19-3-2018
Ông không triển khai các chiến dịch đình đám, không có những tuyên bố gây sốc, không phô diễn hình ảnh, không tạo những dấu ấn cá nhân. Thời của ông, Chính phủ ít “tăng cường”, ít “đẩy mạnh”, ít “siết chặt”, thay vào đó là những từ “bãi bỏ”, “giảm thiểu”, “nới lỏng” xuất hiện ngày càng nhiều.
Công lao của ông không phải là xây dựng một Chính phủ mạnh, mà ngược lại, ông bắt đầu tạo ra xu thế cho Chính phủ bé lại. Chính phủ mạnh thì dân ít tự do, Chính phủ bé thì dân có nhiều tự do. Những gì dân làm được thì Chính phủ không làm. Ông không nghĩ đến việc tăng thuế mà luôn nghĩ đến việc giảm thuế. Đối với ông, tiền dân mang ra đầu tư thì tốt hơn là tiền giao cho Chính phủ mang ra đầu tư. Dù không nói ra, nhưng ông đã âm thầm khiến cho người dân biến “ơn Đảng ơn Chính phủ” thành ơn của chính họ.
Một xã hội tự do không bao giờ là kết quả của những cuộc cách mạng. Lịch sử thế giới cho thấy, nó chỉ có thể là thành tựu tiệm tiến, bắt đầu từ tự do kinh tế. Không có tự do kinh tế thì không bao giờ có tự do chính trị. Tự do kinh tế là thành tựu được nhiều người hưởng lợi nhất, nếu không muốn nói là toàn dân được hưởng lợi, trừ bộ máy quan liêu. Tự do kinh tế tất yếu sẽ tiệm tiến dẫn đến tự do chính trị, bất chấp mọi sự cản trở của bộ máy quan liêu.
Tự do kinh tế đã tiến một bước rất dài là công lao không được ghi nhận của rất nhiều người, từ ông Kim Ngọc khoán chui và những người “bảo kê” cho ông ấy, đến những người phá rào và “bảo kê” cho phá rào trước đổi mới, đến các nhà lãnh đạo và các chuyên gia thầm lặng thúc đẩy công cuộc đổi mới, nâng niu từng chút một những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều người đi “quá đà” đã phải hy sinh, nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ không hề vô ích.
Ngay cả trong thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp “toàn tòng” trước năm 1975 ở miền Bắc, vẫn có những người như ông Tạ Đình Đề chấp nhận “lên bờ xuống ruộng” để phá rào làm theo thị trường. Cái xưởng cao su Đường Sắt của nhân vật huyền thoại này từng gây chấn động một thời khi nó không thực hiện nguyên tắc kinh tế XHCN mà áp dụng nguyên tắc của thị trường, tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động, xí nghiệp ăn nên làm ra, hàng hóa xuất khẩu đến 9 nước. Ông Đề đã bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa cũng gây chấn động nhưng ông đã được xử trắng án. Không chỉ có vị nữ thẩm phán Phùng Lê Trân hào hiệp tuyên ông vô tội bất chấp gọng kiềm kế hoạch hóa và sự nguy hiểm của bản thân mà còn có những vị cao hơn đã âm thầm bỏ lơ “tội” của ông.
Ông Phan Văn Khải kế thừa những di sản thầm lặng của những người đi trước, trực tiếp là di sản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông khiêm nhường dưới cái bóng của người tiền nhiệm. Ông không phải “phá rào”, không cần “bảo kê” cho những nhân tố mới của thị trường. Nỗ lực của ông là thiết lập khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của thị trường, để Chính phủ không lấn tới, để Chính phủ lùi càng xa thị trường bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Mặc dù cơ chế thị trường vẫn còn khập khiễng trong hai nhiệm kỳ Thủ tướng của ông, nhưng nó vẫn đủ để Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại với Mỹ và gia nhập được vào WTO. Và trong hai nhiệm kỳ của ông, Nhà nước pháp quyền hiện hình rõ nhất dù còn lâu mới hoàn thiện.
Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn biết những rủi ro khó tránh khỏi trong một cơ chế thị trường chưa hoàn thiện : tham nhũng và lợi ích nhóm hoành hành, tội phạm gia tăng, đạo đức suy thoái, quyền lực bị lạm dụng. Có thể ông bị mang tiếng là vị Thủ tướng ít chống tham nhũng, ông cũng đã thành khẩn nhận trách nhiệm trước nhân dân trong bài phát biểu khi rời khỏi chức vụ. Ông chỉ có khả năng làm được những gì ông có thể để thúc đẩy cho kinh tế thị trường được vận hành suôn sẻ và tham gia củng cố nhà nước pháp quyền. Ông không nói mạnh miệng những gì mà ông không có khả năng làm được, đó cũng là điều đáng kính trọng.
Stt liên quan: Thêm cái nhìn tĩnh lặng về Thủ tướng Phan Văn Khải — “Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được”.