17-6-2019
Tràn ngập trên mạng xã hội là hình ảnh của Hongkong. Hình ảnh của 2 triệu người dân xuống đường đòi bãi bỏ Dự luật Dẫn độ và đòi người đứng đầu nơi này phải từ chức.
Quan sát phản ứng của người Việt ở sự kiện này cũng thấy khác hẳn trước kia. Nếu vài năm trước những vấn đề gây bất lợi cho chính quyền Trung Cộng có thể làm nhiều người bày tỏ hả hê. Bây giờ sự thể hiện ấy đã khác. Hầu hết tôi đọc được sự thán phục tinh thần đấu tranh cho tự do của người Hongkong và cả yêu mến sự đấu tranh ấy. Điều ấy có làm cho ai đó phiền lòng không?
Hongkong, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan… đều là những mũi tên trên mình con hươu Trung Quốc. Nói như điển cố của nước này khi ví thiên hạ là con hươu, ai bắt được thì của người đó. Tuy tính chất phản kháng của mỗi vùng đất mỗi khác nhưng đều bị nhà cầm quyền Trung Cộng xem là nguy cơ cho sự tan rã “đế chế đỏ”.
Với Tây Tạng là vấn đề độc lập dân tộc – lãnh thổ, bảo tồn di sản văn hoá. Với Tân Cương là xung đột sắc tộc và văn hoá. Với Đài Loan là bảo vệ thành quả độc lập. Với Hongkong lại là vấn đề của tự do, của quyền làm người như họ đã và đang được hưởng sau 100 năm bị đế quốc Anh “đô hộ”.
Chưa thấy báo nào nhắc đến nhưng chắc chắn cuộc biểu tình ở Hongkong đang là niềm cảm hứng cho nhiều người ở Đại Lục. Nhất là khi ngày tưởng niệm Thiên An Môn chỉ mới qua 10 ngày.
Thủ lãnh Joshua Wong (Hoàng Chính Phong) đã ra tù trước thời hạn và tuyên bố tham gia xuống đường. Dù không có tuyên bố chính thức nhưng ai cũng hiểu đó là thành quả của cuộc biểu tình. Khi nhà cầm quyền chấp nhận phá bỏ bản án do mình tuyên lên người bất đồng thì cái ngày chính quyền ấy phải chấp nhận sự có mặt của những người bất đồng trong nghị viện cũng chẳng còn xa nữa.
Với một Hongkong có 2 triệu người đi biểu tình phản đối “mẫu quốc” thì hẳn nhà cầm quyền Trung Cộng không thể không lo lắng. Nếu ngày mai 5 triệu người xuống đường đòi được quay về với “ách đô hộ” của đế quốc thì đây là một nhát dao ngay hông Trung Cộng.
Điểm qua diễn biến một số tình hình Thế giới trên các bản tin gồm:
-Ngày 9/6/2019, tờ South China Morning Post dẫn lời những người tổ chức khẳng định, có hơn 1 triệu người xuống đường tham gia biểu tình trên khắp các tuyến đường chính ở Hồng Kông, nhằm kêu gọi chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ.
-Ngày 12/6/2019, người dân biểu tình đụng độ với cảnh sát, làm ít nhất 80 người bị thương, trong đó có 22 nhân viên công lực.
-Sáng 13/6/2019, hai tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản và Front Altair của Na Uy đã bị tấn công khi đang di chuyển trên Vịnh Oman, đoạn gần Eo biển Hormuz.
-Ngày 16/6/2019, tờ South China Morning Post dẫn nguồn một tổ chức dân sự tại Hồng Kông ước tính, gần 2 triệu người tiếp tục xuống đường tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, dù chính quyền đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thảo luận về dự luật.
-Ngày 18/6/2019, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga họp báo nói: “tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể nhân dân Hồng Kông” với mục đích xoa dịu sự phẫn nộ của dân Hồng Kông trước làn sóng biểu tình giận dữ phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
-Ngày 20/6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên trong hai ngày theo lời mời của lãnh đạo Kim Jong-un. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc tới thăm nước này trong hơn 10 năm qua. Chuyến đi của ông Tập diễn ra chỉ trước một tuần hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản Nhật Bản từ ngày 28 đến ngày 29/6/2019. Chủ tịch Trung Quốc dự kiến họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ không họp chính thức bên lề hội nghị G20, nhưng không loại trừ khả năng hai lãnh đạo Putin và Trump sẽ đối thoại riêng chớp nhoáng.
Nếu theo thuyết âm mưu, ta có thể suy nghĩ đến việc ông Tập ko để vấn đề Hồng Kông gây thêm áp lực cho cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Ông Tập sẽ tận dụng vấn đề Iran & Triều Tiên, tạo ra 02 mặt trận tăng áp lực lên Mỹ, hy vọng làm Mỹ sẽ giảm bớt áp lực trong cuộc chiến thương mại, do Mỹ còn phải lo đối phó thêm với Iran & Triều Tiên. TQ ko ngồi yên chịu trận đâu?