Thử bàn về kế hoạch thành lập các “đặc khu kinh tế”

FB Trương Nhân Tuấn

22-11-2017

Vậy là sau ba thập niên “Đổi mới” VN mới bắt đầu có dự án cho thành hình các “đặc khu kinh tế”, mà thực chất là sao chép (một cách không trọn vẹn) mô hình “mở cửa” của TQ.

Thời “mở cửa”, các “đặc khu kinh tế” của TQ được thành lập năm 1980, gồm có 5 đặc khu, trong đó các khu Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông, Hạ Môn thuộc Phúc Kiến và Hải Nam. (Ta chỉ thường chỉ nghe đặc khu Thẩm Quyến vì sự thành công của nó. GDP của Thẩm Quyến là trên 260 tỉ đô la).

Nhưng công cuộc “mở cửa” cửa TQ không chỉ ngừng ở đó. Năm 1984 là việc “mở cửa các thành phố ven biển”, (gồm 14 thành phố Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Thiên Tân, Yên Đài, Thanh Đảo, Liên Vân Cảng, Nam Thông, Thượng Hải, Ninh Ba, Ôn Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Trạm Giang và Bắc Hải).

Tiếp theo là “thành lập các khu kinh tế vùng ven sông”, năm 1990, gồm các vùng châu thổ sông Châu giang, châu thổ sông Trường giang, vùng lưu vực sông Mân miền Nam Phúc kiến… Đặc khu gọi là “Phố Đông” của Thượng Hải được mở cùng năm, là “trái tim kinh tế” của lưu vực Trường Giang.

Các vùng “lục địa có tiếp cận với biển” như bán đảo Sơn Đông, bán đảo Liêu Đông, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Quảng Tây cũng được “mở cửa kinh tế” cùng thời điểm này.

Ta có thể thêm vào đây các “đặc khu hành chánh” như Hồng Kông, Ma Cao, mà thực chất là phản ảnh chính sách “một quốc gia hai chế độ”.

Đến năm 1992 thì cho thành lập các khu kinh tế mở vùng biên giới đồng thời “mở cửa” cho các tỉnh và các khu “tự trị” trong lục địa.

Tất cả các kế hoạch này nằm trong chính sách “mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, mà thực chất bắt đầu từ buổi “giao thời quyền bính” giữa Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình. Năm 1978 “tứ hiện đại” được ghi vào Hiến pháp TQ.

Tức là các công cuộc xây dựng các “đặc khu kinh tế”, “thành phố mở cửa ven biển, ven sông, các khu vực ven biên giới…” hoặc các “đặc khu hành chánh”… mục đích cốt lõi là nhằm thực hiện chính sách “tứ hiện đại”.

Việt Nam “ăn mót” mô hình của người ta, dự tính thành lập các “đặc khu kinh tế” gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và đảo Phú Quốc. Nhưng mục tiêu là để làm gì? Rõ ràng là không có mục tiêu gì cả, ngoài việc “phát triển kinh tế”.

Nếu so sánh với TQ, ta thấy họ có kế hoạch 30 năm của Đặng Tiểu Bình. Kế hoạch này là đưa TQ trở thành “quốc gia hiện đại” vào đầu thế kỷ 21. Xét lại, ta thấy TQ (trong chừng mực) đã trở thành một “quốc gia hiện đại” với trọng lượng kinh tế và sức mạnh quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới. Về khoa học kỹ thuật, TQ bắt đầu bước qua giai đoạn “làm hàng nhái giá rẻ” để bước vào giai đoạn “hàng cao cấp có giá trị kinh tế cao”.

Bây giờ là kế hoạch 100 năm của Tập Cận Bình.

VN không có kế hoạch nào tương tự. Theo tôi, trước khi thành lập mô hình “các đặc khu kinh tế” VN nên xét lại một số điều cơ bản.

Vì sao TQ “mở cửa” thành công, trong khi VN bắt chước 100% mô hình này, gọi là “đổi mới”, lại thất bại?

Vì sao các mô hình “tập đoàn” của VN (như Vinashin, Vinalines…), copy 100% mô hình Chaebol của Hàn quốc. Tại sao “các quả đấm thép” của VN thất bại chua chát trong khi các Chaebol của Hàn quốc (copy 100% mô hình của Nhật) lại thành công?

Nếu chưa tìm được nguyên nhân thì chắc chắn việc thành lập các “đặc khu kinh tế” cũng sẽ thất bại. Các “học giả”, các “nhà nghiên cứu”, các “chính trị gia”… tài ba của VN, thử đầu tư suy nghĩ để tìm ra một giải pháp cho VN phát triển bền vững.

Theo tôi, phương pháp thành lập quốc gia liên bang, VN chia thành hai vùng “hành chánh đặc biệt”, Cộng hòa Bắc kỳ và Cộng hòa Nam kỳ, thành lập mô hình chính trị “một quốc gia hai chế độ”. Điều này phù hợp với tinh thần Hiệp định Paris 1973 (cam kết riêng giữa Mỹ và miền Bắc) cũng như nội dung bản Tuyên bố chung của các cường quốc về Hiệp định này.

Việc này sẽ giúp cho VN tự chấn chỉnh nội bộ để cạnh tranh kinh tế trong thời kỳ mới (hậu toàn cầu hóa) đồng thời khẳng định được chủ quyền HS và TS, đủ tư cách pháp lý để đối đầu về pháp lý với TQ trước bất kỳ một diễn đàn quốc tế, hay một đối thoại song phương.

VN không thể là quốc gia chuyên “học mót” các mô hình của người ta. Từ “kinh tế thị trường định hướng XHCN” cho tới “mở cửa”. Người ta thành công nhưng VN không thành công. Đơn giản vì VN có cái “đặc thù” của mình mà điều này chưa có lãnh đạo VN nào nhìn thấy.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây