Cướp tài sản của… chính mình!

LS Đặng Đình Mạnh

30-7-2018

Không tính thời mông muội, thì từ khi loài người sống có pháp luật cho đến nay, hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác vẫn luôn luôn bị phê phán về phương diện đạo đức và chế tài về phương diện pháp luật.

Chiếm đoạt tài sản có thể bằng: Cướp giật, tống tiền, trấn lột, trộm cắp, lừa đảo, bội tín … Quá nhiều cách chiếm đoạt, nhưng nạn nhân thì bao giờ cũng chỉ là một: Người khác! Người khác có nghĩa là không phải chính thủ phạm!

Thế nên, hữu lý khi Bộ luật Hình sự quy định về tội danh “Cướp giật tài sản” như sau: “Người nào cướp giật tài sản của NGƯỜI KHÁC thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm …”.

Nhưng điều hữu lý không phải bao giờ cũng là chân lý ở một xứ sở có quá nhiều điều “Ngộ quá phải không anh?”. Theo đó, công chúng của xứ này sẽ lần đầu tiên được biết đến vụ án hình sự xét xử bốn người đã phạm tội cướp và cướp giật tài sản. Ba người trong số họ tuổi đã gần xấp xỉ lục tuần, là công nhân nghỉ hưu và làm nông, còn lại là một cô gái trẻ 23 tuổi vừa tốt nghiệp sư phạm, mà hành vi của họ được cáo trạng mô tả là đã dám ra tay cướp đoạt tài sản của … chính họ!?

Chuyện xảy ra vào hạ tuần tháng 07 năm 2017. Lúc ấy, vào khoảng 6h30 tối, một nhóm tám học viên Pháp Luân Công đang tập trống trong một công viên ở thành phố T để chuẩn bị cho ngày Tết Trung Thu gần đến. Đột nhiên, họ bị một tổ công tác phối hợp gồm UBND phường, công an phường và Đội an ninh thành phố kiểm tra chứng minh nhân dân rồi đưa tất cả về trụ sở công an phường.

Bốn người trong vụ án hy hữu: Cướp tài sản của chính mình. Từ trái sang: Vũ Thị Huyền, Trần Thị Ngọc, Trần Kim Chung, Trần Thị Tiến. Ảnh: CAND

Chờ đến khoảng 3 tiếng sau, khoảng tầm 9h30 tối thì Huyền, cô gái trẻ 23 tuổi không thấy bất kỳ ai làm việc với mình, vả lại cũng đã khuya nên cô vào lấy chiếc trống thuộc sở hữu của mình mang về. Tuần tự, có vài người cũng lục tục vào lấy trống, loa mang về nhà.

Ngày hôm sau, lệnh khám xét được ban ra và tất cả đều bị bắt giữ! Sau đó, bốn trong số tám người bị khởi tố về tội danh cướp và cướp giật tài sản. Lúc này, trong hồ sơ bắt đầu xuất hiện gần một chục biên bản các loại để cho rằng số tài sản bị cướp đang nằm dưới sự quản lý của công an phường … nhưng dĩ nhiên, tất cả đều không có chữ ký của bất kỳ ai bị xử lý vi phạm? Điều này được cơ quan công an giải thích rằng khi đó do các đương sự không ký tên!?

Xét xử sơ thẩm, án tuyên phạt lần lượt là 42 tháng tù, 36 tháng tù, 15 tháng tù và 12 tháng tù cho những ông bà nội, ông bà ngoại đã nghỉ hưu về trông cháu, cho cô gái trẻ sắp đi dạy học đã dám cả gan tụ tập Pháp Luân Công, tôi nhầm, đã dám cả gan cướp đoạt tài sản của … chính mình!

Sau khi án sơ thẩm tuyên, thì “người mà ai cũng biết là ai” đã làm rất tốt công tác tư tưởng, đã rất khéo léo khi khai thác tính “nhẫn”, một trong trong ba tính căn bản của Pháp Luân Công “Chân, thiện, nhẫn” mà học viên tu tập thành thục phải tuân thủ. Cho nên, ba trong số bốn bị cáo bị tuyên án với hình phạt cao được tính bằng năm đều ngoan ngoãn chấp nhận mà không kháng cáo. Duy chỉ có có cô gái trẻ kháng cáo với niềm tin mãnh liệt rằng mình vô tội thì sẽ phải được tuyên vô tội. Với bản án tuyên vô tội, thì cô gái lại có thể hy vọng trở về với ước mơ đứng trên bục giảng …

Niềm tin của cô gái không có tội. Niềm tin là ân sủng mà chỉ người trẻ như cô mới được ban cho! Mà khi càng nhiều tuổi, càng nhiều trải nghiệm, hiểu biết thì niềm tin mới bắt đầu rời bỏ dần chúng ta ra đi. Cho nên, niềm tin là hạnh phúc của cô gái. Niềm tin đã giúp cô gái vượt qua sự sợ hãi vì dọa nạt để kháng cáo. Sáng ngày 31/07 tới đây, từ sau song sắt, cô gái trẻ sẽ mang theo mình niềm tin ấy ra công đường tìm công lý …

Với chúng ta, đằng sau câu chuyện của người tu tập Pháp Luân Công, đằng sau câu chuyện của người sống lương thiện, dù đã chọn “Chân, thiện, nhẫn” làm cứu cánh mà cũng chẳng thể thoát khỏi vòng lao lý khi “cả gan” cướp đoạt tài sản của … chính mình, đằng sau tất cả, chính là sự an toàn pháp lý của mỗi cá nhân trong một quốc gia quá mong manh, mà đến cả những người am hiểu pháp luật cũng còn phải kinh sợ.

Cái gọi là luật pháp đang ngự trị trong xã hội này không phải là nhân trị và càng không phải là pháp trị, nó mang dáng vẻ luật của rừng xanh, nơi những con thú lớn đang đắc ý gương nanh vuốt, bỡn cợt khi tự gọi mình là đầy tớ …

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Muốn tranh luận đúng đòi hỏi có nhiều hơn thông tin, chứ thông tin thế này khó bình luận chính xác. Ví dụ nếu công an chưa tịch thu (theo Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP) thì tài sản vẫn là tài sản của dân. Còn khi đã tịch thu thì lúc đó tài sản đã „chuyển sang thành tài sản nhà nước“ (tôi để trong ngoặc, vì vấn đề tài sản của dân thu giữ quá đơn giản như ở VN thì nhiều khi là vi hiến và không thông lệ quốc tế!). Còn chỉ lấy đi thì gọi là lấy đi bất hợp pháp: nếu nặng là tội: „chiếm giữ trái phép tài sản“ trong luật hình sự, còn nhẹ thì xử lý hành chính – tham khảo (https://luatminhgia.com.vn/hoi-dap-hinh-su/chiem-giu-trai-phep-tai-san-cua-nguoi-khac-pham-toi-gi-.aspx), chứ phạm tội gì cũng căn cứ hành động quy tội, chứ nghe qua lời tác giả thì không thể gọi là phạm „tội cướp giật“. Tuy vậy bị án là chị Huyền thấy oan ức nên đến tư vấn luật sư giỏi về hình sự hơn là nghe, đọc những lời góp ý – khả năng rất lớn nhiều lời không chuẩn „lắm thầy nhiều ma“ rốt cuộc hành động sai!

Comments are closed.