Có nên trách báo chí “quên” Mẹ Nấm?

FB Trung Bảo

28-6-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ai lại không thấy sự ngược đời trên những tờ báo qua sự so sánh phiên toà Nga-Mỹ và phiên toà Mẹ Nấm. Một đằng là sự ngập tràn thông tin, tường thuật chi tiết và hấp dẫn bằng mọi hình thức thể hiện. Phía còn lại là sự im lìm đáng sợ dù vụ xử này hội đủ điều kiện để “câu” view thậm chí có thể cao hơn vụ kia.

Có nên trách báo chí và những người làm báo? Chỉ nên buồn cho nghề báo. Buồn vì chúng tôi có những người đủ khả năng và sự chuyên nghiệp để đưa tin nhưng mãi mãi bị kiềm hãm bởi óc quản lý của những cảnh sát tư tưởng còn rơi rớt lại từ thời Stalin. Bạn có thể yêu cầu chúng tôi đấu tranh cho nghề nghiệp của mình. Đành trả lời đó phải là câu chuyện dài của cả một xã hội, không thể trút hết lên vai nhà báo dù đúng là họ có vai trò quan trọng.

Họ sợ gì mà không để các nhà báo tường thuật trực tiếp bằng hình ảnh và âm thanh từ phiên toà? Họ e rằng các lý lẽ buộc tội không đứng vững trước sự bào chữa của bị cáo và luật sư? Họ e rằng nhiều người sẽ biết đến Mẹ Nấm và rồi tương lai sẽ nhìn chị như một Aung San Suu Kyi của Việt Nam? Họ e rằng dân chủ sẽ đến với đất nước này nhanh hơn sự chuẩn bị – thu vén của họ?

Không một ai đủ thông tin để trả lời những câu hỏi trên nhưng chúng ta dư sức đưa ra câu trả lời dưới đây:

Báo chí trong thể chế này là công cụ. Công cụ thì chỉ được sử dụng để có ích cho người dùng.

Những người, trong đó có cả tôi, vẫn tự xưng mình làm báo độc lập, mãi mãi không thể nào tiếp cận và đưa tin về phiên toà. Nhưng, ít nhất là tôi, không bao giờ quên Mẹ Nấm. Không chỉ bởi những tình cảm chị – em mà chúng tôi có được suốt gần 10 năm qua mà bởi tôi biết ơn chị vì việc chị đang dấn thân.

Nhà báo, trong đất nước này đáng thương hơn đáng trách. Nếu không bỏ nghề để giữ cho mình khí tiết và sự tự do thì hoặc sẽ bị tha hoá, hoặc chấp nhận sống qua ngày với niềm tự an ủi: “cố làm được gì tử tế thì làm”.

Xin hãy đọc bài viết này bằng con mắt tổng quát đối với một nghề nghiệp. Dĩ nhiên có những cá nhân muốn vượt ra ngoài “hàng kẽm gai” của cái trại tập trung đó nhưng khó đòi họ làm gì hơn. Còn các bạn độc giả, có khi nào các bạn đặt câu hỏi đối với trách nhiệm của mình chưa?

Bình Luận từ Facebook