21-5-2018
Mặc dù đã có nhiều năm bước sang chế độ hậu cộng sản, cuộc chuyển đổi ở nhiều quốc gia ra khỏi hệ thống này vẫn chưa ‘có điểm kết’, trong lúc các biến thể cộng sản và hậu cộng sản có nhiều diễn biến đa dạng trên toàn cầu, kể cả từ chuyển sang ‘dân túy’ cho tới tham vọng muốn kết hợp ‘chủ nghĩa xã hội’ với ‘kinh tế thị trượng’, một số nhân chứng và nhà nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và toàn trị nói với BBC Tiếng Việt từ Paris, Pháp.
Bên lề một thảo luận khoa học ở Đại học Paris 7 – Diderot hôm 16/5/2018, một nhân chứng của chế độ cộng sản và toàn trị ở Romania, nhà văn Marina Anca – người có tham luận tại thảo luận, nói:
“Sự nghiệp chuyển đổi vẫn chưa kết thúc, chúng tôi vẫn còn có những người nắm quyền lực muốn đưa chủ nghĩa cộng sản trở lại như trước đây. Do đó tôi tiếp tục hy vọng có thêm nhiều dân chủ, nhưng mọi sự đang trên đường diễn ra.”
Về những vấn đề của chuyển đổi thời hậu cộng sản của Romania, nhà văn này nói:
“Phải mất một quá trình rất dài để có thể dọn dẹp được tất cả các vấn đề rắc rối mà chế độc cộng sản đã tạo ra và con đường đi tới dân chủ là một con đường dài lâu.
“Nhưng Romania đã trở thành một đất nước nhiều phát triển bây giờ, tăng trưởng rất nhanh, mọi người làm việc rất chăm chỉ và cuối năm Romania sẽ là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong 6 tháng, do đó đây sẽ là một cơ hội để phát trưởng tốt hơn hướng tới dân chủ.
Về phương diện tâm lý và xã hội, bà Marina Ance chia sẻ: “Tôi nghĩ việc hiểu biết về lịch sử là điều rất quan trọng và nhiều vị thành niên ngày nay không biết rõ Ceausescu là ai, do đó tôi viết sách để cho đồng bào, bàn bè của tôi, cho thanh niên Romania, những người không biết hết ông ta là ai.
“Nếu bạn phỏng vấn thanh niên ở lớp 20 tuổi ở trên đường phố và hỏi họ điều gì đã xảy ra 30 năm trước, nhiều người trong số họ không biết cha mẹ của họ đã chịu đựng đau khổ thế nào, đã có rất nhiều sự im lặng về chuyện này, nên tôi nghĩ việc lịch sử được kể ra là một điều cực kỳ quan trọng…
“Nhiều người Romania ngày nay không muốn so sánh cuộc sống ngày nay của họ với trước kia vì họ không muốn nhớ lại, khi tôi nói chuyện với ai đó, người ta đều muốn nhìn về phía trước mà không muốn nhìn lại quá khứ, đấy là một lối suy nghĩ.”
‘Dân túy và kết hợp mô hình’
Về hậu cộng sản tại nước Nga, đặc biệt dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin hàng thập niên qua, Giáo sư Gérard Abensour, nguyên Tùy viên Văn hóa của Pháp tại Liên Xô trước đây, nói với BBC:
“Điều diễn ra tại nước Nga ngày nay chính xác là chủ nghĩa dân túy… các cuộc bầu cử mang đậm tính chất tuyên truyền và chủ nghĩa quốc gia dân tộc do ông Putin và những người trong ê-kíp của ông tiến hành.
“Hãy lấy một ví dụ ngay chuyện nước Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào nước Nga, nhiều người dân Nga đã cho rằng đó là một việc bình thường. Crimea thuộc về nước Nga nên việc nó trở về với nước Nga là bình thường.
“Do đó có thể thấy nước Nga bây giờ rất đậm chất chủ nghĩa dân tộc và được củng cố thêm bởi sức mạnh vũ khí, sự phát triển quân sự trong nhiều năm gần đây, cuộc sống của đa số người dân vẫn còn chưa tốt, trừ một số người có rất nhiều tiền bạc… Tôi biết nhiều trí thức ở Nga không ủng hộ ông Putin, họ muốn có dân chủ, có quyền được biểu đạt…
“Hiện nay, một mặt nhiều người dân Nga cũng có nhiều cơ hội đi đây, đi đó hơn trong quá khứ…. và ông Putin là người đang có nhiều quyền lực, nước Nga của ông có lúc còn tỏ ra khá ‘hung hăng’, nhưng hậu Putin điều gì sẽ xảy ra với nước Nga, thì đó là điều mà tôi không thể nói được.”
Hiện tại, ở một số quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, đặc biệt vẫn theo các mô hình với đảng cộng sản cầm quyền và độc tôn, mặc dù chủ nghĩa này vẫn được duy trì bởi ban lãnh đạo, dường như đang có một số biến đổi, thích nghi diễn ra.
Bên lề cuộc Thảo luận khoa học về Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa Toàn trị hôm thứ Tư tuần trước, nhân 200 năm sinh của Karl Marx, một nhà nghiên cứu triết học từ Đại học Toulouse – Jean Jaures, Sina Badiei, nhân dịp này bình luận về kết hợp giữa mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa ở một vài quốc gia đang có ‘cải cách’ như Trung Quốc, Việt Nam, ông nói:
“Tôi nghĩ điều này còn tùy thuộc vào việc định nghĩa kinh tế thị trường và định nghĩa chủ nghĩa cộng sản thế nào…
“Đối với tôi, ý tưởng của kinh tế thị trường là tất cả mọi khía cạnh khác nhau của đời sống cần được quản lý bằng việc sử dụng cơ chế thị trường. Trong khi đó có nhiều định nghĩa về chủ nghĩa cộng sản, theo đó cho rằng tất cả lĩnh vực đời sống phải được tổ chức theo một cách tập thể thông qua nhà nước.
“Do đó theo tôi cả hai quan niệm này đều quá cấp tiến và quá có vấn đề…, chúng ta khó lòng có thể kết hợp một cách đơn giản chúng lại.”
Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến từ Thảo luận khoa học ở Đại học Paris 7 – Diderot, hôm 16/5/2018 trong thời gian tới.