Hãy ngưng đàn áp Việt Nam: Các nhóm toàn cầu kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam

Global Voices

Tác giả: Mong Palatino

Dịch giả: Trúc Lam

15-11-2017

Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi trả tự do cho 165 tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu (CSOs) đã đưa ra một loạt khởi xướng ​​để nêu bật tình trạng nhân quyền đáng báo động ở Việt Nam.

Dữ liệu trực tuyến về tù nhân lương tâm

Chiến dịch NOW! (Ngay bây giờ) là chiến dịch do 14 tổ chức nhân quyền thành lập, kêu gọi trả tự do cho 165 tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Chiến dịch lập dữ liệu toàn diện trên mạng, gồm tin tức về tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Theo dữ liệu, các tù nhân lương tâm Việt Nam, gồm các blogger, nhà báo, những người bảo vệ môi trường, sinh viên, nông dân và công nhân bị bắt vì các hoạt động ôn hòa.

Những người này, cả nam lẫn nữ đang chịu tổng hình phạt chung là 955 năm và một tháng tù, thêm 204 năm quản chế.

Hầu hết những người này đều bị buộc tội vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự: “âm mưu lật đổ chính phủ”, và điều 88: “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Nhưng Tổ chức Civil Rights Defenders, một trong những thành viên của chiến dịch “NOW!” nói rằng, số tù nhân lương tâm có thể cao hơn.

Chính phủ kiểm soát gần như toàn bộ các phương tiện truyền thông ở Việt Nam và bí mật quanh việc bắt giam một số tù nhân lương tâm, đặc biệt là những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, nghĩa là rất khó để tìm thông tin về các trường hợp tù nhân lương tâm và rất khó để tuyên bố dứt khoát rằng, tất cả các tù nhân lương tâm trong nước đã được nhận diện.

Thư gửi các nhà lãnh đạo APEC

Một bức thư do 17 tổ chức xã hội dân sự gửi đến các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 ở Việt Nam nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền của nhà nước. Bức thư thông báo với lãnh đạo APEC rằng, năm ngoái Việt Nam bắt giam ít nhất 25 nhà hoạt động chính trị và các blogger tranh đấu ôn hoà.

Cuộc đàn áp này là trái với mục tiêu ‘Tạo động lực mới, thúc đẩy một tương lai chung’, đó là chủ đề được đưa ra trong cuộc họp APEC năm nay. Việc bắt giam tùy tiện, kiểm duyệt và bạo lực do nhà nước bảo kê, chống lại các nhà hoạt động và các nhà bảo vệ nhân quyền, không chỉ là sự sỉ nhục với nhân loại nói chung, mà còn là một sự vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn và luật quốc tế về nhân quyền.

Chúng tôi tin rằng, sự quan tâm mạnh mẽ của APEC và cộng đồng quốc tế nói lên tiếng nói chống lại việc lan rộng và vi phạm có hệ thống tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”.

Trong khi đó, bé Nguyễn Bảo Nguyên, con gái của blogger Mẹ Nấm, đã viết một bức thư gửi cho bà Melania Trump, tìm sự giúp đỡ để bảo đảm việc trả tự do cho mẹ em. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tháp tùng cùng Tổng thống Donald Trump tại Việt Nam trong hội nghị thượng đỉnh APEC. (ND: Bà Melania Trump đã không đến Việt Nam để dự hội nghị APEC).

Cháu đọc trên mạng xã hội và biết rằng gia đình bà sẽ đến thăm Việt Nam, dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Chỉ còn vài ngài nữa là tới sinh nhật của cháu. Nó cũng sẽ là một ngày sinh nhật khác mà em trai cháu, bé Gấu 4 tuổi, và cháu sẽ không có mẹ bên cạnh. Chúng cháu rất yêu mẹ và chỉ mong mẹ trở về với chúng cháu”.

Hãy ngưng đàn áp ở Việt Nam

Chín nhóm nhân quyền đã khởi xướng chiến dịch “Ngưng đàn áp ở Việt Nam”, lên án chuyện đàn áp các blogger và các nhà hoạt động trong những tháng gần đây và các điều kiện giam giữ trong nhà tù khắc nghiệt, đã trao cho các nhà phê bình nhà nước.

Don Lê, một người cầm bút và là thành viên của đảng chính trị Việt Tân giải thích, cách mà nhà cầm quyền dùng các điều 79 và 88 của luật pháp để bịt miệng công dân:

“Luật cũng cho phép chính quyền chọn lọc, ngăn chặn hoặc tạm ngắt mạng internet trên cơ sở bất kỳ thông tin nào có thể bị xem là “kích động” các cuộc tụ tập quần chúng, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự. Với cách diễn giải rộng rãi về an ninh quốc gia của chính phủ Việt Nam, chúng ta có thể đoán được rằng, sẽ có nhiều cuộc tấn công và dập tắt, nhắm vào các blogger và các phương tiện truyền thông độc lập, cũng như bắt giữ những người vận động cộng đồng một cách ôn hoà.

Ngay cả văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã đưa ra tuyên bố vào tháng 7 vừa qua, bày tỏ lo ngại về việc giam giữ và ngược đãi các nhà báo công dân.

Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và sửa đổi các điều luật không rõ ràng – viện lý do an ninh quốc gia để đàn áp những người bất đồng quan điểm”.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook