Khuất Đẩu
Nơi ấy là quê ngoại của các con tôi. Hay chính xác hơn là gần dãy núi mờ, nơi sừng sững hai khối đá một to một nhỏ đứng bên nhau mà ông cha chúng ta, khi vào đến đất Khánh Hòa đã đặt tên là hòn Vọng Phu. Nếu Quang Dũng sinh ra ở đất này, trong bài thơ Tây tiến xé ruột xé gan làm khổ cả một đời ông, có hai câu thơ đã phải viết:
Tôi nhớ Khánh Hòa mây trắng lắm
Chiều xanh không thấy bóng Vọng Phu!
Nghe không được xuôi tai mấy, nhưng chỉ giả dụ thôi, tôi nào phải công an mà dám cắt hộ khẩu của ông!
Ở chính nơi này, chiều không xanh cũng không thấy được bóng Vọng Phu. Phải là chiều rất xanh, khi những đám mây hãy còn lang thang trên biển chưa chịu bay về núi, mới có cơ may thấy được bóng ai bế con mãi đứng chờ.
Cơ may đó cũng ít nhất một lần có được trong đời nhạc sĩ Lê Thương, và cũng từ chiều rất xanh ấy in mãi trong hồn ông hình bóng người chinh phụ chờ chồng. Sau bà Đoàn Thị Điểm, không ai khác ngoài ông chuyển được hồn Chinh phụ của Đặng Trần Côn vào âm nhạc tài tình đến như vậy.
Đấy mới thực là nỗi buồn sâu thẳm của chiến tranh.
Chưa có nước nào mà chiến tranh nhiều như ở nước Việt Nam, một kỷ lục kinh hoàng!
Chiến tranh chống ngoại xâm, đã đành một nhẽ.
Chiến tranh để mở rộng biên cương, thì thôi cũng lại đành một nhẽ nữa.
Chiến tranh giữa mười hai sứ quân, giữa họ Lê họ Mạc, giữa Lý Trần, giữa chúa Trịnh chúa Nguyễn, giữa anh em nhà Tây Sơn và Gia Long, giữa cộng sản và không cộng sản, có nghĩa rằng những đứa con cùng một cha Lạc Long Quân và một mẹ Âu Cơ, tức là nội chiến. Đây mới là kỷ lục đắng cay đáng xấu hổ.
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng chưa thật là buồn vì trong cuộc chiến đáng xấu hổ vừa qua, khi có triệu người buồn thì cũng có triệu người vui.
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh!
Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình! (TCS)
Mẹ của những đứa con thắng cuộc vỗ tay reo mừng vì xong cuộc chém giết chúng sẽ được gần như tất cả.
Còn mẹ của những đứa con thua cuộc cũng vỗ tay hoan hô vì xong cuộc rồi, tuy gần như mất tất cả nhưng ít ra cũng còn được cái mạng sống.
Có triệu bà mẹ vui ra mặt nhưng cũng có triệu bà mẹ buồn dấu mặt.
Ngay cả những đứa chết rồi, những bà mẹ của của bên thắng cuộc cũng vui vì được nhà nước phong tặng danh hiệu bà mẹ việt nam* anh hùng.
Ngày xưa, nhất tướng công thành vạn cốt khô. Ngày nay các bà chỉ cần vài mảnh xương trâu bò đưa vào các ngôi mộ liệt sĩ là đã được tiếng anh hùng. Nhiều đến mười cái mộ thì mẹ được dựng tượng!
Một triệu đứa con bên thắng cuộc chết trận, thì cũng có gần một triệu bà mẹ việt nam* anh hùng. Cho nên không cần ra ngõ, chỉ bước xuống bếp là đã thấy anh hùng đang bó gối ngồi đó.
Có thực các bà vui ra mặt?!
Bảo rằng vui là gieo tiếng dữ cho các bà.
Có bà mẹ nào từ ngàn xưa đến ngàn sau lại vui vì con mình bị giết! Có chăng là những kẻ suốt ngày tự tung hô mình là người thắng cuộc. Chính họ đã giật đứa con trong tay của các bà ném ra chiến trận, nơi người ta ném binh như vãi đậu**. Thế rồi họ bảo cười lên đi, vỗ tay reo mừng vì đã hoàn thành sứ mạng lịch sử.
Để mần chi? Thưa để át tiếng khóc.
Cũng như hát để át tiếng bom.
Ác và đểu cáng đến thế là cùng!
Giờ các bà như con mèo ướt ngồi trong xó bếp, không phải cần hơi ấm dù trời đang lạnh, mà là để dấu cái mặt xấu hổ của mình đi, vì không bằng một con gà mái dám xù lông ra trước con diều hâu để bảo vệ đàn con của mình.
Còn các bà mẹ của những đứa con thua cuộc, buồn dấu mặt là lẽ đương nhiên. Buồn vì aó rách tả tơi, bo bo bát vơi bát đầy. Buồn vì nhà bị tịch thu, ruộng đồng bị lấy mất. Buồn vì đứa chết không tìm ra xác, đứa đi cải tạo không biết bao giờ về, đứa trốn đi vượt biên giữa trùng khơi bão tố, biết có đến được bến bờ nào hay nằm trong bụng cá!
Cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa vừa qua khủng khiếp quá. Cả hai miền đều có đến hàng triệu những bà mẹ mất con và sắp mất con. Nỗi đau của các bà to và cao hơn cả núi Vọng Phu.
Lại giả dụ, nếu có một ngày đẹp trời nào đó, không còn bên thắng cuộc và bên thua cuộc, cả nước cùng đồng lòng canh giữ biển đông nơi đã có những đứa con của cả hai bên cùng hy sinh anh dũng ở Trường Sa và Hoàng Sa, thì xin được đặt lại tên hai khối đá khổng lồ ấy là Mẹ và Con bất khuất, gọi tắt là hòn Bất Khuất. Chừng đó sẽ chung một bóng cờ, không cờ vàng sọc đỏ, cũng không cờ đỏ sao vàng. Mà là cờ với màu xanh của rừng biển, màu vàng của vựa lúa hai miền, màu nâu của mồ hôi và máu đã khô.
Tin giùm tôi đi, không còn giả dụ nữa, ngày ấy đang tới, cờ ba màu vàng-nâu-xanh sẽ tung bay nơi phía Nam dãy núi mờ…Hòn Vọng Phu cũng sẽ còn mãi, nhưng là trong trường ca bất tử của Lê Thương.
_____________________
*phong tặng ẩu nên không viết hoa.
**Thơ của Phạm Ngọc Lư trong Biên cương hành
*** Những chữ in nghiêng tác giả mượn của các nhà thơ và nhạc sĩ, chứ không phải cố ý cầm nhầm.