Đào Tiến Thi
4-5-2023
(Về vụ án cô giáo Lê Thị Dung, GĐ Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)
Kính gửi ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Khoảng hơn một tuần qua, dư luận xã hội dậy sóng về vụ cô giáo Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị TAND huyện Hưng Nguyên kết án tù 5 năm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ với cáo buộc thanh toán trái quy định, chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Chúng tôi không có trong tay bản cáo trạng, chỉ có thể căn cứ vào các tường thuật trên báo chí về hành vi phạm tội của bị cáo. Theo thuật lại của báo Tuổi trẻ thì “Một số khoản thanh toán hai lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/ tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán”.
Chúng tôi biết từ rất lâu (và tìm hiểu những thông tin mới nhất ngày nay cũng vậy), Bộ Giáo dục đã có những văn bản quy định về phụ cấp chức vụ và những văn bản quy định về giờ dạy khi kiêm nhiệm chức vụ. Hai loại văn bản này độc lập với nhau. Nghĩa là một số chức danh vừa được hưởng phụ cấp chức vụ vừa được tính vào số giờ dạy (trong nhà trường thường gọi là chế độ “trừ giờ”). Cụ thể:
– Theo Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT (từ đây gọi tắt là Thông tư 33) thì giám đốc trung tâm GDTX cấp quận, huyện được hưởng hệ số phụ cấp 0,4 (gần tương đương hiệu trưởng trường THPT loại 3 là 0,45).
– Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (từ đây gọi tắt là Thông tư 28 thì hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần, bí thư chi bộ được giảm 4 tiết/ tuần với trường loại 1.
Từ các văn bản trên, chúng tôi xem xét cụ thể mỗi cáo buộc.
1. Về cáo buộc “thanh toán hai lần” cho chức bí thư chi bộ
Với chức danh bí thư chi bộ, theo Thông tư 28, trường hạng 1 tính 4 tiết/ tuần (trường hợp cô Dung vận dụng tính 3 tiết theo quy định nội bộ). Về phụ cấp, chức danh bí thư chi bộ không có trong Thông tư 33 (thông tư này chỉ nêu các chức danh theo hệ thống “chính quyền”), vì vậy cần tìm ở quy định của Ban chấp hành TW Đảng, đó là Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008.
Theo đó, cấp chi bộ, chi uỷ viên uỷ được phụ cấp 0,3 mức lương tối thiểu. Phụ cấp này dành cho mọi vị trí công tác, không liên quan đến quy định về chế độ lao động (chẳnng hạn quy định “trừ giờ” với GV), do đó việc cô Dung hưởng “hai lần” chế độ cho chức danh này là hoàn toàn đúng.
2. Về việc “đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần”
Theo quan sát của chúng tôi, chế độ cho giáo viên, cán bộ giáo dục đi học cao học được vận dụng khác nhau ở mỗi địa phương, tuy nhiên thường có mấy điểm chung:
– Địa phương nào cũng ít nhiều có phần “hỗ trợ” cho người đi học, ví dụ, đóng học phí cho cơ sở đào tạo, cấp thêm tiền tài liệu, tiền thuê nhà (theo định kỳ hoặc theo hoá đơn chứng từ), v.v.
– Người đi học thường tách hẳn môi trường công tác, nghĩa là không còn nhiệm vụ như trước đó nữa. Do đó nếu là GV đứng lớp thì bị cắt phụ cấp đứng lớp, nếu là cán bộ quản lý thì bị cắt phụ cấp chức vụ. Trong trường hợp một số GV vẫn có thể tận dụng những thời gian trống để dạy một “cua” nào nào đó ở trường của mình, khi đó họ nhận thù lao theo thoả thuận, như một người tự do, dạy tiết nào “ăn” tiết ấy. Tuy nhiên, có một số trường do thiếu GV và do nơi đào tạo cao học gần với trường đang dạy nên một số GV vẫn có thể vừa đi học cao học, vừa dạy và làm các công tác khác gần như cũ. Đấy là trường hợp đã diễn ra với cô Lê Thị Dung cũng như với tất cả giáo viên Trung tâm GDTX Hưng Nguyên – theo thông tin mà chúng tôi có được.
Cách diễn đạt “tính 2 tiết/ tuần” báo Tuổi trẻ nêu hơi mơ hồ. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết: các GV của Trung tâm GDTX Hưng Nguyên khi đi học cao học, theo quy định nội bộ, vẫn dạy theo chế độ lao động bình thường nhưng được trừ giờ 2 tiết/ tuần; nghĩa hoặc được bớt 2 tiết dạy, hoặch nếu GV nào vẫn dạy đủ giờ tiêu chuẩn thì 2 tiết này được tính thù lao thừa giờ. Cô Dung vẫn dạy đủ số giờ quy định của giám đốc là 2 tiết/ tuần, do đó cô được tính thù lao thừa giờ (2 tiết/ tuần), như vậy là đúng theo quy định nội bộ (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và không trái với các văn bản quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã dẫn ở trên.
Tóm lại cả hai điều cáo buộc của toà, cái gọi là “chi sai” không có căn cứ pháp lý cũng như thực tế (tiền lệ) mà nặng tính suy diễn, áp đặt. Các khoản chi được căn cứ vào “quy định nội bộ” nhưng trên cơ sở ba văn bản của cấp trên (hai văn bản của Bộ Giáo dục – Đào tạo và một văn bản của Ban chấp hành TW Đảng) và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nay nếu coi là sai thì phải được xem xét cụ thể trên cơ sở các văn bản pháp lý của Đảng và Nhà nước và trên thực tế chứ không thể tuỳ tiện. Bộ Giáo dục – Đào tạo cần cử những chuyên gia am hiểu để làm việc với cơ quan chức năng.
3. Về tội thanh toán trái quy định để chiếm đoạt 45 triệu đồng với mức án tù 5 năm
Giả sử cô Lê Thị Dung chi sai 45 triệu thì mức án 5 năm tù giam vẫn là quá nặng, quá cách biệt với các vụ tham nhũng, lãng phí hàng nghìn tỷ mà mức án cũng chỉ như vậy hoặc nhẹ hơn. Dấu hiệu trù dập, cố ý áp dụng các tình tiết tăng nặng khá rõ. Theo chúng tôi, nếu sai phạm như cáo buộc là có thật thì cũng chỉ ở mức truy thu và phạt hành chính chứ không thể mức án tù hình sự, dù chỉ vài tháng.
Theo LS. Đặng Văn Cường,“Trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau thì không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề”.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho thấy vụ án có nhiều tình tiết mờ ám. Có những việc mà Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể thanh tra, xác minh, như việc cô Lê Thị Dung bị Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An trù dập do không ký hợp đồng không thời hạn với một trường hợp Sở quyết định về Trung tâm không đúng (thừa biên chế so với văn bản quy định của Sở).
Thay lời kết
Thưa ông Bộ trưởng
Từ khi vụ án được dư luận quan tâm, rất nhiều thông tin cho thấy cô Lê Thị Dung là một cán bộ lãnh đạo tốt, được yêu mến (trái hẳn với các cán bộ tham nhũng, làm trái thường bị nhân dân biểu thị thái độ căm ghét). Nếu cô Lê Thị Dung chỉ vì chống lại ý chí sai trái của cấp trên mà bị trù dập, trả thù thì Bộ Giáo dục – Đào tạo càng phải quan tâm. Nhân đây, chúng tôi bày tỏ sự bất bình trước trả lời vừa qua của ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục: trả lời của ông Vũ Minh Đức không những chung chung, không nói lên được điều gì mà còn có điểm sai nguyên tắc pháp lý khi ông nói “Do bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án như trên” (báo Lao động). Theo các luật sư, không nhận tội không phải là tình tiết tăng nặng (xem Các tình tiết tăng nặng); mặt khác, đã không nhận tội thì làm gì có việc “khắc phục hậu quả”. Đây là quan điểm của ông Vũ Minh Đức hay ông chỉ thuật lại quan điểm của toà (mà không bác bỏ) đều không được. Đề nghị ông Bộ trưởng rút kinh nghiệm nghiêm khắc với ông Cục trưởng.
Tóm lại, chúng tôi muốn Bộ Giáo dục – Đào tạo phải có trách nhiệm bảo vệ cán bộ của mình trong trường hợp cơ quan pháp luật xử oan người vô tội, đặc biệt phải bảo vệ người có tài có đức, dám đấu tranh.
Xin trân trọng cảm ơn ông Bộ trưởng.
Kính thư.
Đào Tiến Thi
(Nhà giáo về hưu, cư trú tại toà nhà CT7E, Khu Đô thị mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội)
Bộ trưởng GD chẳng có quyền (quái) gì về chính trị, tổ chức, với các địa phương.
Nói trắng ra, đây là vụ án trả thù rất hèn mạt.