Bàn về vài quan điểm của Nguyễn Trần Bạt (Phần 1)

Nguyễn Đình Cống

3-7-2018

1- Giới thiệu

Trong vài chục năm trở lại đây Nguyễn Trần Bạt nổi lên như một trí thức làm kinh doanh rất thành đạt. Ông sinh năm 1946 tại Nghệ An, năm 1963 vào quân đội, năm 1973 tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Năm 1984 thôi việc nhà nước, năm 1989 thành lập Công ty tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ – InvestConsult Group. Hiện nay Công ty hoạt động trên nhiều nước, có doanh thu nhiều triệu đô la mỗi năm.

Ông Bạt là người nổi tiếng trong các lĩnh vực: doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả. Ngoài thành tích về kinh tế, ông được giới trẻ rất hâm mộ vì những buổi nói chuyện hấp dẫn, những cuộc trả lời phỏng vấn thông minh, và in hơn chục quyển sách về rất nhiều vấn đề nhằm hướng dẫn, động viên thanh niên trên con đường lập nghiệp.

Tôi kính phục kiến thức, ý chí, quan hệ và sự đóng góp của ông Bạt. Tôi đã từng say sưa đọc các sách của ông bàn về văn hóa, con người, tri thức, kinh tế, đạo đức, tự do, dân chủ, khoa học, giáo dục, cải cách v.v… và công nhận rằng sách của ông đã giúp tôi hệ thống hóa một số suy nghĩ còn rời rạc, giúp phát hiện một vài nhận thức mới. Thế nhưng gần đây đọc sách “SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐÚNG”, NXB Hội nhà văn – 2018, tôi gặp một vài quan điểm khó chấp nhận, liên quan đến chính trị, thời cuộc. Những vấn đề này không mới, chắc rằng có xuất hiện trong những sách tôi đã đọc, nhưng trước đây tôi không để ý tới.

Ông Bạt luôn nhận mình “không phải là người đối lập”. Khi viết sách ông chủ trương “vì sự tiến bộ, vì trăn trở với tương lai đất nước, làm hết mình để giải độc cho thế hệ trẻ v.v”… Nhưng tôi nhận thấy trong sách ông có vài điểm bất đồng, đó là nhận thức về Mác, về cách mạng, về sự lãnh đạo của ĐCS VN, về vai trò của trí thức và vài điều lẻ tẻ. Tôi xin nêu ra một cách vắn tắt để những ai quan tâm có thể tham khảo và thảo luận. Riêng với ông Bạt, nếu ông vui lòng chấp nhận trao đổi kỹ hơn, tôi xin sẵn sàng gặp trực tiếp để nói chuyện như giữa những người bạn.

Trong các phản biện dưới đây tôi có trích vài câu trong sách “Sức mạnh của cái đúng”, con số đặt trong ngoặc (…) ghi số trang có câu được trích.

2- Về Mác và chủ nghĩa Mác – Lê

Ông Bạt tỏ ra vẫn một lòng tin vào Mác và Chủ nghĩa Mác Lê (CNML). Ông nhận xét “Chủ nghĩa Mác hấp dẫn ở phương pháp luận của nhận thức (386)”. Về vấn đề này ông còn viết: “Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là luận lý…(187)”.

Rất nhiều người cũng một thời bị hấp dẫn bởi những lập luận rất hay, rất chặt chẽ của Mác, nhưng rồi đã phát hiện ra sự ngụy biện trong đó. Luận lý ông Bạt nói đến, theo cách hiểu thông thường gồm Luận cứ, Luận chứng và Luận đề. Dựa vào luận cứ, dùng luận chứng để chứng minh nhằm rút ra kết luận, là luận đề. Lập luận rất hay, rất chặt chẽ, rất hấp dẫn của Mác nằm ở phần luận chứng. Đó là phần được nhiều người quan tâm và Mác, bằng phép biện chứng đã mê hoặc được nhiều người. Ít người để ý phân tích luận cứ. Có phân tích sâu vào luận cứ mới tìm ra sai lầm và ngụy biện của Mác, từ đó dẫn tới sai cơ bản về luận đề (Tôi đã trình bày trong loạt bài: Một số nhầm lẫn của Mác; Ngụy biện của CNML; Chất đất sét trong các hòn đá tảng của Mác).

Ông Bạt viết: “Mác là nhà triết học xây dựng được hệ thống tư tưởng toàn diện và chắc chắn đến mức những ai trở thành đệ tử của nó đều không ra khỏi nó được (362). Và: “Trần Đức Thảo là người rất mê Marxist… (386)”. Viết như thế phải chăng là chủ quan vì có thể dẫn ra nhiều người nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã từng là đệ tử của CN Mác, nhưng rồi đã phản tỉnh khi nhận ra những sai lầm cơ bản của nó. Riêng Trần Đức Thảo, vào cuối đời, ông Thảo đã phản tỉnh và cho rằng Mác là thủ phạm chính của mọi tai họa cho nhân loại do cách mạng vô sản gây nên. (Theo “Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối”, chương 14 – Nêu đích danh thủ phạm – Sách của Phan Ngọc Khuê).

Ông Bạt cho rằng ông đã thành công lớn trong việc giải thích Mác khi viết: “Nhiều anh em nói với tôi rằng họ đọc nhiều về Mác, nhưng cũng không hiểu lắm, đến khi họ đọc những phân tích của tôi về Mác là họ hiểu ra ngay.” Ông còn viết: “Chúng ta còn cái vướng là chưa Việt hóa được cả các nguyên lý của CNML…(25)”.

Sau khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, sau khi Quốc hội Châu Âu kết tội phong trào cộng sản và quan trọng nhất là thực tế nhem nhuốc của xã hội Việt Nam do ĐCS gây ra mà ông Bạt, một trí thức có hiểu biết rất rộng vẫn ca ngợi hết lời CN Mác làm tôi khó hiểu. Tôi đề ra 2 giả thuyết sau

1- Ông Bạt hiểu CN Mác rất kỹ, ông nguyện bảo vệ và phát triển nó. Như vậy thì đáng khâm phục, đáng tôn trọng. Tôi cũng nghiên cứu CN Mác và cho rằng nó phạm sai lầm ngay từ gốc. Tôi ao ước có được dịp trao đổi với một người nào rất giỏi về CN Mác để tham khảo ý kiến của họ, đặng tìm ra chỗ sai của mình. Tôi đã vài lần đề nghị được đối thoại với Hội đồng Lý luận Trung ương, nhưng không được chấp nhận. Nếu ông Bạt vui lòng đối thoại với tôi thì tôi vô cùng biết ơn.

2- Ông Bạt đã phần nào biết được những thiếu sót, sai lầm của CN Mác, nhưng vì một lý do nào đó mà chưa tiện nói ra. Hoặc giả ông cho rằng: “Trong mọi xã hội đều tồn tại tầng lớp dưới thấp kém, nghèo đói, luôn có nguy cơ trở thành giai cấp vô sản, cho nên CN Mác vẫn có giá trị, nó chính là công cụ triết học của tầng lớp dưới (363)”.

Ông Bạt chủ trương viết sách vì sự tiến bộ và giải độc cho thế hệ trẻ. Không rõ ông quan niệm thế hệ trẻ đang bị đầu độc như thế nào. Tôi nghĩ rằng họ đang bị đầu độc nhiều thứ mà nguy hiểm nhất là về chính trị.Trong trường học và sinh hoạt đoàn thể, họ bị tẩy não, bị nhồi sọ, bị đầu độc bằng CNML đã tỏ ra có nhiều sai lầm, có nhiều độc hại. Thế thì việc ca ngợi CNML tiến bộ ở đâu, giải độc ở đâu hay là phản lại những ý tưởng tốt đẹp do ông đề ra.

3- Về thể chế chính trị, sự lãnh đạo của ĐCS

Nhiều nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước cho rằng ở VN hiện nay đang tồn tại thể chế độc tài toàn trị của ĐCS. Thể chế này làm phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng, mua quan bán tước, từ đó lại sinh ra rất nhiều tệ nạn nguy hiểm khác. Vì vậy muốn cho xã hội phát triển thì việc cần thiết đầu tiên là cải cách (hoặc đổi mới) thể chế, xây dựng nền dân chủ với tam quyền phân lập. Ông Bạt hình như cũng nhận thấy điều này và thỉnh thoảng có nhắc đến. Ông viết: “Đầu tiên là cải cách kinh tế…, sau đó đến cải cách chính trị (20)”. Ông còn dẫn lời của TBT: “đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế (32)”.

Tuy vậy trong nhiều chỗ ông Bạt tỏ ra bảo vệ thể chế, bảo vệ và ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng. Xin đọc những câu sau: “Không có sự thay đổi thể chế mà chỉ có sự cải cách để thay đổi dần dần các mặt tiêu cực của thể chế mà thôi (23)….Dù chúng ta có một xã hội chưa trong sạch lắm, nhưng rõ ràng Đảng ta có một ý chí trong sạch (30)…Ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước thống nhất với ý chí chính trị của xã hội, đó là điều quan trọng nhất (31)” … Đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi mọi tầng lớp xã hội đoàn kết xung quanh Đảng và coi đó là tiền đề của mọi thành công trong bối cảnh đất nước hiện nay (8) … Nếu quần chúng không còn gắn bó với Đảng thì họ trở thành những người dân không đáng yêu, tức là một xã hội không đáng yêu (240)…Việc TBT Nguyễn Phú Trọng tự tin nói về nhân quyền trên đất nước Mỹ làm người dân VN vô cùng tự hào (30)… (Tổng thống Phi lip pin) Duterte làm sao ứng xử giỏi bằng các nhà lãnh đạo VN… làm sao so được với các nhà chính trị buộc phải xử lý vấn đề Trung quốc cho hàng nghìn năm sau (268)Quyết đoán về lý luận thì chúng ta đã có những nhà chính trị quyết đoán, kiên nhẫn (384).

Nguyễn Trần Bạt chắc có nhận thấy sự mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ của đa số người dân nên tỏ ra lo ngại. Ông viết: “Thách thức lớn nhất là sự mất mát ý chí chính trị, và cần phải lấy lại ngay (31)…Tôi xin chúc những nhà lãnh đạo của chúng ta giữ vững ý chí chính trị (34)…

Người VN đã trưởng thành và khôn ngoan đến mức độ, anh là ai, không quan trọng, miễn là anh ủng hộ VN 2 thứ: phát triển và ổn định chính trị, tức là không động chạm đến địa vị cầm quyền của ĐCS VN (271)… Chúng ta không thừa nhận ĐCSVN là người cầm quyền chính trị và là chủ sở hữu nhà nước của nó thì chúng ta không còn chuyện gì để nói (283)… Tuyệt đối không đùa với sinh mệnh chính trị của Đảng (222)…Đảng này mà sụp đổ thì mọi lẽ phải lặt vặt không có xu nhỏ giá trị nào (224)…”

Ông Bạt nhận là người không phải đối lập, viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước, một cách phi chính trị (287). Tôi tôn trọng sự không đối lập, nhưng cho rằng đối lập hay không đối lập không quyết định phẩm chất và giá trị con người. Điều quan trọng hơn là tuệ giác và trung thực. Tôi cảm phục khi ông Bạt cho rằng cần phi chính trị hóa nền giáo dục. Tôi tán thành ý kiến rằng ĐCS VN đang tạm giữ được ổn định chính trị. Họ cho rằng đó là điều kiện vô cùng quan trọng để phát triển. Nhưng tôi nghĩ hơi khác, cho rằng ổn định chính trị là một phần cần thiết để ổn định xã hội và để phát triển thì ổn định xã hội là quan trọng hơn nhiều. Thế mà dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN xã hội đang mất ổn định nhiều mặt.

Tôi đồng ý rằng giữ được ổn định chính trị là tốt, nhưng để có sự ổn định tạm thời đó ở VN người ta đã gây ra bao tai họa. Có một câu sau, tưởng là nghịch lý, nhưng lại là chân lý “Tốt là kẻ thù của cái tốt hơn”. Ông Bạt nghĩ đến cái tốt tạm thời cho dân tộc, sao không nghĩ đến cái tốt hơn. Phải chăng như thế là trăn trở với tương lai đất nước?

Chắc rằng ông Bạt cũng thấy không thể kéo dài mãi thể chế toàn trị của đảng, nhưng ông dự đoán (hoặc mong ước) nó còn kéo dài. Ông viết: “Tôi cho rằng…để ra khỏi những khó khăn về chính trị phải mất một thế ký (276)… Hai trăm năm nữa người Việt mới có đủ điều kiện để ý thức được về các giá trị ấy (254)…” (các giá trị nhân bản).

Tôi nhận thấy ông Bạt khá bằng lòng và có phần ca ngợi chế độ hiện hành và thế lực lãnh đạo. Tôi nghĩ, để làm người đối lập, phản biện thì nhất thiết phải có ý kiến phản bác lại một cái gì đó của chính quyền. Còn làm người không đối lập, chỉ cần không phản bác là đủ, liệu có cần ca ngợi những điều mập mờ?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nguyễn Trần Bạt là tay ăn nói bạt mạng như tên gọi của y vậy, diễn thuyết viết lách ồn ào như cái thùng rỗng kêu to: đó chính là cái hội chứng ngu độn của những tay cộng sản hoặc những tay gần cộng sản.

    Chung quy cũng không ra ngoài chủ nghĩa ‘đớp & hít’, khi đã ních đầy túi tham bằng lừa đảo hoặc bằng ăn cướp, con cú cũng tập tễnh giọng ca của chim họa mi, nhưng điều cốt yếu là để lấp liếm, ngụy biện, ‘lý giải’ cải tồn tại cứ tưởng là ‘nhân cach trí thức’: không có đâu, chỉ là kẻ hạ đẳng, rác rưởi và bất hảo mà thôi!

  2. Ông Nguyễn Trần Bạt vẫn là tín đồ của CN Mác-Lê, thì cũng không có gì lạ, vì cũng như còn nhiều người tin vào ma quỷ, thờ cúng ma quỷ.
    Tôi chỉ có niềm tin: ĐCSVN là đảng của lũ lợn. Không ai, kể cả nghìn ông Bạt, có thể ngăn cản được sự THỐI RỮA của Đảng CSVN. Cái gì đến nó sẽ phải đến.

Comments are closed.