Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao?

Nguyễn Văn Nghệ

24-11-2021

Giải phóng miền Nam, “giải phóng” luôn cả “Tiên học lễ” ra khỏi học đường

Trước ngày 30/04/1975 tất cả các phòng học của Trường Tiểu học Công lập, cũng như Tư thục, thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ và Văn là nền tảng đào tạo nên một con người tốt cho xã hội. Sách Luận ngữ có viết: “Bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (dùng văn chương mở rộng kiến thức của ta, dùng lễ để ước thúc hành vi bản thân ta).

Còn ở miền Bắc Việt Nam thì sao? Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã ghi lại: “Thế hệ tôi, sinh trưởng ở miền Bắc, đi học trường phổ thông 10 năm (từ lớp 1 đến lớp 10) vào những năm 1954-1964, thì khẩu hiệu ‘tiên học lễ, hậu học văn’ hầu như không để lại ký ức gì. Là vì ở miền Bắc thời đó, những gì được xem như gắn với ‘tư tưởng phong kiến’ đều bị coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống lại; mà ‘tiên học lễ, hậu học văn’ thì rõ ràng là tư tưởng của Nho giáo, là thuộc hệ tư tưởng phong kiến rồi! Cho nên dễ hiểu là không hề thấy khẩu hiệu ‘tiên học lễ, hậu học văn’ xuất hiện trong khuôn viên bất cứ ngôi trường nào trên miền Bắc thời gian ấy; cũng hầu như không có giáo viên hay cán bộ nào trong ngành giáo dục thời ấy dám nói đến khẩu hiệu đó trước các đám đông”.

Giữa đám người “có miệng ăn mà không có miệng nói” thì vào năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm ‘tiên học lễ hậu học văn’ trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” [Bài đăng tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973] mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo” (Trích bài báo đã dẫn).

Ngay sau khi bài báo xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của Trung ương Đoàn (số 2351, ra ngày 16/08/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình, nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”, với những kết luận chém đinh chặt sắt: “…chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó”… “Chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!”

Tiếp theo bài báo này, báo “Tiền phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng ông Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại.

Sau khi cộng sản vào “giải phóng” miền Nam câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng được đảng “giải phóng” khỏi các trường học ở miền Nam Việt Nam và học sinh buộc phải học “đạo đức cách mạng” (Không có đạo đức nhân bản, con người ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau, lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực (…). Đạo đức cách mạng có phần giống đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẫn với nó, thí dụ lòng căm thù và tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến).

Mãi đến những năm cuối của thập niên 80 và đầu những năm của thập niên 90 của thế kỷ trước mới thấy xuất hiện lại trong tất cả các trường học trên cả hai miền Nam và Bắc của đất nước ta. Biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” được ngành giáo dục cho sơn phết thật to được treo ở mặt trước của mỗi trường học, nhưng dường như câu khẩu hiệu ấy chỉ là câu sáo rỗng vô hồn, được viết ra bởi quán tính mà thôi!

Bổng dưng vào năm 2014 Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (Hà Nội) đã đi tiên phong bỏ biển hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”. Bài viết: “Đại học, học… đại và yêu nước có học” được đăng trên báo VietNamNet ngày 18/5/2014 đã đăng tải sự kiện ấy: “Không chỉ tổ chức chào cờ, xếp nghi thức, Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng ở Hà Nội đã có cách biểu thị tinh thần tự tôn dân tộc “dài hơi” khi thể hiện tư tưởng thoát khỏi cái bóng ám ảnh của Khổng giáo trong trường học. Từ năm học này, trường đã thay biển hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” (của Khổng tử), bằng các câu của người Việt (‘Hiền tài là nguyên khí của quốc gia’) và UNESCO (‘Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình’)”

Giữa các quốc gia trên thế giới luôn có sự tiếp thu văn hóa lẫn nhau, không phân biệt Tây hoặc Tàu. Văn hóa hay chúng ta tiếp thu, văn hóa không hợp với thuần phong mỹ tục thì chúng ta chối từ. Để có câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cụ Thân Nhân Trung cũng phải trải qua con đường “Tiên học lễ, hậu học văn” mới đúc kết nên câu nói ấy. Một quốc gia mà không có “Lễ” thì kẻ hiền tài sẽ không được trọng dụng và những kẻ trình độ “a, bờ, cờ” sẽ làm lãnh đạo!

Lễ là để cho con người ngày càng có văn hóa hơn

Để trở thành một con người có văn hóa, thì phải có “Lễ”. Sách Quản tử viết: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ thị vi tứ duy” (Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn giềng mối chính) và Lễ đứng đầu trong bốn giềng mối ấy. Không có Lễ sẽ trở nên vô thần, phủ nhận thần thánh: “Dân chi sở do sinh, lễ vi đại. Phi lễ vô dĩ tiết sự thiên địa chi thần dã…” (Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không thể thờ thần của trời đất cho có thứ bậc… Lễ ký: Ai Công vấn XXVII).

Lễ không chỉ gói gọn trong lễ nghi, lễ nghĩa mà còn là tôn ti trật tự… và cả luật pháp nữa. Lễ là cốt để giữ chừng mực cho sự hành vi của người ta: “Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành; giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị; phân tranh biện tụng, phi lễ bất quyết; quân thần, thượng hạ, phụ tử, huynh đệ, phi lễ bất định; hoạn học sự sư, phi lễ bất thân; ban triều, trị quân, lỵ quan, hành pháp, phi lễ uy nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự, cung cấp quỷ thần, phi lễ bất thành, bất trang thị dĩ quân tử cung kính tổn tiết, thoái nhượng dĩ minh lễ”

(Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt vị thứ trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có lễ, không uy nghiêm; cầu khẩn, tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ lễ – Lễ ký: Khúc lễ thượng).

Lễ khiến cho hành vi của người ta hợp với đạo Trung dung: “Cung nhi vô lễ tắc lao; thận nhi vô lễ tắc tỷ; dũng nhi vô lễ tắc loạn; trực nhi vô lễ tắc giảo” (Cung kính mà không có lễ thì phiền; cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi; dũng mà không có lễ thì loạn;trực mà không có lễ thành ra vội vã – Luận ngữ: Thái Bá VIII, 2).

Để cho người ta khỏi làm điều bậy bạ thì phải có Lễ: “Lễ giả, nhânnhân chi tình nhi vi chi tiết văn, dĩ vi dân phường giả dã”. (Lễ là nhân cái thường tình của người ta mà đặt ra tiết độ; văn vẻ, để làm cái ngăn giữ cho dân – Lễ ký: Phường ký, XXX).

“Nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”

Vào tháng 11/2016 tại thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định…”, nhưng rồi sau đó ông lại nêu ra: “Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”

Trên khắp nước Việt Nam hiện nay, từ thành phố đến làng quê, đâu đâu cũng bắt gặp cổng chào ghi: “Tổ dân phố văn hóa”; “Làng (thôn) văn hóa”, đi đến đâu cũng nghe cái từ “văn hóa” nào là “văn hóa ứng xử”; “văn hóa ẩm thực”; “văn hóa phong bì”; “văn hóa từ chức”… Ấy vậy mà ngay trong môi trường giáo dục, tỷ lệ nói dối của học sinh tăng dần theo tuổi.

Tại hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức ngày 24/09/2013, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Lý luận và Ứng dụng (ĐHQGTPHCM.) đã đưa ra một kết quả điều tra: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%; cấp Trung học cơ sở là 50%; sinh viên là 80%.

Trong môi trường giáo dục mà còn như thế, hỏi thử ngoài xã hội sẽ như thế nào? Ngay tại thủ đô Hà Nội “nạn mất dạy” đang trong tình trạng báo động, “một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình…có những lời nói thô tục, những ứng xử không có văn hóa nơi công cộng làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố”.

UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 3802/VP-VX do Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét có biện pháp xử lí‎ cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Trước đó nhiều tờ báo và trang tin đã có phản ánh về nạn “mất dạy” tràn lan ở Thành phố Hà Nội, trái tim, Thủ đô của cả nước khiến dư luận bất xúc.

Hàng loạt tiêu cực xảy ra trong xã hội khiến bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải lên tiếng: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”

Bà Phó Chủ tịch nước còn tiết lộ: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”.

Vụ học sinh Trần Chí Kiên lớp 2A4 trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy- Hà Nội) bị xe ô tô chở bà Tạ Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng của trường – đâm gãy chân đã biến thành chuyện học sinh này tự ngã và bị gãy chân, bởi lẽ 100% con người ở ngôi trường này đều xác nhận vào thời điểm em Kiên gãy chân không có xe ô tô vào trường. “Những thầy cô quay lưng lại với lại với sự thật, quay lung lại với tai nạn thương tâm của chính học trò mình, những thầy cô có nhiệm vụ trồng người mà “làm chứng dối” như vậy sẽ cảm giác như thế nào khi đứng trên bục giảng nói về sự thật thà về đạo đức công dân?”.

Trước đó tại trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Cầu Giấy – Hà Nội), bà Tạ Thị Bích Ngọc đã phạm một lỗi rất xấu về đạo đức là đã “lập quỹ đen từ tiền cắt bớt khẩu phần ăn của 400 học sinh”. Vụ việc đã có kết luận từ Thanh tra cũng như Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy, nhưng thay vì bị kỷ luật lại được chuyển sang một trường khác làm hiệu trưởng thì rõ ràng cái tư cách, cái tác phong đó của cô Tạ Thị Bích Ngọc không chỉ là riêng của cô. Phải có nhiều người ‘đồng cảm’ với cô, chống lưng cho cô thì cô mới có cái quyền tiếp tục ngồi cao gây ra cái sự kiện náo loạn nhân tâm tại trường tiểu học Nam Trung Yên! Cô mới có đủ thế lực tiếp tục tại vị cho tới ngày 21.2.2017, mấy tuần lễ sau sự kiện đó! Ngoài ra, cái tác phong đó của cô, trong đời thường không ai trong số các lãnh đạo của cô nhận ra sao? Tại sao cô vẫn được thăng tiến trong ngành? Phải chăng chính sách nhân sự của ngành, chính sách đề bạt của ngành không xem đạo đức đương sự là tiêu chuẩn quan trọng?”

Hoặc như vụ bà Phạm Thị Minh Hiếu – Phó Giám đốc sở Tư Pháp tỉnh Bình Thuận- bẻ cành hoa anh đào để chụp hình bất chấp sự can ngăn của người dân tại khu vực hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt. Bà đã cật vấn người can ngăn: “Em là ai mà có quyền nói chị vậy? Em là chủ ở đây à? Em cho chị xem giấy tờ…”

Ngoài ra còn “lắm chuyện khó chịu”; “nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày” được bao che và chỉ một phần rất nhỏ các vụ việc trên được phanh phui trên các phương tiện thông tin “lề phải”. Và “có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này!”.

Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong góp ý dự thảo văn kiện tại Quốc hội sáng ngày 23/10/2015 đã nói: “Tại sao có tình trạng trên nói dưới không nghe, nói một đằng, làm một nẻo, đảng viên không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc thực hiện nhiệm vụ với tính chất rất hình thức, sử dụng không hết giờ làm việc, công suất làm việc cống hiến rất hạn chế”.

Bà Nguyễn Thị Doan nêu câu hỏi “Tại sao?” .Tất cả cũng bởi “vô lễ”mà ra! Xã hội mà “vô lễ” thì “trên không ra trên, dưới không ra dưới”.

Người xưa nói: “Bất học lễ vô dĩ lập”. (Không học lễ thì không nên người được). Hoặc: “Bất tri lễ vô dĩ lập”. (Không biết lễ thì không nên người được). Người có văn hóa “thật sự” sống theo phương châm: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. (Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm- Luận ngữ: Nhan Uyên, XII).

Sao bây giờ không ai sợ pháp luật, sợ bị trừng trị nữa?”

Cũng tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 ngày 11/09/2013, bà Nguyễn Thị Doan phát biểu: “Sao giờ không ai sợ pháp luật, sợ trừng trị nữa? Mỗi ngày người ta ‘ăn’ từng tí của dân, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bảo hiểm…”.

Pháp luật chỉ để trị cái đã rồi, còn lễ thì ngăn cấm được việc chưa xảy ra: “Phàm nhân chi tri, năng kiến dĩ nhiên, bất kiến tương nhiên. Lễ giả cấm ư tương nhiên chi tiền, nhi pháp giả cấm ư dĩ nhiên chi hậu… Lễ vân, lễ vân, quí tuyệt ác ư vị mạnh, nhi khởi kính ư di diểu, sử dân nhật tỉ thiện viễn tội nhi bất tự tri dã”.

(Phàm cái biết của người ta chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi…Lễ vậy, lễ vậy, lễ quí là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết – Đại Đái Lễ ký: Lễ tế).

Thánh nhân chỉ trọng lễ chứ không trọng hình luật bởi vì tác dụng của lễ thật là quảng đại, thật là tinh vi. Hồ Thích đã nói trong sách Trung Quốc triết học sử rằng: “Trong cái nghĩa rộng chữ lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”. [Trần Trọng Kim, Nho giáo – Quyển thượng, in lần thứ 4, trang 155, Nxb Tân Việt – Sài Gòn]

Bỏ “tiên học lễ” là một sai lầm lớn

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (từ năm 2008) – cho biết khi trường quyết định bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”: “Ở mình có những cái đã quá lâu, quá cũ nhưng nhiều người vẫn ngại thay đổi khi đã cần phải thay đổi”. Đừng chê “tiên học lễ” là “cái đã quá lâu, quá cũ”, bởi vì sự giáo hóa của lễ rất tinh vi và có hiệu quả rất sâu xa: “Lễ chi giáo hóa dã vi, kỳ chỉ tà dã ư vị hình, sử nhân nhật tỉ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri dã” (Sự giáo hóa của lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy lúc chưa hình ra, khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không biết – Lễ ký: Kinh giải, XXVI).

Hiện nay tình trạng đạo đức của công chức Nhà nước ngày càng xuống cấp, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng có nhận định: “Bây giờ đạo lý xã hội suy đồi, cái đúng cái sai không phân biệt được. Ở Việt Nam bây giờ, ngay trên các phương tiện truyền thông đại chúng và quan niệm xã hội rất lệch lạc nên cái đúng cái sai người ta không hiểu được. Điều này rất đáng buồn. Những người biết cái đúng và muốn tuyên truyền thì có khi nhà nước không cho làm. Những xã hội dân sự muốn truyền bá cái đúng thì lại không được nhân rộng, phổ biến, cho nên những điều không đúng có dịp sinh sôi nảy nở. Nói cho cùng người ta gọi nhà dột từ nóc dột xuống là như thế”.(Xem “Công chức bẻ hoa chụp ảnh: Nhà dột từ nóc?

Đạo đức xã hội hiện nay được Giáo sư – Tiến sư Nguyễn Thế Hùng kết luận là “dột từ nóc dột xuống”, ấy vậy mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại đề xuất: “Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”- vốn có xuất xứ từ Khổng tử- càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ được nên ghi nhận như một trong những thứ ta đã vay mượn, thời quá khứ xa xưa”.

Sao lại có chuyện phân biệt câu nói ấy “vốn có xuất xứ từ Khổng tử”? Nếu là một câu nói hay, có thể áp dụng vào đời sống của quốc gia, của dân tộc thì chúng ta ngại gì phân biệt “xuất xứ”! Không biết nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có bao giờ nghe những cụm từ như “giao thoa văn hóa”; “tiếp thu văn hóa”; “tiếp biến văn hóa”… hay chưa mà lại có đề xuất ấu trĩ như vậy?

“Tiên học lễ” tuy nó quá cũ nhưng nó như một bờ đê ngăn cản “những điều không đúng” trong xã hội: “Phù lễ cấm loạn chi lễ do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai dã”. (Lễ là cấm loạn sinh ra, như bờ đê giữ nước không đến vậy – Lễ ký: Kinh giải, XXVI). Will Durant có nhận xét về tác hại của việc phá bỏ đạo đức xưa: “Người nào cho những bờ đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội” – [Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.342]. Dùng “Lễ” để “ước thúc hành vi của bản thân ta” (Ước ngã dĩ lễ). Người giàu sang biết lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy; người lãnh đạo có biết lễ thì mới biết trọng dụng hiền tài, biết trị nước, an dân.

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

Bình Luận từ Facebook

23 BÌNH LUẬN

  1. Trong đám văn nô cho cộng sản, Lại Nguyên Ân (LNA) có “vai vế” nhất nên tôi có lời bình luân trước .

    “nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại đề xuất: “Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”- vốn có xuất xứ từ Khổng tử- càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ được nên ghi nhận như một trong những thứ ta đã vay mượn, thời quá khứ xa xưa”.

    LNA biết 1 mà không biết 10 :

    Không phải cái gì từ Khổng Tử là thứ vứt đi , LNA gọi THLHHV là “khẩu hiệu” là do não trạng hắn bị xích hóa đỏ hơn máu bò nên phun đã ra những lời như vậy, cứ nhìn “công dân” VNCH được đào tạo trong môi trường THLHHV ăn nói , cư xử chừng mực ra sao thì rõ . Xa hơn nữa Nhật Bản trước đây là 1 xã hội phong kiến, Khổng giáo chi phối nặng nề trên toàn xã hội, nhưng LỄ NGHI tốt đẹp từ thời phong kiến vẫn được duy trì trong toàn thể xã hội cho đến ngày nay , mặc dù trong học đường không có “khẩu hiêu” gì cả .

    Từ ngày Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa cộng sản chủ trương ĐẤU TRANH GIAI CÂP vào VN, nhất là sau năm 1951 rập khuôn theo Trung cộng tổ chức ĐẤU TỐ vô cung man rợ đã làm đảo lộn mọi trật tự có tự ngàn xưa trong xã hội, con đấu cha, vơ đấu chồng, đông chí đông rân rình râp nhau,, không khí nghi ngờ lẫn nhau “lập công dâng đảng” bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội… thi thử hỏi cái gì còn gọi là LỄ trong chế độ cộng sản hiên nay nữa .

  2. Truoc khi ban’Tien hoc Le hau hoc Van’ chung ta can ban nhu the nao la Le? Toi e rang niem ve chu Le cua nguoi cs trong the che nay khac xa voi chu Le thoi Nho giao hay thoi VNCH

    • Định nghĩa dông dài, trích dẫn sách vở, hay là chiết từ chữ Hán, v.v… thì tôi thua, nhưng xin mạn phép góp vài chữ để phủ nhận luận điểm rằng “lễ khiến người ta không dám phản biện”.
      Ai muốn phản biện muốn tranh luận thì cứ việc làm.
      Chỉ khác nhau ở chỗ là người thủ lễ thì chờ đối phương trình bày hết ý rồi tranh luận lại bằng giọng điệu vừa phải, nhất nhất đều tôn trọng đối phương, còn kẻ không thủ lễ thì đập bàn quát tháo, vung tay múa chân, cắt ngang lời, nhảy vào họng người ta.
      Đối với tôi thì “lễ” = “tôn trọng”, chỉ đơn giản vậy thôi.
      Thử bỏ chút thời gian đọc các comment xem, lễ hay không cũng thể hiện ra hết đấy.

  3. 1. Bài này tác giả đã đăng trên “nghiencuulichsu.com” ngày 31/3/2017, không hiểu vì lẽ gì mà lại được quý báo bới ra để thảo luận!?
    2. Nhân đây, bản nhân xin góp vài lời:
    a. Có các nghề rất cao quý, hành nghề BẰNG MỒM (ca sĩ, dạy học…..), nhưng do phong trào TỰ CỨU MÌNH, nên có rất nhiều cá nhân tự suy thoái đã biến các nghề cao quý này thành ra là hành nghề BẰNG LỖ MỒM!
    b. Nguyễn Duy rất giỏi khi ông ấy phát hiện ra rằng LỖ MỒM và LỖ TRÔN chỉ là một (Đĩ cấp thấp bán TRÔN nuôi MIỆNG, Đĩ cấp cao bán MIỆNG nuôi TRÔN)!
    c. Vậy nhé, nghành giáo dục đừng biến MỒM thành LỖ TRÔN nhé, CHỈ CÓ VẬY THÔI!?!?

    _______

    Editor: Cảm ơn ông góp ý. Chúng tôi không “bới ra”, mà chúng tôi đăng bài của tác giả gửi tới trong ngày. Có thể tác giả đã gửi bài này đăng ở đâu đó trước đây, nhưng Tiếng Dân chưa từng đăng. Hơn nữa, hiện có kiến nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, cho nên chúng tôi đăng bài của tác giả, phản biện kiến nghị kia. Nếu ông không thích thì không nên đọc.

  4. Bài viết này đã đăng trên nghiencuulichsu.com ngày 31/3/2017. Hơn 4 năm rồi mà vẫn còn muốn bới ra để bàn nữa chăng?

  5. Nếu tôi dồng ý với nhận định của gsts.Ng.Thế Hùng bao nhiều thì tôi qúa thất vọng
    với ý kiến cực đoan của nhà nghiên cứu LNA. bấy nhiêu !
    Vân đề không phải là vay mượn nền văn minh nào mà là nền văn minh nhân loại
    cho phép chúng ta chắt lọc ra được cái tốt đẹp để giữ gìn và cái xấu ác thì phải
    loại bỏ, chứ không nên cực đoan phủ nhận hay “theo đuôi” qúa mức.
    Như thế thì nhân loại vẫn không ngừng đi trên con đường chân thiện mỹ !

  6. ” Tiên học lễ , hậu học văn” là câu do các thành phần nhà giáo bọn Ngụy trương lên kháp các trường. Sau năm 75 thi thoảng có trông thấy, nhưng từ năm 76 đã được thay thế bằng câu ” sống chiến đấu học tập theo gương bác Hồ vĩ đại” va Đảng csvn quang vinh muốn nằm

  7. Bài hay và sâu, anh Nghệ ạ!. Cảm ơn anh vì những điều anh viết ra. Phải có vốn Hán học sâu mới có bài nêu tổng quát về chữ Lễ như thế. Tôi học tiểu học trong miền Nam trước năm 1968, tôi hiểu câu “Tiên học Lễ hậu học Văn”, nó cần thiết để vun bồi đạo đức học trò như thế nào. Tôi không công kích ông Trần Nọc Thêm cũng như học vị TSKH của ông ấy. Nhưng với tôi, tiến sĩ như thế thì xoàng; và nữa tuy nghiên cứu về văn hóa nhưng phát biểu của Trần Ngọc Thêm cho ta biết: Tri thức của ông ấy có vấn đề. Khi chưa đọc bài của anh Nghệ, tôi đã muốn viết cái gì đó phản bảc ông Thêm rồi. Cho dù” Tiên học Lễ hậu học Văn” là của Khổng giáo, nhưng văn minh nhân loại là sự tiếp thu, chọn lọc cái hay cái đúng mà dùng chứ. Đừng thiển cận đến mức đạp đổ hết những cái hay, cái đúng của người ( thế lực) đối nghịch với mình. Ngày trước chúng tôi đi học rất tôn kính, quý trọng thầy mình; ra đường thấy người già biết cúi đầu chào; thấy đám tang biết đứng lại, nhường đường đám tang đi qua… Tất cả những điều đó, có được là nhờ chữ Lễ. Chữ Lễ không dạy chúng tôi sắt máu, hiếu chiến, tranh đoạt… cốt lấy cái lợi cho mình. Chữ Lễ như thế không quý thì chữ gì quý hơn!? Đọc anh Nghệ lâu nay, nay mới dám có ý kiến thô này!

  8. “Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao?”

    2 hào của tớ, sẽ trở lại với thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là thời Cộng Sản chân chính, chứ hổng phải mạo danh Cộng Sản như bây giờ .

  9. Nguyễn Văn Nghệ đừng nói “Lễ” chung chung.
    Cụ thể, Lễ là nội dung của kinh Lễ 1 trong ngũ kinh) từ bên Tàu sang ta.
    Các nước châu Âu không cần dạy Lễ (mà dạy cái khác)
    Muốn dạy Lễ, hay dưa ra nội ung cụ thể. Và đào tạo các thầy dạy “lễ”

    • Tiên học lễ là phải biết lế phép, kính trọng bác Hồ, Đẻn
      Hậu học ăn học đớp. Có kính bác hồ, có iu Đẻn thì mới có miếng ăn, có đùi gà mà đớp

  10. Cũng nên thay đổi cho phù hợp với Xã hội Chủ nghĩa và thời đại 4.0 (hay 0.4). Đề nghị thay:
    “Tiên học lễ, Hậu học văn”
    bằng:
    “Tiên học đ…é…o, Hậu học tham”
    vì khách sạn cho mướn giờ… để trẻ học biết cách “chơi”.. và khi lớn lên, vì biết cách “chơi”, nên cần phai “tham” để thoả mản cái tánh “chơi” đó cho sành điệu của một cán bộ cộng sản.

  11. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, doanh nhân văn hóa thế giới, người đã sánh vai cùng với Lê nin, Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông… trên bảng phong thần của các nhà báo Ba lan, đã ân cần dặn dò cán bộ đảng viên rằng: ” Nói dối mà có lợi cho đảng thì được phép nói ”

    Cái gốc của văn, của lễ trong xã hội do đảng ta lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nó là như thế.

  12. Rất cám ơn bài viết của Anh Nghệ. Tôi không biết gốc gác của Anh, nhưng qua quan điểm và cách hành văn, tôi đoán chắc, Anh được học dưới mái trường VNCH, nên hấp thụ những tinh hoa của nền Giáo Dục Nhân Bản.

    Anh viết hay, nhưng có 1 diểm yếu lá Anh NGẠI, nói chính xác là SỢ. Anh dẫn chứng toàn những chuyện thời tám hoánh, mà không hề đá động gì đến bài viết mới nhất của Chu mộng Long ” Tôi ủng hộ Ông Trần Ngọc Thêm “, đả kích dữ dội câu ” Tiên học Lễ, hậu học Văn ” vào hùa với PX Nhạ, TN Thêm ( Bài này chỉ cách đây 6 bài ).

    Với bản tính thẳng thắng, bộc trực của 1 thằng Cựu Lính Trận QLVNCH, tôi ” Nộ khí Xung Thiên “, chửi như tát nước vào mặt. Anh SỢ gì CM Long, mà Anh không dám lên tiếng ?. Trong cuộc đấu tranh chống bọn tà quyền cs gian ác, giống như dọn 1 đống rác làm cản trở lưu thông, ngoài chuyện, chúng ta mỗi người dùng xô, chậu, xe cút kít… chăm chỉ hốt rác, chúng ta phải CHẬN ĐỨNG những tên khốn nạn mang những xe ba gác rác khác đến đổ chồng lên.

    Có như thế, mới hy vọng dọn sạch, còn làm ngơ ( vì SỢ ), không dám NGĂN CHẬN, thì đống rác không những được dọn sạch, mà càng ngày còn cao hơn và việc đấu tranh của chúng ta trở thành CÔNG DÃ TRÀNG.

    Thân. LCL.

        • “Có như thế, mới hy vọng dọn sạch, còn làm ngơ ( vì SỢ ), không dám NGĂN CHẬN, thì đống rác không những KHÔNG được dọn sạch, mà càng ngày còn cao hơn và việc đấu tranh của chúng ta trở thành CÔNG DÃ TRÀNG

          2 phủ định, không không, sẽ làm nên xác định, có.
          Anh chỉ vô ý viết sót thôi.

          • Xin cám ơn 2 bạn đã chỉ ra. Có thể do tuổi tác và đọc nhanh, nên không thấy. Thân. LCL.

        • Trích:
          “…không dám NGĂN CHẬN, thì đống rác không những được dọn sạch, mà càng ngày còn cao hơn…”.

          Viết đúng nghĩa là:
          “…không dám NGĂN CHẬN, thì đống rác không những KHÔNG được dọn sạch, mà càng ngày còn cao hơn…”

Comments are closed.