Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Mỹ và thông điệp thúc đẩy cam kết từ đồng minh. Bài viết bàn về sự kiện Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson kêu gọi hải quân Úc và Indonesia hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông, dựa theo luật pháp quốc tế. Úc và Indonesia đều chưa tham gia các chiến dịch thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi Pháp và một số nước đồng minh của Mỹ ngoài khu vực đã tham gia thực thi tự do hàng hải ở vùng biển này.
Trang Thế Giới và Việt Nam đưa tin: ASEAN-Trung Quốc họp thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Theo đó, nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc thực hiện DOC đã họp từ ngày 16 đến 17/5/2019. Tại các cuộc họp này, các bên trao đổi về tình hình Biển Đông, kiểm điểm thực hiện DOC và tiếp tục đàm phán về COC, tức Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trung Quốc mời đàm phán Biển Đông song phương, Malaysia nói không, Zing dẫn nguồn từ South China Morning Post, cho biết. Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị” bằng cách đàm phán song phương với từng nước, như họ đã từng làm với Philippines, nhưng lần này họ đã bị Malaysia từ chối. Ngoại trưởng Malaysia, ông Saifuddin cho biết, nước này chỉ thảo luận về Biển Đông theo nhóm, không xé lẻ bằng cách đàm phán song phương.
Mời đọc thêm: Biển Đông: Malaysia chống chiến thuật “chia rẽ Đông Nam Á” của Bắc Kinh (RFI). – Nỗ lực đàm phán để đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (TN). – Việt Nam sẽ đăng cai hội nghị ASEAN – Trung Quốc về Biển Đông vào cuối năm (VNE). – Việt Nam chia sẻ quan ngại về những phức tạp ở Biển Đông tại Trung Quốc (LĐ). – Bình Định: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa (BP).
Lãnh đạo thành Hồ và Bộ NN&PTNT diễn trò
Khi Formosa xả thải, gây nhiễm độc vùng biển ở bốn tỉnh miền Trung, làm cá chết hàng loạt, người dân lo sợ, không dám ăn cá, thì lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế diễn màn ăn cá, tắm biển. Vụ này đã bị người dân phê phán rất mạnh mẽ, nhưng lãnh đạo thành Hồ và Bộ NN&PTNT vẫn không học được bài học, lặp lại sai lầm của hai Bộ kia.
Trong lúc người dân hoang mang, lo sợ, đối phó với dịch tả heo châu Phi, thì lãnh đạo Bộ NN&PTNT và thành Hồ tiếp tục bắt chước Bộ TNMT và Bộ Y tế, diễn trò ăn thịt heo quay: Lãnh đạo TP HCM thoải mái ăn heo quay giữa mùa tả heo châu Phi, theo báo Người Lao Động.
Tuy nhiên, ngay trong bài viết cũng có không ít bình luận phản đối trò diễn này. Có người lập luận, các sếp lãnh đạo chỉ ăn thịt heo đã nấu chín thì không lo, rủi ro là ở những người đã phải chế biến số thịt heo này để lãnh đạo có cái mà diễn. Trò diễn này thậm chí có thể phản tác dụng, vì nếu người dân và người chăn nuôi lơ là cảnh giác thì dịch tả heo châu Phi còn có thể lây lan nhanh hơn, sau khi đã lan đến thủ phủ chăn nuôi heo ở miền Nam.
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc bình luận: “Dẹp mẹ cái trò khỉ đi mấy cha ơi, chỉ là trò hề. Công việc chính của mấy cha bây giờ là tìm cách ngăn chận dịch không cho lan tỏa diện rộng, là giúp cho các nhà chăn nuôi có lối thoát trước những thiệt hại, hỗ trợ họ tái sản xuất để bảo đảm đời sống, là ngăn chận thịt bị nhiễm độc đi vào cộng đồng, nhất là các nhà máy, trường học, những ngôi chợ công nhân, vùng sâu vùng xa. Chuyện cần làm không làm, ngồi làm chuyện ruồi bu c*c ngựa“.
Mời đọc thêm: Hơn 4 tấn thịt nhiễm dịch tả heo châu Phi nằm trong kho lạnh (VOV). – Đồng Nai: Phát hiện hơn 4 tấn thịt nhiễm dịch tả heo châu Phi ở công ty thực phẩm (Tiêu Dùng). – Vụ cấp đông hơn 4 tấn thịt bị dịch tả lợn Châu Phi sẽ bị xử lý nghiêm (NNVN). – Tham nhũng, an toàn thực phẩm, ô nhiễm: Quan ngại hàng đầu của người Việt (VOA).
– Dịch tả lợn Châu Phi: Quảng Nam ngăn chặn lây lan, Đà Nẵng khẩn trương phòng chống (LĐ). – Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Lào Cai (TN). – Ngành chăn nuôi bị nước ngoài “nuốt chửng”? (NLĐ). – Việt Nam đã tiêu huỷ 1,5 triệu con lợn mắc dịch tả châu Phi (VNE).
Sai phạm đất đai
Chuyện ở TP HCM: Kỷ luật Phó Chánh văn phòng Quận 9 vì để vợ vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, theo trang Nhà Báo và Công Luận. UBND quận 9 vừa có báo cáo gửi UBND và UBKT Thành ủy thành Hồ về tiến độ và kết quả xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại khu đất tiếp giáp đường 6, phường Long Bình, Quận 9.
Theo đó, khu đất trên do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Bà Nga là vợ của ông Nguyễn Công Dẫn, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND Quận 9. Người dân khu vực phản ánh, bà Nga xây dựng nhà xưởng trái phép; san lấp lấn sông – rạch để làm bến thủy nội địa; kinh doanh nhà xưởng nhưng không nộp thuế.
Chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn được cấp đất ‘vàng’, theo VTC. Đó là vụ UBND TP Tam Kỳ tự ý giao thửa đất hơn 1.200m2 cho Công ty Kỳ Hà – Chu Lai Quảng Nam không qua đấu giá, thửa đất “vàng” trên còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Ánh, vợ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng.
Sai phạm ở Quảng Nam: “Đại gia” Tiên Phước cũng được thuê đất vàng trái quy định, báo Dân Việt đưa tin. Bên cạnh hai lô “đất vàng” A51 và A52 được giao trái phép cho bà Nguyễn Thị Ánh, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra sai phạm đối với UBND tỉnh Quảng Nam về việc thu hồi lô đất 1.778m2 của Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam, chuyển giao không đúng quy định cho Công ty Kim Thiên Phú, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, do “đại gia” Trịnh Kim Thiên làm Giám đốc.
Báo Lao Động đặt câu hỏi về dự án ngàn tỉ bị đắp chiếu: Bộ Kế hoạch – Đầu tư nói gì? Đó là dự án khu dân cư Hồng Phát, quy mô gần 500 ha ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, đang vướng tranh chấp pháp lý. Dự án khởi sự vào năm 2003, Công ty Hồng Phát được tỉnh Long An cấp phép đầu tư dự án này, đến tháng 6/2007, Hồng Phát ký thỏa thuận khung với CPL cùng hợp tác đầu tư.
CPL đã ứng 15,6 triệu Mỹ kim cho Hồng Phát làm các thủ tục đất đai. Năm 2008, Hồng Phát yêu cầu CPL chi thêm 20 triệu Mỹ Kim tiền phát sinh bồi thường. Tuy nhiên, CPL từ chối bổ sung vốn, rồi gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu ngăn chặn Hồng Phát giao dịch 13 Giấy chứng nhận QSDĐ do tỉnh Long An cấp cho Hồng Phát đứng tên, khiến toàn bộ dự án trị giá ngàn tỉ đồng này trì trệ suốt 10 năm qua.
Mời đọc thêm: UBND Q.9 xử lý hàng loạt công trình vi phạm xây dựng (TN). – Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai tại Quảng Nam (TN). – Gia đình cựu Bí thư Quảng Nam nói gì về việc mua lô đất vàng? (PLTP). – Lộ diện đường đi hai lô “đất vàng” vào tay vợ nguyên Bí thư Quảng Nam — Chủ tịch Quảng Nam nói gì về việc “Ai bán đất trái quy định cho vợ nguyên Bí thư”? (DV).
– Tiếp vụ mua nhà gần 10 năm chưa được ở: “Lời hứa hão” của cơ quan thi hành án (NĐT). – Chính quyền giằng co với doanh nghiệp, đất vàng ở đảo du lịch bị bỏ hoang (DV). – Sử dụng đất đai của một loạt DNNN ở Đà Nẵng: Nhiều sai phạm, thất thoát (PT). – Thu hồi sổ đỏ cấp đất công vị trí ‘vàng’ nhầm đối tượng (TP).
Cán bộ dùng bằng giả
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Một trưởng phòng giáo dục Cà Mau tự bạch về việc xài bằng giả. Sáng 19/5, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết, vẫn chưa có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Phú về việc xài bằng giả: “Chúng tôi đang trong quá trình làm việc, chưa có kết quả”.
Ông Dũng thừa nhận bằng cấp 3 giả, đến nay ông vẫn chưa có bằng cấp 3 thật: “Ông đã thừa nhận toàn bộ quá trình có bằng giả từ đâu và đã tự kiểm điểm nhận hình thức kỷ luật khiển trách”, nhưng chống chế: “Bằng cấp 3 giả không phục vụ cho bất kỳ văn bằng chứng chỉ nào của tôi hiện nay”.
Báo Giáo Dục VN viết: Chưa tốt nghiệp phổ thông mà làm Trưởng phòng thì ai cũng lãnh đạo giáo dục được. Bài viết phân tích, theo quy hoạch và bổ nhiệm hiện nay, nếu một giáo viên không có “gốc gác” gì mà lên đến chức Trưởng Phòng GD&ĐT một huyện “là một quãng đường trần ai và mất rất nhiều thời gian”.
Tuy nhiên, ông Dũng là người vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nhưng lại có bằng cao cấp chính trị và hiện là Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tân Phú, tỉnh Cà Mau, “thì phải nói rằng đó là một kỳ tích”. Có lẽ “kỳ tích” không ở đâu xa, mà có thể nằm ngay trong chữ “chạy”. Không rõ ông Dũng chạy bao nhiêu tiền để leo lên cái ghế trưởng phòng này?
Mời đọc thêm: Cà Mau: Trưởng phòng Giáo dục chưa… tốt nghiệp THPT (DNVN). – Khiển trách về Đảng với Trưởng phòng Giáo dục chưa tốt nghiệp phổ thông (GDVN). – Sử dụng bằng cấp “dỏm”, trưởng phòng giáo dục huyện bị khiển trách (DV).
Nắng nóng, cúp nước, môi trường ô nhiễm
Bức ảnh gây tranh cãi lan truyền trên mạng: Người dân Hà Nội tránh cái nóng 40 độ, vào Trung tâm Thương mại Aeon Mall, ở Long Biên, Hà Nội, ngồi, nằm la liệt. Ảnh chụp trưa 19/5. Nguồn: Hiếu Lê/ Soha
Chuyện ở KĐT Ngoại giao đoàn: Nắng nóng đỉnh điểm, dân “khóc ròng” vì thiếu nước, theo báo Người Lao Động. Nhiều ngày qua, cư dân tại tòa chung cư N03T8, thuộc khu đô thị Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Một người dân cho biết: “Tình trạng mất nước của tòa nhà này bắt đầu từ ngày 14.5. Ngày đầu tiên trong bể còn nước thì còn bơm lên để sử dụng được; đến ngày hôm sau mất hẳn, chúng tôi phải mua những xe nước sạch để có nước dùng”. Vì quá tốn kém, người dân phải nhờ đến máy bơm từ bên ngoài trong các ngày sau đó, thậm chí tận dụng cả hệ thống vòi cứu hỏa.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhiều người khổ sở sau khi bị cúp nước để nâng cấp đường ống. Theo lịch thông báo, từ 13 – 17 giờ ngày 18/5, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cúp nước toàn TP, với lý do thực hiện đấu nối hệ thống điện và mạng lưới đường ống cho dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ.
Tuy nhiên, người dân quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, phản ánh, đến trưa ngày 19/5 họ vẫn chưa có nước sạch, hoặc nước chảy nhỏ giọt. Còn ở khu vực quận Thanh Khê, Hải Châu tuy có nước nhưng nước có màu vàng đục kèm theo cặn. Một người dân sống ở chung cư An Cư 1 chia sẻ: “Gia đình tôi không biết làm sao để có nước xài vì xung quanh mọi người cũng không có nước. Các chung cư khác cũng không có nước để qua xin”.
VTV có clip: Hòa Bình: Lại nguy cơ thiếu nước mùa khô hạn.
Mời đọc thêm: Nắng nóng kỷ lục, người dân chung cư khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội) khốn đốn vì thiếu nước sạch (Tin Tức). – Đà Nẵng: Người dân một số khu vực khốn đốn vì nước sạch không có một giọt (NLĐ). – Đà Nẵng: Người dân lao đao vì thiếu nước sạch giữa nắng nóng (TN&MT). – Cận cảnh ‘dòng kênh chết’ những ngày nắng nóng cực độ ở Đà Nẵng (VTC). – Nắng nóng làm ảnh hưởng đến việc khuếch tán các chất gây ô nhiễm không khí (LĐTĐ). – Ô nhiễm nghiêm trọng tại chùa Cầu, Hội An (VOV). – Hệ quả khôn lường nạn ô nhiễm không khí (PL Plus).
Tin giáo dục
VTC dẫn lời học sinh lớp nam sinh bị phạt quỳ: ‘Có hôm cô bắt 3-4 bạn quỳ trước bục giảng’. Các học sinh lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, cô giáo Quy dùng hình thức phạt quỳ với rất nhiều học sinh.
Một học sinh nói: “Em thấy việc nói chuyện trong giờ học là sai vì gây ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác, nhưng hình phạt của cô đối với chúng em như thế là không đúng. Nếu học sinh sai cô có thể dùng hình phạt đứng cuối lớp hoặc thông báo cho phụ huynh biết”.
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với trẻ đằng sau cánh cửa lớp học, trường học? Vụ cô Thu Trang ở Hải Phòng hành hung nhiều học sinh trong giờ kiểm tra rồi nói: “Khóc à, lớp tôi mà khóc là tôi đóng cửa, tôi tẩn cho”. Bài viết cho biết, các “cô giáo” Trang và Vân “đánh xối xả như một thói quen, quen tay đến nỗi xem đó là điều bình thường, các cháu cũng nín nhịn như một thói quen. Hàng chục đứa trẻ không ai dám lên tiếng”.
Hiện tượng giáo viên hành hung học sinh đang tạo ra một vòng lẩn quẩn, để lại hậu quả cho cả xã hội VN: “Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà bạo hành thể xác và lời nói diễn ra mỗi ngày như không khí chúng đang thở như vậy sẽ trở thành những công dân như thế nào trong năm, mười năm nữa?”
Mời đọc thêm: Làm gì để chấm dứt tình trạng bạo lực thân thể trẻ em trong nhà trường? — GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đòn roi thầy phạt mà nên người là một sự ngộ nhận” (GĐ&XH). – Học sinh nói về hình thức phạt quỳ của cô giáo (Zing). – Cô giáo phạt học sinh kiểu “hạ nhục”: Muốn phạt đúng, cũng cần phải nghĩ! — Nhìn lại những hình phạt học trò khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ (ANTĐ). – Bắt uống nước giặt rẻ [giẻ] lau, bắt quỳ: Dấu ấn để mầm ác mọc… (VOV).
***
Thêm một số tin: Hồ Chí Minh với các bút danh Paul Thành, Hồ Quang và Trần Dân Tiên — Ba câu hỏi, nhiều thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng (BBC). – Canada nói gì về tin ông Võ Kim Cự tới ‘định cư’? (VOA). – 4 người dân bị xử phạt vì “xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước” trên Facebook (RFA). – Bộ Lao động lo ‘gây sốc’ thị trường khi nâng nhanh tuổi nghỉ hưu (Zing). – Hàng chục doanh nghiệp nợ đọng BHXH hàng chục tỉ đồng (ANTĐ).