11-6-2024
Hôm nay, 21.6, phải kể tiếp ký ức về nhà báo Huy Đức, người đang đón lễ trọng trong nhà giam, người có mấy chục năm là “nhà báo cách mạng”.
Năm 1996 ấy, tôi mới chỉ tuổi nghề mấy tháng, còn Huy Đức đã được tính bằng những năm nổi tiếng, lừng danh trong làng báo. Vậy nhưng chả hiểu sao, đang là quân tiên phong của Tuổi Trẻ, y lại nhảy sang Thanh Niên. Tôi cũng chả có dịp tò mò hỏi, bởi một phần mình… sợ, kính nhi viễn chi, phần khác y thoắt chỗ này thoắt chỗ khác, mà tinh làm việc với các sếp Khế, Tịnh, Nhượng, Chênh, mình tuổi gì mà dám ngó nghía.
Huy Đức đầu quân về Thanh Niên được một thời gian chưa bao lâu, chẳng hiểu có sự rủ rê gì không, tôi bắt đầu được diện kiến những tên tuổi khá nổi tiếng trong làng báo lúc bấy giờ, ban đầu là Dương Minh Long, rồi Yên Ba, vài năm sau còn có cả Tuấn Khanh, Trần Việt Đức. Họ còn khá trẻ, nhưng sớm được xếp vào hạng lão làng, về chuyên môn như ngôi sao sáng, “vua biết mặt, chúa biết tên”, ít ai bì kịp.
Tổ ảnh khi ấy do Ngọc Hải, vốn ở công an, chuyển qua làm tổ trưởng. Chụp ảnh cũng thường thôi nhưng nói tục “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”; lái xe cũng khiếp, ai trót một lần ngồi trên xe do y cầm lái thì tởn đến già. Nơi làm việc của tổ ảnh là cái gác xép ngang khoảng mét rưỡi, sâu vài mét, cạnh phòng kỹ thuật của Đoàn Mẫn, phòng kỹ thuật kế vách ban Thanh Niên cuối tuần của cặp Trịnh Đình Sĩ – Phạm Chu Sa. Tất cả ở trên gác của nửa căn biệt thự cũ tại 218 Cống Quỳnh, quận 1, lúc nào cũng như chợ vỡ. Cơ ngơi tổ ảnh, nghe kể thời chủ cũ vốn là chỗ chứa chổi cùn rế rách, ngồi ở đó vài phút là phải vọt ra ngoài kẻo chết ngạt.
Hôm ấy, tôi sau khi sửa mo rát cho mấy bài của bác Sĩ, bác Sa xong, rảnh, lê la sang tổ ảnh, để nghe Ngọc Hải nói tục. Đó cũng là thú vui, nhất là khi đang thiếu trò chơi. Thấy trong căn xép một anh trắng trẻo thư sinh, giọng bắc-Hà Nội đang nói gì với Hải, với Bình (lính của Hải), một điều đồng chí Hải, hai điều đồng chí Bình, tôi lạ lắm. Lâu mới lại được nghe từ đồng chí, gọi nhau bằng đồng chí. Chợt nhớ người ta từng kể với nhau, khi họp hành gọi nhau bằng anh chị em, thậm chí mày tao, thì không sao, nhưng đã lôi đồng chí ra thì thế nào cũng có án mạng. Hải nói với anh thư sinh kia, đồng chí, đồng chí đ*o gì, cứ thế mà làm thôi.
Thấy tôi, y bảo, giới thiệu với ông, đây là lính mới, Dương Minh Long. Tôi giật mình, không ngờ gặp vĩ nhân dễ thế. Hồi còn dạy học, tôi đã nghe tên tuổi Long, tay chụp ảnh cự phách, từng lăn lộn bên Liên Xô suốt bao năm trời, nổi như cồn, gái theo hàng đàn. Giờ không chỉ nhìn thấy, mà còn được bắt tay y. Long chìa tay ra rồi bảo “chào đồng chí Thông”, tôi suýt ngã ngửa.
Hồi đầu năm nay (2024), tôi mò tới nhà bác Nguyễn Duy; tại bác bảo, lúc nào rảnh tới uống chè. Bác Duy thường có chè ngon do bạn xứ Thanh của bác là cựu thứ trưởng Lê Tiến Thọ gửi cho. Tới nơi, thấy hai cụ Duy – Long (đầu tóc râu ria bạc trắng) đang bàn chuyện chi say sưa, giống như hội kín thời chống Pháp. Long cười bắt tay tôi, chào đồng chí Thông, sau còn chụp cho ba anh em mấy kiểu ảnh. Tôi bảo, sống trên đời, được Dương Minh Long, Nguyễn Đình Toán, Trần Việt Đức chụp ảnh cho, dẫu chết cũng nhắm mắt vui vẻ như “cày xong thửa ruộng”.
Cùng thời gian 1996 ấy, Yên Ba cũng về. Tờ báo nào có y tòng sự quả là điều may mắn, cũng xêm xêm như có Huy Đức vậy. Trước đó, tôi chỉ nghe danh con người có cái tên hơi Tàu này, nhưng biết đó là người tài. Giỏi ngoại ngữ, viết về đủ mảng, nhất là mảng phóng sự, bóng đá và văn học cổ. Văn chương câu cú ngữ pháp cực kỳ chuẩn mực. Báo Thanh Niên mà có Yên Ba khác gì Lưu Bị vời được Khổng Minh mà không cần phải “tam cố thảo lư”.
Tôi còn nghe y là chuyên gia về sách cổ, nhất là bộ “Tam quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung) do cụ Phan Kế Bính (tác giả của cuốn “Việt Nam phong tục” dịch), cụ Bùi Kỷ hiệu đính, từng được Nhà xuất bản Phổ thông ở miền Bắc, in năm 1959. Nghe kể Yên Ba yêu sách còn hơn cả yêu vợ, mà y mấy vợ thì tôi không rõ.
Hồi trước, hiếm nhà nào có bộ truyện 13 tập này, thời đi học tôi cũng chỉ đọc ké. Mãi tới năm 2009, Yên Ba liên kết với Nhà xuất bản Văn học, tổ chức in lại bộ Tam quốc Phan Kế Bính 13 tập, tất cả chữ nghĩa, màu sắc, tranh vẽ, dấu chấm dấu phẩy y xì, không khác một chi tiết nào, quả thật rất đáng nể về thú mê sách. Tôi lập tức ra ngay nhà sách gần cơ quan tậu về 2 bộ, một cho mình, một biếu bác Đặng Thanh Tịnh, người mê sách.
Một hôm, lão Nguyễn Một gửi cho tôi cuốn tiểu thuyết mới của y (Một) “Giờ thứ 6 và giờ thứ 9”, lật coi người biên tập (do bệnh nghề nghiệp), thấy đề Nguyễn Văn Yên (Yên Ba), quá khiếp. Ai dám bảo “Yên Ba giang thượng sử nhân sầu”, nhầm to. Người ấy chả làm ai buồn. Người tài quanh ta lắm thế. Có ai đó trong cuộc gặp “mừng sinh nhật Yên Ba” ở Sài Gòn còn nói nhỏ nhưng đủ cho mọi người nghe thấy, nó còn đóng quan 5 trong quân đội, ở báo Quân đội Nhân dân chứ đùa (cuộc gặp này tôi sẽ biên sau).
Huy Đức, Dương Minh Long, Yên Ba trổ tài ở Thanh Niên, người được vài tháng, kẻ ráng hơn năm, rồi lần lượt rút, lặng lẽ ra đi. Sau này cả Tuấn Khanh, Trần Việt Đức cũng thế. Có lẽ đất chưa đủ lành cho chim đậu, trời chưa đủ cao rộng cho đại bàng tung cánh.
Mấy hôm trước, sau khi Huy Đức bị bắt, anh Nguyễn Công Thành, một tay ảnh sừng sỏ, thâm niên cao nhất ở báo Tuổi Trẻ cho tới giờ, bảo tôi rằng, Huy Đức đã nhận ra rằng về Thanh Niên không được tự do tác nghiệp như từng hy vọng.
(Còn tiếp)
bởi vì
tôi khao khát Tự Do
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự Do,
giam giữ những trái tim khao khát sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang
để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức,
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự Do,
bắt Tự Do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con Người,
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,
bởi vì tôi khao khat Tự Do.
Trích tập thơ chính luận “HÃY NGẨNG MẶT” người thơ Nguyễn Đắc Kiên.
THÌ
CÁI TÊN
HUY ĐỨC – OSIN …
VĨNH VIỄN GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ VIỆT NAM!
LŨ CHÚNG TÔI:
TRÂN TRỌNG CẢM ƠN HUY ĐỨC – OSIN
CHO VIỆC GÌN GIỮ SỰ TRONG SẠCH BỘ QUÂN PHỤC “NHÂN DÂN”!
CHO TÌNH YÊU ĐỒNG ĐỘI, TÌNH YÊU CON NGƯỜI VÀ ĐẤT NƯỚC VN!
CHO VIỆC GÌN GIỮ NGUYÊN TRẠNG CÁI LƯỠI CỦA CHA MẸ BAN CHO
……………………………………………………….
CHO NHỮNG GIỮ LIỆU QUÝ BÁU ĐƯỢC HĐ ĐỂ LẠI CHO THẾ HỆ SAU!
HUY ĐỨC, MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG!
LŨ CHÚNG TÔI MÃI BIẾT ƠN ÔNG!
Cảm ơn tác giả
Con người anh Huy Đức thật khó hiểu, lúc này lúc kia, anh qua lại với quan to quan bé, anh giao du với sĩ quan quân đội, côn an đủ cả. Hôm nay đọc bài của anh Nguyễn Thông thấy giọng văn rất khác với những bài anh viết trước đây về Osin. Dù sao đi nữa thì anh Huy Đức cũng là người dũng cảm, anh thấy cần phải lên tiếng thì anh không ngại đụng chạm, một nhà báo, cây viết đúng nghĩa. Chế độ này không thọ để giam cầm anh lâu hơn, chúng nó chém nhau cho tới người cuối cùng, ác lai ác báo, để xem Tô Lâm ngồi được bao lâu thì phải nằm.