15-6-2018
Mấy ngày gần đây, cả hệ thống truyền thông đều tập trung đưa tin, cho rằng việc biểu tình là nguyên nhân gây ra rối loạn xã hội.
Mặc dù toàn bộ hệ thống truyền thông đều cố tình tránh né chữ “biểu tình”, thay vào đó là cụm từ “tụ tập đông người”, nhưng chẳng cần phải mất công suy nghĩ nhiều cũng thấy người ta đang cố tình gán ghép việc biểu tình với việc đập phá. Và qui tất cả các thiệt hại cho biểu tình.
Thậm chí, một số bài báo còn cho rằng việc công ty Pouyuen có ý định rút khỏi Việt nam là do phong trào chống Trung Quốc. Và họ cho rằng, những người biểu tình chống Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về gần 100.000 công nhân, nếu họ không có việc làm.
Đọc qua các thông tin thấy có gì đó quen quen. Thì ra là chuyện bạo hành y tế. Người ta đổ lỗi cho bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế nào là thờ ơ, nào là vô cảm, nào là vòi vĩnh… làm cho bệnh nhân bị tử vong, và người ta sẵn sàng đâm, chém, đấm, đá, tát… vào những kẻ mà họ cho là gây ra cái sự khó chịu cho họ và người nhà họ.
Thế nhưng, những kẻ đó không nghĩ đến hàng triệu bệnh nhân được cứu chữa khỏi bệnh. Và, quan trọng hơn, họ không nghĩ tại sao họ phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện, tại sao bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng quá nặng, để bác sĩ và nhân viên y tế không còn có thể cứu chữa nổi.
Trong khi cả nước có hàng chục địa phương xảy ra biểu tình, nhưng chỉ có Bình Thuận là có hiện tượng đập phá, thì người ta kết tội cho biểu tình một cách đồng nhất. Và người ta né tránh việc, ai đã chơi chiêu lừa dân, tung bài đặc khu để thủ đắc an ninh mạng.
Ai làm cho người dân phải đi biểu tình? Tại sao người dân không biểu tình chống Mỹ, chống Đức, khi Đức ngưng quan hệ chiến lược, lại còn truy nã cán bộ cao cấp của ta, mà dân lại biểu tình chống Trung Quốc?
Trong khi ở Đà nẵng, báo chí đã đăng tải nhiều lần về hiện tượng người Trung quốc thu gom đất, nhưng ông Bộ trưởng Bộ TNMT vẫn thách thức, rằng ai thấy thì chỉ cho ổng. Trong khi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà đông cứ dây dưa mãi không xong, càng ngày càng đội vốn lên cao, thì các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục được trúng thầu hết công trình này đến công trình khác, và các công trình cứ thi nhau chậm tiến độ và đội vốn.
Trong khi Trung quốc bồi đắp, xây căn cứ quân sự trên các đảo chúng chiếm đóng của Việt Nam, Philipines kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế, thì chính quyền cứ nhai mãi điệp khúc “quan ngại”, “có đủ bằng chứng”. Trong khi đó, các nhóm thân chính quyền tha hồ dùng các biện pháp bẩn thỉu để không cho ai nói lên tiếng nói chống Trung Quốc xâm lược, dùng những ngôn từ bẩn thỉu nhất trên mạng để mạt sát bất cứ ai không đồng ý với việc để cho Trung Quốc tự do chiếm biển đảo quê hương.
Trong khi ngay tại Trung Quốc, người ta cấm các nhà máy nhiệt điện chạy than hoạt động, thì chính quyền lại nhập các nhà máy và công nghệ phế thải đó vào Việt nam, do người Trung Quốc thi công, lắp đặt, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Khi người dân phản đối thì bị đàn áp.
Làm sao mà không chống Trung Quốc được?
Ở trong nước, hết tượng đài đến trụ sở được xây dựng, hết dự án này đội vốn đến dự án kia đội vốn, thậm chí có cái đội vốn lên tới 36 lần. Mặc dù chính quyền thiếu tiền, nhưng chính phủ vẫn không cắt giảm những chi tiêu vô lối đó, mà tăng thuế vô tội vạ, làm bần cùng hóa người dân. Đường dân đang đi thì chặn lại đòi tiền mãi lộ. Dân phản ứng thì cho ra luật thu giá thay cho thu phí.
Làm sao người dân không bức xúc?
Trong các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc trong ngành da giày đầu tư vào Việt Nam, Pouyuen có vẻ có nhiều chính sách tốt với công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, những chính sách tốt của Pouyuen đối với công nhân Việt Nam chỉ có sau những lần biểu tình, đình công của công nhân, chống lại việc tăng ca vô tội vạ, chống lại việc tăng ca mà không tăng tiền lương ngoài giờ.
Còn một điều nữa, là khi cuộc đình công của công nhân Pouchen chống lại việc BHXH đưa ra luật không được rút tiền bảo hiểm 1 lần, thì mọi người mới té ngửa. Thì ra cái tốt ấy cũng chỉ cho công nhân làm đến khoảng 40 tuổi, sau đó phải chịu cảnh thất nghiệp. Nếu bây giờ Pouyuen không rút đi, thì vài năm nữa, câu chuyện thất nghiệp của công nhân Pouyuen cũng sẽ nóng. Mà chưa biết chừng, đó có phải lí do để Pouyuen có ý định rút đi hay không.
Không có gì dễ dàng bằng đổ tội cho những người dân thấp cổ bé họng. Không có gì dễ dàng bằng việc dùng quyền lực để tự khen và bắt người khác phải khen mình. Nhưng cũng không có gì khó bằng việc giữ được lòng dân.