Trump và Kim muốn gì ở thượng đỉnh tại Hà Nội?

Vũ Ngọc Yên

23-2-2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào ngày 27 và 28.02 tại Hà Nội. Đây là hội nghị thượng đỉnh nối tiếp hội nghị đầu tiên diễn ra vào tháng 6.2018 tại Singapore.

Theo chương trình, hai bên sẽ thương thảo về các biện pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Bắc Hàn. Dựa vào những tuyên bố tích cực của chính quyền hai nước trước ngày tổ chức, một số nhà phân tích đã suy đoán rằng hội nghị song phương lần này có thể sẽ đạt được kết quả thực chất, tái lập hoà bỉnh cho bán đảo Triều Tiên và Á châu.

Trump chờ đợi gì ở Kim?

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện. Trump đòi hỏi Bắc Hàn từ bỏ vũ khí nguyên tử và các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục điạ ICBM có khả năng bắn tới Mỹ.

Trump muốn Bình Nhưỡng đưa ra một thời biểu phi hạt nhân hóa rõ ràng, cũng như có những biện pháp cụ thể cho hướng này, chẳng hạn Bắc Hàn trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và chấp nhận kiểm tra quốc tế. Về phía Mỹ, Trump khẳng định sẽ không xâm chiếm, lật đổ chế độ cộng sản Triều Tiên, cũng như dỡ bỏ một phần cấm vận và hỗ trợ các cải cách kinh tế cho Triều Tiên.

Dư luận cho rằng Tổng thống Trump dường như đang khao khát tìm một chiến thắng cho chính sách đối ngoại giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước, thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới, nên ông sẵn sàng nhượng bộ, đáp ứng những nguyện vọng của Kim một khi Bắc Hàn cam kết huỷ bỏ một số cơ sở hạt nhân và tên lửa. Nhưng phát triển vũ khí hạt nhân là công cụ bảo tồn chế độ cộng sản độc tài nên Kim sẽ không dễ dàng thỏa mãn ước vọng của Trump.

Kim mong ước gì ở Trump?

Kim đòi hỏi Mỹ phải chứng thực lời nói bằng những hành động cụ thể, thay vì đưa ra những yêu cầu đơn phương, đi ngược lại thoả thuận đạt được trong hội nghị đầu tiên tại Singapore vào tháng 6.2018.

Kim muốn Mỹ phải bỏ toàn bộ cấm vận, ký kết hoà bình, chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953 trên bán đảo Triêu Tiên, rút quân khỏi Nam Hàn, nhìn nhận bang giao và viện trợ kinh tế…

Bỏ cấm vận và trợ giúp kinh tế rất quan trọng đối với Bắc Hàn. Chế độ đã chuyển hướng cải cách kinh tế sau vụ thử nghiệm hỏa tiễn đạn dạo xuyên lục địa vào tháng 11.2017. Kim cho rằng Bắc Hàn đã tuân thủ cam kết sau khi dẹp các khu thử nguyên tử và ngưng phóng hoả tiễn.

Bình Nhưỡng sẽ không bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa chừng nào Mỹ chưa đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Có Trung Cộng chống lưng và sở hữu nguyên tử Bắc Hàn không quá sợ trước những đe doạ của Mỹ.

Hôị nghị s đạt kết quả thực chất?

Vì phát triển vũ khí hạt nhân là công cụ bảo tồn chế độ cộng sản độc tài, nên không mấy ai tin Bắc Hàn sẽ từ bỏ kho vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên Bắc Hàn sẽ nhượng bộ phần nào những đòi hỏi của Mỹ để làm Trump hài lòng, như cho phép giám sát viên của Cơ quan nguyên tử năng quốc tế đến Yongbyon, nhưng Triều Tiên sẽ không trở laị Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Nguyên Tử mà nước này đã rút khỏi vào tháng 1.2003.

Tổng thống Trump dường như đang khao khát tìm một chiến thắng cho chính sách đối ngoại, giúp ông tăng uy tín với cử tri trong nước, thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới nên ông sẵn sàng đáp ứng những nguyện vọng của Kim để Hội nghị thành công. Mỹ có thể nhượng bộ, dỡ bỏ một phần cấm vận song song với việc phi hạt nhân hóa và thay thế lệnh ngừng bắn năm 1953 tại Triều Tiên bằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Đây là tuyên bố biểu hiện thiện ý chí chính trị. Một Hiệp định hoà bình còn cần thởi gian thương thảo với nhiều tác nhân trong khu vực như Trung Cộng, Nhật Bản, Nam Hàn. Mỹ hỗ trợ các dự án kinh tế liên Hàn ở đặc khu kỹ nghệ Kaesong hoặc thúc đẩy chương trình du lịch vùng núi Kumgang ở Bắc Hàn. Mỹ đồng ý khởi đầu bình thường hóa ngoại giao qua việc hai bên sẽ thiết lập cơ quan đại diện liên lạc.

Tại sao họp ở Việt Nam?

Giới truyền thông cho rằng Trump và Kim đồng ý để Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị vì các lý do: Hà nội cách Bình nhưỡng 2.700km, Kim dễ dàng di chuyển đến Việt Nam. Việt Nam là nước cùng theo đuổi ý hệ cộng sản như Bắc Hàn, bảo đảm an ninh cho Kim, Việt Nam đã bình thường hóa bang giao với Mỹ và Trump đã đến Việt Nam.

Hơn nữa Trump muốn gửi tín hiệu tới Hàn Cộng qua cuộc gặp song phương tại Hà Nội là các quốc gia từng giao chiến có thể thiết lập bang giao với nhau, vẫn có thể duy trì chế độ độc tài cộng sản của mình mà không phải sợ Mỹ ép chuyển hóa qua dân chủ như trường hợp Cộng sản Việt Nam.

Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội khai thác, thổi phồng lý do Kim sẽ chính thức thăm Việt Nam trước ngày tổ chức Hội nghị là muốn tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của Cộng sản Việt Nam, từ một nước theo nền kinh tế tập trung, đã chuyển đổi sang một nền kinh tế theo hướng thị trường, mà vẫn duy trì được chế độ độc đảng. Kim Jong-un sẽ là lãnh tụ đầu tiên đi thăm Việt Nam thống nhất kể từ chuyến đi năm 1964 (chuyến thứ hai) của ông Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong-un).

Thái độ Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn đối với hội nghị

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ chế độ Triều Tiên chống Mỹ và Nam Hàn, Trung Cộng đã tổn thất cao với hơn 400.000 người bị thương vong. Trung Cộng và Hàn cộng từng có mối bang giao mật thiết. Mao Trạch Đông đả từng ví von tình hữu nghị giữa hai nước như “môi và răng”. Môi hở răng sẽ lạnh.

Từ năm 1961 hai nước ký Hiệp định hữu nghị và hỗ tương. Bắc Kinh cam kết sẽ đoàn kết chiến đấu một khi Bắc Hàn bị tấn công. Nhưng từ khi Trung Cộng mở cửa cải cách kinh tế và hợp tác thương mại với Nam Hàn, Bắc Hàn chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Kinh là thành phần “xét lại”. Mối quan hệ hai nước ngày càng phức tạp. Đối với Trung Cộng, Triều Tiên chỉ gây rắc rối và Trung Cộng không được lợi gì từ việc có một nước láng giềng hung hăng, được vũ trang hạt nhân và cực kỳ khó dự đoán.

Bắc Kinh biết Trump lợi dụng khủng hoảng Triều Tiên làm đòn bẫy trong cuộc tranh chấp điạ chính trị với Trung Cộng. Trump chống Kim không phải Bắc Hàn có khả năng đe dọa an ninh Mỹ mà Kim thích hợp là con bài gây sức ép chống Bắc Kinh. Hiện tại Mỹ có khoảng 200.000 quân trú đóng ở hàng trăm căn cứ quân sự trên thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, Mỹ bố trí 40.000 quân, đặt tổng hành dinh của Hạm đội Bảy và nhiểu chiến đấu cơ chỉ trong vài phút có thể bay tới Trung Cộng.

Tại Nam Hàn, Mỹ có 30.000 quân, thiết lập hai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối “THAAD”, mà Mỹ lấy cớ bảo vệ Nam Hàn, nhưng thực ra là nhằm vào các tên lửa của Trung Cộng.

Trung Cộng muốn bán đảo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng không muốn chế độ của gia tộc KimBắc Hàn sụp đổ, gây ra những thảm cảnh hàng triệu người Triều Tiên chạy nạn vào Trung Cộng, cũng như không muốn thấy sự thống nhất bán đảo Triều Tiên tạo ra một nước Đại Hàn, đồng minh của Mỹ sát biên giới của mình. Vì vậy Trung Cộng một mặt muốn Mỹ – Bắc Hàn sớm đi tới thoả thuận phi hạt nhân hóa từng bước để kiềm chế tính hung hăng không kiểm soát của Bắc Hàn và mặt khác khuyến cáo Bắc Hàn không nên vội hữu hảo với Mỹ.

Nhật bản và Nam Hàn, hai nước đồng minh của Mỹ đều hỗ trợ những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên toàn bán đảo Triều Tiên. Đối với Nhật, vấn đề Triều Tiên liên hệ mật thiết đến sự ổn định chính trị và kinh tế. Nhật rất mong Mỹ và Bắc Hàn đạt nhiều tiến triển trong Hội nghị thượng đỉnh lần hai này tại Việt Nam.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đặt hy vọng vào giải pháp ôn hoà cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Nam Hàn không muốn căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Cộng. Chính quyền Nam Hàn nhiều lần khẳng định Nam Hàn không cho phép Mỹ lạm dụng các hệ thống THAAD chống Trung Cộng và Nam Hàn sẽ không tham dự một liên minh quân sự Mỹ – Nhật kiềm chế Trung Cộng.

Tổng thống Moon hứa, sẽ bằng mọi cách ngăn cản chiến tranh chống Bắc Hàn. Kim ngạch thương mại của Nam Hàn và Trung Cộng lớn hơn tổng số kim ngạch của Nam Hàn với hai nước Nhật – Mỹ. Tổng thống Nam Hàn theo đuổi một chính sách chuyển hóa qua tiếp cận với hy vọng Triều Tiên sớm cải cách chính trị và kinh tế, nhờ đó hai miền càng gắn bó hơn qua các mối liên kết giao thông và đầu tư.

Tổng thống Moon Jae-in đã gắn liền số phận chính trí của ông vào kế hoạch hoà bình và thống nhất đất nước từng bước không bạo lực. Hy vọng ông sẽ nhận được tín nhiệm của nhân dân trong cuộc bầu cử Tổng thống 2022 tại Nam Hàn.

Bình Luận từ Facebook