Đào tạo tiến sỹ có quan trọng?

FB Luân Lê

22-11-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam không làm bất cứ cái gì một cách đồng bộ. Tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không có một nền kinh tế đủ mạnh và nền tảng một nền văn hoá vững chắc, nhưng vẫn tách khỏi thế giới để miệt mài đi tìm trong cái bụng đói và đôi chân nặng chì.

Trong vấn đề giáo dục, rõ ràng việc tăng lương cho giáo viên cũng là một giải pháp, nhưng nó không quan trọng bằng việc thực hiện cùng lúc với các yêu cầu thay đổi khác – đó là chương trình đào tạo và cách học, cụ thể hơn là phải chấm dứt tình trạng chính trị hoá nền giáo dục và vì thế dẫn đến việc cả người dạy và người học đều bị áp đặt cũng như trói buộc về tư tưởng bởi hệ thống cầm quyền. Vậy tăng lương mà chưa độc lập khỏi chính quyền thì chỉ tăng thêm tình trạng tham nhũng trong giáo dục. Cũng như ngành toà án, họ là đại diện cho cả một nền công lý của quốc gia, nếu xét về tầm mức quan trọng thì cũng là hàng đầu, nên họ lại tiếp tục đòi tăng lương cao nhất trong hệ thống công quyền thì sao?

Nhưng tăng lương rồi có giải quyết được vấn đề “công lý như chiêc gậy của kẻ mù loà” hay không? Vì khi hệ thống tư pháp chưa độc lập khỏi việc nằm dưới quyền kiểm soát về mặt chính trị của đảng, thì khi tăng lương, chắc chắn chưa tới mức để họ có thể giảm lòng tham, thì với cơ chế như trên thì họ sẽ phán quyết minh triết và khách quan bằng cách nào khi họ còn phụ thuộc vào một thực thể chính trị khác?

Tăng lương chỉ là giải pháp bề mặt mà không phải là biện pháp gốc rễ vấn đề đang tồn tại trong giáo dục.

Mới đây còn có ý kiến của giáo sư Châu Ngô về vấn đề nên tăng cường đào tạo tiến sỹ trong nước mà giảm đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài trong gói đào tạo 9.000 tiến sỹ đang được đề xuất thông qua với ngân sách 14.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng việc dịch chuyển mật độ tiến sỹ từ nước ngoài về trong nước là tiếp tục gây ra tình trạng lạm phát và khủng hoảng trình độ tiến sỹ.

Vì hai lẽ:

Một là, như giáo sư Hoàng Xuân Phú đã nhận định – không thể để tình trạng một hội đồng phong giáo sư, phó giáo sư và xét chấm luận án tiến sỹ lại là những người không có công bố quốc tế ISI/SCOPUS – tức người trình độ kém lại bình xét người học thật và học giỏi. Đây là một thực trạng vì trình độ tiến sỹ trong nước còn một khoảng cách quá xa vời so với tiến sỹ theo chuẩn các quốc gia phát triển. Vì vậy chuẩn tiến sỹ, giáo sư chưa đạt thì có đủ tiêu chuẩn để đào tạo tiến sỹ hay không?

Hai là, việc đào tạo tiến sỹ trong nước trong suốt mấy chục năm qua đã tạo ra sự khủng hoảng thừa và dễ dãi đến mức không thể chấp nhận được về chất lượng. Và hiện nay có hơn một nửa số tiến sỹ, giáo sư không giảng dạy, nghiên cứu mà công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp – tức là cán bộ, công chức, viên chức hoặc một số thì cũng chẳng làm gì cả. Và chủ yếu số này là tiến sỹ trong nước, có cả đi nước ngoài bổ túc về bằng cấp nhằm leo cao. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu lại tiếp tục đổ tiền vào việc đào tạo tiến sỹ trong nước với tình trạng tệ hại và quy cách đào tạo hiện tại? Nhật Bản thua xa chúng ta về số tiến sỹ (kém gấp 5 lần) nhưng số phát minh, sáng chế đến Mỹ và Đức còn không bằng.

Thêm nữa, rồi lực lượng các tiến sỹ đó sẽ làm gì, làm ở đâu và với môi trường (cả về lương bổng, điều kiện công tác, nghiên cứu) nào? Vì hiện tại việc đào tạo tiến sỹ chủ yếu là lĩnh vực để đáp ứng công tác quản lý xã hội, làm quan chức, hoặc để vào biên chế chứ không có môi trường chuyên nghiệp, chuyên môn để làm việc. Thế thì đào tạo trong nước hay đào tạo ở nước ngoài mà cái cần nhất là môi trường “sống” cho những chuyên gia này phát huy thì lại không có? Việc học tây, học ta chưa cần xem xét đến khi mà cái vấn đề căn bản của giáo dục và quyết định đến giáo dục chưa được giải quyết – đó là vấn đề thể chế chính trị – vì nó đã áp đặt lên toàn bộ hệ thống giáo dục ý chí của nhà cầm quyền, được phép hay không được phép làm gì, cần bao nhiêu và cần những ai, với trình độ nào, để dạy gì và truyền đạt những gì, hoàn toàn do quyền lực hệ thống áp đặt vào.

Mà ngay cả cho đến hiện giờ, những tiến sỹ được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã giúp đất nước thay đổi được gì, và họ ở đâu khi mà giáo dục ngày càng tệ, văn hoá ngày càng suy thoái và đất nước ngày càng tụt hậu? Học tây, học ta mà cuối cùng là không thay đổi được gì, vì ngay cả lên tiếng trước các bất công và thực trạng đất nước, chính trong lĩnh vực của họ trước, còn không làm được. Vậy tiến sỹ ở tây hay ở ta thì quan trọng? Người Nga vẫn có những nhà trí thức thực sự trong nước mà không cần học ở nước ngoài, ngược lại, chúng ta dù có đi học ở nước ngoài rồi cũng lại mất tăm mất tích khi về nước, hoặc là họ tìm cách ở lại quốc gia khác làm việc và cống hiến chứ không trở lại quê hương. Nhiều người trở về thì thất bại hoặc bất mãn, bất lực trước sự trì trệ của xã hội.

Vậy nên, thời trước trong lịch sử mới có sự kiện Nhân văn giai phẩm là vì các trí thức, nhà hoạt động nghệ thuật và sinh viên yêu cầu và đề nghị các hoạt động của họ cần và phải được độc lập với chính quyền mà không bị hạn chế về tư tưởng, bởi nó cần được khách quan trong sự vận động tự nhiên và tự thân của nó.

Đào tạo tiến sỹ và tăng lương giáo viên, chưa biết có thay đổi được điều gì tích cực (phải nhiều năm nữa trong tương lai mới có thể thấy) hay không, nhưng trước mắt ngân khố quốc gia, vốn đang cạn kiệt, lại sẽ bị thâm thụt thêm nữa và rồi có nguy cơ tạo nên một dòng tham nhũng mới trong việc định cư biên chế.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Tiến lên xã hội chủ nghĩa … nhưng vẫn tách khỏi thế giới”

    Ah, trí thức xã hội chủ nghĩa! Nhắc cho ổng biết, nếu muốn tiến lên xã hội chủ nghĩa, cách duy nhất là tách khỏi thế giới . Đơn giản vì thế giới hổng chịu tiến lên xã hội chủ nghĩa .

    “Nhưng tăng lương rồi có giải quyết được vấn đề “công lý như chiêc gậy của kẻ mù loà” hay không?”

    Giải quyết xong rồi . Công lý ở Việt Nam do mấy ông bà mù cầm gậy nên nó hài như diễn viên Công lý .

    1 số nhận xét của Luân Lê đưa ra chỉ rõ anh/ông ta không biết mình đang ở đâu

    “không thể để tình trạng một hội đồng phong giáo sư, phó giáo sư và xét chấm luận án tiến sỹ lại là những người không có công bố quốc tế ISI/SCOPUS – tức người trình độ kém lại bình xét người học thật và học giỏi”

    Nước mình là nước xã hội chủ nghĩa, những tiêu chuẩn tri thức của mình khác hẳn “quấc tế” aka tư bẩn . Đảng cần mở 1 tờ báo chuyên ngành để giáo sư tiến sĩ của mình có thể đăng luận án của mình lên . Tớ mong nếu không phải là độc giả đầu tiên, tớ cũng sẽ trở thành 1 trong những độc giả đầu tiên & trung thành của tờ chuyên môn này . Khái niệm “kém” & “giỏi” của nước ta khác với tư bẩn, aka “quấc tế”. Trí thức đáng kính của ta là trí thức đáng kinh ở “quấc tế”. Không thể lấy chuẩn tư bẩn áp đặt vào thực tiễn nước mình, vì sẽ lòi tẩy các trí thức trước giờ vẫn được sự kính trọng của xã hội .

    “Vì hiện tại việc đào tạo tiến sỹ chủ yếu là lĩnh vực để đáp ứng công tác quản lý xã hội, làm quan chức, hoặc để vào biên chế chứ không có môi trường chuyên nghiệp, chuyên môn để làm việc”

    Thêm 1 lý do để đào tạo tiến sĩ trong nước . Tiêu chỉ của hệ thống đào tạo tiến sĩ ở trong nước phù hợp với mục đích . Trong khi tiêu chỉ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài khác hẳn trong nước, sẽ dẫn tới tình trạng “Đầu tư bẩn, thân … này ví xẻ làm 2 được”.

    “những tiến sỹ được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã giúp đất nước thay đổi được gì, và họ ở đâu khi mà giáo dục ngày càng tệ, văn hoá ngày càng suy thoái và đất nước ngày càng tụt hậu?”

    Nhiều lắm . Nước ta từ sau “đổi mới” đi theo con đường tư bẩn, tới bây giờ cái định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ còn leo lét … toàn bộ nhờ mớ trí thức VNCH ô Võ Văn Kiệt dùng lại . Những người đào tạo ở những nước tư bẩn theo truyền thống đẩy chế độ ta gần tới bờ vực hơn . Có người ví chế độ ta là cái đuôi đứt của con thằn lằn -giẫy chết . Công họ lớn lắm! Well, có thể đ/v những người vẫn muốn đi lên chủ nghĩa xã hội như ô Luân Lê thì đây quả là thoái hóa trầm trọng, nguy hại đến sự tồn vong của Đảng chứ chẳng chơi . Nhưng những người muốn Việt Nam đi theo “quấc tế” aka tư bẩn, bất kể số phận Đảng Cộng Sản của các bác ra sao thì xem đó là công trạng không nhỏ . Miếng steak của người này là thuốc độc của người kia, và ngược lại .

    “Vậy nên, thời trước trong lịch sử mới có sự kiện Nhân văn giai phẩm là vì các trí thức, nhà hoạt động nghệ thuật và sinh viên yêu cầu và đề nghị các hoạt động của họ cần và phải được độc lập với chính quyền mà không bị hạn chế về tư tưởng, bởi nó cần được khách quan trong sự vận động tự nhiên và tự thân của nó”

    Và ta cũng biết kết quả nó ra sao gòi

Comments are closed.