Tưởng nhớ Hạ Đình Nguyên

“Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng”

Tương Lai

6-7-2018

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 44

Lê bước chân nặng nề ra khỏi phòng anh nằm, trong tôi trĩu nặng nỗi buồn vĩnh biệt mà nhói lên câu thơ chia ly của Thâm Tâm từng chìm sâu trong ký ức suốt hai phần ba thế kỷ.

Ngôi nhà Hạ Đình Nguyên ở cạnh sông Sài Gòn. Tôi biết rằng đây là lần đến vĩnh biệt anh. Vào chiều chủ nhật 1.7.2018 khi cùng Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu đến với anh trong ngôi nhà ấy, anh chìa tay cho tôi, nắm rất chặt. Để xua bớt đi cảm giác nặng nề, tôi đọc chệch câu thơ của Vương Duy thời thịnh Đường mà ngòi bút họ Hạ đã dẫn ra trong bài viết phê phán thói cuồng chữ một cách ngô nghê của Tư S… “tây xuất Dương quan hữu [vô] cố nhân.

Một ánh mắt vui thoáng qua trên gương mặt võ vàng của anh. Chắc anh hiểu tôi định nói gì với anh vào cái thời khắc nghiệt ngã này. Đưa tay lên gỡ cái ống dẫn oxy, hình như Hạ Đình Nguyên muốn nói gì đó nhưng chỉ nhếch môi rồi thôi, sức anh đã kiệt. Đau đớn, chúng tôi cố nói thay anh vào những phút dường như anh đang tỉnh táo nhất. Ngọn đèn lóe sáng lên trước khi tắt, Huỳnh Kim Báu giải thích.

Báu đứng dậy bước ra khỏi phòng, tôi nấn ná thêm mươi giây rồi cũng phải bước theo. Bước chân thẫn thờ trong nỗi niềm bâng khuâng day dứt “sao có tiếng sóng ở trong lòng”! Mà nào đâu có thấy sông, thấy bờ, thấy nước thì lấy đâu ra tiếng sóng! Càng không đòi hỏi điều không thể mà chàng sinh viên cao học Triết của Đại học Văn khoa Sài Gòn thuở nao từng “triết luận”: “không ai thấy trọn một dòng sông”. Đúng vậy, chẳng ai biết được rồi cuộc đời sẽ diễn tiến và kết thúc ra sao và con tạo sẽ xoay vần theo cách nào. Cách nào thì cách, nhưng quyết không thể “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” được, bởi đó sẽ là “sự thức tỉnh cuối cùng” vì rằng, điều quan trọng không phải là chết như thế nào mà là đã sống như thế nào.

Và tôi nhớ lại hình ảnh của anh: “Ngồi cô đơn trong góc vườn nhà, cạnh dòng sông, … nhìn mặt trời chiều đỏ ối như một khối lửa khổng lồ chụp xuống cuối sông, cây cảnh phía dưới bắt đầu mờ dần… Không gian trở nên nặng nề tương phản với khối lửa đè ở bên trên. Bỗng dưng xuất hiện trong tôi cái tựa đề “Một thời để yêu, một thời để chết”, tác phẩm của Erich Maria Remarque…”. Hình ảnh ấy, tâm trạng ấy của Nguyên đã ám ảnh tâm trí tôi suốt thời gian qua khi tôi tranh luận với anh về những ý tưởng trong “Một thời để yêu, một thời để chết” từ “cảm thán đôi điều” của anh với Tuyên bố ngày 2.9.2017 của tôi “dứt bỏ mọi liên hệ với đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng”.

Tôi đã viết một bài ngắn chân tình trao đổi với anh những điều tôi đồng ý và những điều chưa đồng ý mà anh đã viết với một chiều sâu ý tưởng cho dù rất đáng trân trọng của một tầm vóc tư duy giàu chất triết lý: “Ai có tấm lòng thì tất phải đắng lòng, dễ gì phôi pha một thời núi xương sông máu. U hoài thì phải có, nhưng sự và lý cứ quấn chặt khó phân. Hẳn là vị Giáo sư muốn gợi lại ánh nắng nồng nàn của một mùa thu năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới hôm nay? Nhưng Mùa thu ấy đã quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần, và bạc ngàn nghĩa trang đầu xanh tuổi trẻ. Một chàng hát rong như một kẻ tiên tri, vô tình nhả ra những lời dường như phất phơ mà phù hợp: “Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu!” (TCS). Chiếc thuyền nan đã cũ, dù đã từng vượt qua những đoạn thác ghềnh, thì cũng không thể ra được biển cả, nó không chở nổi tư duy của thời đại, huống là nó đã bị người “thao túng”! Niềm tin thì thật là quý, nhưng nhà văn Erich Maria Remarque từng nêu ý kiến:

“Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng”.

Có lẽ vì “chiếc thuyền nan đã cũ” ấy mà Hạ Đình Nguyên đưa ra những ý tưởng thật chân thành nhưng khốn nỗi, tôi chưa được thuyết phục bởi ý tưởng chân thành ấy của anh: “Tôi ngưỡng mộ những người có tư tưởng đấu tranh triệt để cho cái đúng và sai. Nhưng tôi không đặt trọn niềm tin về hiệu quả của nó. Cái triệt để thuần lý nhấp nháy sáng như một vì sao xa trên bầu trời tối đen, liệu có vạch được lối cho bước chân đi? Sự thành công và thành nhân đang quyện vào nhau rất khó mà tự rạch ròi ”. Những lời tâm huyết như máu trào ra đầu ngọn bút của một tấm lòng ưu tư về vận nước  trong cái thế bế tắc. Tôi hiểu ý anh muốn nhắc nhở tôi phải dứt khoát rũ bỏ quá khứ như anh đã “Thắp hương cho quá khứ” như tên một bài viết bốn năm trước anh gửi cho tôi trong “cảm thán đôi điều”.

Ngôn từ, ý tưởng và lập luận của ngòi bút họ Hạ luôn có dáng dấp của những mệnh đề suy tư thấm đẫm chất triết luận của câu chuyện “dễ gì phôi pha một thời núi xương sông máu”. Ấy thế mà, trong bài “Cuộc thảo luận lãng mạn” anh lại viết: “Tôi nhớ hình ảnh những con chim én đang chao lượn trên bãi cỏ trước những căn phòng cấm cố đìu hiu của nhà tù Côn Đảo thuở xưa. Cuộc thảo luận hôm nay lờ mờ như tái hiện trong khung cảnh ấy”. Để rồi, hạ một câu chì chiết rất chua chát: “Cũ lắm rồi, những chàng trai và cô gái của nửa thế kỷ trước”!

Liệu có phải ở đây, lúc này Hạ Đình Nguyên bị ám ảnh bởi cách nhìn về một hiện tượng lịch sử của Jean Paul Sartre trong lời tưởng niệm Albert Camus: “Trong thế kỷ này, chống lại lịch sử, anh tiêu biểu cho con người hôm nay – thừa kế truyền thống sâu rộng của các nhà văn đạo đức- tác thành tác phẩm, có lẽ độc đáo nhất trong văn học Pháp.”

Suy đoán mang tính chủ quan này khiến tôi cảm thông với nỗi niềm ưu tư của Hạ Đình Nguyên, một người từng nghiền ngẫm về luận đề “ý thức tự do và ý thức trách nhiệm” trong triết thuyết hiện sinh của Sartre, tác gia tiêu biểu được người Pháp xem là “lương tâm thời đại” vì đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của giới thanh niên trí thức Pháp trong thế kỷ XX. Phải gợi đến điều này vì tôi được biết có người đã nói đến Sartre khi đánh giá về tầm vóc Hạ Đình Nguyên! Mỗi người đều có cách nhìn nhận và phẩm bình tùy theo cách nhìn.

Với Hạ Đình Nguyên, bằng sự lặng lẽ, khiêm nhường của một ngòi bút cẩn trọng và không kém phần uyên bác, có lẽ anh sẽ nói rằng mình chỉ là người học trò của một triết gia được vinh danh là một “trí thức toàn diện (intellectuel total)” theo cái nhìn của Pierre Bourdieu, nhà xã hội học lớn của Pháp. Chắc Hạ Đình Nguyên có đọc câu chuyện vể Sartre đi biểu tình: Khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp định bắt giam J. P. Sartre vì “tội” xuống đường ủng hộ thanh niên biểu tình [mà hôm nay đây ông Tổng Trọng ở xứ ta gọi là “toàn bọn bất hảo cả”] chống chiến tranh Algérie, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã nói với ngài bộ trưởng võ biền ngu xuẩn ấy rằng: “Không ai bỏ tù Voltaire”!

Thế nhưng với anh, “Thành công là của số đông, thành nhân là chuyện của ít người. Mọi tiếng nói góp phần cho cuộc đấu tranh chống xâm lược và độc tài đều cần thiết. Một hợp âm mới tạo được một bài ca hay. Tiếng trầm, tiếng bỗng, tiếng lưng chừng đều có vai trò và chỗ đứng của nó. Tôi nhớ một câu ca của một thời, là “Chờ đợi nhau qua cầu đổ nát”. Nó thấm thía và thâm trầm. Nhưng có người không thích chờ đợi, cho là tiêu cực, muốn một mình cứ nhãy qua. Thế cũng tốt, hoặc là rất tốt. Lịch sử đang tiến dần từng bước, là điều mà nhiều con người có thể tham dự. Mơ chi, chờ đón chi, và tiên tri làm chi cho một cơn sóng thần mà mình chưa biết”. Tôi mạo muội mà trả lời anh rằng, cái “cơn sóng thần mà mình chưa biết” ấy thì lịch sử đã từng cho thấy. Chẳng những thế, chính anh đã khẳng định đấy thôi: “lịch sử đang đi tới theo một cách khác, nó đang chuyển dịch, như dòng sông có bao giờ chảy thẳng đâu? Mỗi khúc quanh của lịch sử đều có giá trị riêng của nó. Sự thay đổi là tất yếu, vì đó là yêu cầu của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển. [bài “Các Mác và Các Bác”].

Và rồi cũng chính anh đã rất tường minh khi nhìn nhận về tiến trình lịch sử để nói rõ: “Lịch sử loài người là lịch sử đi tìm kiếm tự do, trên con đường đi tìm kiếm, nó tự bổ sung và điều chỉnh. Lịch sử mỗi đời người cũng là lịch sử đi tìm tự do, ở hình thái thấp nhất – hữu hình, ở hình thái cao nhất – trừu tượng. Hình thái thấp nhất là thoát sự kìm chế của kẻ khác, hình thái cao nhất là thoát khỏi sự kìm chế của bản năng”. Không chỉ nêu lên những mệnh đề có ý nghĩa đúc kết, bằng sự kiện vừa xảy ra, ngòi bút của văn phong mang tính triết luận trong “Quỹ đất và bảy phát súng của Đặng Ngọc Viết” anh đã nói về một hành động bất ngờ của một sự kiện bùng nổ có tính quy luật:

Có lẽ trái tim của Viết đã đến độ đầy lên…Và anh đã hành động theo cách triệt để, tận cùng…Sẽ có bao nhiêu Viết trong nhân dân, khi mà mệnh lệnh “đất đai là của toàn dân” còn tiếp tục được ban ra theo cách “kiên định”? Một con người bình thường, bỗng dưng trở nên chuyên nghiệp, tỉnh táo và dứt khoát…”! Bằng một phân tích rất mạch lạc, anh đã chỉ ra: “Bảy phát súng nổ, tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng có vọng âm xa, sâu lắng, làm cho lương tâm con người trở nên ray rứt. Đặng Ngọc Viết đã tự mình giải quyết dứt điểm, trọn vẹn suốt cả quy trình…, quỹ đất đã trở thành quỷ đất. Chúng sống bằng đất, ăn đất, thở đất, phương phi bằng đất, trơn láng bằng đất, hãnh tiến, tự tin, hây hây uy quyền, uy nghi cũng bằng đất…” .

Câu hỏi của Hạ Đình Nguyên đặt ra, vì thế, rất quyết liệt và mang ý nghĩa cảnh báo.

Khi đặt ra câu hỏi “sẽ có bao nhiêu Viết trong nhân dân” ngòi bút của người tù chính trị Côn Đảo nửa thế kỷ trước mà anh tự phán rằng “cũ lắm rồi” ấy đã trả lời cho câu tự vấn đầy mâu thuẫn của anh về “cơn sóng thần mà mình chưa biết”. Chưa biết, thì như anh đã tự giải thích, vì “nó đang chuyển dịch, như dòng sông có bao giờ chảy thẳng đâu? Và rồi cũng chính anh đã phân tích rất rành rẽ: “Mỗi khúc quanh của lịch sử đều có giá trị riêng của nó. Để rồi cũng chính anh đã rút ra kết luận chắc như đinh đóng cột: “Sự thay đổi là tất yếu, vì đó là yêu cầu của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển”.

Vậy thì vì lẽ gì mà Hạ Đình Nguyên lại tự phủ định chính cái mệnh đề có giá trị như một đúc kết về tính quy luật lịch sử khi anh khuyên nhủ: “Mơ chi, chờ đón chi, và tiên tri làm chi cho một cơn sóng thần mà mình chưa biết”. Câu này đồng dạng với điều anh đã từng khẳng định: cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết”! [“Một câu chuyện nhỏ-Đi theo mà không biết nơi đến”]. Có lẽ ở đây không phải khởi nguồn từ kiểu định lại giá trị theo một cách khác như anh viết: “thế hệ trẻ hiện nay đang trị giá khác về các giá trị của thời đại theo cách của họ! Không,ở đây là sự hoài nghi. Cũng có thể là một cảm thức về sự “phi lý” chăng?

Tôi biết rằng Hạ Đình Nguyên từng nghiền ngẫm về chủ nghĩa hiện sinh được định vị như hành trình đi tìm bản thể của con người. Trong cảm nhận rất chủ quan và riêng tư của mình, tôi nghiệm thấy bóng dáng của chủ nghĩa hiện sinh bàng bạc và lẫn quất trong hình tượng, trong ngôn từ, trong cảm thức của cây bút họ Hạ. Ở đó, phi lý như một cốt lõi của thân phận và dấn thân theo nghĩa chỉ có hành động và qua hành động con người mới thật sự tự do, mới tạo được bản chất của mình. Một nét khá độc đáo của Hạ Đình Nguyên, như ai đó đã viết, là người am hiểu về Phật giáo khá sâu sắc, anh không những đọc Thiền mà còn hành Thiền qua công việc, qua sinh hoạt bình thường hằng ngày, và qua cả những bài viết xã luận của anh về vấn đề thời sự. Vì vậy, trong lập luận của mình, tuy rất vững vàng, khúc chiết nhưng lại nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay theo phong thái của một người tu hành thoát tục. Đó là nói về phong cách viết.

Nhưng cho dù chỉ là phong cách viết thì cũng đừng quên quan điểm của Jean Paul Sartre về chuyện này: “bất cứ anh đến với chữ nghĩa bằng phương tiện nào, dù anh có những tư tưởng như thế nào, văn chương cũng vẫn dồn anh ra mặt trận. Viết tức là một cách nào đó muốn có tự do, và nếu anh đã bắt đầu viết, thì dầu muốn dầu không, anh phải dấn thân”.

Và Sartre khẳng định một cách dứt khoát: “một nhà văn chỉ thực sự dấn thân khi hắn ý thức được một cách sáng suốt nhất và toàn diện nhất về sự nhập cuộc, tức là hắn có thể chuyển hắn cũng như chuyển người khác từ trạng thái dấn thân bộc phát sang dấn thân suy nghĩ. Nhà văn là kẻ trung gian tuyệt vời và sự dấn thân của hắn là hoá giải. Chẳng ai bắt anh chọn nghề văn. Vậy sự tự do đã có ngay từ đầu: anh là nhà văn, là bởi vì anh tự do quyết định cầm bút. Nhưng ngay sau đó, thì có cái này: anh trở thành kẻ mà những người khác coi là nhà văn, thế có nghiã là anh phải đáp ứng một số yêu cầu và dù muốn dù không, anh có một phận sự xã hội. Và như vậy, bất cứ anh muốn chơi nước cờ nào, thì anh cũng phải đi từ bình diện mà độc giả nhìn anh“.

Chính ở đây, Sartre minh định thật rạch ròi khái niệm “dấn thân” và “cung cách dấn thân” của người cầm bút: “Nhà văn trình bày cho xã hội thấy hình ảnh của nó, hắn cảnh báo cho biết nó phải chịu trách nhiệm hoặc phải sửa đổi. Nếu thay đổi, nó sẽ mất đi cái ổn định xây dựng trên sự ngu dốt; nếu đong đưa giữa hổ thẹn và xy-ních, nó trở thành ngoan cố. Như thế nhà văn trao cho xã hội một thứ conscience malheureuse (ý thức bất hạnh hay tự vấn đớn đau) và do đó hắn không ngừng phải đối đầu với những lực lượng bảo thủ, đang cố giữ cân bằng xã hội mà hắn tìm cách chao đảo”. Vậy thì khi đã dấn thân bằng ngòi bút của mình, nếu “cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết” thì phải tự xác định cho mình cái nơi mà mình muốn đến để bằng ý chí và sức mạnh của khối óc và trái tim của mình để đi tới đó. Bởi lẽ, cái đáng sợ không phải là cái chết mà cái đáng sợ chính là những gì đã chết trong trái tim và khối óc của con người, khi người ấy vẫn còn sống, vẫn đang sống! Cho nên,không phải là phi lý khi Camus tuyên bố “thứ được coi là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết”.

Cũng chính vì vậy, theo nhận thức của tôi, với Jean Paul Sartre, chủ nghĩa hiện sinh được nhìn nhận như một chủ nghĩa nhân bản. Và rồi nhân bản đã nằm trong bản chất triết lý nhân sinh của Albert Camus hướng về thân phận con người, khởi nguồn từ “phi lý”, dẫn đến “nỗi loạn” và đạt tới “tự do”. Tất thảy thấm đẫm trong ngôn từ, hình ảnh, nhân vật trong các tác phẩm của Camus, người được nhìn nhận như là nhà văn nhân bản và sáng suốt nhất của Pháp trong thế kỷ XX. Hiểu như thế nên tôi rất băn khoăn cách giải thích của Hạ Đình Nguyên về một ý tưởng xuất thần vào lúc anh ngồi cô đơn bên bờ sông cạnh nhà: “Một thời để yêu là những cách chết và sự buồn thảm, ngoài những khoảnh khắc thăng hoa của những ‘cơn lên đồng’ nhưng đáng trân trọng”. Khái niệm “lên đồng” và thuật ngữ “cơn lên đồng tập thể” hình như được ưa chuộng trong những cây bút muốn phủ định một thực tế lịch sử nào đó. Chuyện ấy thuộc quyền tự do biểu đạt của người cầm bút về cuộc sống và những cảm nhận của họ. Mỗi người đều có cách chịu trách nhiệm về những điều mình nói và viết mà những luận điểm của Sartre tôi dẫn ra ở trên có thể là những gợi ý tham khảo cần thiết. Và Sartre, dù là một “intellectuel total”, trí thức toàn diện, thì cũng đã là của quá khứ, thuộc phạm trù lịch sử.

Thế nhưng, lịch sử là cái đã xảy ra, nó tồn tại ngoài những mong muốn chủ quan của con người. Không ai có thể phủ định lịch sử vì rằng, nếu một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử sẽ là một thế hê không có quá khứ và cũng chẳng có tương lai. Vì, nói như Voltaire “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ. Chẳng thế mà Marcel Proust, tác giả của “Đi tìm thời gian đã mất”, được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX. Tạp chí Time đã đưa cuốn Đi tìm thời gian đã mất vào vị trí thứ 8 trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 1995, tuần báo Pháp L’Evenement du Jeudi cùng Đài phát thanh và Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến để chọn 10 cuốn sách văn học Pháp hay nhất cho thế hệ năm 2000. Kết quả là cuốn Đi tìm thời gian đã mất được xếp vào vị trí thứ nhất.

Gợi đến việc “đi tìm thời gian đã mất” là để nói rằng, việc rọi chiếu một ánh sáng mới vào quá khứ để có một nhìn nhận đúng đắn và nghiêm túc luôn được xem là minh chứng của một xã hội văn minh, một ứng xử văn hóa. Việc phủ định sạch trơn mới đích thực là sự bốc đồng trong một cơn co giật bệnh hoạn, và cũng chỉ là một biểu hiện nhất thời của sự nông nổi thiếu hiểu biết. Tính cụ thể-lịch sử là một đòi hỏi rất khắt khe cho việc nhìn nhận và đánh giá một thời đoạn, một sự kiện, một trào lưu cho đến một nhân vật lịch sử. Thì chẳng phải Hạ Đình Nguyên đã xác định rất minh bạch đó sao: “Lịch sử không biết lên tiếng cãi vã, lịch sử dường như nằm im đấy, nhưng vẫn tồn tại bền bỉ”.[Đi về đâu hỡi em]. Chình vì thế tôi nghĩ rằng “gợi lại ánh nắng nồng nàn của một mùa thu năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới” [Cảm thán đôi điều chuyện…] như anh đã viết cho tôi là điều hết sức cần thiết cho dù “mùa thu ấy đã quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần”. Bởi lẽ, “không có một nền văn minh hiện tại nào thực sự có thể hiểu được nếu không hiểu biết những hành trình đã đi qua, những giá trị cũ và những kinh nghiệm đã sống. Một nền văn minh bao giờ cũng là một quá khứ, một quá khứ sống động nào đó. Do đó, lịch sử một nền văn minh là sự tìm tòi trong những tọa độ cũ, những tọa độ mà ngày nay vẫn còn giá trị”. [Fernand Braudel. “Tìm hiểu các nền văn minh”].

Cho nên việc gì mà “không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng” nhỉ? Một khát vọng sống luôn gắn liền với những ước mơ. Thuật ngữ “những giấc mộng” hàm chứa trong nó những ước mơ ấy. Ước mơ có thể là viễn vông, trong trường hợp đó thì nên gạt bỏ, nhưng nếu ước mơ đó là một lực đẩy thì phải biết cách làm cho nó mãnh liệt hơn vì như ai đó đã nghĩ rất đúng: Đừng để tuột mất ước mơ hay khát vọng của bạn. Vì nếu điều đó xảy ra, bạn có thể vẫn tồn tại nhưng bạn đã ngừng sống mất rồi. Đấy là cách hiểu của tôi về khát vọng sống được Hạ Đình Nguyên gọi là những giấc mộng, trong đó luôn ấp ủ và nung nấu đòi hỏi tự do gắn liền với trách nhiệm. Mà vì thế, tôi quay trở lại với triết lý hiện sinh của Sartre cũng theo cách hiểu của tôi để hiểu rõ thêm về người mà tôi quý mến mà ai đó đã có nhã ý gắn tên tuổi và sự nghiệp của bạn tôi với Jean Paul Sartre. Tôi hiểu rằng, Sartre đặt con người trước tự do và trách nhiệm của mình. Với Sartre, tự do luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm là điều kiện của tự do.

Từ hai điều kiện tiên quyết: tự dotrách nhiệm này, nẩy sinh khái niệm thứ ba là nhà văn dấn thân. Dấn thân theo nghĩa nhà văn phải sống với thời đại của mình, phải có trách nhiệm đối với xã hội, đối với con người. Phải đau nỗi đau của con người và phải chỉ ra những gì phải thay đổi trong thế giới con người. Và Hạ Đình Nguyên đã dấn thân. Ngòi bút của anh lại xông xáo quyết liệt cho đến lúc tay anh không còn nhấc lên được nữa.

Anh viết: “Mọi tiếng nói góp phần cho cuộc đấu tranh chống xâm lược và độc tài đều cần thiết. Một hợp âm mới tạo được một bài ca hay. Tiếng trầm, tiếng bỗng, tiếng lưng chừng đều có vai trò và chỗ đứng của nó” [Cảm thán đôi điều chuyện…]. và rồi, dường như anh không kìm nổi sự phẫn nộ trào lên đầu ngọn bút vốn rất mượt mà: “Lịch sử không muốn đùa dai với một vở kịch có quá nhiều kịch tính và nhiều hình thái huê dạng diễn mãi trên sân khấu đất nước, đang làm nhão sức sống của cả dân tộc. [Một cụm từ hay…]. Rồi 21 phát đại bác rất khét mùi lừa mị … Trọng lại mang về 15 văn kiện vừa ô nhục, vừa phi pháp. Formosa như cái đinh đóng vào tên phản chúa Juda.

Cái hồn ở Ba Đình biến mất, thay vào đó là cái tên làng Hoành ở xã Đồng Tâm, làm cho cả nước đồng tâm hướng về với cả tấm lòng thân thương và kính mến. Đồng Tâm không phải là nơi kết thúc, dĩ nhiên rồi, mà là nơi khởi đầu ý chí với ý nghĩa đơn giản mà chân lý. Đó là quyền sống thiêng liêng của người dân. Nó căn bản và bất di bất dịch… máu có loang ra thì nó thấm đẫm vào lịch sử, không thể nào che giấu hay rửa sạch để biện minh cho những kẻ cầm đầu. Máu ấy sẽ thông dòng với mỗi người dân Việt. Lịch sử không dừng lại hôm nay…Nhưng lịch sử vẫn đang chuyển dịch từng giây từng phút theo cách của nó.[Mất cả niềm tin].

Thế rồi, Hạ Đình Nguyên dẫn ra rất đắt lời của Karl Marx có tính cập nhật rất quyết liệt: “Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp” .[Các Mác và Viêt Nam hôm nay].

Anh Nguyên ơi,

Những suy tư về lịch sử của anh thấm đẫm ý nghĩa dấn thân một cách đầy trách nhiệm. Với anh, dấn thân theo nghĩa chỉ có hành động và qua hành động con người mới thật sự tự do, mới tạo được bản chất của mình. Khát vọng tự do của người tù chính trị Côn Đảo trong anh gắn liền với hành động. Một ngẫu nhiên có dáng dấp định mệnh chăng khi anh đảm đương trách nhiệm trong cương vị Chủ tịch Ủy ban hành động đấu tranh sinh viên Sài Gòn?

Trong suy tưởng đậm tính tâm linh ấy, tôi đau xót vĩnh biệt anh, người bạn tôi yêu mến và kính trọng.

Sài Gòn ngày 6.7.2018

*Những ý tưởng và trích dẫn về Jean Paul Sartre và Albert Camus trong bài có tham khảo thêm của Thụy Khuê.

_____

Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”Số 32: Hết khôn dồn đến dạiSố 33: Liên khúc năm GàSố 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gióSố 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tánSố 37: Những tấm lòng bè bạnSố 38: Chuyện đất, chuyện ngườiSố 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây?Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*Số 41: Mười năm người ấy ra điSố 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước  —  Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây?

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Hạ Đình Nguyên và “giáo sư’ Tương Lại đều lạ loại cọng sản (chữ cọng không có dấu mũ; như cọng rác). Dù cho chúng nó “phản tĩnh”, nhưng trong máu của bọn này vẫn còn đầy vi trùng dơ bẩn, độc hại cs. Mấy mươi năm trời theo quỉ đỏ, giờ mới cho rằng đó là sai lầm. Tại sao chúng nó ngu lâu vậy? Và càng ngu hơn là vẫn còn tin tên Hán gian Hồ Chí Minh, nhất là tên già đầu TL!
    TL ca ngợi HĐN; đúng là tâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa; thứ cá mè một lứa.

  2. “Giáo sư” Tương Lại cũng gốc là Vc; hắn đi ca ngợi tên Hạ Đình Nguyên, điều đó không có gì lạ. Đúng là trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Những tên u mê theo cs lâu năm, bây giờ có “phản tĩnh” cũng chẳng ai tin. Những tên Vc nằm vùng mặt mẹt; được học không phải trả tiền dưới chế độ VNCH lại phản bội chế độ đã nuôi dưỡng và giáo dục nó, và cuối cùng người lương thiện chỉ khinh miệt, xem thường bọn chúng mà thôi!

  3. Đọc bài của Lê Thân cáo buộc Đảng Cộng Sản phản bội lại lý tưởng của họ, chợt nghĩ Đúng, đúng tới không thể đúng hơn! Phải nói rằng từ thời cái-gọi-là “Đổi mới” tới nay, Đảng Cộng Sản càng ngày càng mất đi tính Cộng Sản, mất đi những tính chất của “Đảng của Bác Hồ”. Đến nỗi nhà thơ Bùi Minh Quốc phải bịa ra cặp phạm trù mới “Đảng nó” – “Đảng Ta”. “Đảng Ta” ngày xưa, ôi sao mà vĩ đại, vinh quang, được lòng dân đến độ dân đổ xương máu ra để bảo vệ, xây dựng & phát triển Đảng trên cả nước . Bây giờ … nói mà thêm buồn .

    Về phần mình, tớ nhận rõ tính chất phản bội của Đảng Cộng Sản khi Đảng theo lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho phép đảng viên bóc lột . Từ đó Đảng Cộng Sản trở thành 1 đảng của những người chuyên bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp công nhân . Ts Nguyễn Quang A còn biện hộ phái Nam Tông được ăn thịt, chỉ không tham gia vào việc giết mổ . Bây giờ phái Nam Tông của Ts NQA làm chủ tất cả những lò mổ & chợ thịt ở Việt Nam . Gần đây 1 tác giả của Việt Nam Thời Báo chế ra 1 khái niệm mới “Cộng Sản theo nghĩa rộng”. Cộng Sản này có lẽ đủ rộng để bao gồm cả những người bóc lột ? Tuyệt nhất là dư luận viên phê phán những kẻ mà họ cho là vô tích sự là “không tạo ra giá trị thặng dư”! Whoa, tạo ra giá trị thặng dư để cho đảng viên Cộng Sản bóc lột ? Có ai đủ điên ? Oh, dân Việt mình không thiếu . Nevermind.

    Thôi thì mong các trí thức nhà mềnh gửi kiến nghị Đảng Cộng Sản dẹp “Đổi mới” để trở lại với lý tưởng Cộng Sản Bác Hồ đã chọn lựa cho đất nước & dân tộc ngày xưa . Chỉ có như vậy Đảng Cộng Sản mới có thể chứng minh mình không phản bội những hy sinh mất mát to vật vã của dân tộc . Gần đây 1 số quan kêu gọi trở lại với tinh thần chống Mỹ, tớ thấy đây là những dấu hiệu đáng mừng . Tuy vậy, vài con én lẻ loi không đủ tạo ra mùa xuân cách mạng . Tất cả chúng ta cần 1 lòng nhất trí thì mới tạo ra đổi thay, để Đảng trở lại thành Đảng Cộng Sản chân chính, “Đảng của Bác Hồ” như ngày xưa .

    • “Tuyên bố ngày 2.9.2017 của tôi “dứt bỏ mọi liên hệ với đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng”.
      =====
      À, thì ra thế. Mấy ông chiết da này vưỡn cứ muốn làm thân Lý Bạch ngồi trên mạn thuyền mà muốn lao xuống giòng sông để ôm ấp được bóng trăng dưới ấy.
      Nhưng các ông có nuối tiếc cái đảng của bác hồ các ông với những triết lý cao xa mà tầng lớp trẻ (thành phần chủ lực cho công cuộc đấu tranh hiện nay) chẳng chú ý mấy (vì có hiểu gì đâu?) thì cứ việc mặc áo thụng vái nhau nhưng tuyệt đối đừng mong truyền cảm hứng ấy, xây dựng một hình tượng chuẩn mực cho người khác noi theo. BỞi các ông không đủ tư cách và uy tín để làm như thế. Vận nước đang như sợi chỉ mành treo chuông, không còn thời gian cho các ông mơ mộng đạt tới một chính quyền lãnh đạo “trời ơi” đầy hoang tưởng như đảng bác hồ nữa. Dân tộc VN cần những nhân sĩ trí thức có tầm nhìn xa rộng và không dính bùn dơ cs, không cần những người cứ nay lầm mai lẫn rồi đổ thừa… rồi lại tiếp tục than thân trách phận như các ông. Hãy tự hỏi chính mình chính thể nào nào mới thực sự vì dân, vì nước ? Chế độ nào mới có những cuộc trực diện với kẻ thù xâm lăng mà không bị cản ngăn hay tận diệt? Chính quyền nào mới tôn trọng nhân quyền và nhân quyền? Nếu với chế độ đó còn chưa vừa lòng thì cứ ngồi đó mà mơ “chính thể bác hồ” đội mồ trở lại, nhưng đừng mong 90 triệu người Việt còn lại phải xuống đường hoặc móc hầu bao cho giấc mộng ngược nước của các ông

  4. Không chỉ riêng loài người, mà dường như moi sinh vật nói chung, muôn đời vẫn cứ ‘đúng quy trình’ như thế : Tuổi trẻ là thời gian để hành động với toàn bộ phần khích, bồng bột và để…phạm lỗi ! Tuổi già là thời gian để dừng lại suy gẫm, để nhận ra và tránh bớt đi các lỗi lầm lúc trước !

    Trước đây, tất nhiên tôi không thích nhóm những vị Lê hiếu Đằng, Hạ đình Nguyên, Huỳnh tấn Mẫm…này. Tôi nhìn họ như những người may mắn, được ăn học trong một môi trường tự do, tốt lành, nhân bản …Thế nhưng, khối ‘kiến thức lý thuyết’ mà họ co được, thật sự không đủ để giúp họ vược qua những ‘thủ đoạn mật ngọt’ của Cộng sản, nên chính họ lại từng góp tay đánh phá cái môi trường tốt lành kia cho đến tan nát ! Họ có tự tay thủ ác, hủy diệt sinh mạng con người chưa …thì không rõ, nhưng rõ ràng , với những ‘nạn nhân miền Nam’ những gì họ làm, đã là một lỗi lầm rất nặng nề , không hề có cơ hội chuộc lại !

    Nhưng dần dần , cái nhìn về họ đổi khác, thấy xúc động vào lần nghe họ nói với nhau, đại khái : “Ngụy kết án tử hình chúng ta , nhưng CS đồng đội của chúng ta, lại là kẻ thi hành án !” …tôi cảm nhận được nổi đau xót, dằn xé sâu sắt trong lòng họ ! Những gì họ làm sau đó và hình ảnh Lê Hiếu Đằng bật khóc nói lên những lời tâm huyết khi đã gần hấp hối…, khi hấp hối đợi cái chết đến, thì có lẽ không việc gì phải khóc nữa ? Vì thế nên ngẫm lại ,đó là những con người can đãm ! Và thành thực nữa, ít nhất là thành thực với chính họ ! Họ không mãi bám chặc vào cái Sai, cái Ác để thụ hưởng…không muốn ‘phù thịnh ‘ để vinh thân phì da, họ đứng về phía những kẻ yếu . Họ dám thấy ra mình đã sai, và đã dám đứng lên tự sửa sai ! Bằng hành động, họ đã lại đứng lên một lần nữa trong đời , khi đã không còn sức khỏe, tuổi trẻ…

    “Nghĩa tử, nghĩa tận” – Jean Paul Sartre thì đã chết từ lâu,.. rồi Lê hiếu Đằng, rồi Hạ đình Nguyên…lần lược trở về lại với cát bụi vô thường, như tất cả chúng ta. Mong quý vị ấy gặp nhau, có một cuộc đời khác tươi vui , đáng sống hơn…chứ không chỉ để phạm lỗi rồi sửa lỗi mãi !

    Nhưng qua họ, có thể một số những ‘tuổi trẻ’ quá khích hôm nay, biết đâu sẽ tự nhìn lại mình để không lập lại cái cảnh , tuổi già lại buộc phải đứng lên chống lại chính những gì mình mơ ước trong thời trẻ. Những ai vì thiếu tỉnh táo mà hôm nay đang ngáo ,đang cuồng dù về bên nào, nếu có thể rút ra được vài bài học nào đó, thì cuộc đời của các vị ấy đã không uổng phí … Hy vọng, cái bài học: ‘Chớ có dại dột đùa cợt với một lý tưởng chính trị !’ tất sẽ còn cảnh tỉnh và giúp được nhiều người .
    Sự bẩn thỉu và tàn khốc trong môi trường Chính trị , là một loại kinh nghiệm hoàn toàn khác, gần như không liên quan gì đến các loại lý thuyết, triết lý, học thuật…sa lông, thậm chí cả những lý tưởng ta từng theo đuổi ,coi trọng trong thời trẻ trung ,sung sức ! Bởi, hôm nay chúng ta đang đứng lên , nếu thành công, cũng không chắc một ngày mai kia , ta sẽ chịu ‘ngồi im’ trước những cái Sai-Ác & Bất công… từ chính cái thứ mà chúng ta từng ủng hộ, chọn lựa ?

    Cuộc sống luôn là sự biến dịch miên viễn , con người cũng thế.và người ta cũng có cái quyền sai lầm và có những biến dịch trong tư tưởng ,nhận thức ! Người ta, có lẽ chỉ khác nhau đôi chút là ở hành động của từng người ,sau khi nhận thực đã thay đổi ! Con người bình thường thì ‘không ai hoàn hảo cả’ !( hay ít ra, tôi chưa được gặp người như thế ! Riêng cái quyền “tự chuyển biến, tự chuyển hóa’ ấy thì , tuy Trọng lú rất ghét nhưng liệu y làm gì được ?).

    Và sau rốt , mọi thể chế đều chẳng phải là viên ngọc lấp lánh, không chút tì vết ! Vì bản chất của mọi thể chế là luôn phụ thuộc rất nhiều vào những con người thực thi ! Thể chế không có mồm mà cũng không thể tự tay làm ác. Đã vướng đến ‘con người’ thì… ‘tên độc tài’ luôn ẩn nấu rất kín đáo trong lòng của mọi chính trị gia ! Túm lại, tốt hơn hêt có lẽ chỉ cần ghi nhớ : Các chính trị gia đều như ‘tả lót’…, luôn cần những cặp mắt những ‘công dân có trách nhiệm’ trông chừng để lo…thay tả !

Comments are closed.