Trung Quốc đang chuốc lấy thảm họa ở Hồng Kông

Project Syndicate

Tác giả: Bùi Mẫn Hân

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

13-6-2019

Lời dịch giả: Cuối cùng, lòng dân Hồng Kông đã thắng và Bà Carrie Lâm, Đặc khu trưởng thành phố, đã tuyên bố đình chỉ vô thời hạn việc thông qua dự luật dẫn độ vào trưa 15 tháng 6 năm 2019. Lùi bước này không có nghĩa là vấn đề đã kết thúc vì dân chúng còn tiếp tục yêu sách: triệt để hủy bỏ nội dung luật dẫn độ, bà Lâm từ chức và chính quyền xin lỗi vì Cảnh Sát gây thương tích cho 81 người dân. Biểu tình ngày 16 tháng 6 năm 2019 lên đến khoảng hai triệu người. Tình hình sẽ còn trầm trọng hơn trong những ngày tới.

Các lý do cho các năng động phản kháng này tiềm ẩn sâu xa hơn. Dân Hồng Kông tin rằng, mô hình “nhất quốc, lưỡng chế” đang bị giải thể, dù trên nguyên tắc sẽ còn được áp dụng cho đến năm 2047. Dù được hồi quy cố quốc từ năm 1997, nhưng ước vọng chân thành của người dân Hồng Kông là được sống và làm việc trong sự cai trị bằng luật pháp Anh quốc, huởng các quyền tự do dân chủ trong tinh thần trọng pháp, không phải là dưới ánh sáng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cho đến nay, ước mơ này vẫn không phai nhạt.

Tình thế đổi thay, họ bừng tỉnh trước các nguy cơ thực tế. Các doanh nghiệp Trung Quốc lấn chiếm ồ ạt, doanh giới Trung Quốc thu tóm các vai trò lãnh đạo và ngụy tạo giả cả bất động sản làm cho doanh nghiệp quốc tế lần lượt giả từ thị trường. Mật vụ lục địa công khai theo dõi và bắt người chống đối bất chấp luật pháp. Mất hầu hết các quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, đã làm cho thành phố không còn là mảnh đất sống lý tưởng cho mọi thành phần dân chúng. Do đó, ý chí đối kháng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bùi Mẫn Hân cảnh báo một khía cạnh pháp lý mà Hoa Kỳ có thể tạo áp lực Trung Quốc. Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ đối với Hồng Kông, coi thành phố là một thực thể riêng biệt, dành các đặc quyền kinh tế và thương mại. Nhưng Tổng thống có quyền ban hành sắc lệnh hành pháp, đình chỉ một số hoặc tất cả các đặc quyền nếu Hồng Kông không đủ tự chủ để biện minh cho việc đối xử theo luật của Hoa Kỳ.

Tổng Thống Trump sẽ rút các đặc quyền này hay không, vấn đề còn tùy theo các diễn biến trong chương trình nghị sự G-20 tại Osaka. Trung Quốc đang lo sợ Hoa Kỳ sẽ quốc tế hoá vấn đề Hồng Kông và đang cố ngăn chận mọi tổn hại khi lập luận Hồng Kông là vấn đề nội trị. Tính khí bất thường của Tông thống Trump làm cho Trung Quốc càng khó lường đoán tình hình hơn. Nhưng trong mọi trường hợp, uy tín quốc tế của Trung Quốc đang xuống thấp. 

***

Việc thông qua luật dẫn độ gây tranh cãi của Hồng Kông sẽ làm tổn hại khó hàn gắn về tinh thần trọng pháp của thành phố và sức hấp dẫn của nó như một trung tâm thương mại quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên thu hồi dự luật trước khi quá muộn, trừ khi họ sẵn sàng chấp nhận những hậu quả tai hại này.

Thế giới đã bị thu hút bởi các cuộc biểu tình đang hoành hành ở Hồng Kông chống dự luật của chính quyền thành phố, cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang lục địa Trung Quốc. Khoảng một triệu người – gần một phần bảy dân số trong thuộc địa cũ của Anh – đã xuống đường vào ngày 9 tháng 6 để tố cáo dự luật và một cuộc biểu tình lớn khác vào ngày 12 tháng 6, đã dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát.

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc biểu tình của đám đông quần chúng, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm theo con đường của mình. Thay vì rút lại dự luật, các nhà lãnh đạo Hồng Kông do Bắc Kinh điều khiển tiến hành nhanh chóng dự luật và dự định bỏ phiếu trong Hội đồng Lập pháp của thành phố vào cuối tháng này. Việc chuẩn nhận này sẽ là một tai họa không chỉ đối với Hồng Kông, mà cả Trung Quốc.

Luật dẫn độ được đề xuất sẽ vi phạm cam kết của Trung Quốc về việc tuân thủ mô hình “nhất quốc, lưỡng chế ở Hồng Kông. Và bằng cách trao cho chính quyền ở Bắc Kinh một công cụ pháp lý thuận tiện để bắt những cá nhân được coi là kẻ thù của nhà nước Trung Quốc, pháp chế sẽ làm mất tự do của công dân Hồng Kông – và của người nước ngoài cư trú ở đó.

Mặc dù dự thảo luật không chính thức áp dụng cho các vi phạm chính trị, nhưng luật này sẽ không bảo vệ trong thực tế. Theo hệ thống pháp luật Trung Quốc – được kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc – sự khác biệt giữa các vi phạm chính trị và các tội phạm thông thường là bị xóa nhòa trong vô vọng. Trên thực tế, nhà nước Trung Quốc do Đảng cai trị  đàn áp ngày càng nhiều các nhà hoạt động cho nhân quyền bằng cách buộc họ phạm tội hình sự, không phải là do chính trị. Các luận điểm cáo buộc quen thuộc bao gồm “việc điều hành một doanh nghiệp bất hợp pháp và gây các cuộc cãi vã rắc rối”.

Nếu dự luật được thông qua, chính quyền lục địa sẽ có thể bắt giữ bất cứ ai ở Hồng Kông một cách dễ dàng, với mục tiêu buộc tội họ có thể bị dẫn độ. Với mức độ chứng minh thấp – các công tố viên sẽ không cần phải cung cấp bằng chứng ngoài nguyên nhân có thể xảy ra – việc bảo vệ chống lại các yêu cầu dẫn độ có động cơ chính trị là rất mong manh.

Tuy nhiên, đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên ý thức rằng, thế giới bên ngoài đang theo dõi những diễn biến hiện tại với sự báo động lớn. Trừ khi chính phủ Trung Quốc lùi bước, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất có thể sẽ thực hiện các biện pháp để khiến họ phải trả giá đắt

Kể từ khi Hồng Kông trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997, các chính phủ phương Tây đã duy trì các đặc quyền kinh tế để giúp củng cố niềm tin cho thành phố. Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông, để tiếp tục coi thành phố là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục. Luật này dành các đặc quyền kinh tế và thương mại cho Hồng Kông, như tiếp tục thâm nhập các công nghệ nhạy cảm và trao đổi tự do đồng đô la Mỹ với đồng đô la Hồng Kông.

Nhưng những lợi ích như vậy phụ thuộc vào việc Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình theo Bảng Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông, trong đó đưa ra các điều khoản của bàn giao trong tương lai của thành phố. Trong số những thứ khác, Trung Quốc cam kết duy trì mức độ cao về tự chủ, tự do và pháp trị của Hồng Kông trong 50 năm.

Đạo luật về chính sách Mỹ-Hồng Kông có cách để ngăn chặn Trung Quốc vi phạm các cam kết của mình. Đặc biệt nhất là chính sách này quy định minh thị cho tổng thống Hoa Kỳ có quyền ban hành sắc lệnh hành pháp đình chỉ một số hoặc tất cả các đặc quyền của Hồng Kông nếu ông xác định rằng, “Hồng Kông không đủ tự chủ để biện minh cho việc đối xử theo một luật cụ thể của Hoa Kỳ”. Trong khi tạo ra quyết định như vậy, tổng thống nên cứu xét “các điều khoản, nghĩa vụ và kỳ vọng được thể hiện trong Bản Tuyên bố chung đối với Hồng Kông”.

Ngay cả khi đọc thoáng qua về Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cần phải nhận rõ rằng những hành động của họ trong những năm gần đây đã gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tình trạng thành phố như là một thực thể tự trị. Những hành động này bao gồm việc bắt cóc năm nhà xuất bản sách có trụ sở đặt tại Hồng Kông, qua các lý do đáng ngờ vực, phủ nhận tư cách của các nhà lập pháp thành phố mà họ được bầu cử theo thể thức dân chủ và tống giam các nhà hoạt động cho dân chủ. Đối với Hoa Kỳ, việc thông qua luật dẫn độ cũng có thể là biện pháp cuối cùng vì không còn chịu đựng nổi nữa.

Cuộc đối đầu đang diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các công dân Hồng Kông sẽ cung cấp đạn dược mới cho những người cứng rắn ở Hoa Kỳ, họ là những người đã ủng hộ lập trường quyết liệt chống chính phủ Trung Quốc. Thu hồi các đặc quyền của Hồng Kông sẽ thúc đẩy mục tiêu đó, bởi vì nó sẽ gây tổn hại nặng nề cho Trung Quốc.

Rốt cuộc, khi chiến tranh lạnh về mặt kinh tế Hoa-Mỹ leo thang, và những rào cản lập quy và lập pháp gia tăng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó tăng vốn ở Mỹ, Hồng Kông sẽ trở nên vô cùng quý giá đối với Trung Quốc như một trung tâm tài chính nước ngoài. Nhưng nếu Hoa Kỳ quyết định rút các đặc quyền của Hồng Kông với lý do các hành động của Trung Quốc không còn biện minh cho việc coi đó là một thực thể tự trị, thì giá trị thành phố là một trung tâm tài chính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nhiệp Trung Quốc sẽ có ít khả năng thâm nhập để tìm vốn hơn và định giá của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông sẽ giảm.

Ngay cả khi Mỹ không thực hiện biện pháp trừng phạt này, Trung Quốc sẽ gặt hái những gì họ đã gieo. Việc thông qua luật dẫn độ sẽ có khả năng tác hại tinh thần trọng pháp ở Hồng Kông và sức hấp dẫn của nó như là một trung tâm thương mại quốc tế. Trừ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sẵn sàng chấp nhận những hậu quả tai hại này, họ nên rút dự luật này trước khi quá muộn.

***

Tác giả: Bùi Mẫn Hân, Giáo sư môn Công quyền học tại Claremont McKenna College, tác giả của China’s Crony Capitalism và Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Mỹ-Hoa của Thư viện Quốc hội.

Bình Luận từ Facebook