, đang về hưu thì mạnh miệng hơn trong việc phê phán chế độ

    (4) vì fuzzy logic của toán học !

    Fuzzy logic là cái quái gì? Fuzzy logic cho rằng không phải chỉ có đúng vs sai (true vs false, “1” vs “0”), mà còn có xác xuất nữa (probability associated with the logic value). Ví dụ như cụ Cáo nói: “đảng cộng sản Việt nam là đảng của giai cấp công nhân.” Nếu xét về thành phần giai cấp công nhân trong đảng hiện nay thì lời của Cáo chỉ đúng đâu đó 10%. Cụ Cáo cũng nói đảng cộng sản là “đội tiên phong của gia cấp công nhân”. Tương tự như vậy, chẳng biết “tiên phong” là như thế nào? là như Đinh La Thăng hay như Trần Bắc Hà ? Nhưng nói là đảng cộng sản Việt nam là “đội tiên phong của gia cấp lưu manh, cơ hội” thì có lẽ có chính xác đến xác suất 85%+.

    Tóm tắt lại, psychpathy thì có lẽ không phù hơp, hay có probability thấp để mà đúng; trong khi đó nếu lý giải bằng triết học Mac-Lênin và phạm trù bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu thì có lẽ chính xác hơn. Những lời nói phải được xem xét lại dưới góc độ chính xác, nhưng góc độ này mang tính chủ quan.

    Vái ví dụ:

    Hoàng Tuỵ đã làm một số thứ trong cái hạn chế (constraints) mà ông ấy đã gặp phải, hay đã có. Cũng cùng thời với Hoàng Tuỵ là Hữu Loan, ông này thì rõ ràng, mạch lạc hơn trong tư duy không fuzzy và cuộc đời của mình, tui ngả mũ chào ông Hữu Loan này. Các trường hợp nữa là Hà Sĩ Phu, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huýnh Duy Thức, nhưng hai người sau hãy còn trẻ …

    Dù sao chăng nữa cũng mong giáo sư Hoàng Tuỵ R.I.P.

    • Trả lời Ha Dang

      “nếu một cá nhân nào đó muốn tiến thân thì phải dựa vào đảng, có tư duy giống như lối tư duy của đảng”

      Dấu hiệu của psychopath là gì ? Absolute absence of moral senses. Không phân biệt được Thiện-Ác, Đúng-Sai … Không cần biết hậu quả của hành động đ/v người khác . Ừ thì cứ coi như rằng thì là mà ở bầu thì tròn, ở ống thì dài . Nếu muốn được gọi “trí thức” đúng nghĩa -không phải trí thức xã hội chủ nghĩa- thì ít nhất phải bỏ cái ác mà đi . Nếu không bỏ được thì cũng đừng hợp tác với cái ác, đừng xây dựng, đừng biện hộ, đừng cổ vũ cho cái ác … Hoặc ít nhất cứ việc “sáng vác ô đi, tối vác về” như 30% công chức xã hội chủ nghĩa . Đàng này làm mọi cách để được tiến thân, để được miếng ngon hơn người khác … OK, thì cứ coi như sống hèn, nhưng trước khi chết ít nhất cũng phải nói thật 1 lần . Tệ lắm cũng phải như Lê Hiếu Đằng . Nhưng không, tới chết vẫn như 1 trí thức xã hội chủ nghĩa thực thụ, hơi tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao .

      Constraints là tự mình apply vô hệ thống ác . Ngay cả cái gọi là “đấu tranh” trong cái constraints, mục đích của đám trí thức xã hội chủ nghĩa cũng là để cho các ác muôn năm trường trị .

      Vậy không phải 1 lũ psychopaths thì là gì ?

      Ừ thì chết là hết . One less psychopath. Nhưng plu-eez, đừng xưng tụng bất cứ những ai trong đám trí thức xã hội chủ nghĩa . Cứ để chúng nó thổi ống đu đủ với nhau . Trong mắt tớ, psychopaths không bao giờ là 1 người trí thức thật sự . Tiếng Việt hiện đại có từ để diễn tả lũ này, trí thức chinsu. Chỉ có mùi trí thức thui, còn lại là đồ gia vị … và thế cũng tốt cho Việt Nam rùi .

      • Psychopathy là gì?

        Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Psychopathy
        “Psychopathy is traditionally a personality disorder characterized by persistent antisocial behavior, impaired empathy and remorse, and bold, disinhibited, and egotistical traits. It is sometimes considered synonymous with sociopathy.”

        “Trí thức xã hội chủ nghĩa” là gì ? Cái này thì phải nghiên cứu thêm.

        “Trí thức xã hội chủ nghĩa” có là psychopaths hay không? Tui thì theo trường phái của fuzzy logic, muốn phải quantify mọi thứ. Nhưng có 3 điều đáng để ý:

        (1) mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ như đồng chí X khi về hưu, bỗng dưng muốn thành “người tử tế”; nhiều cán bộ lão thành cách mạng khi về hưu thì cũng bỗng dưng trở thành “từ bi bất ngờ.” Thành viên của IDS cũng phần đông là cán bộ về hưu, có thể khác hẳn khi họ còn làm việc khi chưa về hưu.

        (2) người ta có thể nói ông Lê Duẩn là 30% là psychopath, 70% là “yêu nước”; nhưng cơ sở của những con số này là ở đâu? có lẽ phần đông chủ quan.

        (3) người ta có thể nói ông A là psychopath (tuỳ theo định nghĩa của psychopathy), nhưng “trí thức xã hội chủ nghĩa” là một tập thể, nói rằng “trí thức xã hội chủ nghĩa” là “1 lũ psychopaths” thì đây là một bước nhảy trong logic.

        Tui cũng thấy có một “bộ phận không nhỏ” người mang danh “trí thức” (tuỳ theo định nghĩa) minh hoạ, biện minh hoặc ngay cả làm việc tích cực cho đảng và nhà nước. Nhưng những người này là “psychopaths” vs đang triển khai phạm trù “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu” thì tui không chắc.

        Ban ngày cày cấy, làm ruộng, tối thì đến và dùng cafe internet như tui thì khoẻ re. Nhưng tui cũng phải coi chừng công an mạng.

        • Once a psychopath, always a psychopath.

          “người ta có thể nói ông Lê Duẩn là 30% là psychopath, 70% là “yêu nước”

          Ừ thì ở Hitler, tỷ lệ là 50/50.

          “mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ như đồng chí X khi về hưu, bỗng dưng muốn thành “người tử tế”

          Có vẻ bác không nghiên cứu về psychopaths nhiều lắm . Đúng, có 1 số psychopaths như Ted Bundy arrogant till the end (My bet is ô Tương Lai thuộc trường hợp này). Nhưng cũng có Jeffrey Dahmer, chỉ sau khi bị bắt mới tỏ vẻ hối lỗi . Cái này bên psycho-analysis gọi là adaptive strategies, aka giả vờ . Nhưng nếu thả ra, ngựa quay về đường cũ ngay . Đã có (rất) nhiều trường hợp trong criminal system bên này rùi . Phát hiện giết người, trao án với possibility to appeal. Ngày appeal ngoan lắm, nên quan tòa mủi lòng thả ra . Giết thêm vài người . Bị bắt lại . Phát hiện trước nạn nhân (tưởng là) zero -nạn nhân đầu tiên- lại có thêm 1 số nạn nhân khác . Đồng chí X chỉ muốn làm “người tử tế” khi không còn khả năng làm được gì . Đồng chí X thuộc loại Jeffery Dahmer.

          “người ta có thể nói ông A là psychopath (tuỳ theo định nghĩa của psychopathy), nhưng “trí thức xã hội chủ nghĩa” là một tập thể, nói rằng “trí thức xã hội chủ nghĩa” là “1 lũ psychopaths” thì đây là một bước nhảy trong logic”

          So far, i haven’t seen anomalies, có nghĩa “trí thức xã hội chủ nghĩa” nhưng không phải là psychopath. Đành phải kết luận, trí thức xã hội chủ nghĩa, ai cũng là psychopath. Lack of remorse.

          Nên nhớ ““Psychopathy is traditionally a personality disorder”. Keyword là “traditionally”, có nghĩa “trước đây”. 1 điều nữa, nếu tất cả bọn họ là psychopaths thì individual có nhận ra mình là psychopath không ? Hay họ vinh danh những psychopaths more psycho than themselves, và vinh danh cả những tính cách psychopaths. Có nghĩa để thành công trong đám psychopaths, they have to be better psychopaths. Cứ từ đó mà suy ra . Ông/bà nào được lũ psychopaths vinh danh, có nghĩa đã psychopath hơn the rest of the remaining psychopaths. 1 trong những tell-tale signs là thấy bọn họ toàn vinh danh những tính cách psychopaths có nghĩa tất cả bọn họ là psychopaths, họ chỉ chưa psychopaths bằng những người mà họ vinh danh .

          • ok, đây là những đề tài triết học-toán học-psycho-analytical cần phải nghiên cứu thêm.

            Tui tóm tắt lại những đề tài chính, cần phải đào sâu, đào xa như sau:

            (1) để Việt nam hóa, hiện đại hoá chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoàn cảnh thực tiễn ở Việt nam, montaukmosquito và Ha Dang đem ra trình làng cặp phạm trù psychopathy vs “bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu”. Nói cho đầy đủ thì phạm trù thứ hai là “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu.
            Trước đây, trong triết Mác-Lênin có các cặp phạm trù:

            * Nguyên nhân vs Kết quả; Bản chất vs hiện tượng; Cái riêng vs cái chung vs cái đơn nhất; Tất nhiên vs ngẫu nhiên; Nội dung vs hình thức; Bản chất vs hiện tượng; khả năng vs hiện thực

            nhưng những cặp phạm trù trên là đồ nhập khẩu, cổ điển. Cặp phạm trù psychopathy vs “bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu” là “made in Vietnam”, rất hiện đại vì mới được khám phá gần đây, phản ánh được tình hình thực tiễn của cách mạng ở nước ta. Psychopathy không nhất thiết phải mâu thuẫn với “bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu”; đó là vì một cán bộ đảng/nhà nước vừa có thể thể hiện tính “psychopath” vừa muốn bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu. Thí dụ như đồng chí Nguyễn Phú Trọng: việc đồng chí vừa là Tổng vừa là Tịch có thể được coi là hành vi thể hiện psychopathy (tham quyền lực) vừa là thể hiện “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu.”

            (2) làm sao để định lượng (quantify) mức độ psychopathy vs mức độ “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế” vs “bảo vệ cái ghế và cái sổ hưu” ? Thí dụ như đồng chí Lê Duẩn: bao nhiêu là psychopathy (tham quyền lực), bao nhiêu là “bảo vệ đảng, bảo vệ cơ chế cùng với cái ghế và cái sổ hưu,” bao nhiêu là “yêu nước” Liên xô, Trung quốc ? Tương tự như vậy với đồng chí Nguyễn Phú Trọng? Những mức độ này thay đổi theo thời gian như thế nào?

            (3) trí thức xã hội chủ nghĩa (định nghĩa, s’il vous plaît ) có phải là “1 lũ psychopaths” ?

            (4) nhân dịp giáo sư tiến sĩ Hoàng Tuỵ vừa mới mất, tui cũng đề nghị đề tài nghiên cứu sau:

            – đấu tranh của tối ưu toán học trong hoàn cảnh chính trị tối u: ai thắng ai?

          • Get yo head outta gutter. You got it all wrong, và Mác-Lê aint good enuff để làm chiện này .

            Mỗi generation đều có những hoàn cảnh khác biệt . Generation Hoàng Tụy, Tương Lai … them all psychopaths. Coz thế hệ đó có sự chọn lựa . Với những người như Hoàng Tụy & Tương Lai, bọn họ chọn cái ác, và không bao giờ hổ thẹn với lựa chọn của mình . So, fook their constraints. it mean jack xít ở đây . Với những serial killahz ở tây, they all got caught, except for one, the zodiac. Ở ta, cứ tưởng tượng Nazi ở Đức đã không thảm bại và sống tới ngày nay . Ta có psychopaths như Himmler, Goering, Baumler … viết hồi ký . Sêm xít, đọc hồi ký Nguyễn Trung do gs tiến sĩ Trần Hữu Dũng trịnh trọng & hân hạnh đăng trên viet-studies, i xì 1 hồi ký của sĩ quan phát xít nếu chế độ phát xít còn sống tới bây giờ . Tất nhiên, những cuốn hồi ký của psychopaths lại được bọn lesser psychopaths ca tụng . Có nghĩa toàn bộ xã hội này vận hành trên những nguyên lý của 1 lũ cuồng sát .

            Thế hệ mới, again, vẫn có sự chọn lựa, và đã có rất nhiều chọn lựa tùy hoàn cảnh của mình . Ai không muốn dính dáng tới hệ thống cuồng sát này, họ vẫn có thể kiếm cách chuồn ra nước ngoài . Với “mở cửa”, số không đi được sẽ kiếm việc với tư bẩn, hoặc tự trở thành tư bẩn đen . Số còn lại có thể -tây gọi là- “passive resistance” bằng cách sáng vác ô đi, tối vác về . Đủ kiếm sống, ngoài ra không dự phần vào hệ thống ác độc .

            Phần (lớn) còn lại thì noi gương lũ psychopaths thế hệ trước gắn chặt vận mệnh vào hệ thống, & in turn, trở thành lũ psychopaths thế hệ mới .

            Như đã nói, bảo vệ Đảng, bảo vệ ghế … chỉ dành cho tụi psychopaths. Những người khác vẫn sống được không dựa vào chế độ . Đó là sự khác nhau giữa trí thức xã hội chủ nghĩa & những người khác, cũng là tell-tale signs chỉ ra bọn trí thức xã hội chủ nghĩa chỉ là 1 lũ psychopaths không hơn không kém . Vấn đề là không phải là psychopath thì hệ thống này không công nhận là “trí thức”. Access to những thứ có mùi knowledge -knowledge thật không được phép tồn tại ở VN- cũng phải qua hệ thống => những người “được xem là” trí thức chỉ là đám certified psychopaths, không cần giấy bác sĩ chuẩn định, cũng hoàn toàn không có knowledge thực sự . Đơn giản vì chúng chỉ có access to những thứ “có mùi” knowledge.

            “đấu tranh của tối ưu toán học trong hoàn cảnh chính trị tối u: ai thắng ai?”

            Ở mức nào & ở trên phương diện nào ? Nếu nói về “đấu tranh cho dân chủ (!!!???)” như Phạm Đoan Trang … có ông công tước Francois de Sade. Rất có lợi khi quan sát VN. Ổng viết về 1 tử tù, cô con gái 15 tuổi xin bán mình chuộc cha . Graphic details, phòng ổng nhìn ra quảng trường nơi có để máy treo cổ . Khi ổng hưởng hoa thơm cỏ ngọt cũng là lúc lưỡi dao được hạ xuống trên cổ người cha . Sau này cô bé đó trở thành 1 trong những người tình của vị công tước & tích cực tham gia tất cả những trò xuất phát từ trí tưởng tượng của ông ta . Ổng kể về 1 lần cô ta vừa ngồi trên mình ổng, tay cầm nến nhiễu sáp, bên cạnh là con dao . Nhưng cô đã không dùng con dao để báo thù . Thats about rite nếu nói về có mùi đấu tranh dân chủ ở VN. Wtf d’ya know, ôn hòa & có học kiểu Phạm Đoan Trang ở xứ mềnh chỉ có Marquis de Sade mới giải thích nổi .

  4. Cái thiếu duy nhất của người Việt chính là cách biến đổi lý thuyết thành sản phẩm hiện hữu. Nếu biết điều này, kết hợp với những bản lĩnh của người giỏi toán :nhẫn nại, thông minh, khả năng sâu chuỗi…. thì “trên cả tuyệt vời ” và đất nước đã khác 100% .Ngoài làm ra nhiều của cải vật chất, những tư duy nghĩ ra công nghệ mới thật là quan trọng, và tuyệt vời hơn nữa khi nó được thay thế cho những tư duy xuất phát từ ruộng vườn…

  5. Lạc đề 1 tẹo .

    Giáo sư Tương Lai viết ám chỉ Lê Phú Khải như sau “những người cầm bút vô sỉ, mượn tên tuổi, hình ảnh những người đã khuất để tự đánh bóng tên tuổi mình, thậm chí viết hẳn sách” vì trong cuốn Hồi Ký của mình, nhà báo Lê Phú Khải đã viết về người thầy đáng kính của gs Tương Lai dư thế lày ” … được nghe nhà báo Trần Đĩnh ở báo Nhân dân kể, Phạm Văn Đồng chuyên hút thuốc phiện và chơi đĩ do Lê Đức Thọ cung cấp, vì thế hai cái môi thâm sì. Và Lê Đức Thọ bảo sao thì phải nghe vậy, không thì cắt nguồn thuốc phiện và gái(!) Tôi tin lời anh TĐ vì suy ra, người hút thuốc phiện hay ngủ gật, và điều tướng Qua nói là hoàn toàn đúng về cái sự ngủ gật của ông Thủ tướng lâu năm này.”

    Tớ muốn biết nhà báo Lê Phú Khải đã đọc bài gs Tương Lai lấy giấy nhám ra đánh bóng lộn tên tuổi của mình như 1 nhà báo cách mạng thực thụ chưa ? Cảm nghĩ của nhà báo Lê Phú Khải về “nghiệp báo” của gs Tương Lai thế nào ? Hay rõ hơn, nhà báo Lê Phú Khải có cảm nghĩ thế nào khi được gs Tương Lai nghĩ mình thuộc loại “những người cầm bút vô sỉ, mượn tên tuổi, hình ảnh những người đã khuất để tự đánh bóng tên tuổi mình, thậm chí viết hẳn sách”?

    Riêng phần tớ, nếu phải trả lời thì tớ sẽ lói thế lày, rằng thì là mà nếu người thầy giỏi, học trò còn có người này người kia . Gặp phải ông thầy đĩ bợm, đệ tử, loong toong … chẳng khác thầy là mấy . Thầy nào trò đó, chính là trường hợp Phạm Văn Đồng-Tương Lai .

Comments are closed.