BQL Di tích Tháp bà Nha Trang dùng quyền gì cấm người Chăm kể về văn hóa mình trên tháp?

Wa Praong

18-3-2023

Tác giả Sohaniim tại tháp bà Nha Trang. Nguồn: FB nhân vật

Hôm nay mình thật bất ngờ và bức xúc khi bị nhân viên người Kinh (tên Sơn) trông coi tháp Chàm CẤM mình kể về văn hoá Chăm trên đền tháp của tổ tiên mình.

Mỗi dịp đến Nha Trang, dù bất kể như thế nào mình cũng phải đến thăm thần linh Chăm – Po Ina Nagar. Hôm nay, mình cùng với một người bạn lên tháp, sau khi thực hiện nghi thức tâm linh cá nhân xong hai đứa ra bên ngoài đền kể về Tháp, về văn hoá Chăm. Đang nói chuyện giữa chừng thì chị bảo vệ đến bảo không được thuyết minh và kể gì bala bala trên đền tháp. Lúc đầu mình nói mình là người Chăm, mình chỉ kể văn hoá Chăm cho bạn mình nghe thôi. Thế nhưng chị vẫn bảo là kể gì thì phải theo quy định trên tháp. Thế là mình nổi điên lên!

Thật sự khi bạn là người BẢN ĐỊA, một người Chăm kể về văn hoá của mình trên tháp Chăm thì bị nhân viên người Kinh cấm thì than ôi nó đau đớn vô cùng.

Họ dùng tháp Chăm để kinh doanh thu tiền, trong khi người Chăm, đặc biệt là chức sắc Chăm, người đang thờ phượng và thực hiện các nghi lễ liên quan đến không gian linh thiêng ấy vẫn sống kham khổ, không được hưởng lợi ích nào trên di tích tổ tiên mình, ngân sách thu được từ các di tích Chăm ấy cũng chưa bao giờ được công bố và sử dụng chi tiêu như thế nào cộng đồng Chăm cũng hay, rồi họ dám ngang nhiên, tự cho mình là đại diện pháp luật, cấm người Chăm kể về văn hoá của mình trên Tháp tổ tiên mình.

Đứng trước hoàn cảnh bất công và độc tài ấy, mình không thể kìm được bức xúc. Sau khi thấy mình đang tranh luận với chị bảo vệ, nhân viên tên Sơn, không biết anh ta học luật gì, và lý luận theo giống gì, cứ khăng khăng là theo quy định pháp luật này nọ rằng: đây là di tích được nhà nước công nhận, kể gì về tháp phải theo quy định của nhà nước, chứ anh không được quyền kể bậy, sai, và phải dựa theo tài liệu của các nhà nghiên cứu.

Không biết nhân viên tên Sơn đã dựa vào công văn hay chỉ thị nào mà dám phát ngôn theo kiểu độc tài như thế! Nếu có một văn bản hành chính nào có quy định như vậy thì tôi rất quan ngại về vấn đề tự do ngôn luận, văn bản ấy đang biến người Chăm thành kẻ câm trong việc quảng bá di sản tổ tiên mình đến với bạn bè trong và ngoài nước. Văn bản ấy, vô tình tước đi quyền tham gia và thụ hưởng văn hoá của người Chăm trên di sản tổ tiên mình.

Cũng xin hỏi nhân viên tên Sơn trên tháp Po Ina Nagar rằng, văn hoá và lịch sử Chăm nó rộng và rất bao la, anh dựa vào nghiên cứu nào để làm chuẩn và cấm người Chăm kể về văn hoá mình trên tháp.

Tôi là một người Chăm, tôi không cần dựa vào cái khung nghiên cứu của bọn anh, tôi kể về văn hoá Chăm từ tri thức của chính cộng đồng mình, cớ sao lại cấm?

Nên nhớ rằng, trên không gian linh thiêng ấy ngoài việc không nên có những hành động ứng xử, cách thực hành xúc phạm thần linh đi ngược với quan niệm truyền thống người Chăm ra, thì họ có quyền kể về bất cứ gì liên quan đến tổ tiên của họ. Họ tự chịu trách nhiệm với chính phát ngôn của mình, chứ không phải anh lạm dụng cái quyền gì đó muốn cấm ai thì cấm. Không phải không gian linh thiêng của người Chăm mà buộc họ kể theo cách tri nhận của người ngoài cuộc các anh.

Có lẽ nhiều nhiều người Chăm khác đã bị cấm như thế, nhưng tiếng nói ấy chưa được quan tâm. Và hôm nay, mình chỉ là một nạn nhận bị tước đi cái quyền kể về văn hoá của mình trên di sản tổ tiên, nó cũng là một minh chứng để biết về thực trạng ứng xử với quyền người dân tộc thiểu số như thế nào trên đất nước Việt Nam này.

Đau đớn thay!

Sohaniim

______

GẶP GỠ TRAO ĐỔI THÂN MẬT VỚI LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ DI TÍCH THÁP BÀ NHA TRANG

Qua bài viết phản ảnh về việc nhân viên quản lý tháp Bà – Nha Trang ngăn cản không cho kể về văn hoá dân tộc mình trên tháp thì nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm từ bạn bè và cộng đồng mạng.

Hôm nay mình nhận được nhiều cuộc gọi từ các bạn phóng viên báo chí phỏng vấn, cũng như bạn bè quan tâm về văn hoá Chăm hỏi thăm. Đặc biệt, đại diện bên TTBT Di tích có anh Nguyễn Tuấn Dũng gọi điện hỏi thăm và hẹn gặp mặt để trao đổi cụ thể về vấn đề.

2 giờ chiều nay, mình và anh Dũng đã có cuộc gặp trao đổi thân mật về vụ việc trên. Bản thân mình cảm thấy cách xử lý vụ việc của TTBT Di tích Khánh Hoà là rất kịp thời, thái độ cởi mở, chân thành và có tinh thần tiếp thu ý kiến của cộng đồng. Anh Dũng cũng bày tỏ sẽ xem xét thái độ ứng xử của nhân viên thuộc quản lý của mình đối với du khách.

Tác giả và ông Nguyễn Tuấn Dũng (trái), đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa. Nguồn: Wa Praoong

Về phía mình là một người quan tâm đến di sản và văn hoá cũng chia sẻ chân thành về tầm quan trọng của chủ thể văn hoá trong việc giới thiệu và quảng bá văn hoá, và thái độ tôn trọng chủ thể văn hoá trên di sản của tổ tiên họ là điều nên làm.

Để tránh các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, mình cũng mong muốn làm rõ quy định về “khung giới thiệu trên tháp Chăm”. Vì biết trong khung quy định sẽ có những thứ cứng nhắc và chưa quan tâm đến chủ thể văn hoá kể về văn hoá của họ. Vấn đề này mình đã trao đổi với anh Dũng, và sẽ có email hỏi của mình và trả lời cụ thể hơn từ TTBT Di tích. Thông qua email trả lời của TTBT Di tích mình sẽ có một bài viết góp ý với tư cách là chủ thể văn hoá, mong muốn văn bản quy định sau này sẽ hợp tình, hợp lý hơn nhằm tránh gây ra sự tổn thương của cộng đồng sau này.

Cảm ơn bạn bè cũng như cộng đồng mạng đã cùng mình kịp thời lên tiếng, và sẽ có những bài tiếp theo sau khi có trả lời bằng văn bản từ TTBT Di tích. Cảm ơn anh Dũng về sự chân thành.

Chân thành!

Sohaniim, Nha Trang

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhập vai người Chiêm Thành rất đạt nên đã thay họ mà
    nói lên tất cả khổ đau của dân tộc này. Tiếc là sau đó ông “lên án” tập thơ ĐT. !
    Rồi cả một thời xưa tan tác đổ
    Dấu uy linh hùng vỹ thấy gì đâu ?
    thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở
    lòng ta còn mãi vết thương đau !

  2. XHCN là theo biện chứng duy vật, có tin thần thánh gì đâu, không những Tháp Bà bên cầu Xóm Bóng- Nha Trang, mà chùa chiền khắp nước đều như vậy, biến thành những trung tâm du hí moi ra tiền cho bọn tham quan ô lại.

  3. Đã là lãnh đạo toàn diện triệt để thì nó vậy.
    Tất cả là di tích Lịch Sử Văn Hóa, Văn Hóa là văn hóa cộng sản được soi sáng bằng chủ nghĩa duy vật vô Thần. Chẳng riêng tôn giáo tín ngưỡng Chăm bị bóp méo, o ép, mà những tôn giáo tín ngưỡng khác cũng vậy.
    Một mặt lợi dụng để kiếm tiền, các đảng viên xứ Chiều Nay cầu cúng xem xét đủ kiểu, cứ xem vụ Hồ Hữu Hòa sẽ biết, một mặt ra rả về bài trừ mê tín dị đoan. Hà Nội là tiêu biểu nhất cho trò này, nên nảy sinh bát hương di động cho thuê ở vỉa hè, bên ngoài tường rào của các “di tích” như chùa Hà, trường Giám … phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một số người.
    Những người đứng đầu làm cách mạng vô sản phần nhiều xuất thân từ giai cấp hữu sản, nhưng lại thực hành chính sách lý lịch vô sản … kiểu trẻ con không được ăn thịt chó.

  4. Tác giả có thể kể về anh hùng Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé… cho khách tham quan.
    Chắc chắn là không bị hoạnh họe gì đâu.

  5. Cướp cả di tích và lịch sử. Đảng súc vật của anh Chọng càng ngày càng khốn nạn.

Comments are closed.