Tác giả: Michael Spence
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
24-10-2017
Khi Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở ra, nhiều người quan tâm xem ai sẽ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền của Tập Cận Bình trong năm năm tới. Tuy nhiên, quỹ đạo tương lai của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào một nhóm khác của những nhà lãnh đạo, những người ít thu hút được chú ý hơn, đó là giới kỹ trị mà họ sẽ thực hiện các công tác chuyên biệt, liên quan đến cải cách và chuyển hoá nền kinh tế Trung Quốc.
Trong hơn bốn thập niên qua, giới chuyên gia của Trung Quốc đã cùng khởi động một sự chuyển đổi kỳ diệu. Thế hệ hiện tại, một nhóm có thực tài của các nhà hoạch định chính sách sẽ từ chức vào khoảng tháng Ba năm 2018, họ chuyển quyền lãnh đạo cho thế hệ mới. Thế hệ này – có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm và phần lớn họ thành công về thành quả của chính mình – họ được chuẩn bị để thực hiện các tiến bộ về kinh tế và xã hội của Trung Quốc với tài năng và cống hiến to lớn. Vấn đề được đặt ra là, liệu họ sẽ có một phạm vi thông thoáng để tiến hành không.
Có một điều chắc chắn là thế hệ nối tiếp của các nhà kỹ trị sẽ phải đối mặt với những điều kiện hoàn toàn dị biệt với những gì mà những người tiền nhiệm của họ gặp phải. Trung Quốc đã đạt đến một thời điểm bất trắc quan trọng. Ngoài các vấn đề cố hữu trong tiến trình chuyển đổi thế hệ, đã có một sự thay đổi gây nhiều ấn tượng trong khuôn khổ chính sách chủ đạo của Trung Quốc dưới thời của Tập.
Dưới thời của Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo đã khởi xướng “cải cách và mở cửa” triệt để vào năm 1978 – mục tiêu chính sách duy nhất là chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế quốc nội, đạt được với mô hình quyết định hợp tác bao gồm cả cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ. Đặng rõ ràng đã loại trừ một chương trình nghị sự quốc tế rộng lớn hơn cho Trung Quốc – một nguyên tắc mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã theo đuổi trong hơn ba thập niên.
Kể từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập đã thay đổi khuôn khổ chính sách này bằng nhiều phương cách chính. Để khởi động, ông đã giải quyết vấn đề tham nhũng tràn lan đã làm suy yếu lòng tin nơi ĐCSTQ (và nó lan rộng ra đến mô hình quản lý của Trung Quốc), bằng cách ông tung ra một chiến dịch chống tham nhũng đụng đến tầng lớp cao cấp nhất trong giới lãnh đạo của Đảng chưa từng thấy.
Nhiều người mong rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập là một sáng kiến tạm thời, nhằm mở đường cho việc thực hiện các cải cách kinh tế mạnh mẽ, được công bố tại Đại Hội III của Uỷ ban Trung ương lần thứ XVIII vào năm 2013. Thay vào đó, chiến dịch này đã trở thành đặc điểm thường trực của chính quyền Tập.
Tập tin rằng tính chính thống của chính quyền chủ yếu là một chức năng của các giá trị được đề ra môt cách nhất quán, cùng với tiến bộ xã hội và kinh tế, với cam kết chặt chẽ với lợi ích công cộng tạo được vị thế ưu tiên trong hình thức quản lý. Trong khi ít người quan sát phương Tây đã nhận thức được đầy đủ về quan điểm này, những sự phát triển ở phương Tây trong 10 năm qua – cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mở rộng ra bất bình đẳng về tài sản và thu nhập, và gia tăng về phân cực chính trị – đã cũng cố thêm cho quan điểm này.
Kết quả là các nhà lãnh đạo và dân chúng Trung Quốc được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng chính quyền do độc đảng mạnh là một trụ cột thiết yếu của sự ổn định và tăng trưởng. Họ tin là ở phương Tây trọng tâm về hình thức quản trị được chỉ đạo sai lạc, khi thành quả kinh tế và xã hội được kết hợp trái ngược nhau, bởi vì cả hệ thống dân chủ và độc tài đều có thể bị mua chuộc.
Hơn nữa, chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc dưới thời Tập đã mở rộng hơn là tập trung hạn hẹp vào tăng trưởng và phát triển quốc nội để bao gồm nỗ lực phối hợp nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chương trình nghị sự đối ngoại mở rộng và bành trưóng này nảy sinh các đòi hỏi về các nguồn lực – bạn không thể là nhà đầu tư ngoại lai có thế lực chi phối ở Châu Phi và Trung Á mà không phải tiêu tốn nhiều tiền – trong khi đang gây ảnh hưởng đến các lựa chọn chính sách. Ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các ngân hàng, có thể đáp ứng một cách linh hoạt hơn các doanh nghiệp tư nhân thuần túy với một sự kết hợp uyển chuyển các khích lệ ưu đãi của nhà nước và tư nhân và các lợi nhuận đầu tư.
Cuối cùng, trong những năm gần đây, các khuôn khổ chính sách của Trung Quốc ngày càng phản ánh sự căng thẳng cố hữu giữa các yêu cầu lâu dài của việc đảm bảo ổn định xã hội và chính trị với mục tiêu hiện đại hơn của viêc tự do hóa cho thị trường. Giới lãnh đạo của Trung Quốc vẫn kiên định bảo vệ quyền lợi của Đảng, mà họ coi là tương đồng với những quyền lợi của xã hội. Vì lý do đó, ĐCSTQ tiếp tục tập trung vào việc duy trì trật tự và nâng cao giá trị trong tất cả các khía cạnh của sinh hoạt Trung Quốc, duy trì sự hiện diện tích cực không chỉ trong các cuộc tranh luận về chính sách, mà còn trong các hoạt động của khu vực tư nhân và các vấn đề xã hội.
Đồng thời, chính phủ đang tìm cách tạo cho các thị trường một vai trò quyết định hơn trong nền kinh tế, mở ra sức mạnh của tinh thần kinh doanh và canh tân, đáp ứng một cách hiệu quả hơn với các nhu cầu và mong muốn của tầng lớp trung lưu trẻ, có học thức và phát triển nhanh. Và vì lý do tốt đẹp: đây là những động cơ nội tại đã giúp cho Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6-7% hàng năm giữa bối cảnh chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi thu nhập trung bình khó khăn, được thực hiện trong một nền kinh tế toàn cầu tương đối yếu.
Thật khó để nói chắc chắn rằng liệu là hai mục tiêu này có đang mâu thuẫn trực tiếp với nhau hay không. Nhưng có lý do để quan tâm. Sau cùng thì kiểu cạnh tranh năng động dẫn tới sự đổi mới là một tiến trình xa dần sự chỉ đạo của trung ương, mặc dù các lựa chọn của khu vực công ở những lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản có tác động đáng kể.
Hơn nữa, trong cả việc hoạch định chính sách và học thuật hàn lâm, cuộc tranh luận tích cực là thiết yếu để phân loại những ý tưởng tốt và xấu. Tuy nhiên, trong khi hệ thống của Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng tranh luận về chính sách trong nội bộ cao cấp giữa những người tham gia có kinh nghiệm, có trình độ và mà với lòng trung thành của họ không có vấn đề, thì họ hành động nhanh chóng và dứt khoát, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn nghi ngờ về những tranh cãi và bình luận của công chúng không nằm trong khuôn khổ. Tuy nhiên, do tiến trình các cuộc thảo luận mở rộng, nhiều lựa chọn chính sách phức tạp – ví dụ như cải cách khu vực tài chính và mở cửa kinh tế – sẽ có lợi hơn.
Trong năm năm tới, thành công của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà chính phủ quản lý chương trình nghị sự phức tạp cùng với những căng thẳng. Để đạt các mục tiêu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cần quân bình một Đảng Cộng sản kỷ luật cứng rắn, toàn năng đưa ra các tiêu chuẩn và bảo vệ lợi ích công cộng, với các thị trường đầy tiềm năng, tạo quyền lực, canh tân để thúc đẩy nền kinh tế hướng về tương lai.
***
Michael Spence đã đoạt giải Nobel Kinh tế, là Giáo sư Kinh tế học tại NYU’s Stern School of Business và là tác giả cuốn sách The Next Convergence – The Future of Economic Growth in a Multispeed World.