Song Phan
30-6-2018
Có lẽ do tin vào bản đồ sai [1] đăng trên một số trang nước ngoài, kể cả từ một vài học giả nghiêm túc, chẳng hạn như trên The Econmist 21/06/2018 mà nhiều người đã chia sẻ bản đồ ‘bụng bầu’ sau:
Và họ cho rằng “Đây là vùng biển của Việt Nam được thế giới công nhận và thực tế Việt Nam kiểm soát đến năm 1974” (?!)
Bản đồ kiểu như trên có:
– Phần trong vịnh BB rất gần với cách phân giới biển trong bản đồ kèm theo HĐ phân giới biển vịnh Bắc Bộ giữa VN và TQ 25/12/2000, trừ phần quanh đảo Bạch Long Vĩ đường phân giới gâǹ đảo HN hơn (so sánh phần đầu của bản đồ 1/2 với 3);
– Phần kế đó có vẻ vẽ theo trung tuyến giữa VN và TQ (đảo Hải Nam) (so sánh phần kế trên bản đồ 1/2 với 5),
– Phần bao bọc HS và TS rất giống bản đồ ‘5 GẠCH’[2] do trung tá hải quân Vũ Hữu San (từng chỉ huy một chiến hạm VNCH trong trận Hoàng Sa 1974) đề xuất vào tháng 5/2007 (so sánh phần ‘bụng bầu’ của bản đồ 1/2 với 4),
– Phần còn lại có vẻ phần nào vẽ theo HĐ phân giới biển Thái-Việt 9/8/1997, nhưng có lẽ chưa tham khảo HƯ phân giới thềm lục địa VN -Indonesia 26/6/2003, bản ghi nhớ về Khu vực phát triển chung của VN và Malaysia 5/6/1992, HĐ phân định Vùng nước lịch sử giữa VN và CPC 07/7/1982, hoặc đường Brevié 31/1/1939… (so sánh phần cuối bản đồ 1/2 với phần cuối bản đồ 5).
Như vậy bản đồ kiểu này khó có thể là bản đồ chính thức của chính phủ VN nào (nếu CPQG thì lúc đó chưa có đường ‘5 gạch’ của trung tá San; còn CP CS, nay cả khi chấp nhận ‘5 gạch’ của tác giả thuộc VNCH thì chắc cũng khó làm ‘mặt dầy’ để vẽ ra những phần trái với những thoả thuận mà mình đã kí…). Đúng như Talor Fravel nhận xét, bản đồ này mô tả sai lệch vùng đặc quyển kinh tế (EEZ) của VN. Cũng đúng thôi, bản đồ ‘5 gạch’ do trung tá San đề xuất trước khi có phán quyết của toà trọng tài thường trực 12/7/2016; vì thế ông có thể ông không biết chắc rằng TS không có EEZ (và HS cũng có rất nhiều khả năng như vậy) và các đảo chìm không thể sở hữu được… từ đó, với lòng yêu nước nóng bỏng cộng với thời gian dài gắn bó với biển đảo đã làm ông phóng tay vẽ ‘hải phận’ VN phình ra hơi quá mức theo tình cảm của mình.
Tóm lại, bản đồ dạng ‘đầu dơi mình chuột’ này là một sản phẩm thiếu nghiêm túc (không loại trừ khả năng dùng để bêu rếu VN – cũng tham lam không thua gì TQ), không hề được ai công nhận và VN tới 1974 cũng không đủ khả năng để kiểm soát một vùng biển rộng như thế.
Chính phủ VN cho đến nay vẫn chưa công bố chính thức trọn vẹn bản đồ các vùng biển thuộc về mình. Tuy nhiên, dựa vào hiệp ước kí kết với các nước láng giềng và các hồ sơ gởi cho LHQ[3] chúng ta có thể chỉ ra chính xác vùng biển của VN, trừ phần từ đường đóng vịnh BB (đường nối từ đảo Cồn Cỏ tới đảo Hải Nam) – phần này dính dáng tới quần đảo HS mà VN đang còn tranh chấp chủ quyền gay gắt với TQ nên CPVN vẫn còn thả nổi. Phần này, nếu vận dụng phán quyết của toà trọng tài thường trực 12/7/2016 thì có nhiều khả năng không có đảo nổi nào ở Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và do đó sẽ khá an toàn khi dùng trung tuyến giữa bờ biển VN và bờ biển đào Hải Nam làm đường phân giới.
Một bản đồ như vậy thể hiện trên Google Earth như sau:
*Lưu ý:
– EEZ của VN là phần tô màu tím trong bản đồ.
– Các đốm màu xanh bao quanh các đảo HS, TS là lãnh hải 12 hải lí bao quanh các đảo nổi, tuy nhiên toàn bộ các đảo ở HS đang bị TQ chiếm đóng, và một số đảo ở TS cũng nằm trong tay TQ, PLP và Malaysia. Lãnh hải của các đảo chỉ thể hiện gần đúng vì muốn vẻ chính xác ranh giới ngoài của lãnh hải phải biết đường cơ sở của đảo và đường này lại dựa vào ngấn nước triều thấp bao quanh đảo đó (do nước có chủ quyền công bố) – hiên nay do tình trạng các đảo đang tranh chấp nên khó có những thông tin tới mức chi tiết như thế.
– Đường giới hạn EEZ của VN, trừ đoạn màu trắng vẽ theo trung tuyến, còn lại đều được vẽ theo đúng toạ độ nêu trong các văn bản có liệt kê trong phần ghi chú.
– Trên cơ bản EEZ và lãnh hải trong bản đồ này theo đúng quy định trong UNCLOS.
Hi vọng không còn ai ngộ nhận vềchủ quyền trên biển Đông của VN sau khi đọc được note này.
______
[1] M. Taylor Fravel: Erroneously depicts Vietnamese and Philippine EEZs, while failing to show the EEZ that China does claim.(https://twitter.com/fravel/status/1009950603286646785)
[2] Vũ Hữu San, Địa lí Biển Đông (http://www.lebichson.org/VuHuuSan-DiaLyBienDong.pdf): “…Trong khi mong mỏi Nhà Nước vẽ một bản-đồ chính-thức về chủ-quyền Biển Đông trước khi quá muộn, có thể làm mất đi phần gia-tài thiêng-liêng Cha Ông để lại; chúng tôi mạo-muội đề-nghị một tẩm bàn-đồ giản-dị dễ nhớ gồm 5 gạch:
– 2 gạch phia trên cho hài-phận Hoàng Sa.
– 3 gạch phía dưới cho hải phận Trường Sa
Bản đồ 5 gạch này là một “thí dụ” cho mẫu vẽ mà Việt Nam cần có để dễ dàngnói lên chủ quyền hiển nhiên của quốc gia chúng ta.”
[3] Các văn bản xác định phần biển thuộc chủ quyền VN:
- Hiệp định phân giới biển vịnh Bắc Bộ 25/12/2000 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hiep-dinh-phan-dinh-lanh-hai-vung-dac-quyen-kinh-te-them-luc-dia-cua-hai-nuoc-trong-Vinh-Bac-Bo-giua-Viet-Nam-Cong-hoa-nhan-dan-Trung-Hoa-2004-17456.aspx
- Bản đồ Việt Nam 200M kèm theo hồ sơ đăng kí thềm lục địa mở rộng cùng với Malaysia gửi UN CLCS trong Executive Summary 6/5/2009 http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/mys_vnm2009excutivesummary.pdf
- Hiệp ước phân giới thềm lục địa Việt Nam – Indonesia 26/6/2003) https://treaties.un.org/doc/publication/unts/no%20volume/part/i-44165.pdf
- Bản ghi nhớ Khu vực phát triển chung của Việt Nam và Malaysia 5/6/1992 (http://cil.nus.edu.sg/rp/il/pdf/1992%20MOU%20between%20Malaysia%20and%20Vietnam%20for%20the%20Exploration%20and%20Exploitation%20of%20Petroleum-pdf.pdf
- HĐ phân giới biển Thái-Việt 9/8/1997 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Hiep-dinh-phan-dinh-ranh-gioi-tren-bien-giua-hai-nuoc-trong-vinh-Thai-Lan-115758.aspx
- Hiệp định về Phân định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia ngày 07/7/1982 (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Hiep-dinh-vung-nuoc-lich-su-Viet-Nam-Campuchia-115569.aspx)