VN: Bộ luật Hình sự mới không còn các Điều 79, 88 và 258?

BBC

4-1-2018

Luật sư Đặng Đình Mạnh và nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh (bìa phải). Ảnh: FB Đặng Đình Mạnh

Một luật sư bình luận với BBC rằng sự thay đổi các Điều 79, 88 và 258 trong Bộ luật Hình sự tu chính là “lợi bất cập hại.”

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự tu chính chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo đó, các tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(Điều 79 Luật Hình sự cũ), “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 luật hình sự cũ) và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(Điều 258 Luật Hình sự cũ) đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn có thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này.

Hôm 4/1, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói: “Điều đáng nói nhất là Bộ luật Hình sự tu chính bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” mà luật hình sự cũ chưa từng quy định.”

“Cụ thể, tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

‘Ngày càng khắt khe’

“Tương tự, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3 : “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

“Đối với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 luật hình sự tu chính thay đổi quy định tại Khoản 2 từ “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” thành “Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận thêm: “Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?”

“Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” của các hành vi theo Điều 79, 88 (Luật Hình sự cũ) bị cho là có thể phương hại đến chế độ, một đàng cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn của chế độ, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước, đàng khác, cũng cho thấy một thực tế rằng các hành vi này ngày càng có vẻ phổ biến, phát triển hơn, “gây nguy hại” nhiều hơn!”

“Tóm lại, thay vì thúc đẩy thay đổi xã hội theo hướng tích cực tiệm cận hơn với các chuẩn mực của thế giới văn minh xung quanh ta, thì việc tu chính pháp luật theo hướng khắt khe hơn không phải là giải pháp của vấn đề, nó tựa như một sự giải khát bằng nước pha muối vậy, “lợi bất cập hại.”

Trong một diễn biến khác, bà Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài nói với BBC rằng gia đình “không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài” thay cho ba người mà gia đình đã mời.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giam giữ đã hơn hai năm nhưng phiên tòa xét xử đến nay vẫn chưa diễn ra.

Bà Khánh nói: “Chồng tôi gửi thư viết là đã kết thúc điều tra hôm 12/12/2017. Lẽ ra khi điều tra xong, họ phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ba luật sư tôi mà đã làm đủ thủ tục mời là các ông Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miếng và Đoàn Thái Duyên Hải.”

“Trong hai năm qua, các luật sư viết công văn cứ hết hạn tạm giam ông Đài bốn tháng một lần gửi họ và họ cũng đã viết công văn trả lời luật sư là do đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được tham gia.”

“Vậy mà giờ đây tôi được một luật sư khác báo tin là ông ấy được chỉ định để bào chữa cho chồng tôi vì lý do ông Đài không có luật sư.”

“Gia đình tôi không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài thay cho ba người mà chúng tôi đã mời.”

Nguồn tin của BBC cho hay nhiều khả năng phiên tòa xử Luật sư Đài có thể diễn ra ở thời điểm trước Tết Mậu Tuất 2018.

Bình Luận từ Facebook