Hồ Bạch Thảo
26-6-2018
Thời tôi học tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, qua các chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, Văn Chương Việt Hán, được học tác phẩm của các danh sĩ Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh; hiểu được dòng họ Phan Huy đóng góp rất lớn cho nền văn hóa nước nhà.
Bấy giờ tại Sài Gòn có Bác sĩ Phan Huy Quát mở phòng thí nghiệm y khoa, một phòng thí nghiệm hiếm hoi lúc bấy giờ, giúp chẩn bịnh được chính xác hơn; ông cũng tham chính, từng giữ chức Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 2000 tôi tìm mua bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mới xuất bản, tại đầu sách có bài khảo cứu công phu về tác giả, văn bản và tác phẩm của Giáo sư Phan Huy Lê, em ruột Bác sĩ Quát. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dịch rất công phu, chú thích khá kỹ, in nguyên văn chữ Nho kèm theo; phần dịch có đánh số trang nguyên văn, nên người đọc có thể tham khảo một cách dễ dàng.
Tôi nghĩ có được những ưu điểm như vậy cũng là nhờ sự chỉ đạo của Giáo sư Phan; riêng tôi coi đó là bộ sách gối đầu giường, thường xuyên tham khảo. Rồi sau đó tiếp tục đọc các bài viết của Giáo sư về thành Thăng Long, châu bản triều Nguyễn; được học hỏi thêm nhiều.
Vào dịp tết năm Bính Thân [2016] tôi về Việt Nam ăn tết, có ghé qua Hà Nội. Anh Nguyễn Bá Dũng, người bạn đồng chí hướng trong việc sưu tầm nghiên cứu lịch sử, đến chơi và cho biết, Giáo sư Phan Huy Lê muốn gặp tôi tại nhà xuất bản Thăng Long vào ngày mai. Trong buổi gặp mặt, Giáo sư cho biết ông hiện đang chủ trì biên soạn một bộ sử lớn, đề cập đầy đủ các triều đại và chính thể, cố gắng khách quan, dựa vào tư liệu gốc; ông mời tôi tham gia.
Lúc bấy giờ tôi mới được giải phẫu về ung thư cuống phổi hơn một năm, sức khỏe còn yếu nên xin từ chối; và nói với ông rằng tôi rất hân hoan việc soạn sử mới; riêng tôi hiện đang dịch Nhị Thập Ngữ Sử, nếu ông cần sẽ xin gửi. Đến tháng 5/2017 thì hoàn thành, tôi gửi ông với khoảng 400 trang phần dịch, và 400 trang nguyên văn chữ Nho với Lời dẫn như sau:
“Một tấm ảnh chụp chưa hẳn đã thể hiện đúng hình thực, người cẩn thận phải chụp các kiểu ảnh gần, xa, thẳng, nghiêng vvv…; gộp lại mới mong gần đúng với thực thể. Tương tự, nhà nghiên cứu cổ sử tìm hiểu quá khứ xa vời hàng ngàn năm, không thể thoả mãn với sử liệu đơn độc; bởi vậy cất công sưu tầm từ nhiều nguồn là việc đáng làm. Nguồn từ Trung Quốc nằm trong 25 bộ sử lớn, mệnh danh Nhị Thập Ngũ Sử. Lịch sử Việt Nam trong các bộ sử này, thường được chép vắn tắt trong phần Bản Kỷ; khi sự kiện liên quan đến các nhân vật nỗi tiếng, lại được chép kỹ hơn tại phần Liệt Truyện; tìm hiểu vị trí vùng đất tại nơi nào, cần khảo thêm phần Chí. Người khảo cứu thể theo trình tự bộ sử, lần lượt dịch các sử liệu liên quan đến Việt Nam, từ bộ sử này đến bộ khác; chỉ cốt mong cho khỏi thiếu, nên không ngại sự kiện có chỗ trùng lặp. Thiết nghĩ lịch sử như một tấm lụa, trân trọng dệt bởi hai sợi tơ ngang dọc thời gian và không gian; nhắm giúp độc giả dễ hình dung khái quát về bối cảnh, trong chừng mực có thể được, đổi thời gian ra ngày tháng Dương lịch, còn không gian qui ra địa danh hiện tại có sẵn trên bản đồ Google.
Ngoài ra, với ý đồ chiếm Biển Đông, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc viết theo đơn đặt hàng bởi nhà nước; lớn tiếng khẳng định cái gọi là Tây Sa, Nam Sa nằm trong lãnh thổ của họ từ ngàn xưa; nay một công đôi việc, qua sử, chí Trung Quốc hãy xét lại vấn đề đó. Cuối cùng có phần lời bàn, nhắm nêu thêm những ý kiến về những sự kiện lịch sử cần tìm hiểu.
Thiết tưởng hiểu một cách rốt ráo ý nghĩa câu văn chữ Hán thời xưa là vấn đề khó khăn ngoài sức mình; việc mằn mò tìm tài liệu về sử Việt trong các bộ sử Trung quốc, chẳng khác gì các bà nội trợ kiên nhẫn nhặt những hạt gạo rải rác đó đây, nên sự thiếu sót không thể nào tránh khỏi! Nhưng với tâm nguyện đóng góp một phần nhỏ trong việc bổ sung kho tàng lịch sử nước nhà, người khảo cứu chỉ biết tận tâm gắng sức mà thôi.
Nay xin lần lượt dấn bước sưu tầm, phiên dịch sử liệu trong Nhị Thập Ngũ Sử, khởi đầu là Sử Ký Tư Mã Thiên đời Hán, cho đến Thanh Sử Cảo đời Thanh.”
Những điện thư trao đổi giữa Giáo sư và tôi về Nhị Thập Ngũ Sử vẫn còn nằm trong trang Email! Tuy nhiên hiện nay Giáo sư đã thành người thiên cổ, nhưng những công trình biên khảo của ông vẫn mãi mãi để cho đời.
Dự định của Giáo sư hoàn thành một bộ sử lớn cả về lượng lẫn phẩm là nhu cầu bức thiết cho đất nước, cần được tiếp tục thực hiện. Vì lịch sử là chỗ dựa vững chắc cho người Việt; thiếu cốt cách đó, mà chỉ mù quáng lao theo mối lợi nhất thời, thì có thể gây họa cho cả dân tộc.