Trần Đông A
19-9-2021
Từ chối nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, động hướng ngoại giao của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – trong tuần lễ ở Cuba và Liên Hợp Quốc, sau đó, theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, sang Washington “để có một số hoạt động song phương tại Mỹ” – liệu có bị mất đà? Chính quyền Mỹ không có bất cứ lời mời chính thức nào đã đành, mà ngay cả các cuộc tiếp xúc giữa ông Phúc với sở tại, cho đến nay, chưa thấy có một cơ quan nào ở Mỹ đứng ra nhận “lobby” hay bảo lãnh.
Bối cảnh mới: Liên minh tay ba – AUKUS
Ngày 15/9 năm nay sẽ đi vào lịch sử thế giới. Tổng thống Joe Biden vừa công bố thành lập liên minh quân sự mới giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc nhằm củng cố sự ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng quân sự trong khu vực. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng Tổng thống Biden công bố sự ra đời của liên minh này qua mạng. Như vậy từ nay, một “Bộ Tam” mới đã xuất hiện. “Hôm nay, chúng ta thực hiện thêm một bước đi lịch sử để làm sâu sắc và chính thức hóa sự hợp tác giữa cả ba nước chúng ta, vì chúng ta đều nhận thấy nhất thiết phải bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài”, Tổng thống Biden tuyên bố từ “Phòng Phía Đông” (East Room) của Nhà Trắng. Ông Biden khẳng định: “Sự hợp tác này là nhằm đầu tư cho nguồn sức mạnh lớn nhất, đó là liên minh của chúng ta” [1].
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, liên minh quân sự mới này được công bố trước thời điểm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bay sang Cuba, LHQ và Hoa Kỳ. Cầu Trời khấn Phật sao cho ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đừng nghe Trung Quốc xui dại, lại ra tuyên bố lên án tập hợp lực lượng mới này. Bởi vì, “bước đi lịch sử” nói trên được đánh giá là tất yếu và sẽ được các chiến lược gia thế giới, đặc biệt là các nhà phân tích của “Bộ Tứ” và ASEAN quan tâm, mổ sẻ và phân tích. Họ sẽ mổ sẻ và phân tích ngay trong thời gian LHQ họp. Hiển nhiên, Trung Quốc hết sức giận dữ về “Hiệp ước AUKUS” [2], một hiệp ước đã không ra đời nếu như Trung Quốc không tiến hành các động hướng cản phá và đẩy lùi chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Còn nhớ ngày mới khai sinh, Ngoại trưởng Vương Nghị từng diễu cợt, FOIP sẽ chỉ là một “miếng bọt biển” không hơn không kém và sẽ bị sóng đánh tan tành [3]. Giờ đây, “miếng bọt biển” ấy đã lớn thành một hiệp ước an ninh làm Trung Quốc lo sốt vó, nhưng dư luận quốc tế thì đánh giá, 60 năm nay, mới có một tập hợp lực lượng quyết liệt và quy mô như vậy.
Còn câu chuyện sau đây lại không hề ngẫu nhiên chút nào: AUKUS ra đời đúng một hôm thì ngay ngày hôm sau, 16/9/2021, Trung Quốc chính thức nộp đơn đến Tân Tây Lan, vì Tân Tây Lan đóng vai trung tâm hành chánh, để xin gia nhập CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) mà 11 nước đã tham gia, không có Mỹ [4]. Phải công nhận Trung Quốc hành động khá mau lẹ. Việc Trung Quốc giành quyền trở thành thành viên CPTPP sẽ dẫn đến tình huống trớ trêu: Nhóm này ban đầu được thiết kế để nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực thương mại, thì giờ đây Bắc Kinh đang tìm kiếm tư cách thành viên trong khi Washington lại ở bên ngoài nhóm. Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP có mục đích thâm hậu là nhằm chia rẽ Mỹ và Nhật [5], đồng thời đặt các thành viên trong nhóm vào vị thế khó xử [6]. Và cái tên Trung Quốc dù không được đề cập trực tiếp, ba nhà lãnh đạo AUKUS đã liên tục nhắc đến các mối quan ngại về an ninh khu vực mà họ cho rằng đã “tăng lên đáng kể”.
Việt Nam coi chừng dễ mất đà!
Một trong những nội dung sáng láng của Hiệp ước AUKUS là cách thức thoát Trung của Úc một cách ngoạn mục mà nhiều nước có thể tham khảo. Nhưng nếu như “thoát Trung “ chưa phải là mục tiêu trước mắt của ban lãnh đạo Hà Nội, thì những người giúp việc cho Bộ Chính trị cần phải phân tích sâu một nội hàm có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Đó là, Mỹ và các đồng minh đã quyết định thiết kế một chiến lược mới nhằm chấm dứt chính sách bắt nạt và cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và các nước liên quan, trong đó có Việt Nam [7]. AUKUS là hợp tác quốc phòng tay ba Úc – Anh – Mỹ sẽ có ảnh hưởng rất lớn và quyết định đối với vòng vây ngăn chặn Trung Quốc [8]. Chắc chắn phải trang bị kiến thức cơ bản này cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, nhất là quyết tâm chiến lược của Mỹ và đồng minh chấm dứt việc khoa trương sức mạnh của Trung Quốc trên biển đảo và trong khu vực. Liên quan đến Biển Đông – không gian sinh tồn của Việt tộc bao đời nay và của gần cả trăm triệu người Việt ngày nay – ông Phúc không thể “đi hàng hai” tại LHQ, lại càng không thể vì quan ngại Trung Quốc mà tuyên bố đánh đồng vai trò của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Đánh đồng Trung Quốc với Mỹ trong trường hợp này là “nối giáo cho giặc” [9].
Cũng may mà trước ngày chuyên cơ chở ông Phúc, trong tư cách là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam, sang LHQ, thì bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên là ủy viên TƯ ĐCSVN, có thời từng là cấp trên của ông Nguyễn Xuân Phúc hồi cả hai còn ở Quảng Nam), được công khai hoá trên mạng [10]. Đây có lẽ là một bài góp ý cho Đại hội 13 nhưng nay “dân đen” mới được đọc. Không rõ, tại LHQ, vào chiều 23/9 tới đây, có chữ “Biển Đông” nào trong bài diễn văn ông Phúc đọc trước hàng trăm nguyên thủ quốc gia các nước hay không. Chứ cứ theo như 7 mục tiêu trong chuyến công du Tây bán cầu của ông kỳ này được Bộ Chính trị duyệt, qua phát ngôn của một Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, câu chuyện Biển Đông dường như bị bỏ qua [11]. So với “đoạn trường tân thanh” của ông Vũ Ngọc Hoàng cùng với biến cố 50 – 60 năm các đại cường mới dịch chuyển chiến lược một lần qua Hiệp ước AUKUS, đã đến lúc Việt Nam hãy chọn bạn mà chơi.
Người Mỹ chắc không như Bắc Kinh. Xem cách họ đối đãi ông Phúc ở Washington, chúng ta thấy họ sẽ không “ăn miếng trả miếng” vì vụ Việt Nam đón tiếp đoàn Phó Tổng thống Harris. Đón phái đoàn gần với cấp nguyên thủ của Mỹ mà thấp hơn mức đón Vương Nghị, chỉ là cấp bộ trưởng của Trung Quốc. Trong đầu óc các chiến lược gia hàng đầu của Hoa Kỳ chỉ có 2 ưu tiên: chiến lược và lợi ích của Mỹ/đồng minh. Nước Mỹ cần Việt Nam thật, nhưng có lẽ thấp hơn mức Việt Nam cần nước Mỹ. Và người Mỹ hiểu sâu sắc câu chuyện sau hậu trường của nền chính trị “tiền – quyền” và nền ngoại giao “củ chuối” như một bình luận trên RFA [12]. Liệu giá trị “đồng minh kinh tế” như GS. Noah Smith đề xuất, có đủ để “giải cứu” Việt Nam hậu Covid Vũ Hán? “Lòng Dân Việt Nam” thì quá rõ, đến hơn 90% người dân Việt Nam thích làm ăn với Mỹ [13]. Sóng đã đổi hướng, gió đã đổi chiều, Mỹ và đồng minh đamg đổi chiêu, còn Trung Quốc thì luôn giở mặt. Giữa một chiếc thuyền độc mộc của ĐCSVN bất định và cô độc trên đại dương, với “đội thuyền buồm căng gió thời đại” của toàn dân Việt Nam – bên nào sẽ có tương lai hơn?
Những bài có thể tham khảo thêm:
[3] http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-asean/7220-quan-diem-cua-asean-ve-an-do-duong-thai-binh-duong
[4] https://thediplomat.com/2021/09/will-china-actually-join-the-cptpp/
[7] https://www.youtube.com/watch?v=IldiVQxpI_o&ab_channel=KTV1
[8] https://www.nytimes.com/2021/09/16/world/australia/australia-china-submarines.html
[10] http://www.viet-studies.net/kinhte/VuNgocHoang_TraoDoiBienDong.html
[12] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/power-money-and-blunt-diplomacy-09032021142256.html
[13]https://www.youtube.com/watch?v=NJoVK_Fijp0&ab_channel=NuaVongTraiDatTV
Chỉ cần Niểng Nổ đùng mang mớ cờ lờ mờ vờ lên chuyên cơ thì đã là một hy vọng.