Vô tội và Ân xá

Thái Hạo

8-8-2023

1. Vô tội

“Tôi không khẳng định rằng Nguyễn Văn Chưởng vô tội, tuy nhiên do còn những vấn đề ABC nên tôi cho rằng cần hoãn thi hành án tử…”. Đó là cách nói mà tôi đã gặp không ít trên nhiều trang FB mấy ngày qua. Nhưng thấy nó không ổn.

Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

“Có tội” hay “vô tội”, đó là các thuật ngữ pháp lý chứ không phải cảm quan cá nhân; muốn khẳng định/kết luận một người là có tội hay không là phải dựa vào định nghĩa trên.

Nghĩa là, nếu giả sử trong thực tế, có một người đã ăn cắp tài sản của người khác, nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được một cách thuyết phục thì người ấy nghiễm nhiên vô tội. Cho đến khi, sau 5 năm chẳng hạn, người ta tìm được chứng cớ đầy đủ và tiến hành truy tố, xét xử đúng trình tự pháp luật, một bản án được ban ra, thì người đó mới bị coi là có tội.

Đơn kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng được viết bằng máu của ông Nguyễn Trường Chinh. Ảnh trên mạng

Giả sử sau một năm nữa, các cơ quan tố tụng đã “chứng minh theo trình tự, thủ tục” được rằng Nguyễn Văn Chưởng giết người, thì khi đó Chưởng mới bị coi là có tội. Còn bây giờ, với một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cớ buộc tội, thì phải khẳng định rằng Chưởng vô tội, và đây là một vụ án oan (đến thời điểm này). Xin xem chi tiết ở bài phỏng vấn luật sư Lê Văn Hòa trên báo Dân Việt.

2. Ân xá

Ân xá/ân giảm là [quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao hoặc nguyên thủ quốc gia] miễn hoặc giảm hình phạt PHẠM NHÂN đã có biểu hiện hối cải nhân dịp lễ lớn” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê). Luật Đặc xá 2018 cũng có định nghĩa tương tự.

Như vậy, chỉ gọi là ân xá/ân giảm/đặc xá đối với phạm nhân, tức người đã có tội (theo định nghĩa ở phần 1). Với người bị nhận một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cớ buộc tội, thì yêu cầu đúng đắn là điều tra lại, xét xử lại, chứ không phải xin ân xá. Mà theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thẩm quyền này thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, Chánh án TANDTC đề nghị. Khi có các yêu cầu, kiến nghị, đề nghị này thì bắt buộc Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định trước đó.

Tôi hiểu rằng, chúng ta, ai cũng vì thương và lo đến đứt ruột mà đang ngày đêm cầu mong cho Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và tất cả những người đã bị kết án nhưng có dấu hiệu oan sai sẽ được sống; tuy nhiên, tốt nhất vẫn là nên thực hiện trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, chứ không phải xin xỏ.

Tôi lại nhớ cô giáo Lê Thị Dung, khi được đề nghị, “nhận đi, rồi sẽ được về”. Cô đã dứt khoát từ chối, thà chết trong tù chứ không đánh mất sự tôn nghiêm.

Lúc này, nếu Nguyễn Văn Chưởng được “ân xá” mà trở về, chắc tôi cũng như mọi người, sẽ vui mừng đến vỡ òa. Nhưng lẩn khuất đâu đó trong nội tâm mình, vẫn sẽ luôn day dứt một nỗi bẽ bàng khôn tả, vì sự sống thiêng liêng cao quý của con người đã được ban phát một cách tội nghiệp.

Luật đã có, dấu hiệu oan sai thì quá nhiều, vậy lúc này, Chủ tịch nước bằng quyền hạn của mình, hãy ký quyết định hoãn thi hành án; và sau đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cần căn cứ từ Điều 404 đến 412 (Chương XXVII) Bộ luật tố tụng hình sự 2015, là có thể cứu được các tử tù đang có nguy cơ chết oan.

Việc làm cần thiết và đúng đắn này, vừa giúp thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa giữ được sự tôn nghiêm cho tất cả.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
    Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
    Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
    Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
    Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
    Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
    Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
    Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
    Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
    Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
    Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
    Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
    Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
    Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
    Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
    Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
    Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
    Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
    Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
    FB H.Đ

  2. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  3. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  4. Những gì biết được khi rong chơi trên mạng vào 23h giờ Washington.D.C ngày 8-8-2023 trên youtube và facebook sẽ làm các quý vị thấy “ngạc nhiên chưa”:
    -Trên kênh youtube Hoàng Linh cách 16h có video “Quyết định của Hội đồng thẩm phán chưa phải là cánh cửa cuối cùng của Nguyễn Văn Chưởng”.
    -Trên facebook Thái Hạo (Lường Tú Tuấn” có dòng trạng thái “Vô tội & Ân xá”.
    Các quý vị sẽ thấy ý tưởng lớn thật giống nhau.
    Thưởng hay Chưởng thì cũng hao hao, khác tý Tờ Cờ mà thôi.
    Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và triệt để, vả lại Nguyễn Phú Trọng cũng đã có lúc giữ cương vị chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến gì với những vụ như thế này?
    À, Nguyễn Phú Trọng theo phương châm “sát nhất miêu cứu vạn thử”, theo cách hiểu của Nguyễn Phú Trọng là giết một mèo cứu muôn chuột, vậy nên để bảo vệ bản thân và đồng đảng thì Kình, Hải, Chưởng, hay ..v.v.. dù có “hay chuột” đến đâu thì cũng “sát”.

  5. “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”

    Cái này gọi là xuy đoán vô tội . Chuyện này thì Dương Quốc Chính & Chu Mộng Long đã chỉ rõ hiện nay hổng thích hợp lém ở Việt Nam

    “giả sử trong thực tế, có một người đã ăn cắp tài sản của người khác, nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được một cách thuyết phục thì người ấy nghiễm nhiên vô tội”

    Trích Chu Mộng Long, “Chứng cứ yếu không có nghĩa là buộc tội oan”. Tính xác thực của Chu Mộng Long được kết đúc từ đây “Tôi từng tự điều tra chống tham nhũng gần chục năm, mười năm làm thanh tra, chưa phải là nhân viên điều tra nhưng cũng từng thanh tra nhiều vụ phức tạp, đến mức công an điều tra tỉnh cũng phải nể”. Trích thêm “Chưa thể kết được tội không đồng nghĩa với “không thể” kết tội”

    Trích thêm Chu Mộng Long về những bài chung quanh chủ đề này “Sự quanh co nói lời đạo đức, nhân văn một cách dối trá, thậm chí còn có cảm hứng tuôn trào thơ lai láng trong những bài ngụy biện biện hộ của đám trí thức nhà mềnh, chứng tỏ đám cẩu này không còn mang tính người. Sự bào chữa trí trá, đánh tráo ngôn từ, suy đoán lệch lạc của các ông bà nhân ranh đủ thứ cũng cho thấy, không chỉ tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật mà còn vô cảm tương đương như đám cẩu kia”

    Hổng nên để vụ án này thành trớt quớt, vì dù sao đi nữa, 1 chiến sĩ lực lượng vũ trang của các bác đã hy sinh

Comments are closed.