9-7-2019
Người dân Hà Tĩnh có thời nói vui rằng, trong hội nghị chỉ cần thưa bẩm như sau: “Kính thưa cha con ông Thại…”. (Ông Trần Quốc Thại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, sau này con trai ông là Trần Đình Đàn, cũng làm Bí thư Tỉnh ủy, con ông Đàn cũng làm lãnh đạo, sở, huyện)… Kính thưa đầu tiên là như thế, sau đó thêm các thành phần khác.
Sau này thì chỉ cần “Kính thưa cha con ông Báu…”. Ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sau này con ông là Đặng Quốc Khánh, làm chủ tịch tỉnh, mới được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang…
Kính thưa đầu tiên như thế, sau đó thêm các thành phần khác.
Ở địa các phương khác, chắc không hiếm chuyện này, mọi người thử nhẩm tính mà xem có bao nhiêu cha – con – cháu cùng làm “quan”. Đó là chưa kể ở các bộ, ngành, đơn vị cấp sở, huyện, xã, các Cty, đơn vị…
Trên lý thuyết, có chính trị nhà nòi. Có dòng họ làm lãnh đạo, nức tiếng giỏi và vì dân. Tuy nhiên, tài năng thiên bẩm là một việc, hiểu dân, thấu dân là việc khác.
Thử nhẩm tính thế này, từ 6 tuổi đi học và 19 tuổi học hết trung học phổ thông. 20 tuổi đến 23 tuổi học đại học, sau đó học thạc sỹ, tiến sỹ trong – ngoài nước… Học cho đến khoảng 28-30 tuổi, tùy thời gian và cơ hội của mỗi người. Một số người có bố làm to thời gian đi học sống trong nhung lụa, không ngụp lặn trong xã hội để tìm cơ hội kiếm miếng ăn, vươn lên cho bằng bạn bằng bè. Chớp mắt cái vào bộ máy rồi làm lãnh đạo.
Có người chưa đến 40 tuổi đã là phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh (trước đó kinh qua nhiều chức vụ khi còn rất trẻ). Ăn trắng mặc trơn, với đủ thứ được bao bọc, cứ đi học và vị trí công tác đã có sẵn, cứ thế vèo vèo thăng tiến mà dân ta vẫn gọi là “thăng tiến thần tốc”.
Không lăn lộn thực tiễn, thành công quá dễ dàng, thì khó mà thấu hiểu dân được!
Ngày trước, nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) viết: “Khi bộ trưởng về hưu”. Về hưu, ra chợ, ông cựu bộ trưởng lấy làm lạ chuyện mấy bà mua bán mấy con tép mớ rau mà cãi nhau ầm ĩ vì mấy đồng bạc lẻ. Bộ trưởng về hưu rồi mới làm dân, khi đó mới thấu nổi khổ của dân. Nhà báo Lê Thanh Phong, cây bình luận của Báo Lao Động từng viết: Có một số người làm lãnh đạo, chỉ có thể giải thích là số phận (không thể hiểu nổi!).
Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người giỏi nắm bắt thực tiễn, có phương pháp nên hiểu dân và được dân tin yêu.
“Con vua rồi lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”… Chuyện này đúng với xã hội phong kiến, khi vua truyền ngôi cho con, và con quan lại làm quan. Nay xã hội khác rồi, chuyện này nếu phổ biến thì đi ngược với xu hướng. Nhiều con nông dân, công nhân, con nhà nghèo, học hành bài bản nhưng vẫn phải ngụp lặn với cuộc sống để vươn lên, nhưng lại bị nhiều cái ghế án ngữ bởi sự lo lót cho nhau, khiến cuộc đua không công bằng. Phấn đấu cả đời đôi khi không bằng một lời cất nhắc!
Đánh quan tham đã là rất khó, nhưng đánh vào chuyện phe cánh làm lãnh đạo cũng khó không kém. Chuyện cha – con – cháu – chắt làm lãnh đạo thực sự không hiếm. Nếu chuyện cha giỏi, con giỏi, cháu giỏi vì dân, vì nước thì là chuyện khác. Nhưng chuyện lo lót, giành ghế, đục khoét, cướp cơ hội của người tử tế thì nhất định phải đánh mạnh, đánh cho tan như tham nhũng.
Cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực đang truyền cảm hứng, tạo sự tin tưởng, làm nức lòng dân. Tôi tin những câu chuyện cha – con- cháu dắt nhau làm “quan” sẽ được soi xét kỹ.
Phải đánh mạnh vào phe phái, lo lót ghế cho nhau, làm mất công bằng, tạo bè để đục khoét!
Rất mong mỏi, để “con sãi ở chùa” nếu giỏi, nếu vì dân vì nước thì không phải “quét lá đa” nữa!