ÁO TRẮNG

Khuất Đẩu

Ảnh Minh Họa: Internet

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong.

Huy Cận

Chếc áo tôi muốn nói, nhìn xa tưởng đâu em gói mây trong áo, tới gần mới biết là hai phần gió thổi một phần mây.

Một phần mây thôi, nhưng cũng đủ làm choáng váng vì áo em trắng quá nhìn không ra.

Đó là chếc áo đồng phục của nữ sinh. Người ký cái lệnh xinh tươi đó, trước khi là nhà mô phạm cũng đã là một nhà thơ. Không chừng còn là một họa sĩ nữa. Nhờ vậy, từ những ruộng đồng xa xôi đến những phố phường rộn rã, ngập tràn những làn mây trắng đẹp.

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly một lần nằm mộng thấy nữ sinh đã phải buột miệng:

Ô hay con gái bay nhiều quá

Những cánh tay mềm như cánh chim!

Tưởng không còn hình ảnh nào bay bổng đẹp hơn được nữa.

Không chừng những khách du lịch, cả những chính khách ưa cái đẹp (và gái đẹp) như Clinton cũng nằm mộng như thế giữa ban ngày, khi thấy các em tan trường về.

Một chiếc áo đơn sơ, không cứ gì phải lụa Hà Đông để nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, cũng không lòe loẹt kiểu cọ, chỉ thuần một màu trắng tinh khôi, cùng với quần trắng, nón trắng. Nó bay bổng lên được, đương nhiên nhờ hai phần gió thổi, nhưng nhẹ đến thế, mềm đến thế vì nó được mặc bởi những nàng con gái.

Tôi không chối cãi rằng, có một thời ngồi ở bến Thừa Phủ chỉ để nhìn những nữ sinh trong thành nội, đúng là mềm như cánh chim, ríu rít như chim, rủ nhau xuống đò cho kịp giờ vào lớp ở trường Đồng Khánh.

Thưở nọ, tôi là một anh học trò cả ngố chín năm kháng chiến ở đất Bình Định, được nhắc nhở rằng màu trắng là màu có lý lịch xấu. Địch đã từng dùng những mảnh gương soi ra hiệu cho máy bay bắn phá kho thóc, trường học. Các cô gái chỉ có một cái kẹp tóc thôi để làm dáng, cũng phải che cái lấp lánh đi, nếu không muốn bị kết tội là Việt gian! Còn nón trắng thì quét lọ nghẹ hay bùn! Nên chi tôi cứ đứng ngẩn ngơ suốt cả buổi mà trông vời, tuy rằng ở thành nội, đâu phải ai cũng là tiểu thư.

Với một làn áo trắng như mây đó, trông ai cũng đẹp, cũng thơm tho tinh khiết, là nét xinh rất chung của tuổi em tuy mới mười lăm mà đã lắm người thăm.

Ai thăm thì mặc họ, em vẫn cứ mộng bình thường. Em chưa mộng nhà lầu xe hơi, chưa mộng lấy chồng bác sĩ kỹ sư hay làm người yêu của sĩ quan trẻ tuổi đẹp giai.

Em chỉ mộng, mà mộng gì em cũng không biết nữa, có thể là bay lên như chim, có thể là lạc vào một hoang đảo, hay mộng thấy mình bất ngờ thành con giai để xem bọn họ nghĩ gì về con gái. Nói chung là mộng trắng trong như nhà thơ Huy Cận đã nói quá hay và quá đủ.

Chính vì mộng trắng trong nên em nào cũng hồn nhiên trong sáng. Hồn em như tủ mới, các ngăn đều trống thênh thang, chưa phải xếp đầy những lo toan chất chồng khi bước vào đời. Các em bay lên là phải.

Nói về cái bay bổng, cái thướt tha, cái tinh khôi của chiếc áo nữ sinh, có lẽ một ngàn năm sau cũng vẫn có người còn nói. Tôi có nói thêm nữa cũng bằng thừa. Tôi muốn dành những dòng này để nói về một thoáng buồn.

Một thoáng là so với một ngàn năm sau, chứ với những ngày sau tháng tư đáng nguyền rủa, cũng khá là dài, nhất là với các cô bé mười lăm hay mười bảy.

Các cô được “rải phóng”, không còn phải mặc áo dài. Kẻ thắng cuộc “ní nuận” rằng, đi học chứ đâu phải đi ở tù mà phải mặc đồng phục!

“Thế thì cho chúng em xin mặc một ngày thứ hai thôi!”

“Đó là pháp lệnh! Mặc là để học và lao động chứ không phải để làm đẹp”

Không phải chỉ một vài em nài nỉ xin với thầy cô như thế, mà ít ra cũng đến cả triệu nữ sinh của bên thua cuộc, nếu cho các em khóc xả láng chắc cũng đủ nước để làm thủy điện!

Chưa bao giờ các em buồn như hôm chiếc áo trắng bị tuyên án tử. Nhiều em bỏ học nằm miết trên giường. Buổi sáng đầu tiên không đồng phục, các em thấy ngỡ ngàng xấu hổ, như thể vừa bị lột mất áo.

Cái lệnh đó cũng giống như vua Minh Mạng cấm quần không đáy!

Sau này, các em mới hiểu ra, chỉ có bốn tấc vải một năm, vừa đủ che những chỗ cần che, cấm là phải. Lúc đầu cất kỹ, lâu lâu lại đem ra ướm thử cho đỡ nhớ. Nhưng bao nhiêu áo mặc thường ngày, cứ mòn dần rồi rách te tua. Thì đành mua thuốc nhuộm, cắt hai tà may thêm được một chiếc. Rồi cũng thành giẻ rách!

Từ đó, các em không còn mộng trắng trong, mà đục ngầu vì bị đẩy lên kinh tế mới hay lênh đênh giữa trùng khơi vô định.

Đến nay, các nữ sinh ấy nếu không vùi thây trong rừng sâu hay nằm trong bụng cá, cũng đều ngấp nghé ở tuổi sáu mươi. Cũng đã là bà nội bà ngoại, nhưng kỷ niệm một thời áo trắng vừa đẹp vừa buồn ấy, không một ai quên được.

Giờ, dẫu sao cũng có cái ăn cái mặc, người ta lại ra pháp lệnh mới, đồng phục nữ sinh. Thế là chiếc áo trắng tưởng bị chôn vùi cùng chế độ cũ nay đội mồ sống dậy.

Nhưng nó không còn là mây dù màu cũng trắng. Nó chỉ có xác chứ không hồn, khi người mặc nó dù trời nóng hay lạnh cũng đều khoác thêm một chiếc áo lụng thụng có mũ trùm đầu, chân mang giày và mặt thì che khẩu trang kín mít. Ăn mặc như thế, còn tệ hơn là chim cánh cụt.

Đâu còn cảnh tung tăng, nói cười nhí nhảnh. Đâu còn tiếng guốc khua trên hè phố nghe động tận tim ai. Và đâu còn cảnh nữ sinh bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim.

Áo đã như thế nên mộng cũng không còn trắng trong. Chiếc tủ hồn em chật ních những ước mơ làm người mẫu chân dài, làm ca sĩ, lấy chồng đại gia, có tệ lắm cũng phải là một anh Đại Hàn nhà quê.

Thế thì áo trắng ơi, sống lại mà làm gì. Đã là mây thì xin mây cứ bay đi. Bạch vân thiên tải không du du!*

________________________________

Những chữ in nghiêng: tác giả thiếu chữ phải mượn đỡ các nhà thơ, chứ không phải cố ý cầm nhầm.

Bình Luận từ Facebook