Quân đội Afghanistan: Nhụt chí. Đầu hàng

Die Zeit

Tác giả: Thomas Wiegold

Vũ Ngọc Chi, dịch

17-8-2021

Một người lính của Quân đội Quốc gia Afghanistan, ở gần Bagram. Nguồn: Mohammad Ismail / Reuters

Mỹ và các đồng minh đã bơm hàng tỷ USD vào quân đội Afghanistan. Sau khi đồng minh rút quân, quân đội này lại đầu hàng Taliban ở nhiều nơi mà không có giao tranh và tan rã. Tại sao?

Nhụt chí. Đầu hàng

Trên giấy tờ, các lực lượng vũ trang Afghanistan là một thế lực đáng gờm. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thống kê chính xác 300.699 nam giới – và một số phụ nữ – vào cuối tháng 4 năm nay. Và Lầu Năm Góc phải biết: Mỹ không chỉ tài trợ trang thiết bị và hoạt động hàng ngày của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) và các đơn vị vũ trang khác của Bộ Nội vụ, mà còn trả tiền lương cho họ. Chỉ riêng Mỹ, đã chi hơn 83 tỷ USD cho vũ khí, trang thiết bị và việc đào tạo cho ANA.

Trong vòng vài tuần, lực lượng này không chỉ thua trong cuộc chiến chống lại Taliban, mà còn tránh đối đầu ngay từ đầu ở nhiều nơi. Toàn bộ các lực lượng lớn trên thực tế đã giải thể sau khi chỉ huy của họ đồng ý trao quyền không đổ máu cho quân nổi dậy. Những người lính của các quốc gia phương Tây, những người trong gần hai thập niên đã thúc đẩy việc đào tạo và phát triển lực lượng an ninh Afghanistan, hiện đang ngạc nhiên về những gì đã thật sự xảy ra.

Không có câu trả lời đơn giản cho điều đó và không có lý do duy nhất. Các vấn đề bắt đầu với những con số. Có 300.699 thành viên của lực lượng an ninh, là một con số dường như chính xác, đặc biệt kể từ khi một hệ thống sinh trắc học đã được thiết lập để ghi lại số binh sĩ và cảnh sát viên – trước đó những cấp trên tham nhũng thường chỉ đơn giản là bịa ra cấp dưới và bỏ tiền lương vào túi riêng của họ. Số liệu thống kê, tính đến ngày 29 tháng 4, không bao gồm tất cả những người đã ngã xuống trong vài tháng qua, bị thương bởi Taliban hoặc bị bắt làm tù binh, hoặc đơn giản là đã đầu hàng. Và ngay cả những người đã rời quân ngũ trước đó cũng không.

Tỷ lệ đào ngũ là một vấn đề trong nhiều năm, đặc biệt là đối với quân đội. Theo báo cáo mới nhất của đặc phái viên của chính phủ Hoa Kỳ ở Afghanistan cho ANA, cái gọi là tỷ lệ tiêu hao này trung bình là ba phần trăm mỗi tháng. Đối với cảnh sát quốc gia, con số này thậm chí là 3,5% trung bình hàng tháng. Chính phủ Afghanistan đã giữ kín trong thời gian gần đây các chi tiết này.

Thường họ không phải là những người đào ngũ theo cách hiểu của phương Tây, mà là những thanh niên trẻ được bố trí ở các vùng khác của đất nước, xa gia đình – và là những người sau đó coi nghĩa vụ chăm sóc gia đình quan trọng hơn việc phục vụ trong quân đội. Nhiều tân binh cũng đã gia nhập lực lượng vũ trang để tránh cuộc sống nghèo khổ, bên bờ vực sống còn. Việc họ chọn lực lượng vũ trang nhà nước chứ không phải Taliban, thường là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ở các vùng nông thôn của Afghanistan, nơi có đặc điểm là cấu trúc bộ lạc, quân đội cung cấp cho những người lính này ít động lực ngoài việc trả tiền để tham gia. Chiến đấu trong các đơn vị khu vực và do đó một phần là hỗn hợp sắc tộc ở bên ngoài, xa khu vực quê hương của họ, hầu như không củng cố động lực chiến đấu.

Các huấn luyện viên phương Tây đã phàn nàn về sự thiếu động lực này trong nhiều năm. Sau nhiệm vụ của họ, nhiều binh sĩ của Bundeswehr (quân đội Đức) cũng tường thuật về những người lính hầu như không tuân theo các thỏa thuận và dường như họ đã quên những gì họ đã thực hành tuần trước. Ở các cấp bậc càng cao, điều này càng ít xảy ra. Ở các cấp bậc cao của giới sĩ quan, những người lính làm việc chuyên nghiệp, những người tham gia vào việc hình thành một đoàn quân theo kiểu mẫu phương Tây.

Các lực lượng vũ trang đã phải tranh đấu với việc thiếu hứng thú, ngay cả khi Taliban dường như vẫn ở thế phòng thủ. Vài tháng qua, thực tế là từ một năm qua, kể từ thỏa thuận giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Taliban vào tháng 2/2020, tình hình trở nên tồi tệ hơn: Các binh sĩ Afghanistan đã tuyên bố rõ ràng rằng, những người phương Tây ủng hộ họ sẽ rút về, bất kể tình trạng trong nước sẽ phát triển như thế nào.

Với sự rút lui của Hoa Kỳ, các công ty công nghiệp dân dụng cũng rời khỏi đất nước

Nhưng lực lượng an ninh Afghanistan phụ thuộc vào sự hỗ trợ này từ quân đội quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ. Phần lớn công nghệ của họ, thứ đã giúp họ vượt trội trước phiến quân, phụ thuộc vào phương Tây: Việc bảo trì máy bay trực thăng và máy bay của Không quân Afghanistan, kết quả trinh sát, ví dụ qua các bức ảnh trên không và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nguồn cung cấp vũ khí hiện đại.

Việc Mỹ rút quân đã chấm dứt điều này. Bởi vì cùng với những người lính, những công ty dân sự, những người được gọi là nhà thầu, cũng đã rời bỏ nước này. Và những công ty này rất quan trọng đối với hoạt động của Lực lượng Không quân. Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ ước tính vào mùa Xuân rằng, nếu không có các kỹ thuật viên dân sự, lực lượng không quân này sẽ không hoạt động trong vòng hai đến ba tháng.

Điều này dẫn đến một vòng xoáy làm nhụt chí, mà cuối cùng trên thực tế đã làm tiêu tan sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Afghanistan. Taliban càng chiếm được nhiều quận và càng kiểm soát được nhiều đường nông thôn, thì binh lính càng phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ đường hàng không. Nếu điều đó không xảy ra và lương thực và đạn dược sắp hết, họ không còn cách nào hơn là trao quyền cho quân địch chứ không chịu chiến đấu.

Mặc dù vậy, lực lượng không quân Afghanistan vẫn được coi là bộ phận hiệu quả nhất của lực lượng vũ trang bên cạnh cái gọi là biệt kích: Lực lượng đặc biệt chống lại Taliban nhờ sự huấn luyện xuất sắc, hỏa lực và trên hết là động lực chiến đấu. Nhưng khi các lực lượng vũ trang bình thường càng ít có khả năng để tự chống lại quân nổi dậy, thì những biệt kích này càng phải tham dự vào nhiều mặt trận nhỏ và cuối cùng hầu như không thể thực hiện được khối lượng lớn các ủy nhiệm.

Lực lượng vũ trang lớn với hơn 300.000 người hóa ra lại là một gã khổng lồ với đôi chân bằng đất sét, đã thất bại vì những vấn đề thực tế – nhưng trên hết là vì thiếu động lực. “Họ chỉ đơn giản là mất tinh thần”, một sĩ quan của Bundeswehr chứng kiến ​​sự kết thúc nhiệm vụ của Đức cho biết. Việc chính quyền ở Kabul, cho tới lúc nó vẫn còn tồn tại, cũng bị cho là tham nhũng và tham gia vào việc tranh giành nội bộ, cũng không làm tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong các cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, nhiều binh sĩ bày tỏ sự tuyệt vọng và cảm giác bị chính phủ bỏ rơi. Tại sao lại phải hy sinh mạng sống của mình cho một người không thể lo được những thứ cơ bản như đạn dược và lương thực?

Liệu cuối cùng tiền bạc có đóng vai trò gì trong việc Taliban dùng để mua chuộc các chỉ huy khu vực hay không, cho đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán và khó có thể kiểm chứng được. Bởi vì, cho dù một vị tướng trao doanh trại của mình và cả vũ khí mà không chiến đấu vì không muốn đưa những người lính của mình tham dự vào một cuộc chiến vô vọng, hay là ông ta trong thâm tâm có cảm tình với Taliban, hoặc được trả tiền hay không, có lẽ sẽ không bao giờ làm rõ được.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Quân đội Afghanistan: Nhụt chí. Đầu hàng
    -17/08/2021
    Die Zeit
    Tác giả: Thomas Wiegold
    Vũ Ngọc Chi, dịch

    Quân đội Afghanistan: Nhụt chí. Đầu hàng
    Chiến binh Taliban HỒ HỞI (từ Bên thắng k..uộc)
    Chiến binh Taliban phấn chấn PHẤN KHỞI (từ Bên thua k..uộc)
    Tha hồ ‘hưởng thụ’ Chiến lợi phẩm Trinh trắng
    Còn quân đội Afghanistan: Nhụt chí. Đầu hàng


    A Phú Hãn : Trinh nữ xa Cha Mẹ trong y phục cô dâu trinh trắng – Thục nữ trở lại về Nhà đầu vấn khăn sô thương tang
    ********************************

    Hôm qua Hôm nay Ngày mai sao mông lung
    A Phú Hãn Kiếp phụ nữ quá đỗi chập chùng
    Thời Hoà bình cũng như Thuở Chinh chiến
    Thương thân phận hàng triệu Cánh Hồng nhung
    Hũ tục đạo Hồi bắt mặc áo chùm đeo mặt nạ
    Thiếu ánh Thái dương Thần nữ che khuất chân dung
    Giấc mơ làm Người chắc Kiếp sau thành Hiện thực
    Nhưng sẽ mãi hoàn không nơi Quê Hương thiếu bao dung
    A Phú Hãn biết đến Thiên kỷ Bốn sẽ đổi thay thay đổi ?
    Nhìn qua Ai Cập xứ sở từng rực rỡ huy hoàng Văn minh
    Gần Bảy Ngàn năm bỗng sụp đổ vào Hố đen Vũ trụ
    Từ khi Đạo Hồi thành phần cực đoan phá toang hoang
    Chỉ mới hiện hữu già chưa đầy Ngàn bảy trăm tuổi
    Taliban từng bình địa san bằng Afghanistan
    Triệu cánh Hướng Dương Chẳng có một Bình minh rực rỡ
    Trinh nữ xa nhà Cha Mẹ trong y phục cô dâu trắng trinh
    Thục nữ trở lại về Nhà đầu vấn khăn sô vầng tang trắng
    Cầu xin Ông Đạo sinh viên Hồi giáo lần này ơi Taliban !…
    A Phú Hãn : Afghanistan Thiên đang hay Hoả ngục ? ?
    Giờ đây lần hai này cầu xin Allar cứu vớt Afghanistan !
    Mong sao Giáo chủ Thánh quyền trị vì sáng suốt rộng lượng
    Tôi khẩn cầu xin Ông Đạo sinh viên Hồi giáo lần này ơi Taliban !…
    Xin vào vui thú hồn nhiên cỡi xe hơi con như con trẻ
    Chớ chơi khoái lạc ‘cỡi’ Chiến lợi phẩm Phụ nữ Afghanistan !

    TỶ LƯƠNG DÂN

  2. Nói gì thì nói,chứ Mỹ và phương Tây nếu bất đắc dĩ nhảy vào các nước Hồi giáo để
    thực hiện được mục tiêu ngắn hạn thì OK, còn dây dưa mãi thì sẽ chuốc lấy thất bại
    như đã thấy ! Bởi vì mâu thuẫn cốt lõi nhất là về tôn giáo khiến người Afghanistan
    vốn Hồi giáo sẽ ác cảm với phương Tây Thiên Chúa giáo.Do đó,càng ở lâu thì càng
    gây mất lòng dân còn nhiều hơn cả sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam trước
    kia (vì đã không những làm mất thiện cảm của dân VN.mà còn đẩy ngưòi dân ngã
    về phiá những luận điệu tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”).
    Vấn đề là việc rút quân ra cần phải được tính toán kỹ lưỡng nhưng theo một học giả
    danh tiếng người Mỹ gốc Nhật thì lần này Mỹ không hề có cái gọi là “Decent interval”
    trước khi Kabul sụp đổ như Sài Gòn. Hơn nữa,theo đánh giá khá hời hợt hay “mặc kệ”
    của vài quan chức chính phủ Mỹ thì họ không thể ngờ Taliban chiếm đoạt Kabul nhanh
    như vậy ! Thậm chi,họ còn… lạc quan tếu rằng Kabul sẽ trụ được ít nhất 2 năm như
    Sài Gòn ! Chính trị là phải tiên liệu rốt ráo mọi tình huống xấu nhất, chứ than vãn sau
    khi thất bại thì còn nói làm gì, về… đuổi gà cho vợ còn hơn !
    Taliban chiến thắng sẽ làm bọn khủng bố tự tin vào sức mạnh hủy diệt của chúng và
    không chừng một loạt nhà nước Hồi giáo ra đời thì thế giới sẽ khó an bình nổi ?

  3. Đế quốc Mỹ là đế quốc văn hóa, dự hiên diên của lính Mỹ chỉ nhằm phổ biến văn hóa tiêu dùng kiểu Mỹ, sau 20 năm hiện diện ở Afghanistan nhiêm vụ của quân đội Mỹ đã hoàn thành nên họ rút ra . Thắng hay bại về quân sự không có ý nghĩa gì hết.

Comments are closed.