17-4-2023
Ngày 16.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Thay thế kịp thời cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà (Vnexpress), bạn có tin người được thay có hết gây phiền hà, nhũng nhiễu kẻ bị thế không?
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói thành phố sẽ có chỉ thị về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai, bạn có tin rồi công chức, cán bộ sẽ có trách nhiệm hơn với “bảo kiếm” chỉ thị?
Kết luận số 14 ra đời cả hai năm nay, trước đó từ năm 1988, Nghị quyết 05 khóa VI, đến khóa gần đây, Đại hội XII cũng ban hành Nghị quyết 26 (2018), tất cả đều đề cao nhiệm vụ “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Và kết quả?
Tại sao những vấn đề thuộc về hiểu biết, kỹ năng, chuyên môn – làm để ăn lương; thuộc về quy định, điều kiện làm việc – tuân thủ kỷ luật nơi làm việc; thuộc về đạo đức, trách nhiệm – đã là cán bộ, công chức thì việc làm tròn chức trách, làm hết sức mình với kỹ năng chuyên môn, yêu cầu tác vụ là điều đương nhiên; lại luôn phải viện đến, phải dựa vào từ nghị quyết này đến chỉ thị nọ?
Hay cái tập tính làm theo nghị quyết, dựa theo chỉ thị riết đã sản sinh ra một kiểu phong cách công bộc chưa làm đã sợ sai, khỏi làm để khỏi vướng “trách nhiệm liên đới”, nhất là trong cơn “bình địa” hiện nay?
Hầu hết cán bộ, công chức (cấp sở ngành, quận huyện) cũng là đảng viên, vậy tính đảng (ngoài 19 điều không được làm thì còn lại là làm được tất) họ ở đâu? Hay yêu cầu của đảng đã mất hiệu lực với họ?
Ngay cả việc đã thường xuyên xem xét đặt trách nhiệm “người đứng đầu” – không chỉ là đứng đầu đơn vị, tổ chức mà len lỏi vào các bộ phận chuyên môn – thì vẫn không kích hoạt được trách nhiệm, năng lực thực thi của (một bộ phận) bộ máy cán bộ, công chức để dẫn tới những ách tắc, suy giảm nói chung, vậy điều này cũng cần xem lại năng lực (chuyên môn), kỹ năng (quản lý) của người đứng đầu bộ phận?
Và cả những cấp “đứng đầu” – xét về năng lực quản trị, điều hành rộng hơn, cao hơn.
Đọc “Kinh tế Nhật Bản” của giáo sư Trần Văn Thọ, lý giải cho sự tái thiết hậu chiến và phát triển thần kỳ của đất nước này chính là Con Người với cơ cấu đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ… Họ tách bạch vị trí, hành xử giữa chính trị gia và quan chức; họ rạch ròi trong tuyển chọn và sử dụng quan hành chính và quan kỹ thuật; họ đề cao trí thức trong năng lực xã hội (social capability) xem đó là nguồn lực quan trọng bậc nhất để cùng nhà nước kiến tạo (development state) phát triển đất nước.
Đảng phái có thể thay đổi, lãnh đạo đảng phái có thể lên xuống nhưng cơ cấu, nhân sự của các bộ – thuộc quan chức không thay đổi. Dẫn đến việc thực thi các chính sách được đảm bảo thống nhất, ổn định, nhất quán.
Ở ta, khoan nói về sự rạch ròi, khoan bàn đến chuyện thay đổi theo nhiệm kỳ và… thời – thế thì, thông thường, tôi thấy một lãnh đạo (từ cơ sở trở lên chứ chẳng chơi), họ “chỉ đạo” hầu khắp các lãnh vực, từ đảng sang chính quyền hoặc ngược lại, rồi qua dân cử, rồi về lại quản lý nhà nước.
Nhìn từ lãnh đạo chính quyền, ngoài Chủ tịch UBND TP thì các phó – với vai trò phụ trách lĩnh vực, hiện với TP.HCM, mỗi vị phó chủ tịch đã thật sự là một “tư lệnh ngành” – lĩnh vực mà mình phụ trách chưa? Họ được đào tạo, kinh qua và đi lên từ các lãnh địa chuyên môn, có sự am tường, kinh nghiệm và bản lĩnh để tham mưu, chỉ đạo, giúp sức cho Chủ tịch ra sao? Cũng như trước và sau đó, họ đã có những cách thức tiếp cận, kiểm tra, chỉ đạo (cụ thể, giải pháp) cho các ban giám đốc sở, chủ tịch quận/huyện như thế nào?
Cần phải gọi tên từng người một, chứ không thể cứ ban cán sự đảng, đảng đoàn hay ban thường vụ…; và họ có nằm trong “cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm” hay không?
Những cái nghị quyết kiểu ba xây ba chống của cộng sản đã có từ hơn nửa thế kỷ nay rồi.
Kết quả của cái sự xây, sự chống ấy là xứ Đông Lào ta chưa bao giờ được như thế này.
Sẽ còn nhiều cái nghị quyết cởi trói cho cái mớ thừng chão do chính lũ đầu lĩnh thiên tài sáng suốt thít chặt vào mọi lĩnh vực của cái xã hội thiên đường này.