Đỗ Kim Thêm
4-7-2018
Tiếp theo phần 1
Kỹ năng lập pháp của Quốc hội
Hình thức
Dự luật gồm 6 Chương, 88 Điều khoản và 4 Phụ lục; với nội dung quy định cơ cấu tổ chức, điều hành, các điều kiện ưu đãi, thủ tục tiến hành đầu tư kinh doanh ở ba Đặc Khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Điều 11
Khác với Đề án, về mặt hình thức, Điều 11 của Luật Đặc khu có quy định việc lấy ý kiến về việc quy hoạch đặc khu với các hình thức là:
a) các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lượcđược thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
b) Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư sinh sống tại đặc khuđượcthực hiện bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng;
c) … có thể lấy ý kiến bằng hình thức phát phiếu điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc các hình thức phù hợp khác.
Quốc hội không chứng minh được là đã tuân thủ Điều 11 trước khi đệ trình dự thảo Luật cho Quốc hội xét duyệt. Việc tham khảo ý kiến dân chúng và các học viện nghiên cưu chuyên ngành quan hệ quốc tế, an ninh chiến luọc và kinh tế quốc tế đã không xảy ra.
Các cuộc họp chuyên đề do Đại học Thâm Quyến và Tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào ngày 20 tháng Ba năm 2014 không nằm trong khuôn khổ lấy ý kiến này, vì nó xảy ra trước khi có Quyết định của Bộ Chính trị và đây là một phiên họp mang tính chỉ đạo của các chuyên gia Trung Quốc cho Việt Nam.
Cuộc hội thảo ngày 18 tháng 1 năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cũng không phải là lấy ý kiến mà xác định vị trí chiến lược của Đặc khu Vân Đồn là hành lang nối Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, nên phần trình bày này cũng không phải là trong tinh thần của Điều 11.
Trước đây, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam có cho ra đời tác phẩm “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh mới“, mà trong đó có đề cập đến vai trò chiến lược của Vân Đồn, nhưng Quốc hội không tham khảo hay thảo luận vì không được phép.
Trong tiến trình soạn thảo dự luật, tất cả các đại học chuyên khoa thuộc chính phủ và các sinh viên, học sinh không lên tiếng nói về một vấn đề hệ trọng của đất nước. Chỉ có một số ít các trí thức độc lập làm thỉnh nguyện thư theo thông lệ và không gây được tiếng vang. Sự im lặng truyền thông lề phải cũng có nghĩa là đồng loã với ý kiến của Bộ Chính trị.
Điều 54
Các nhà lập pháp cần có kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ một cách minh bạch và dễ hiểu cho mọi người, nhằm tránh mọi hiểu lầm tác hại. Điều 54 khoản 4 quy định:
Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực theo bảo lãnh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh …
Dự luật muốn ám chỉ là người Trung Quốc. Do nhạy cảm chính trị mà Quốc hội không dám nêu đích danh Trung Quốc; trong thực tế, Quốc hội luôn dành ưu quyền cho Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, dự luật không có một chữ nào về Trung Quốc. Nội dung của Khoản 4 là một phản chứng. Các nhà lập pháp đã vi phạm về tính trong sáng trong việc soạn thảo.
Do đó, Quốc hội không tuân thủ về hình thức và gây sai phạm trong tiến trình lập pháp.
Nội dung
Dự luật chỉ sao chép các nội dung đã đề cập trong đề án, nên các sai phạm của các nhà lập pháp cũng giống như các chuyên gia hoạch định của chính quyền. Một số sai phạm chính về lập pháp được liệt kê như sau:
Điều 33
Trong khi Luật Đất đai quy định thời hạn cho thuế đất tối đa là 70 năm, thì Điều 33 Luật Đặc khu cho phép đến 99 năm mà không biện minh lý do cụ thể.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy là cũng đã có các hợp đồng cho thuê đất lên đến 99 năm, nhưng khi hợp dồng đáo hạn, người thừa kế hợp đồng thuê sẽ hoàn trả. Niềm tin này không có trong trường hợp của Trung Quốc vì hung đồ xâm chiếm biển Đông và các nước khác trong khu vực đã thể hiện rõ. Với các hình thức lũng đoạn, mọi việc chuyển nhượng đất đai là khả thi và trở thành hợp pháp. Người Hoa đã dùng tiền để nhờ người Việt đứng tên mua đất, nên tương lai của các đặc khu trở thành một tô giới. Khi quyền quyết định của Đặc khu trưởng như là lãnh chúa điạ phương, thoát khỏi mọi kiểm soát của chính quyền trung ương, thì các Đặc khu của Việt Nam sẽ thành tô giới mới.
Giá cho thuê biển của Việt Nam theo Điều 33 là khoảng 7 triệu đồng/ha/ năm. Hai hậu quả nghiêm trọng việc cho thuê dài hạn là thất thu ngân sách và mất biển.
Giới đầu tư công nghệ cao không cần có ưu đãi mà triển vọng sinh lợi là yếu tố thu hút để cho họ quyết định tham gia đầu tư. Cho thuê 70 năm hay 99 năm là không quan trọng, mà chính vì cơ chế quản lý về luật đất đai không đủ khả năng giải quyết các tranh chấp là thách thức lớn. Các xung đột giữa doanh nghiệp và dân chúng ở Hà Đông, Đồng Tâm, Đà Nẵng, Thủ Thiêm là bằng chứng cho thấy là Luật đất đai không phù hợp. Cho thuê đất 50 năm đã phát sinh những vấn đề thiếu hiệu năng về kinh tế và bất ổn chính trị mà chính quyền còn chưa giải quyết được, thì hậu quả của việc cho thuê đất 99 năm càng khó lường được, nhất là khi có yếu tố Trung Quốc.
Cho thuê biển với giá thấp hay cao không là vấn đề mà mục tiêu sử dụng của giới đầu tư là trọng tâm: khai thác mặt biển, cột nước và đáy biển có phải là một thảm họa có tính chiến lược và an ninh lãnh thổ không, nếu có, thì với mức độ nào, Quốc hội không nghiên cứu nội dung này.
Điều 39
Điều 39 quy định đặc khu được quyền bội chi nhưng không vượt quá 70% ngân sách. Bội chi ngân sách là một tình trạng cần phải tránh. Điều này là một nghịch lý vì tình hình chung của ngân sách là thất thu trầm trọng và phải dùng đến nợ công để quân bình ngân sách. Quyền bội chi của đặc khu mà không có biện minh là một sai lầm nghiêm trọng về kỷ luật ngân sách, một sai phạm sơ đẳng của các nhà lập pháp.
Chính ra Quốc hội phải quy định các biện pháp kiểm tra, chế tài những sai phạm trong kỷ luật ngân sách, đó là cần thiết hơn. Cơ quan nào sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách cho các Đặc khu? Không ai biết. Nếu dựa vào nguồn cấp viện của Trung Quốc, thì không phải ngân sách của các Đặc khu mà là tình trạng chung về tài chính của Việt Nam sẽ sụp đổ.
Ngoài ra, Điều 7 Khoản 3 quy định “khi tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Khi chấp nhận cho tòa án quốc gia khác xét xử dân Việt khi sự việc xảy ra trên lãnh thổ Việt, đó là một hình thức trị ngoại pháp quyền trong tô giới. Kinh nghiệm trong thời kỳ liệt cường xâu xé là một bài học mà giới trí thức Trung Quốc cho là một mối nhục trăm năm cho đất nước (thiên niên quốc sĩ). Quốc hội không hề tiếp thu kinh nghiệm này.
Điều 40 và 43
Điều 43 quy định thuế được ưu đãi rất thấp (10%) và được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp, chỉ có đầu tư bất động sản là chịu thuế 17%, cũng không có thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư. Điều 40 miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó.
Tăng nguồn thu cho ngân sách là một lý tưởng cần thực thi. Thiết lập các trung tâm du lịch và casino không cần phải có điều khoản ưu đãi, vì các giới tài chính quốc tế hay công nghiệp cao không quan tâm ưu đãi thuế khóa.
Kinh nghiệm về đầu tư trong khu vực công nghiệp thông tin ở Bangalore, Ấn Độ là một thí dụ. Chính tài nguyên nhân lực sinh động là yếu tố quyết định cho giới đầu tư phương Tây tìm đến đầu tư tại Ấn Độ, Khi có cơ chế minh bạch, không tham nhũng, một hệ thống công nghệ phụ trợ và các đại học chuyên ngành, đó là những đặc điểm thu hút mà Việt Nam không có như tại Ấn Độ trước đây.
Tóm lại, nguyên nhân của Luật Đặc Khu là Đảng không phân biệt mục tiêu chính trị và trách nhiệm luật pháp, Bộ Chính trị vi phạm về thẩm quyền tối thượng của toàn dân, chính quyền sai phạm về kỹ năng hoạch định chính sách và Quốc hội sai phạm về kỹ năng lập pháp mà hậu quả là không vẹn toàn lãnh thổ, mất an ninh khu vực và thảm hoạ diệt vong.
Giải pháp
Phản ứng đầu tiên của Quốc hội vào ngày 9 tháng 6 năm 2018 là lùi thời gian biểu quyết Luật Đặc khu vào tháng 10 năm 2018 trong khóa họp thứ VI. Đây là một kế hoãn binh, nhưng không phải là một giải pháp đúng đắn cho vấn đề đang sôi bỏng.
Giải pháp chung quyết cho vấn đề là Quốc hội phải thu hồi Luật Đặc Khu cho phù hợp với tình hình mới. Thực hiện giải pháp này tùy thuộc vào thiện chí của chính quyền và lòng căm phẫn của dân chúng. Hiện nay, không ai tin là Đảng có thực tâm thu hồi cho phù hợp với lòng dân mà toàn dân sẽ tích cực tham gia chống đối trong trường kỳ. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa bạo lực của độc tài ngày càng thô bạo và ước vọng thay đổi của dân chúng đang trỗi dậy. Chính quyền còn đàn áp dân chúng đến bao lâu? Việc dân chúng tiếp tục biểu tình sẽ đi về đâu? Chính quyền có can đảm tái diễn kịch bản Thiên An Môn không? Dân chúng có thể hiện được tinh thần Diên Hồng không?
Thiên An Môn? Đó là một vết nhơ trong lịch sử của Trung Quốc mà Việt Nam có thể tránh. Những tin tức sau vụ bạo động tại Bình Thuận cho thấy ngược lại. Chính quyền trang bị vũ khí tối đa để “sẵn sàng chiến đấu” chống lại nhân dân, lực lượng mà họ xem là thế lực thù địch. Vũ khí của Đảng hôm nay không còn là bạo lực mà là lập luận của lý trí dựa trên khái niệm pháp luật để thuyết phục.
Đảng phải chấp nhận lòng căm phẫn của dân chúng và thuyết phục dân chúng trên cơ sở đối thoại. Việc mất biển và mất nước là sự thật khách quan, đó không phải là ác ý nói xấu chế độ. Đảng và dân chúng, ai sẽ thắng ai trong các lập luận này, không ai biết được, nhưng lý trí là mệnh lệnh của thời đại để cả hai cùng tuân thủ. Tiếp tục sử dụng bạo lực để trấn áp người biểu tình thì Đảng sẽ không còn chính danh, làm cho tình hình tệ hại hơn mà Liên Xô, Đông Âu và khối Ả Rập là bài học.
Tinh Thần Diên Hồng? Khi dân chúng ý thức rằng Luật Đặc Khu là vấn đề mà dân chúng đem lại giải pháp thì tinh thần Diên Hồng sẽ là một phương tiện và là cơ hội để toàn dân tham gia. Sự đồng thuận theo tinh thần Diên Hồng cần được khơi dậy.
Khi Hốt Tất Liệt, Hoàng đế Đại Nguyên, đang chuẩn bị chinh phạt Đại Việt, thì vua quan nhà Trần đã ý thức nguy cơ và triệu tập hội nghị Bình Than vào năm 1282 để tìm cách ứng phó. Hội nghị đã phản ảnh mức độ căm phẫn của nhân dân với kẻ thù và tạo thành một nội lực cho kháng chiến, có tác dụng gây chính danh cho chính quyền. Cuối cùng và quan trọng nhất là tinh thần Diên Hồng tạo nên một sự đồng thuận chung cho đất nước. Lịch sử đang tái diễn và chúng ta nên học tập.
Ngày 10 tháng 6 năm 2018 là một khởi đầu mới, dân chúng tự muốn thoát khỏi tình trạng vô cảm để giải quyết vấn đề an nguy vì không ai muốn mất nưóc và mất biển. Các cuộc biểu tình theo sau là những tín hiệu khởi đầu cho một sự bất ổn thường trực. Ước vọng của đa số đang dâng cao. Dân chúng muốn huỷ bỏ Luật Đặc khu, nhưng không đủ khả năng huy động sự đồng thuận của toàn dân để cùng thực hiện giải pháp này. Thành tựu tiệm tiến là một triển vọng khả thi trong khi không ai có thể cải thiện các lỗi hệ thống trong ngắn hạn. Nhưng Quốc hội cũng chưa có giải pháp lâu dài nào để thay thế cho Mật ước Thành Đô.
Trong thời kỳ chuyển tiếp này, cộng đồng mạng là tác nhân quan trọng tạo nên một hệ thống thông tin trung thực và nhanh chóng hơn cho xã hội, trong khi đa số thầm lặng đang bị bưng bít sự thật và mất niềm tin. Cộng đồng mạng sẽ mang lại kiến thức và kiến thức trở thành ý thức. Ý thức giúp nâng cao khả năng của chúng ta để phán đoán về quyền dân tộc tự quyết: Đảng đã tước đoạt quyền dân tộc tự quyết và không thức tỉnh về lý trí và đạo đức. Đảng không còn tai để nghe và mắt để thấy lòng căm phẫn của dân chúng, chỉ muốn tiếp tục nắm quyền mà không cần có lòng dân.
Nhận chân các giá trị này và nỗ lực để thực thi là vấn đề chọn lựa hành động của toàn dân. Tác động chuyển hóa xã hội cho phép chúng ta lạc quan về tinh thần Diên Hồng. Trang bị tinh thần Diên Hồng cho dân tộc trong cơn nguy biến là một khởi điểm. Nếu hồn thiêng sông núi còn hỗ trợ cùng với các may mắn khác, một trang sử mới cho dân tộc sẽ lật qua: Đảng sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát.